18 ngư dân Việt nghi đánh cá trái phép vượt ngục ở Philippines
Nhiều cơ quan ở Hà Tĩnh bị điều tra liên quan sự cố xả thải Formosa
Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải chưa từng có
Hai người Việt bị nghi âm mưu sát hại thuyền trưởng Hàn Quốc từ trước
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 05-07-2016
- Cập nhật : 05/07/2016
Tạm nhập tái xuất - còn lỏng lẻo trong quản lý
Với trách nhiệm “chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn” hoạt động tạm nhập tái xuất (TNTX) nhưng thời gian qua Bộ Công Thương còn có nhiều khiếm khuyết như thiếu kiên quyết trong việc xử lý sai phạm, chưa đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện chế độ báo cáo, một số thông tư ban hành chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tế... - Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Chưa sát thực tế
Hoạt động kinh doanh TNTX là một thông lệ, tập quán kinh doanh quốc tế, hoạt động này sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển ở những nước có vị trí, kinh tế thuận lợi như ở Việt Nam- giáp thị trường tiêu thụ lớn là Trung Quốc. Tuy nhiên, với thực tế quản lý hiện nay, đây cũng là hoạt động được đánh giá là còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về buôn lậu, gian lận thương mại, gây tồn đọng lớn hàng hoá TNTX (trong đó có nhiều hàng cấm, hàng ảnh hưởng môi trường…) ở các cảng biển.
Kết luận thanh tra về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hoạt động TNTX của Bộ Công Thương do Thanh tra Chính phủ công bố mới đây cho thấy, trong những năm qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vi phạm gian lận thương mại qua hoạt động TNTX như nhập, kê khai không đúng chủng loại, xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên việc xử lý chưa đủ sức răn đe, thấp hơn nhiều so với lợi nhuận và chi phí phải xử lý hậu quả do vi phạm gây ra, nhất là những hàng hóa ảnh hưởng đến môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... dẫn tới nhiều DN lợi dụng hoạt động TNTX để gian lận thương mại như dùng mã số kinh doanh là hàng đông lạnh, nhưng lại kê khai là hàng đã qua sử dụng, hàng có thuế TTĐB...
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện có 48 DN không được Bộ Công Thương cấp phép (trong số 58 DN được cấp phép) đã gây tồn đọng tới 2.796 container.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương lại chưa kịp thời có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động TNTX theo hướng tăng nặng; thiếu các văn bản đôn đốc yêu cầu DN và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong hoạt động TNTX báo cáo tình trạng vi phạm, kết quả kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và thu hồi mã số kinh doanh nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Buông lỏng ở địa phương
Một lỗi khác của Bộ Công Thương được Thanh tra Chính phủ đề cập là tồn tại về quy định trong công tác báo cáo. Theo quy định tại khoản 4, Điều 20 Thông tư 05/2013/TT-BCT và khoản 4, Điều 20 Thông tư 05/2014/TT-BCT "định kỳ hàng tháng cung cấp cho Bộ Công Thương các thông tin sau để điều tiết hàng hóa và có biện pháp xử lý kịp thời" và "thông báo cho Bộ Công Thương trường hợp DN vi phạm các quy định về kinh doanh TNTX, chuyển khẩu hàng hóa". Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy, từ khi Thông tư 05 có hiệu lực đến thời điểm thanh tra, Cục XNK (Bộ Công Thương) chưa nhận được một báo cáo cung cấp thông tin, báo cáo về trường hợp vi phạm nào.
Trường hợp của UBND tỉnh Cao Bằng là 1 ví dụ. Chính phủ giao Bộ Công Thương hướng dẫn, tổ chức thực hiện thí điểm hoạt động TNTX hàng hóa qua lối mở Nà Lạn, Bộ Công Thương đã ban hành quy chế quản lý theo Quyết định 5928/QĐ-BCT song yêu cầu báo cáo chưa rõ ràng, dẫn đến Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh không có kết quả cụ thể báo cáo định kỳ với Bộ Công Thương mà chỉ báo cáo với UBND tỉnh. Bộ Công Thương từ thời điểm được giao ban hành quy chế cũng chưa có văn bản yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế hay Sở Công Thương đơn vị trực thuộc quản lý chuyên ngành, UBND tỉnh báo cáo định kỳ theo quy định trên.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng chỉ ra còn một số tồn tại trong chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc lựa chọn tiêu chí DN, ký quỹ theo quy định. Đơn cử như vụ việc UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định 558/QĐ-UBND quy định "tiền ký quỹ, đặt cọc tại Ngân hàng Techcombank- Chi nhánh Quảng Ninh" là chưa đúng với quy định ký quỹ tại Thông tư 05/2014/TT-BCT. Theo báo cáo của Sở Công Thương Quảng Ninh, tổng số tiền ký quỹ tại ngân hàng này đến hết năm 2013 là 568 tỷ đồng. Đây là một giá trị tiền gửi lớn, việc UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản quy định tiền gửi ký quỹ tại một ngân hàng đã tạo ra sự thiếu bình đẳng, thiếu cạnh tranh và vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh về các hành vi bị cấm với cơ quan nhà nước cũng như một số luật khác.
Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn được ban hành trong bối cảnh Bộ Công Thương đã có văn bản hướng dẫn, trả lời UBND tỉnh rằng "không quy định điều kiện kinh doanh vượt quá các điều kiện của Thông tư 05" nêu trên. "Bộ Công Thương với trách nhiệm "chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn" nhưng vẫn còn thiếu kiên quyết trong việc đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh điều chỉnh quyết định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền về nội dung này theo chức năng nhiệm vụ được giao", báo cáo của cơ quan thanh tra nêu rõ.
Tăng khâu kiểm tra
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, vai trò chủ trì trong hoạt động TNTX và chuyển khẩu, đặc biệt là trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực tiễn nhằm đưa hoạt động TNTX ngày càng ổn định, đảm bảo theo thông lệ quốc tế. Bộ Công Thương cũng cần phối hợp với các bộ, ngành và đại phương chỉ đạo các Sở Công Thương có liên quan đến hoạt động TNTX đánh giá tổng thể việc thực hiện Thông tư 05/2015/TT-BCT, rà soát, bổ sung các quy định hiện hành còn bất cập, chưa sát thực tế. Trong đó, Bộ này cần tập trung vào những nội dung như: Phân cấp, đi cùng với phân định rõ trách nhiệm giữa cơ quan thực hiện là các địa phương và cơ quan chủ trì quản lý là Bộ Công Thương nhằm phát huy lợi thế hoạt động TNTX, bảo vệ hàng hóa trong nước và việc lợi dụng chính sách để buôn lậu, trốn thuế…; thống nhất đầu mối chủ trì tham mưu, quản lý hoạt động TNTX tại các Sở Công Thương; quy định rõ cơ chế báo cáo, phối hợp và trách nhiệm cung cấp thông tin giữa các DN với đơn vị quản lý nhà nước, giữa các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cần đánh giá, xem xét, kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh TNTX như: Hành vi tự ý tiêu thụ nội địa hàng kinh doanh TNTX, chậm thanh khoản tờ khai TNTX qua cửa khẩu không đúng quy định, khai báo không đúng tên hàng, chủng loại, số lượng… Tình trạng này trên thực tế đã xảy ra trong quá trình Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra. Kết quả kiểm tra tại Công ty thép Vạn Thành cho thấy, do không chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan, công ty này đã chuyển tiêu thụ nội địa (không tái xuất) hơn 5.824 tấn hàng TNTX với giá trị hơn 3,9 triệu USD. Tương tự, kiểm tra tại một số DN kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng phát hiện tình trạng DN trốn tái xuất số dầu lên tới hơn 1.724 tấn và trốn thuế NK, thuế GTGT lên tới 3,9 tỷ đồng.
Tháng 6-2016: Hơn 500 nhà đầu tư tham dự 7 phiên đấu giá
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 6-2016, HNX đã tổ chức tổng cộng 7 phiên đấu giá, trong đó có 6 phiên IPO và 1 phiên đấu giá cổ phần để thoái vốn Nhà nước. Kết quả, có 4/7 phiên đã bán hết 100% số cổ phần đưa ra đấu giá.
Cụ thể, tổng khối lượng cổ phần đưa ra đấu giá trong 7 phiên này đạt hơn 70,7 triệu cổ phần, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. HNX đã nhận được 567 lượt đăng ký tham dự từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân.
Theo HNX, đây là tháng có số lượng nhà đầu tư đăng ký đấu giá nhiều nhất từ đầu năm đến nay. Các nhà đầu tư đã đặt mua với tổng khối lượng lên tới 84,9 triệu cổ phần, vượt 20% so với khối lượng chào bán. Phiên đấu giá thu hút sự quan tâm đông đảo nhất từ công chúng đầu tư là phiên IPO của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam với 337 lượt đăng ký.
Tổng kết kết quả các phiên giao dịch trong tháng 6, đã có 60,2 triệu cổ phần trúng giá (tương đương 85% tổng khối lượng chào bán), thu về cho Nhà nước hơn 680,5 tỷ đồng, cao hơn 20,6 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Trung bình một phiên, tổng giá trị cổ phần thu về đạt trên 97,2 tỷ đồng, cao hơn 48 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 6 phiên IPO diễn ra vào tháng 6, có 3 phiên đấu giá của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và Dịch vụ quốc tế và Tổng Công ty Dược Việt Nam đã bán hết 100% số cổ phần chào bán, huy động được hơn 575,5 tỷ đồng, cao hơn 20,5 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Đáng chú ý, trong phiên đấu giá cổ phần thoái vốn Nhà nước tại CTCP Thương mại Nghệ An, mặc dù mức giá khởi điểm lên tới 106.000 đồng/cổ phần (cao nhất trong tháng 6) nhưng có khối lượng cổ phần đặt mua cao gấp 2,6 lần so với khối lượng chào bán và toàn bộ số cổ phần chào bán đã được bán hết thu về cho Nhà nước hơn 63,3 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, trong tháng 7, sẽ có tới 3 Tổng Công ty tổ chức đấu giá tại HNX, bao gồm các phiên IPO của Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng, Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp; phiên đấu giá phát hành thêm cổ phần của Tổng Công ty Viglacera. Ngoài ra, còn có các phiên thoái vốn của CTCP Môi trường và Dịch vụ Đô thị Vĩnh Yên, CTCP Nhà và Thương mại Dầu khí và CTCP Xuất nhập khẩu Vật tư thiết bị đường sắt.
Kiến nghị giảm thủ tục kiểm dịch cho doanh nghiệp dệt may
Bộ NN&PTNT cần xem xét giảm bớt thủ tục kiểm dịch đối với trường hợp nhập khẩu sản phẩm lông vũ/lông cáo/lông gấu (đã qua xử lý), không phải động thực vật hoang dã sống; xem xét áp dụng hình thức kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra giảm đối với quy trình kiểm dịch thực vật.
Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Bộ NN&PTNT, Tổng cục Hải quan đề nghị tháo gỡ nhanh chóng những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp dệt may.
Theo đó, Bộ này đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu điều chỉnh quy định về kiểm dịch dịch động, thực vật nhập khẩu phục vụ cho sản xuất, gia công xuất khẩu theo hướng thuận lợi hóa, áp dụng quy trình kiểm dịch động vật, thực vật sau thông quan, trước khi lưu thông thay cho hình thức kiểm tra từng lô hàng trước khi thông quan như hiện nay.
Cụ thể với kiểm dịch động vật, Bộ NN&PTNT xem xét giảm bớt thủ tục kiểm dịch đối với trường hợp nhập khẩu sản phẩm lông vũ/lông cáo/lông gấu (đã qua xử lý), không phải động thực vật hoang dã sống nếu doanh nghiệp xuất trình giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của nước xuất khẩu để phục vụ sản xuất, gia công và xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng đề xuất nghiên cứu sửa đổi mẫu 2-KDDV theo hướng bỏ mục khai báo tên công ty xuất khẩu sản phẩm do doanh nghiệp nhập khẩu khó đáp ứng yêu cầu này và thông tin này không cần thiết cho việc kiểm dịch.
Đối với kiểm dịch thực vật, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét áp dụng hình thức kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra giảm (về tần suất, số lượng lấy mẫu, thời gian thực hiện) đối với quy trình kiểm dịch thực vật bông nhập khẩu từ nước/vùng lãnh thổ không có nguy cơ nhiễm dịch hoặc chưa từng có lô hàng nhập khẩu bị phát hiện nhiễm dịch.
Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp dệt may và Hiệp hội Dệt May Việt Nam phản ánh về việc cơ quan Hải quan địa phương yêu cầu doanh nghiệp giám định hàng hóa tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật trước khi giải phóng hàng đối với lông thú (đã qua xử lý) nhập khẩu làm nguyên liệu gia công xuất khẩu từ các nước tham gia Công ước CITES, có Giấy chứng nhận xuất xứ của nước xuất khẩu…, Bộ Công thương đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo cơ quan Hải quan địa phương chỉ yêu cầu doanh nghiệp xuất trình đúng chứng từ phù hợp theo quy định hiện hành về xuất nhập khẩu khi làm thủ tục thông quan hàng hóa.
Trước đó, trong cuộc họp của Bộ Công Thương với doanh nghiệp dệt may, các doanh nghiệp đã phản ánh về vướng mắc khi thực hiện quy trình kiểm kịch động, thực vật đối với các mặt hàng bông, lông vũ/lông cáo/lông gấu (đã qua xử lý) nhập khẩu phục vụ sản xuất, gia công xuất khẩu.(HQ)
Cưỡng chế cụm công nghiệp Lại Dụ
Cuối tuần qua,UBND xã An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội phát đi thông báo sẽ cưỡng chế hệ thống nhà xưởng đồ sộ tại thôn Lại Dụ (thường gọi là cụm công nghiệp Lại Dụ) với lí do các nhà xưởng sản xuất này đã xây trên đất trồng cây hàng năm.
Thời gian thực hiện từ ngày 5 đến 7-7. Khu vực này là cơ sở sản xuất của 40 doanh nghiệp được hình thành từ năm 1994 có tổng vốn đầu tư ước tính gần 1.000 tỷ đồng với nhiều loại ngành nghề như sản xuất lắp ráp các thiết bị chuyên dụng cho tàu cá đánh bắt xa bờ, sản xuất củ điện và lắp ráp bảng điện cho các chung cư cao tầng, sản xuất tôn đông lạnh, đóng gói giấy vở học sinh….
Điều bất ngờ là nhiều gia đình có con em đang làm việc cho các doanh nghiệp lập tức ký đơn kêu cứu do lo sợ mất việc làm. Thực tế hiện có khoảng hơn 1.000 công nhân người địa phương đang làm việc tại đây với thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó một số doanh nghiệp cho biết phần đất mà họ xây nhà xưởng là đất đi thuê, từng được xã quy hoạch thành đất tiểu thủ công nghiệp và đến trước thời điểm diễn ra kế hoạch cưỡng chế, dù là chủ sở hữu nhà xưởng nhưng họ không hề nhận được văn bản yêu cầu phá dỡ nào từ UBND xã An Thượng.