Nhiều hộ nuôi nghêu tại Cần Giờ, TP.HCM như ngồi trên lửa do nghêu bất ngờ chết hàng loạt, trong đó nhiều hộ nuôi đối diện với nguy cơ trắng tay.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 05-07-2016
- Cập nhật : 05/07/2016
Tín dụng tiền đồng tăng 8,11%, tín dụng ngoại tệ giảm 4,64%
Thông tin mới nhất từ Vụ Tín dụng các Ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, sáu tháng đầu năm 2016, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khá đều qua các tháng và là năm thứ 2 liên tiếp có tăng trưởng dương từ đầu năm. Trong đó, tăng chủ yếu ở tín dụng đồng Việt Nam, trong khi dư nợ ngoại tệ vẫn tiếp tục giảm.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các Ngành kinh tế, NHNN cho biết, xu hướng này cũng phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và định hướng điều hành của NHNN khi hoạt động sản xuất - kinh doanh đang được cải thiện và chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa. Cơ cấu tín dụng cũng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sáu tháng đầu năm, ngành Ngân hàng đã cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.029.792 tỷ đồng, tăng 2,62%, chiếm tỷ trọng 20,1% tổng dư nợ nền kinh tế.
Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 6/2016 ước đạt 886.000 tỷ đồng, tăng 4,98% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế.
Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng so với cuối năm 2015, cụ thể là: Cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 183.418 tỷ đồng, tăng 5,53%, chiếm tỷ trọng 3,41% tổng dư nợ nền kinh tế; Cho vay lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển đạt 121.527 tỷ đồng, tăng 2,37%, chiếm tỷ trọng 2,26% tổng dư nợ nền kinh tế; Cho vay lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 28.617 tỷ đồng, tăng 1,45%, chiếm tỷ trọng 0,53% tổng dư nợ nền kinh tế.
Năm 2016, NHNN định hướng dư nợ tín dụng tăng khoảng 18-20% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế phục vụ cho tăng trưởng kinh tế theo chỉ tiêu Quốc hội đã đề ra.(BĐT)
Giải đáp về ưu đãi thuế cho phát triển CNTT
Xin hỏi các chính sách ưu đãi về thuế để thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay được quy định như thế nào?
Trả lời: Ngày 26/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP quy định về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam.
Đối với các giải pháp về chính sách ưu đãi thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, DN thực hiện các dự án: sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm, dịch vụ khắc phục sự cố an toàn thông tin, bảo vệ an toàn thông tin được ưu đãi thuế thu nhập DN như mức đang áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của Luật Thuế thu nhập DN.
Bên cạnh đó, giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT, là đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT; dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT, quản lý hoạt động công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT…
Đối với các giải pháp về chính sách ưu đãi thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các hoạt động: sản xuất và dịch vụ phần mềm; dịch vụ tích hợp hệ thống; dịch vụ quản lý, duy trì hệ thống CNTT (ứng dụng, mạng, thiết bị); dịch vụ bảo mật hệ thống thông tin không sử dụng mật mã dân sự; dịch vụ trung tâm dữ liệu Data center; dịch vụ thuê ngoài BPO, KPO cho xuất khẩu; dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử… vào Danh mục hoạt động thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Trường hợp dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực CNTT cần đặc biệt khuyến khích đầu tư nêu trên có sử dụng thường xuyên trên 1.000 lao động (kể cả trường hợp dự án đã hết thời gian gian 15 năm hưởng thuế suất 10%), được kéo dài thêm thời gian áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm.(TBNH)
Huy động thêm 50,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong tháng 6
Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), trong tháng 6/2016, thị trường sơ cấp đã tổ chức 27 phiên đấu thầu, huy động được 50.232 tỷ đồng trái phiếu, tăng 15,8% so với tháng 5/2016.
Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 40.682 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 4.550 tỷ đồng; Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 5.000 tỷ đồng.
Trong tổng số 50.232 tỷ đồng trái phiếu trúng thầu, trái phiếu kỳ hạn 5 năm chiếm tới 33.027 tỷ đồng, tương đương 66% tổng giá trị trái phiếu trúng thầu trong tháng.
Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm nằm trong khoảng 5,25-5,90%/năm, 5 năm trong khoảng 6,07-6,48%/năm, 10 năm là 6,94%/năm, 15 năm trong khoảng 7,65-8,10%/năm, 20 năm là 7,75%/năm, 30 năm là 8,00%/năm.
So với tháng 5/2016, nhìn chung lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm giảm khoảng 0,05-0,40%/năm; 5 năm giảm khoảng 0,07%/năm; trong khi lãi suất trúng thầu của các kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 ổn định.
Trên thị trường thứ cấp, tháng 6/2016, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ đạt 1.397 triệu trái phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch đạt 139 nghìn tỷ đồng. So với tháng 5 trước đó, giá trị giao dịch trái phiếu có giảm nhưng không lớn, chỉ khoảng 3,5%.
Trong đó, khối lượng giao dịch theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 798 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 82 nghìn tỷ đồng, giảm 2,5% về giá trị so với tháng 5/2016.
Tổng khối lượng giao dịch trái phiếu chính phủ theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 599 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 57 nghìn tỷ đồng, giảm 2,9% về giá trị so với tháng 5/2016.
Đối với giao dịch của khối ngoại, trong tháng 6, giá trị giao dịch mua outright của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng; trong khi đó, giá trị giao dịch bán outright của khối này đạt hơn 3,3 nghìn tỷ đồng. Đối với giao dịch repo, giá trị giao dịch bán repos của khối ngoại đạt hơn 47 tỷ đồng, không có giao dịch mua repos.
Như vậy, tổng giá trị giao dịch của khối ngoại trong tháng 6 đạt 10.347 tỷ đồng, giảm khá nhiều so với con số 18.150 tỷ đồng của tháng 5. Tuy nhiên khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì xu hướng mua ròng, với giá trị mua ròng 3.700 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với tháng 5 (3.200 tỷ đồng).(TBNH)
Ngân sách mất trắng hơn 15.000 tỷ tiền thuế
Bức tranh về tình hình nợ đọng thuế trên cả nước vừa được ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính, chiều 2/7.
Theo thông tin của ông Trí, so với dữ liệu được công bố đến 30/4 thì tính đến 31/5, tình hình về nợ đọng thuế đã có chuyển biến.
Với con số 75.230 tỷ đồng hiện nay, tổng số nợ thuế trên cả nước tăng thêm so với thời điểm 31/12/2015 là 1.335 tỷ đồng, tăng thêm 1,8%, giảm được 770 tỷ đồng, giảm 1% so với thời điểm công bố 30/4.
Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày đã vượt 34.500 tỷ đồng, chiếm tỷ trong gần 46% tổng số tiền nợ thuế. Số nợ này giảm được 1.623 tỷ đồng, giảm 4,5% so với 31/12/2014 và giảm được 2.176 tỷ đồng, giảm 5,9% so với tháng 4.
Trong đó, các khoản thuế phí nợ quá thời hạn trên là 22.797 tỷ đồng, các khoản nợ liên quan đến đất đai là 11.456 tỷ đồng.
Cũng trong tổng số hơn 75.000 tỷ đồng trên, ông Trí cho biết, có tới 25.122 tỷ đồng là tiền phạt và chậm nộp. Khoản tiền phạt này chiếm tới 33,4% tổng số nợ thuế, tăng thêm 2.213 tỷ đồng, tức tăng 9,7% so với năm 2015 và tăng 1.201 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 5% so với tháng 4.
Đáng chú ý nhất là số thuế nợ không có khả năng thu lại gia tăng.
Ông Trí cho biết, con số này là 15.555 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,7% tổng số tiền thuế nợ. So với thời điểm 31/12/2015, con số này đã tăng thêm 745 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 5%. So với thời điểm 1 tháng trước đó, số tiền thuế nợ không có khả năng thu tăng 205 tỷ đồng, tức tăng 1,3%.
Trong số này, tiền chậm nộp không có khả năng thu là 5.736 tỷ đồng, tăng thêm 1.451 tỷ đồng, tức 33,9% so với 31/12/2015 và tăng 165 tỷ đồng, tức tăng 0,9% so với 30/4.
Trước tình hình này, Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức đôn thúc, chống thất thu, nợ đọng thuế gắt gao ngay từ đầu năm. Cho đến nay, 63 Cục Thuế đã đôn đốc, thu hồi được trên 20.000 tỷ đồng tiền thuế nợ của năm 2015 chuyển sang, trong đó gần 3.500 tỷ đồng được thu bằng biện pháp cưỡng chế. Nhiều địa phương đạt kết quả thu nợ khá như Kiên Giang 83%, Hà Tĩnh 80,1%, Sóc Trăng 70,3%, Bạc Liêu 68,1%, Hải Dương 61,1%, Lai Châu 88,4%, Hậu Giang 93,8% chỉ tiêu thu nợ. Riêng Tp Hồ Chí Minh đã thu được 5.095 tỷ đồng, đạt 40,7% và Hà Nội thu được 6.305 tỷ đồng, đạt 30% chỉ tiêu thu nợ.
Lý giải về các nguyên nhân làm tăng nợ thuế, ông Nguyễn Đại Trí nói, tình hình cơ bản vẫn tương tự như các năm trước. Đầu tiên là do việc xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Bên cạnh đó, một bộ phận các doanh nghiệp vẫn còn chây ỳ nộp thuế. Trong khi đó, việc thu hồi nợ cũng gặp khó khăn như các doanh nghiệp này không cung cấp tài khoản gân hàng để cơ quan thuế kiểm soát dòng thu nhập.
Theo ông Trí, nhiều doanh nghiệp có tới 3- 4 tài khoản ngân hàng nhưng họ chỉ cung cấp cho cơ quan thuế 1 tài khoản nên rất khó để kiểm soát được triệt để nguồn thu nhập.
Tuy vậy, trong quá trình thu hồi nợ này, ngành thuế vẫn phải rất cân nhắc khi thực hiện các biện pháp đến cùng là cưỡng chế, đình chỉ hoá đơn. Một số trường hợp, cơ quan thuế vẫn phải cho phép doanh nghiệp sử dụng hoá đơn lẻ vì nếu siết chặt quá, doanh nghiệp ngừng kinh doanh, không còn đường sống.
"Cơ quan thuế sẽ phối hơp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, toà án... để lập các tổ công tác liên ngành thu hồi nợ thuế. Ngược lại, các cơ quan thuế cũng sẽ tham mưu cho cấp uỷ địa phương có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu", ông Trí cho biết.(Vietnamnet)