tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 07-07-2016

  • Cập nhật : 07/07/2016

Hà Nội sắp xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống

UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã đồng ý triển khai thực hiện dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống. 

Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội sẽ được giao thực hiện dự án này. Cùng với Nhà máy nước mặt sống Đà, sông Hồng, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ giải cơn khát cho Hà Nội trong những mùa hè tới.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo UBND TP Hà Nội, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương triển khai dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống. Tới nay, dự án đã được Bộ Xây dựng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND TP Hà Nội chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội tiếp nhận và triển khai thực hiện và thuộc danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai thực hiện.

Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đảm bảo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật; xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ đối với phần diện tích đất trồng lúa theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, trước khi thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất.

Cùng với đó, phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát để dự án triển khai đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng quy hoạch, thiết kế và tiến độ được phê duyệt. Đồng thời, kiểm soát việc xây dựng phương án và cơ chế giá nước theo đúng quy định của thành phố. Các sở ngành phải phối hợp với chính quyền địa phương và chủ đầu tư thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo lợi ích của các hộ dân, tạo đồng thuận trong việc triển khai thực hiện.

Chủ đầu tư cần tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án góp phần bảo đảm an toàn cấp nước cho thành phố. Thành phố lưu ý, cần ưu tiên lựa chọn công nghệ, thiết bị xử lý nước tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nguồn nước mặt sông Đuống, đảm bảo chất lượng nước sạch thành phẩm; thực hiện tốt công tác quản lý sau đầu tư, giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch. 

Đồng thời, phải có trách nhiệm hỗ trợ địa phương xây dựng một số công trình hạ tầng xã hội thiết yếu; ưu tiên bố trí việc làm cho lao động là người địa phương; khẩn trương hoàn trả các hạng mục công trình hạ tầng của địa phương bị ảnh hưởng sau khi dự án hoàn thành thi công, đi vào hoạt động.

UBND Thành phố yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương triển khai các thủ tục liên quan đến dự án, tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Các sở liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện để chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ dự án; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND TP những vấn đề vượt thẩm quyền.

Được biết, trong quy hoạch chung của Hà Nội, Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ đặt ở khu vực Phù Đổng (huyện Gia Lâm), dự kiến cung cấp nước cho Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Quy mô đất cho dự án khoảng 6,7ha, công suất đến năm 2020 là 300.000 m3/ngày, đêm; đến 2030 là 600.000 m3/ngày, đêm.


Cục Hải quan TP. HCM bêu tên 83 doanh nghiệp nợ gần 170 tỷ đồng tiền thuế

Trong số 83 doanh nghiệp nợ thuế xuất nhập khẩu gần 170 tỷ đồng do Cục Hải quan TP.HCM vừa công bố vào cuối tháng 5/2016, có nhiều doanh nghiệp có số nợ rất lớn phát sinh cả chục năm về trước.
giam dinh xe o to nk tai cang vict tp.hcm. anh: t.h

Giám định xe ô tô NK tại cảng VICT TP.HCM. Ảnh: T.H

Bỏ trốn về Mỹ để lại món nợ 23 tỷ đồng

Trong số các doanh nghiệp nợ thuế được Cục Hải quan TP.HCM công bố lần này có nhiều doanh nghiệp có số nợ rất lớn, trong đó có cả doanh nghiệp 100% vốnđầu tư nước ngoài. Điển hình như trường hợp của Công ty TNHH sản xuất túi xốp Hoàn Cầu (395/13, 395/13A Minh Phụng, phường 10, quận 11, TP.HCM).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH sản xuất túi xốp Hoàn Cầu được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy phép đăng ký kinh doanh ngày 23/7/1997, Giám đốc và người đại diện pháp luật là ông La Huệ Kiệt, quốc tịch Mỹ. Ngành nghề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này là sản xuất túi xốp, mua vỏ hạt nhựa, dịch vụ XNK ủy thác XNK. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng (từ ngày 21/7 đến 17/10/2008), Công ty TNHH sản xuất túi xốp Hoàn Cầu đăng ký mở tổng cộng 87 tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa phát sinh nợ thuế tại 5 chi cục trực thuộc Cục Hải quan TP.HCM và 3 tờ khai tại Cục Hải quan Bình Dương. Hàng hóa nhập khẩu là hạt nhựa nguyên sinh có thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0%, thuế GTGT là 10%, tổng số thuế GTGT của  hàng hóa thuộc 87 tờ khai nêu trên gồm hơn 22,799 tỷ đồng. Theo Quyết định số 80/2007/QĐ-BTC của Bộ Tài chính thì thời hạn nộp thuế GTGT đối với mặt hàng hạt nhựa nguyên sinh là 90 ngày. Lợi dụng chính sách này, ông La Huệ Kiệt cùng các đối tác góp vốn là người nước ngoài đã bỏ trốn về nước để lại số nợ thuế gần 23 tỷ đồng từ năm 2008. 

Để thu hồi số nợ đọng nêu trên, Cục Hải quan TP.HCM đã có công văn gửi cơ quan Công an TP.HCM đề nghị phối hợp truy tìm và thu hồi nợ thuế đối với Công ty TNHH sản xuất túi xốp Hoàn Cầu liên quan đến ông Giám đốc La Huệ Kiệt. Ngày 2/1/2009, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông giám đốc này về tội “lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan này cho biết, khi nào bắt được đối tượng sẽ liên hệ, phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM để giải quyết nợ thuế. Tuy nhiên, do La Huệ Kiệt đã “cao chạy xa bay” về nước ngay trong thời gian ân hạn thuế, nên cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã, nhưng đến nay vẫn chưa bắt được. Bộ hồ sơ nợ thuế của Công ty TNHH sản xuất túi xốp Hoàn Cầu hiện vẫn đang được 5 chi cục hải quan trực thuộc Cục Hải quan TP.HCM và 1 chi cục của Cục Hải quan Bình Dương lưu giữ, với số nợ không có khả năng thu hồi trong suốt hơn 8 năm qua.

Cam kết nhưng không trả

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Trưởng Phòng thuế XNK, Cục Hải quan TP.HCM, các doanh nghiệp nợ thuế công bố đợt này hầu hết là những doanh nghiệp nợ thuế trây ỳ nhiều năm nay, mặc dù Cục Hải quan TP.HCM đã triển khai các giải pháp thu hồi nợ, nhưng không hiệu quả. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp có số nợ lớn, như: Công ty TNHH Sản xuất Túi xốp Hoàn Cầu, nợ gần 23 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Thanh Niên, nợ trên 33 tỷ đồng; Công ty TNHH May mặc Da nhựa Hừng Sáng, nợ gần 31 tỷ đồng; Công ty TNHH TM-DV Kỹ thuật Cơ điện Vĩnh Đinh, nợ gần 10 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Thiên Tân, nợ  gần 7 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư Tấn Hưng, nợ trên 6 tỷ đồng…

Để phối hợp thu hồi nợ hiệu quả, Cục Hải quan TP.HCM đã gửi danh sách các doanh nghiệp nợ thuế cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Cục Thuế TP.HCM để hỗ trợ phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, không cấp giấy phép giải thể doanh nghiệp, thu hồi hóa đơn và thông báo đến doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp tự ý ngưng hoạt động, bỏ địa chỉ đăng kí kinh doanh…

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3, trong quá trình đốc thu, có những trường hợp doanh nghiệp đã ngưng hoạt động, bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhưng cơ quan Hải quan lần ra được địa chỉ, số điện thoại của người đại diện pháp luật mời lên làm việc. Chẳng hạn như trường hợp của Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Thiên Tân, nợ  gần 7 tỷ đồng, khi làm việc với cơ quan Hải quan, giám đốc doanh nghiệp cam kết sẽ nộp thuế mỗi tháng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, doanh nghiệp này vẫn trây ỳ chưa nộp một đồng tiền thuế nào cho Nhà nước. 

Tương tự, Công ty Cổ phần Thanh Niên nợ trên 33 tỷ đồng tiền thuế tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 từ năm 2008. Mặc dù vẫn đang hoạt động, nhưng gần chục năm nay kể từ ngày phát sinh nợ thuế, công ty này vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Trong nhiều lần làm việc với cơ quan Hải quan, Giám đốc doanh nghiệp cũng đưa ra cam kết nộp dần số thuế nợ đọng mỗi tháng từ 50-100 triệu đồng. Nhưng nộp được vài chục triệu đồng, Công ty Cổ phần Thanh Niên cũng không tiếp tục thực hiện theo cam kết, nên số nợ thuế hiện nay của công ty này đang dẫn đầu danh sách doanh nghiệp nợ thuế.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, các biện pháp cưỡng chế theo quy định chỉ có hiệu quả đối với các doanh nghiệp còn đang hoạt động. Còn đối với doanh nghiệp đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng kí kinh doanh thì coi như “bó tay” vì không thể áp dụng được. Đối với những trường hợp này, biện pháp tốt nhất là chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra theo thẩm quyền, nhưng hiện nay biện pháp này cũng chưa được thực hiện tốt do công tác hỗ trợ, phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc truy đòi nợ đọng thuế chưa tích cực, chưa hiệu quả…

Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan TP.HCM, tính đến 15/5/2016, tổng nợ thuế tại đơn vị là 1.546,906 tỷ đồng (chiếm 1,5% tổng thu NSNN năm 2016; thấp hơn tỷ lệ chung của toàn ngành, tổng nợ thuế chiếm đến 2,4% tổng thu NSNN), trong đó phần lớn là số nợ thuế thuộc diện khó có khả năng thu hồi.

Cục Hải quan TP.HCM phấn đấu đến 31/12/2016, thu hồi nộp ngân sách từ 250 đến 300 tỷ đồng tiền nợ thuế và tiền chậm nộp thuế và không để nợ thuế mới phát sinh. Tiếp tục phân loại hồ sơ, đối tượng đủ điều kiện xóa nợ để tham mưu Tổng cục Hải quan xem xét xóa nợ.


Doanh nghiệp mua bán nợ phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng

Chính phủ đã ban hành Nghị định 69/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động mua bán nợ phải đáp ứng 6 điều kiện.

Thứ nhất, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện chung đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, gồm:

1- Doanh nghiệp phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phù hợp với quy định của Nghị định này.

2- Doanh nghiệp phải đáp ứng quy định về mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu tương ứng. Trường hợp, doanh nghiệp thực hiện một số hoặc tất cả các hoạt động thì mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu cao nhất trong số các hoạt động mà doanh nghiệp thực hiện.

3- Người quản lý của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp; có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhận; là người quản lý hoặc có ít nhất 5 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ. Những người đã làm việc trong doanh nghiệp khi kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải đáp ứng thêm điều kiện: Không là người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong 3 năm trước liền kề.

Thứ hai, doanh nghiệp có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng.

Thứ ba, các khoản nợ được mua bán phải có đầy đủ các yếu tố sau: Không có thỏa thuận bằng văn bản về việc không được mua, bán khoản nợ; không được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự tại thời điểm mua bán nợ, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhận bảo đảm về nợ; bên mua nợ và bên nợ không phải là người có liên quan theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Thứ tư, việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên liên quan, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên  tham gia mua bán nợ, trong đó quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của bên mua nợ, bên bán nợ.

Thứ năm, doanh nghiệp hoạt động mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó hoặc nhận bảo đảm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng khác nhằm mục đích mua nợ của khách hàng vay tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm.

Thứ sáu, bên mua nợ, bên bán nợ và các bên liên quan khác phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về quản lý ngoại hối trong trường hợp mua bán nợ hình thành quan hệ cho vay, vay nợ nước ngoài và sử dung ngoại hối trong giao dịch mua bán nợ.

Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ; điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ, trong đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ phải có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu 500 tỷ đồng.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.


Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh là Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ngành NH

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định về việc kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ Thường trực giúp việc Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Theo Quyết định, Thống đốc NHNN cử ông Nguyễn Phước Thanh - Phó Thống đốc NHNN làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng, ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng làm Phó Trưởng ban và các thành viên của Ban là Lãnh đạo một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc NHNN, ngân hàng thương mại.

Về Tổ Thường trực giúp việc Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng, Thống đốc cử ông Nguyễn Văn Ngọc - Cục Trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền Cơ quan Thanh trra, giám sát ngân hàng làm Tổ trưởng, bà Nguyễn Thị Minh Thơ - Trưởng phòng Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng làm Tổ phó và một số thành viên thuộc NHNN và ngân hàng thương mại.

Quyết định nêu rõ, Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và có các nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch phòng, chống khủng bố ngành Ngân hàng; Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Ngân hàng xây dựng và triển khai các phương án phòng, chống khủng bố, tổ chức diễn tập đảm bảo khả năng sẵn sàng theo các phương án; Chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả khi có tình huống khủng bố xảy ra; Xác định địa bàn, mục tiêu trọng điểm cần tăng cường bảo vệ theo sự phân công của Chính phủ; Chỉ đạo xây dựng mạng lưới thông tin, cập nhật thông tin liên quan đến hoạt động khủng bố


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục