Hưng Yên đề xuất xây tuyến đường liên tỉnh nối với Hà Nội
Hoạt động nuôi trồng thủy sản 7 tháng đầu năm tiếp tục gặp khó khăn
Thủy sản là chỗ dựa cho ngành nông nghiệp tăng trưởng cuối năm
Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3%
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 01-08-2016
- Cập nhật : 01/08/2016
Than xuất lậu vẫn “nóng” trên vùng biển Quảng Ninh
Mặc dù các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 77 vụ vi phạm, tịch thu hơn 6.500 tấn than các loại nhưng hoạt động thu gom, xuất lậu than vẫn diễn ra phức tạp trên vùng biển Đông Bắc.
Một tàu chở than xuất lậu do lực lượng Hải quan Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ (Ảnh do Hải quan Quảng Ninh cung cấp)
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quảng Ninh, các đầu nậu thường lợi dụng đêm tối, sử dụng các loại phương tiện có công suất lớn để vận chuyển hàng cấm từ khu vực cảng Trúc Sơn, Vạn Mỹ - Trung Quốc về khu vực đường phân định trên Vịnh Bắc bộ hoặc một số vùng biển xa rồi chia nhỏ, xé lẻ đưa lên các tàu cá, tàu nhỏ rồi tiếp tục vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ hoặc sử dụng các phương tiện đánh bắt hải sản có trọng tải nhỏ luồn lách, lẩn tránh qua các luồng lạch, đảo, núi để vận chuyểnhàng hóa nhập lậu.
Không chỉ tìm đủ mọi cách tiêu thụ trót lọt hàng hóa nhập lậu, một số đối tượng còn tổ chức xuất lậu các mặt hàng trọng điểm như than, quặng. Nhóm đối tượng này thường sử dụng tàu có trọng tải lớn dùng hóa đơn, chứng từ vận chuyển nội địa, khi đi qua khu vực giáp ranh biên giới, nếu có cơ hội thì lập tức chuyển hướng để xuất lậu sang Trung Quốc.
Trên thực tế, vi phạm liên quan đến than không có phát sinh phức tạp do các ngành, lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý. Tuy nhiên, hoạt động khai thác trái phép còn tiềm ẩn nguy cơ tái diễn ở một số địa bàn như khu vực Cao Xanh, Hà Khánh, Hà Tu (Hạ Long), khu vực giáp ranh Công ty Vietmindo, xã Tân Dân, Bằng Cả (Hoành Bồ), xã Thượng Yên Công, phường Phương Đông (Uông Bí), các xã Tràng Lương, Hoàng Quế, Hồng Thái Đông (Đông Triều).
Đáng chú ý, Điều 227 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) quy định hành vi khai thác tài nguyên trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi đó thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc khoáng sản khai thác được có trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, hoặc gây thương tích, tổn hại sức khỏe từ 31% đến 60%.
Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 77 vụ vi phạm liên quan đến khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép; thu giữ hơn 6.500 tấn than các loại. Trong đó, lực lượng chức năng đã tiến hành khởi tố 2 vụ, với 15 đối tượng liên quan. Điển hình là tại khu vực biển Hạ Mai, Vân Đồn, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Quảng Ninh) phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động phát hiện, bắt giữ tàu HP-3088 do Bùi Văn Hiên, sinh năm 1977, trú tại An Lư, Thủy Nguyên, TP Hải Phòng là thuyền trưởng cùng 7 thuyền viên đang vận chuyển 4.000 tấn than trị giá 3,97 tỷ đồng đi Trung Quốc tiêu thụ.
Tại cơ quan điều tra, thuyền trưởng Bùi Văn Hiên và 7 người đi trên tàu (đều trú tại Hải Phòng) khai nhận, số than trên được vận chuyển từ bãi than xã Gia Minh (Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) và đang trên đường sang Trung Quốc tiêu thụ. Thuyền trưởng cùng toàn bộ thuyền viên trên tàu không có giấy tờ tùy thân và chứng chỉ chuyên môn. Vụ việc đã được cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Quảng Ninh khởi tố, đề nghị truy tố 7 bị can về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo Điều 154 Bộ luật Hình sự.
Ban Chỉ đạo 389 Quảng Ninh nhận định, hoạt động buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển tiêu thụ than trái phép vẫn diễn ra nhỏ lẻ và diễn biến phức tạp... với phương thức, thủ đoạn tinh vi, có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng trong và ngoài nước, khu vực biên giới và trong nội địa.
Do vậy, những tháng cuối năm 2016, các lực lượng trên địa bàn tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý, khai thác, vận chuyển và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh; các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến mặt hàng than; Kế hoạch số 03/KH-BCĐ 389; Kế hoạch số 01/KH-BCĐ 389 ngày của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia...
Trong đó, các lực lượng thành viên trực thuộc Ban Chỉ đạo 389 Quảng Ninh tập trung xác định địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng điểm, đối tượng trọng điểm, triển khai đầy đủ, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Đồng thời, xác lập và phá các chuyên án điểm về hoạt động buôn lậu, gian lận các nhóm mặt hàng: Hàng cấm (bao gồm: ma túy, vũ khí công cụ hỗ trợ, chất nổ, pháo; văn hóa phẩm phản động, đồi trụy; động thực vật hoang dã, động vật rừng, gỗ, hàng gỗ mỹ nghệ; than, khoáng sản..(HQ)
Đà Nẵng khởi công dự án “từ chối vốn ODA”
Sáng 31-7, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng khởi công xây dựng Cảng Tiên Sa giai đoạn 2 - dự án đặc biệt đã lên tiếng từ chối nguồn vốn vay ODA - với tổng số vốn đầu tư 1.070 tỉ đồng.
Dự án xây dựng Cảng Tiên Sa dự kiến hoàn thành tháng 3-2019. Diện tích xây dựng 86.674m2, tổng chiều dài cầu cảng 530m, bao gồm 3 cầu cảng chuyên dùng cho hàng container.
Sau khi đưa vào sử dụng, sẽ có 8 cầu cảng, trong đó có 7 cầu cảng chuyên phục vụ tàu chở hàng hóa tổng hợp và tàu container nâng năng lực bốc xếp hàng hóa qua cảng đạt mức 12 triệu tấn hàng hóa/năm, 1 cầu cảng chuyên phục vụ tàu du lịch có khả năng tiếp nhận 200 tàu du lịch với 200.000 du khách/năm.
Theo ông Nguyễn Hữu Sia - tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng - 3 cầu cảng mới xây dựng trong giai đoạn 2 sẽ được nạo vét đạt mức nước sâu đến 14m, đủ sức tiếp nhận tàu container có tải trọng lên đến 75.000 tấn.
Trên cầu cảng sẽ được lắp đặt thêm 2 giàn cẩu chuyên bốc xếp hàng container và 4 cẩu công suất lớn, cho phép tiếp nhận bốc xếp tàu có tải trọng lớn, đồng thời rút ngắn thời gian xếp dỡ hàng, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ những hãng vận chuyển container chuyên nghiệp trên thế giới.
Như chúng tôi đã thông tin, tuyên bố “không cần vay vốn ODA” và "nếu không huy động được nguồn vốn trong nước để làm cảng sẽ từ chức" của ông Sia ngày 27-3-2015 đã gây ngạc nhiên với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ (lúc bây giờ) và chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ lẫn lãnh đạo các sở ban ngành tham dự cuộc họp mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2.
Lý do, sau nhiều lần làm việc UBND TP Đà Nẵng đã kiến nghị với Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 được vay vốn ODA của Nhật Bản vì dự án được TP Đà Nẵng hết sức quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của TP.
Theo đó, phía Nhật đã đồng ý tài trợ vốn cho dự án này với số tiền khoảng 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi khảo sát và Nhật đồng ý tài trợ để chuẩn bị khởi công dự án năm 2016 thì phía cảng Đà Nẵng đề nghị “xin không vay nữa” mà huy động nguồn tự có để đầu tư.
Theo ông Sia, về số vốn cụ thể để đầu tư cho dự án đến nay đã chuẩn bị xong. Cụ thể, nguồn vốn tự có của công ty là 35%, nguồn vốn huy động từ cổ đông và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là 35% và cuối cùng là nguồn vốn vay từ các ngân hàng chiếm 30%.
Hiện nay, tất cả nguồn vốn này đã có và sẵn sàng bảo đảm dự án triển khai đúng tiến độ.
Ông Sia cho biết năm 2015, lượng hàng hóa thông qua Cảng Tiên Sa đã đạt 6,5 triệu tấn, dự kiến trong năm 2016 đạt khoảng 7 triệu tấn.
Thực tế liên tục trong nhiều năm nay, lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng luôn duy trì mức tăng trưởng từ 20-22%/năm, trong đó mặt hàng chiến lược là hàng container đạt mức tăng trưởng trung bình 18-20%/năm.(TT)
Cần chính sách đặc thù để thu hút FDI
Sáu tháng đầu năm 2016, hàng loạt nhà đầu tư từ châu Á đã đổ về ĐBSCL tìm kiếm môi trường đầu tư. Tuy nhiên, ĐBSCL cần cải thiện nhiều vướng mắc mà vùng đang gặp khó khăn như: cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút… Cần Thơ là trung tâm, nhưng lại thu hút vốn đầu tư rất khiêm tốn, so với các tỉnh Long An, Kiên Giang...
Tăng vốn cao nhất trong 20 năm qua
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, 6 tháng đầu năm ĐBSCL thu hút 79 dự án mới với tổn vốn đăng ký là 987 triệu USD, 51 dự án tăng vốn với tổng vốn 412 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký mới và tăng vốn 1,399 tỷ USD.
“Với số vốn đăng ký mới và tăng vốn, lần đầu tiên trong 20 năm qua,FDI của ĐBSCL thu hút nhiều dự án có quy mô lớn và tăng đáng kể, chiếm 13% về số dự án đăng ký mới và 12% tổng vốn đăng ký. Xu hướng đầu tư FDI vào ĐBSCL đến từ các quốc gia châu Á, tập trung ở các ngành: chế biến nông sản, dệt may, điện gió”, ông Lam nhận xét.
Các dự án có quy mô lớn về da giày và may mặc đang có xu hướng tăng với quy mô lớn như: dự án giày thể thao của Hàn Quốc tại Cần Thơ (171 triệu USD), dự án Kintpassion của Đài Loan tại Long An (68,4 triệu USD), dự án giày của Hàn Quốc tại Long An (25 triệu USD)…
Theo ông Lam, kết quả này cho thấy ĐBSCL đang có cơ hội tiếp cận từ các Hiệp định thương mại sắp có hiệu lực mang lại. Với sự nỗ lực của cơ quan xúc tiến trong vùng thì năm 2016 sẽ tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc ở đây, vùng ĐBSCL là “thủ phủ” về nông nghiệp của cả nước thì trong số 79 dự án mới chỉ có duy nhất một dự án của Nhật đầu tư vào nông nghiệp với số vốn 68.000USD.
Tính đến ngày 30-6, số lượng doanh nghiệp (DN) mới toàn vùng ĐBSCL là 3.880 DN, chiếm 9,2% tổng số DN thành lập mới cả nước, nâng tổng số DN toàn vùng lên 61.641 DN, chiếm 12% số DN đang hoạt động trên cả nước.
Tuy số DN đăng ký mới không nhiều như một số vùng khác: Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung (tăng 28,3%), Đồng bằng sông Hồng (tăng 21,5%), Tây Nguyên (tăng 20,2%), Đông Nam Bộ (tăng 18,6%)… nhưng vốn đăng ký của vùng ĐBSCL tăng đáng kể với vốn đăng ký mới là 39.879 tỷ đồng, tăng 128,1% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng cao nhất cả nước.
Cần có chính sách đặc thù riêng
Trong số các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thu hút vốn FDI thì Long An thu hút vốn mới và tăng vốn đạt 349 triệu USD, Cần Thơ 171 triệu USD, Hậu Giang 50 triệu USD, Vĩnh Long 24 triệu USD, các tỉnh khác là những con số khiêm tốn. Tính đến nay, Long An là địa phương có số vốn FDI còn hiệu lực cao nhất với trên 6,3 tỷ USD, tiếp đó là Kiên Giang trên 2,9 tỷ USD, Hậu Giang 1,4 tỷ USD, Cần Thơ trên 1 tỷ USD.
Thời gian qua, các địa phương ở ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nhằm nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nhờ vậy từ năm 2010, trung bình có 2-3 tỉnh nằm trong tốp 5, 4-5 tỉnh nằm trong tốp 10. Năm 2015, trong 10 tiêu chí đánh giá tốt nhất của từng chỉ số thì ĐBSCL chiếm đa số với 7 tiêu chí dẫn đầu.
Tuy nhiên, vùng còn nhiều trở ngại là thiếu lao động có tay nghề, hạ tầng kỹ thuật yếu và chưa có những chính sách riêng biệt cho vùng.
Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang cho biết: “Để giải quyết những khó khăn của ĐBSCL thì cần kiến nghị để Trung ương có chính sách đặc thù. Nhằm củng cố lòng tin cho DN, nhà đầu tư, tỉnh Hậu Giang sẽ xử lý nghiêm những trường hợp làm khó DN, bên cạnh đó nhằm tạo ấn tượng tốt cho nhà đầu tư”.
Còn theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, việc liên kết vùng ở ĐBSCL chưa hình thành. Vì vậy, chưa có nguồn nguyên liệu tập trung, thiếu sự phân bổ cho các tỉnh tập trung sản xuất công nghiệp chế biến, một số địa phương có lợi thế cho giao dịch thương mại, hậu cần (logistics) chưa được phát huy do chưa có mối liên kết cụ thể thông qua những chính sách từ Chính phủ.
Điều này dẫn đến 13 tỉnh đều giống nhau và thậm chí cạnh tranh nhau. Những hạn chế này cần phải giải quyết để việc thu hút đầu tư vào ĐBSCL được thuận lợi.(CAND)
Thanh Hóa: Gần 1.000 tỷ đồng tiền nợ xây dựng nông thôn mới
Ngày 30/7, theo thống kê từ Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh Thanh Hóa thì lũy kế nợ xây dựng cơ bản trong XDNTM của tỉnh này đến ngày 30/6/2016 là 991,085 tỷ đồng (bình quân 1,732 tỷ đồng/xã).
Trong đó, các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nợ đọng 286,669 tỷ đồng, trung bình mỗi xã nợ 2,536 tỷ đồng. Theo Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh thì nguồn trả nợ và kế hoạch thanh toán nợ theo lộ trình từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn thành.
Tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương trả nợ như thưởng các xã đạt chuẩn NTM 1 tỉ đồng; hỗ trợ xây dựng các công trình xây dựng cơ bản; để lại 100% tiền bán quyền sử dụng đất cho các xã điểm XDNTM của tỉnh và để lại 70% tiền bán quyền sử dụng đấtcho các xã XDNTM; huy động các nguồn hợp pháp khác của xã để trả nợ xây dựng cơ bản…