Bán vườn cao su khi giá mủ đang tăng
Còn hơn 40.000 thùng C2, Rồng Đỏ nhiễm chì chưa được thu hồi
Giá hành tím Sóc Trăng tăng gấp 4 lần
Hàng giả đầy chợ Bến Thành
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 04-08-2016
- Cập nhật : 04/08/2016
Phát triển công nghiệp hỗ trợ quyết định sức cạnh tranh của nền kinh tế
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về Phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào lĩnh vực ô tô và cơ khí chế tạo.
Thông báo kết luận nêu rõ, công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu và phụ tùng để liên kết tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp hỗ trợ quyết định việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hoàn chỉnh. Mặt khác việc phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ làm tăng giá trị sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm mới và là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Xác định tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 về phát triển công nhiệp hỗ trợ. Các chính sách sẽ ưu tiên hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường; nhiều chính sách ưu đãi thuế cũng sẽ áp dụng để khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (trong đó có lĩnh vực ô tô và cơ khí chế tạo)…
Tuy nhiên, những chính sách hiện hành cần hoàn thiện và đồng bộ để thực sự tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương cần có giải pháp cụ thể thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ nước ta phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để triển khai phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình cơ khí trọng điểm; thành lập các Tổ chuyên gia có chuyên môn sâu, có sự tham gia của các Hiệp hội để đề xuất chính sách hỗ trợ cụ thể theo từng ngành, từng loại sản phẩm, theo vùng miền; đề xuất chính sách kêu gọi đầu tư và huy động vốn; tăng cường liên kết giữa các nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đồng thời khẩn trương hoàn thiện Đề án chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn tới năm 2035 và Chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm cho giai đoạn từ năm 2016 đến 2020 trình Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong quý IV/2016 xem xét, quyết định.
Bộ Công Thương tích cực tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 4370/VPCP-KTN ngày 06/6/2016 về lộ trình áp dụng khí thải ô tô (có liên quan tới lộ trình sản xuất nhiên liệu và động cơ).(DNVN)
Kinh tế có nhiều yếu tố tích cực trong trung và dài hạn
Trái với lo ngại của nhiều người trước sự giảm tốc của nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Bùi Thanh Sơn (đại biểu Đắk Nông) khá tự tin với những thành quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, cũng như dự báo tốc độ phát triển 6 tháng cuối năm và những năm sau này.
“Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, về trung hạn và dài hạn, kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố tích cực”, ông Sơn cho biết.
Cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng trong phát triển kinh tế không phải không có cơ sở, đó chính là trong nhiều năm qua, đặc biệt trong 3 năm gần đây Chính phủ liên tiếp ban hành 3 Nghị quyết 19/NQ - CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế cùng hàng loạt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết 35/NQ - CP mới được ban hành.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan, thì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã được mở rộng; mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh đã được nâng cao, đặc biệt là đã loại bỏ và giảm đáng kể các rào cản kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp. “Ngoài việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó đang xem xét các khả năng để giảm lãi suất cho vay, rà soát, kiểm soát và giảm ít nhất 20% phí giao thông đường bộ, thực hiện cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
nhưng đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ vẫn tràn đầy hy vọng, kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong những năm tiếp theo nhờ phong trào “quốc gia khởi nghiệp” được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động.
Theo ghi nhận của đại biểu Phan Ngọc Thọ, phong trào khởi nghiệp mặc dù chỉ mới được phát động, nhưng đang phát triển mạnh mẽ với sự tham sự gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên và doanh nhân trẻ. Ông Thọ cho rằng, khởi nghiệp được Thủ tướng xác định là hoạt động mang tầm quốc gia sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng đổi mới, sáng tạo, tạo động lực và cơ hội để thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh, không chỉ thị trường trong nước mà mang tính chất quốc tế.
Tất nhiên từ phong trào đến thực chất là quãng thời gian rất dài, và để biến phong trào thành thực chất thì cần phải loại bỏ hàng loạt rào cản, bất cập. “Trong khi chưa có luật điều chỉnh những bất cập, chồng chéo trong các luật chuyên ngành nhằm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư cạnh tranh cho các loại hình non trẻ này, Chính phủ cần rà soát các nội dung liên quan để kịp thời tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý và đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp”, ông Thọ đề xuất.
Mặc dù cho rằng, sức khỏe của doanh nghiệp chưa thực sự được phục hồi, nhưng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, sau khi Chính phủ mới được kiện toàn, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, gần như có một “làn gió đổi mới” của cải cách đã được hình thành và niềm tin vào môi trường kinh doanh lại một lần nữa được khơi dậy. “Quan trọng nhất là niềm tin đã trở lại, người dân và doanh nghiệp đã “ứng trước niềm tin” cho Chính phủ”, ông Lộc nhấn mạnh và cho rằng, chìa khóa để kinh tế phát triển bền vững chính là sự phát triển doanh nghiệp cả số lượng lẫn chất lượng.
Khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, theo ông Bùi Thanh Sơn mới chỉ là điều kiện cần để Việt Nam thực sự trở thành “điểm sáng” trong phát triển kinh tế, còn điều kiện đủ đó là phải chủ động hội nhập, trong đó hội nhập kinh tế phải được coi là trung tâm. “Chúng ta đã tham gia, ký kết và phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Để tận dụng được cơ hội cũng như đối phó với thách thức đặt ra, cần có sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng và đồng bộ giữa Quốc hội và Chính phủ. Trong thời gian tới, Quốc hội sớm phê chuẩn các FTA đã hoàn tất quá trình đàm phán, trước mắt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng thời vận động cơ quan lập pháp các nước sớm phê chuẩn các FTA; sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đối với việc nội luật hóa các cam kết FTA. “Vấn đề không kém phần quan trọng nữa là phải nâng cao khả năng thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai các FTA thì mới có thể tận dụng được các lợi ích mà FTA mang lại cũng như để ứng phó với các thách thức đặt ra”, chỉ có như vậy, kinh tế mới quay trở lại tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, mới thực sự là điểm sáng của kinh tế thế giới cũng như khu vực”, ông Sơn phát biểu.(NDH)
Hà Nội: Nợ thuế, trốn thuế cao nhất nước vẫn không công khai tên doanh nghiệp
Nợ thuế và phí liên quan đến đất trên địa bàn còn lớn, với số nợ còn 23.000 tỷ, đứng đầu cả nước, chiếm 13% nguồn thu ngân sách; trong khi đó, doanh nghiệp nợ thuế từ năm 2015 đến nay không được công khai...
Nợ thuế cao nhất nước nhưng vẫn không công khai tên doanh nghiệp
Sáng nay (2/8), HĐND thành phố Hà Nội tiến hành phiên chất vấn trực tiếp tại hội trường. Vấn đề nợ thuế, trốn thuế được các đại biểu đặc biệt quan tâm nêu câu hỏi yêu cầu Thành phố giải đáp.
Đại biểu Vân Hoa (Tây Hồ) đặt câu hỏi: “Tại sao một số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, trốn và từ bỏ cơ sở kinh doanh nhưng lại lập được một cơ sở kinh doanh khác? Để thực hiện tốt các giải pháp thu hồi thuế phí của các doanh nghiệp này thì UBND Thành phố có ý kiến gì? Liên quan đến tình hình thu thuế, đặc biệt với các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, đề nghị Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội làm rõ bao nhiêu phần trong tổng số nợ, thuế không thu được đến từ các doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh? Cục thuế Hà Nội có nắm được bao nhiêu % số nợ thuộc về đối tượng được khoanh nợ và xóa nợ?
Đại biểu Trần Thị Vân Hoa cũng nêu lên một thực tế khó hiểu, đó là danh sách các doanh nghiệp nợ thuế phí đã được công bố trên trang web của sở Kế hoạch - Đầu Tư, nhưng chỉ tới năm 2014, "vậy trách nhiệm công bố thuộc về ai?”
Cũng chất vấn về vấn đề này, đại biểu Phạm Thanh Mai nói: “Tại phiên họp cuối năm 2015, đồng chí Nguyễn Đức Chung, khi đó là Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định việc các doanh nghiệp bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh và trốn thuế gây ra những ảnh hưởng rất lớn. Các đồng chí đã khẳng định sẽ sớm điều tra nhưng qua giám sát thấy không có chuyển biến. 17 trường hợp phát sinh vẫn đang trong quá trình rà soát. Xin hỏi đồng chí Giám đốc CATP Hà Nội Đoàn Duy Khương, với quy trình phối hợp với ngành thuế, bao giờ việc xác minh sẽ kết thúc?”
Trả lời về vấn đề nợ thuế, trốn thuế, Phó Tổng Cục trưởng Cục thuế Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hiện nay, Cục thuế mới phối hợp với cơ quan CA để xác minh, điều tra và mới chỉ có 2 đơn vị, sang đầu năm sau cục thuế mới xác minh lại vì đang trong quá trình điều tra.
Phó Tổng Cục trưởng Cục thuế cũng cho biết, tổng số thuế mà DN bỏ trốn là 36 tỉ, số nợ là 1.551 tỉ đồng, các DN phá sản là hơn 2000 DN.
“Số liệu lớn này là từ năm 2006 đến giờ chứ không phải chỉ 1- 2 năm trở lại đây. Việc quản lý nợ bất cập như vậy vì có nhiều khoản khó thu, thậm chí là không thu được vì đơn vị bỏ trốn.” – ông Nguyễn Thế Mạnh thông tin.
Làm rõ hơn vấn đề này, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, khi về tiếp nhận cương vị Giám đốc, ông đã được báo cáo về tình hình nợ thuế, trốn thuế trên địa bàn Thành phố diễn ra rất phức tạp mà nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân rất quan trọng, đó là hệ thống luật chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp cơ hội để trốn thuế.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự hiện nay sửa đổi nhưng vừa bị tạm dừng để sửa đổi tiếp, đang chờ có hiệu lực, lúc đó mới tạo điều kiện cho các cơ quan điều tra vào cuộc xử lý nghiêm tội trốn thuế.
“Đây là nguồn thu của nhà nước, của chính quyền các cấp phục vụ cho hoạt động, trong khi đó ở một số đơn vị chức năng, lúc này lúc khác, nơi này nơi khác khâu quản lý chưa thực sự tốt. Đối với tội phạm trốn thuế, chúng tôi trông chờ vào cơ quan quản lý thuế báo sang, sau đó chúng tôi phải có quy trình kiểm tra xác minh chu đáo, giám định xem thiệt hại như thế nào, đáng xử lý hình sự hay chưa... Quá trình này thì gặp nhiều khó khăn vướng mắc, một là chuyên gia giám định, hai là kinh phí và ba là vấn đề thời gian. 6 tháng đầu năm, Công an Thành phố đã chuyển sang viện kiểm soát hai vụ trốn thuế. Đó là đã rất cố gắng” – Thiếu tướng Đoàn Duy Khương cho biết.
Sớm kết luận điều tra để xét xử công khai
Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đánh giá, hiện nay Hà Nội vẫn là đơn vị đứng đầu về nợ phí và đất, số đơn vị trốn khỏi địa chỉ kinh doanh vẫn còn và diễn biến phức tạp.
Với yêu cầu đưa số nợ về dưới 2%, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu cần tăng cường quyết liệt hơn để các đơn vị nghiêm chỉnh chấp hành nộp thuế. "Đề nghị ngành Thuế phối hợp với công an để xử lý các đơn vị vi phạm, phải sớm kết luận điều tra xem xét để công khai xử lý những đơn vị nợ thuế, vi phạm chính sách thuế" - Chủ tịch HĐND Thành phố nêu rõ.
Bà Ngọc đề nghị Thành phố phải giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các địa phương để thực hiện thu nợ thuế hiệu quả hơn, chứ "không nên cứ coi đây là việc của ngành Thuế".
Chủ tịch HĐND cũng đề nghị các đơn vị của Thành phố chấp hành kết luận của kiểm toán, tự phân tích các loại thuế của mình và xin ý kiến Trung ương để xử lý theo đặc thù của Hà Nội. “Quan trọng nhất là phân tích được nguyên nhân, khó ở chỗ nào, sau đó xin ý kiến, không phải cứ ngồi chờ luật”, Chủ tịch HĐND Thành phố nhấn mạnh.(VnMedia)
Bộ Tài chính đề xuất xóa gần 8.000 tỷ đồng nợ thuế
Bộ Tài chính vừa có văn bản trình Chính phủ đề xuất xóa hơn 7.963 tỷ đồng tiền nợ thuế, nợ phạt, tiền phạt chậm nộp và khoanh nợ hơn 6.731 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Trong số tiền thuế Bộ Tài chính đề xuất xóa, có hơn 7.400 tỷ đồng là từ các đơn vị thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014.
Bộ Tài chính cũng đề nghị khoanh nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp tương tự kể trên phát sinh từ 1/1/2014 đến 31/12/2015, với số tiền vào khoảng 6.731 tỷ đồng.(Tienphong)
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Tập đoàn Mường Thanh có 15/47 công trình vi phạm PCCC
Trả lời tại kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội chiều 2/8, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Trung cho biết thời gian qua, các vụ cháy tại các tòa nhà gây thiệt hại về người và tài sản, trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND TP và trách nhiệm liên đới là quản lý của các tòa nhà, trách nhiệm của chủ đầu tư và cảnh sát PCCC.
Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh: “Thời gian tới, vấn đề này sẽ được giám sát chặt chẽ hơn. Hà Nội luôn mong muốn kêu gọi đầu tư trên địa bàn và khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn chân chính và đúng pháp luật. Chúng tôi kiên quyết từ bỏ và không ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn sai trái”.
Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Ông Chung lấy ví dụ rất cụ thể như: Tập đoàn Mường Thanh đã có 15/47 công trình sai phạm về phòng cháy chữa cháy. Một công trình mà sai phạm nhiều như thế thì không thể chấp nhận được. Cho nên, thời gian tới, Tập đoàn này phải có hướng khắc phục.
Cũng tại phiên chất vấn, ông Chung nêu ý kiến của dư luận là “Liệu cảnh sát phòng cháy có sân sau với các chủ đầu tư không”? Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu lãnh đạo cảnh sát PCCC kiểm tra thông tin này. Nếu có sẽ xử lý thật nghiêm.