Hà Nội sắp xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống
Cục Hải quan TP. HCM bêu tên 83 doanh nghiệp nợ gần 170 tỷ đồng tiền thuế
Doanh nghiệp mua bán nợ phải có vốn tối thiểu 100 tỷ đồng
Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh là Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố ngành NH
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 06-07-2016
- Cập nhật : 06/07/2016
Anh cấp vốn phát triển pin mặt trời trên mái nhà ở Việt Nam
Chính phủ Anh hợp tác với Dragon Capital nhằm khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời tại TPHCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai.
Trang SeeNews đưa tin, một dự án phát triển hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà tại các tỉnh phía Nam của Việt Nam sẽ được hỗ trợ bởi Bộ Ngoại giao và Khối thịnh vượng chung Anh, theo thông báo của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội.
Được gọi là Solar Hub, chương trình này cũng sẽ nhận được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư Dragon Capital Group và Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TPHCM (ECC). Theo đó, dự án khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời tại TPHCM, Bình Dương, Long An và Đồng Nai.
Ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc ECC, cho biết đến năm 2015 thì TPHCM có tổng công suất điện mặt trời tối đa là 1MW, và trong năm nay sẽ tăng lên 2,5MW.
Trong giai đoạn đầu kéo dài đến tháng 3/2017, dự án sẽ nhận được hỗ trợ từ Quỹ Thịnh vượng (Prosperity Fund) của chính phủ Anh, vốn có tổng ngân sách 1,3 tỷ bảng, trong đó có 1,1 triệu dành cho Việt Nam. Hệ thống nào được lựa chọn để lắp đặt sẽ được ưu tiên hỗ trợ kỹ thuật.
NHNN ban hành kế hoạch thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật
Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Kế hoạch thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với Đề mục Ngoại hối (Đề mục số 5 thuộc chủ đề 22).
Theo đó, Kế hoạch nhằm bảo đảm việc tổ chức triển khai thực hiện pháp điển đối với Đề mục Ngoại hối được kịp thời, hiệu quả, đúng quy định; Xác định các công việc cụ thể cần tiến hành, thời hạn hoàn thành và bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện pháp điển đối với Đề mục này.
Kế hoạch đã đề ra các nội dung hoạt động cụ thể về xây dựng cấu trúc Đề mục; Tập hợp, thu thập, rà soát danh mục văn bản pháp điển thuộc Đề mục; Rà soát những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; Thực hiện pháp điển Đề mục ngoại hối; Tổ chức các cuộc họp góp ý đối với dự thảo danh mục văn bản pháp điển, kết quả pháp điển Đề mục Ngoại hối;
Xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, báo cáo kiểm tra kết quả pháp điển theo Đề mục; Xây dựng hồ sơ kết quả pháp điển theo Đề mục gửi Bộ Tư pháp; Hoàn thiện kết quả pháp điển sau thẩm định của Bộ Tư pháp; Cập nhật kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới ban hành vào Đề mục.
Tại Kế hoạch này cũng nêu rõ từng nội dung hoạt động, đơn vị chủ trì, cơ quan đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành và kết quả thực hiện.
Trên cơ sở Kế hoạch, các đơn vị liên quan đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo, đôn đốc và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ pháp điển Đề mục Ngoại hối theo đúng tiến độ, kịp thời và hiệu quả.(TBNH)
ACV định ngày khởi công Sân bay Long Thành
Nếu công tác chuẩn bị đầu tư suôn sẻ, Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, có tổng mức đầu tư lên tới 5,45 tỷ USD, sẽ khởi công vào ngày 1/4/2021.
Hành trình 5 năm chuẩn bị
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), có ít nhất 5 điểm nút quan trọng trong quá trình chuẩn bị đầu tư, cần phải đảm bảo được về thời gian để Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn I có thể khởi công sau 5 năm nữa.
Trong báo cáo cập nhật kế hoạch triển khai sân bay Long Thành vừa được gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào cuối tuần trước, ACV muốn công tác thi tuyển phương án kiến trúc nhà ga hàng không sẽ phải hoàn thành vào tháng 9/2016.
Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV cho biết, đây là tiến độ nhanh nhất có thể trong điều kiện chọn được phương án kiến trúc đáp ứng được yêu cầu đề ra. Trong trường hợp không chọn được phương án kiến trúc hoặc phải gia công chỉnh sửa, tiến độ phê duyệt sẽ phải kéo dài hơn.
Hiện đơn vị chuẩn bị dự án vẫn chưa nhận được quyết định cuối cùng từ bộ chủ quản về việc có phải tổ chức triển lãm phương án kiến trúc hay không, nhưng kinh nghiệm từ dự án Nhà Quốc hội, việc lấy ý kiến cộng đồng sẽ “thâm” vào quỹ thời gian thêm ít nhất 3 tháng nữa.
Theo ông Bình, tính đến cuối tháng 6/2016, ACV đã hoàn tất các thủ tục pháp lý và cung cấp các tài liệu, số liệu, thông tin về kiến trúc, quy hoạch và các thông tin liên quan đến Dự án cho các tổ chức, cá nhân dự thi. Ban Tổ chức sẽ nhận các bài thi tuyển chậm nhất đến ngày 8/8/2016.
Liên quan đến công tác lựa chọn tư vấn lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi (F/S) - hạng mục đang được thực hiện rốt ráo, ACV cho biết, sẽ phát hành hồ sơ mời thầu tới các nhà thầu quốc tế chậm nhất là cuối tháng 11/2016. Chủ đầu tư sẽ có khoảng 1 tháng để đánh giá hồ sơ dự thầu, trước khi bắt tay thương thảo với các ứng thầu tiềm năng trước khi trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu vào cuối tháng 1/2017.
Trước đó, vào tháng 11/2015, ba gói thầu đầu tiên của Dự án đã được ACV trình lên cấp có thẩm quyền gồm: Tư vấn thẩm tra dự toán lập báo cáo khả thi (có trị giá gói thầu 0,3 tỷ đồng); Tư vấn đánh giá tác động môi trường (khoảng 3,8 tỷ đồng) và Tư vấn lập F/S (khoảng 18,8 triệu USD). Toàn bộ kinh phí triển khai 3 gói thầu sẽ được huy động từ Quỹ Đầu tư phát triển của ACV.
Cần phải nói thêm rằng, để có thể xây dựng được Báo cáo F/S cho công trình quy mô vốn lên tới 5,45 tỷ USD, có độ phức tạp rất cao về công nghệ, thời gian để đơn vị tư vấn thực hiện gói thầu cần ít nhất 16 tháng.
ACV kỳ vọng có thể trình hồ sơ thẩm định Báo cáo F/S vào khoảng giữa tháng 6 đến giữa tháng 7/2018, để Bộ GTVT thẩm định, trước khi trình Chính phủ vào khoảng giữa tháng 7 đến cuối tháng 8/2018.
Báo cáo F/S tiếp tục được “soi kỹ” bởi Hội đồng Thẩm định nhà nước, do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập, để có thể trình Quốc hội thông qua Dự án trong quý IV/2018.
“Trong trường hợp không kịp trình Quốc hội thông qua dự án đầu tư xây dựng trong kỳ họp Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2018 (do phải trình Quốc hội trước ít nhất 3 tháng), Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp khóa XIV vào tháng 5/2019. Khi đó tiến độ Dự án sẽ phải kéo dài thêm khoảng 6 tháng”, ông Bình cho biết.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Dự án đầu tư xây dựng vào tháng 12/2018, đơn vị quản lý dự án sẽ cần thêm 18 tháng nữa để tiến hành lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán - hai bước quan trọng nhất để lập được hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp.
Đề xuất biện pháp rút ngắn tiến độ
ACV cho biết, công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp sẽ bắt đầu bằng việc bán hồ sơ mời thầu từ tháng 11/2019, đánh giá hồ sơ dự thầu từ tháng 2/2021; thương thảo hợp đồng vào cuối tháng 2/2015, ký hợp đồng vào cuối tháng 3/2021 - đây cũng là điểm kết thúc của hành trình chuẩn bị kéo dài 5 năm cho siêu công trình có quy mô lớn nhất, phức tạp về công nghệ nhất từng được triển khai tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, theo lãnh đạo ACV, đây là tiến độ được lập theo đúng trình tự, thủ tục hiện hành. Tiến độ trên có thể được rút ngắn nếu áp dụng các giải pháp đẩy nhanh như chỉ định thầu thiết kế kỹ thuật song song với công tác lập F/S. Trước đó, vào tháng 3/2016, ACV đã đề nghị Bộ GTVT cho phép thực hiện thiết kế kỹ thuật song song với công tác lập F/S.
“Trong trường hợp thực hiện thiết kế kỹ thuật sau khi F/S được phê duyệt, thì Dự án chỉ có thể khởi công sớm nhất là cuối tháng 10/2016”, ông Bình tính toán.
Vì lý do này, ACV muốn Bộ GTVT cho phép được thu xếp vốn và chỉ định nhà thầu tư vấn trúng tuyển lập Báo cáo nghiên cứu khả thi thực hiện thiết kế kỹ thuật song song với với công tác lập F/S đối với các hạng mục: Nhà ga hàng không, Nhà khách VIP, Nhà văn phòng ACV, các tòa nhà tiện ích khác; khu bay… để có thể phê duyệt thiết kế kỹ thuật ngay sau khi phê duyệt F/S.
ACV cũng đề nghị bộ chủ quản và UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo Chính phủ sử dụng vốn ngân sách để triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu của Dự án.
Được biết, phạm vi công việc được lập đề cương trong F/S chia thành 5 nhóm hạng mục gồm: 10 hạng mục do ACV làm chủ đầu tư và dùng vốn của ACV; 26 hạng mục do ACV làm chủ đầu tư, sử dụng vốn vay ODA và vốn ngân sách (các hạng mục không có khả năng sinh lời); 6 hạng mục dùng vốn ngân sách do Nhà nước chỉ định làm chủ đầu tư; 2 hạng mục vay vốn ODA thương mại hoặc đối tác công - tư (PPP); 17 hạng mục do các doanh nghiệp khác làm chủ đầu tư.
Trong Đề cương Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Bộ GTVT cuối năm 2015, ACV cũng kiến nghị áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với dự án theo hình thức ngân sách nhà nước cho vay lại toàn bộ, bao gồm cả phần vốn ODA, vốn vay ưu đãi dự kiến lên tới 3,53 tỷ USD, tương đương 35,23% khái toán tổng mức đầu tư Dự án.
“Chủ đầu tư sẽ trực tiếp quản lý dự án thông qua Ban quản lý dự án do chủ đầu tư thành lập như thông lệ mà chúng tôi vẫn áp dụng tại các dự án đầu tư của ACV”, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐQT ACV đề nghị.(BĐT)
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra môi trường Nhà máy giấy Lee&Man
Cụ thể, theo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng UBND tỉnh Hậu Giang khẩn trương kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc đúng quy định của pháp luật đối với Dự án nhà máy giấy Lee&Man của Công ty TNHH Lee&Man tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, bảo đảm ngăn chặn, chủ động phòng tránh có hiệu quả việc ô nhiễm môi trường có thể xảy ra do hoạt động của nhà máy giấy, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xem xét, xử lý kiến nghị của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) về Dự án nhà máy giấy Lee&Man nêu trên, có văn bản trả lời cho Hiệp hội.
Được biết, nhà máy giấy Lee&Man có quy mô lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 5 nhà máy lớn nhất trên thế giới chủ yếu xả thải xút (NaOH), đứng hàng thứ hai sau cyanuya, thạch tín. Hiện khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn.
Theo Vasep, dự án này chuyên sản xuất, gia công, mua bán các loại giấy, bao bì bột giấy và sản phẩm từ giấy, diện tích sử dụng là 200ha, nay đã giảm xuống còn khoảng 82,8ha. Trong đó, khoảng 41ha hoạt động sản xuất giấy, còn lại dành cho sản xuất bột giấy. Tháng 3/2015, dự án Nhà máy giấy Lee &Man Việt Nam đã chính thức khởi công và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 8/2016. Khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đặc biệt là thải ra khoảng 28.500 tấn xút (NaOH)/năm xuống sông Hậu.
Trước đó, từ năm 2007, sau khi biết thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy và bột giấy Lee&Man đang xin cấp phép thành lập tại Cụm công nghiệp Nam Sông Hậu, Vasep đã gửi văn bản báo cáo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đề nghị Bộ có ý kiến với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan về việc này.
"Các doanh nghiệp thủy sản rất lo ngại vì dự án này có thể hủy hoại nguồn lợi thủy sản vùng ĐBSCL", Vasep cho biết.
Cũng theo Vasep, sau khi nhận được kiến nghị của Vasep và được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ngày 6/9/2007, Cục Lâm Nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã có công văn trả lời về vụ việc trên. Trong đó Cục nêu rõ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang và theo Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010 - tầm nhìn 2020 cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại ĐBSCL.
Tuy nhiên, Vasep cho biết, nhà máy này được đặt ở vùng trũng nhất khu vực nên rất khó rửa trôi một khối lượng xút lớn (để sản xuất 1 tấn giấy hoặc bột giấy cần 50kg xút làm chất tẩy). Vì vậy nếu lượng xút này đổ ra sông Hậu và biển thì sẽ hủy hoại nguồn lợi thủy sản ở sông và biển, đồng thời ảnh hưởng lớn tới việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực ĐBSCL. Cục Lâm nghiệp đã đề nghị Bộ NN&PTNT báo cáo với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết vụ việc trên.