Việc các nước chặn họng hay trích máu dòng sông dù là đáp ứng nhu cầu chính đáng thì cũng không nên thực hiện.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 05-07-2016
- Cập nhật : 05/07/2016
Xét xử vụ án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng
Theo tin từ Tòa án Nhân dân TP.HCM, dự kiến ngày 19-7, Tòa án Nhân dân TP.HCM sẽ đưa ra xét xử bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và 35 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 20 ngày.
Theo cáo trạng, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu TrustBank (ngày 6-9-2012), Phạm Công Danh đã nắm quyền kiểm soát, chi phối TrustBank (sau này đổi tên là VNCB). Lúc này, TrustBank đang bị Ngân hàng Nhà nước đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Do có nhu cầu cần tiền để sử dụng, Phạm Công Danh lợi dụng nắm quyền chi phối và ở vị trí là Chủ tịch HĐQT ngân hàng đã chỉ đạo HĐQT, Ban điều hành và Ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân.
Ngoài Công ty TNHH Tập đoàn thiên Thanh, Phạm Công Danh còn lập 29 doanh nghiệp khác và nhờ người thân, quen của mình đứng tên làm giám đốc, đứng tên sở hữu cổ phần của VNCB (nhóm cổ đông chi phối chiếm 84,92%). Phạm Công Danh quản lý toàn bộ con dấu, giấy chứng nhận cổ phần của VNCB. Kết quả điều tra xác định Phạm Công Danh là “ông chủ” duy nhất và có quyền quyết định tại VNCB và các doanh nghiệp liên quan. Do đó, có nhiều khoản tiền được Phạm Công Danh rút từ VNCB ra và khai là để sử dụng “chăm sóc khách hàng”, duy trì ổn định của ngân hàng, chi vào việc chung của Tập đoàn Thiên Thanh, nhưng bản chất việc làm đó là phục vụ cho lợi ích chính bản thân Phạm Công Danh.
Cụ thể, Danh và đồng phạm đã lập hồ sơ khống nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB 62 tỷ đồng; Lập hồ sơ khống thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10 gây thiệt hại 182 tỷ đồng; Thuê trụ sở ở đường Sư Vạn Hạnh gây thiệt hại 400 tỷ đồng; rút 5.000 tỷ đồng nhưng không được sự đồng ý của chủ tài khoản và không có chữ ký của chủ tài khoản; Rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay; Rút 903 tỷ đồng dưới hình thức ủy thác đầu tư mua trái phiếu... Tổng cộng, hành vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng cho VNBC.
Theo đó, các bị cáo bị đưa ra xét xử về nhiều tội danh khác nhau: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Cáo trạng cũng xác định Phạm Công Danh là chủ mưu và là người phải chịu trách nhiệm chính về số tiền trên 9.000 tỷ đồng VNCB bị thiệt hại. Tuy nhiên đây chỉ là một phần trong số thiệt hại do các sai phạm của Danh và đồng phạm gây ra. Hiện Bộ Công an vẫn đang khẩn trương điều tra để có kết luận về việc Danh có các hành vi cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm khác để tiếp tục truy tố đưa ra xét xử trong một vụ án khác. Phạm Công Danh cũng từng có tiền án 6 năm tù giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoat tài sản XHCN.
Trước đó, cuối tháng 6-2016, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử nghiêm vụ án xảy ra tại VNCB.
Nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã giày dép xuất khẩu
Giày dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, các sản phẩm giày dép của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập như mẫu mã sản phẩm nghèo nàn, chưa bắt kịp với xu hướng thời trang của thế giới, năng lực cạnh tranh thấp... Ngoài ra, giày dép xuất khẩu chủ yếu vẫn là sản phẩm gia công, giá trị và hiệu quả thấp.
Vì vậy, việc nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm hợp chuẩn quốc tế cũng như việc xây dựng thương hiệu cho các DN giày dép mang ý nghĩa thiết thực, là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Để tận dụng được các lợi thế từ TPP, hỗ trợ DN thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, đồng thời tiếp tục lộ trình thực hiện đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực ngành da giày, nâng cao sức cạnh tranh của các DN, ngày 20/6/2016, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Hội Da- giày Hà Nội tổ chức “Khóa đào tạo nâng cao năng lực thiết kế và triển khai bộ sưu tập mẫu mã giày dép xuất khẩu”.
Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ cho DN nói chung và DN da giày nói riêng xây dựng và phát triển thương hiệu, mở các lớp cho học viên học về thiết kế mẫu mã phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, thị hiếu người tiêu dùng, giúp DN có thể cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Ông Joachim Rorbert Horzella - chuyên gia chính đến từ ISC Germany (CHLB Đức), đại diện nhóm chuyên gia thực hiện chương trình đào tạo- chia sẻ, để xuất khẩu giày dép sang thị trường châu Âu nói chung và thị trường Đức nói riêng, Việt Nam cần chú ý đến cỡ chân... Hi vọng thông qua những khóa đào tạo này, Việt Nam sẽ tạo được nguồn nhân lực tốt đáp ứng sự mong đợi của DN nước ngoài khi muốn đến Việt Nam đầu tư, sản xuất các sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu.
Các sản phẩm giày dép của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập như mẫu mã sản phẩm nghèo nàn, chưa bắt kịp với xu hướng thời trang của thế giới, năng lực cạnh tranh thấp...
Petrovietnam nhiều giải pháp linh hoạt ứng phó với diễn biến giá dầu
Nhờ áp dụng linh hoạt các giải pháp một cách quyết liệt, trong 6 tháng đầu năm 2016, Petrovietnam đã xuất bán ước đạt 8,68 triệu tấn dầu thô & condensate, bằng 54,25% kế hoạch cả năm (16 triệu tấn); đạt tổng trị giá 2.411 triệu USD, bằng 37,15% kế hoạch cả năm (7.053 triệu USD) với giá trung bình 40,33 USD/thùng (giá trung bình theo kế hoạch cả năm 2016 là 60USD/thùng).
Trong đó, cung cấp dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất ước đạt 3,73 triệu tấn (bao gồm cả dầu thô khai thác trong nước và nhập khẩu), bằng 59,9% kế hoạch cả năm (6,23 triệu tấn), đạt tổng trị giá 1.580 triệu USD, bằng 38,13% kế hoạch cả năm (3.047 triệu USD).
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2016, Petrovietnam sẽ xuất bán 3,59 triệu tấn dầu thô và condensate; cung cấp 3,5 triệu tấn dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, trong đó gồm 3,42 triệu tấn dầu thô trong nước và 0,08 triệu tấn dầu thô nhập khẩu; xuất bán ra nước ngoài 1,13 triệu tấn.
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động xuất bán dầu thô 6 tháng đầu năm và phương hướng hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016 diễn ra ngày 24/6/2016, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Nguyễn Sinh Khang khẳng định, những kết quả đạt được đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực, linh động, sáng tạo của tất cả các đơn vị thành viên Tập đoàn trong thời gian qua.
Ngay khi giá dầu lao dốc từ cuối năm 2014, Petrovietnam đã lập tức triển khai các phương án nhằm ngăn chặn ảnh hưởng: rà soát lại các dự án đang có chi phí cao, cân đối lại các dự án đang chuẩn bị triển khai, tăng cường nguồn lực để đẩy mạnh doanh thu tại các lĩnh vực như chế biến, dịch vụ kỹ thuật,... có những quyết định đầu tư mang tính kịp thời, vừa giúp các đơn vị thành viên vượt qua khó khăn, vừa tạo một nền tảng vững chắc cho hoạt động dầu khí trong tương lai.
Thời gian tới, các Ban chuyên môn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ đồng loạt kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác ở trong và ngoài nước, tiếp tục hoàn thiện các quy chế, xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, dài hạn... đảm bảo hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí năm 2016- Phó Tổng giám đốc Nguyễn Sinh Khang Petrovietnam nhấn mạnh.(Vinanet)
Anh khẳng định tăng cường quan hệ sâu rộng với Việt Nam sau Brexit