32 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 15,8 tỉ USD đã được UBND tỉnh Quảng Nam trao quyết định đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2017 tại TP Tam Kỳ sáng 26-3.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 02-08-2016
- Cập nhật : 02/08/2016
Nông nghiệp tăng trưởng âm: Lỗ hổng trong đầu tư công ở ĐBSCL?
Mức tăng trưởng âm của nông nghiệp đã phản ánh phần nào cuộc sống ngày càng khốn khó của người nông dân ĐBSCL.
Trong 10 năm trở lại đây, năm nay là năm đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm. Điều này tác động không nhỏ đến nền kinh tế đất nước. ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước. Vì vậy, mức tăng trưởng âm này đã phản ánh phần nào cuộc sống ngày càng khốn khó của người nông dân ĐBSCL.
Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2016, mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp giảm tới 0,18%. Lĩnh vực giảm mạnh nhất là trồng trọt khoảng 3%. Như vậy, kể từ năm 2005 đến nay, đây là lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm.
Một trong những nguyên nhân tác động xấu đến ngành nông nghiệp nước ta là do tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh hưởng của hạn, mặn kéo dài làm thiệt hại đến trồng trọt và nuôi trồng thủy, hải sản. Theo đó, hạn hán và xâm nhập mặn ở các tỉnh ĐBSCL làm gần 222.000 ha lúa, hơn 6.500 ha rau màu, 26.500ha cây ăn trái và cây công nghiệp bị thiệt hại. Có khoảng 225.800 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt. Đợt hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua tại ĐBSCL gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, hiện tượng biến đổi khí hậu mặc dù đã được dự báo từ lâu, chứ không phải bất thường, nhưng do chủ quan của các bộ, ngành, địa phương nên khi xảy ra, thiệt hại càng nặng nề. Đã đến lúc, người dân và chính quyền các tỉnh ĐBSCL cần thay đổi tư duy về ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Hạn, mặn, thiếu nước ngọt và kém phù sa ở ĐBSCL không thể là hiện tượng bất thường mà nó sẽ kéo dài. Cho nên gần đây nó xảy ra như vậy có phải là điều kiện thay đổi bất thường nó sẽ trở thành bình thường trong tương lai. Vừa qua nó làm cho một số tỉnh chuẩn bị có những cải cách khi bị gặp khó khăn đã làm chậm đà phát triển kinh tế”- ông Thiên lưu ý.
Tuy nhiên, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, nền tảng kinh tế của ĐBSCL là nông nghiệp. Nhưng việc đầu tư cho nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Do vậy, mọi tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đều để lại hậu quả lớn cho nền kinh tế vùng.
“Nền tảng cho nông nghiệp, đầu tư cho nông nghiệp chưa nhiều. Do vậy một yếu tố bất thường nào đó tác động vào làm cho nông nghiệp tăng trưởng âm là điều bình thường. Và điều này cho thấy lỗ hổng trong chính sách đầu tư và những khiếm khuyết đầu tư trong vùng. Chính phủ cần quan tâm cấu trúc lại đầu tư cho ĐBSCL, đặc biệt là đầu tư cho ngành hỗ trợ cho nông nghiệp. Phân bổ lại nguồn lực toàn vùng”- ông Dũng nói.
Đóng góp của ngành nông nghiệp đối với xã hội còn tương đối lớn nhưng đầu tư cho nông nghiệp còn thấp. Do đó, ngoài đầu tư về cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường kinh tế hợp tác, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đầu tư vào ngành nông nghiệp.
Ông Bùi Văn Ngọ, chuyên gia Kinh tế - Kỹ thuật, Công ty Bùi Văn Ngọ cho rằng, cần ứng dụng cơ giới hóa cũng như chế biến sâu để tăng năng suất lao động và giá trị gia tăng. Có như vậy, ĐBSCL mới tạo được thương hiệu tốt, đáp ứng thời kỳ hội nhập; đồng thời, khôi phục lại mạch tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại - Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ NN&PTNT cho biết, để vực dậy ngành nông nghiệp, cần chú ý đến giá trị gia tăng của sản phẩm; chú trọng sản xuất ra sản phẩm, mặt hàng có giá trị cao để xuất khẩu.
Nông nghiệp tăng trưởng âm đặt ra yêu cầu cấp bách về tái cấu trúc nền kinh tế ở ĐBSCL. Thực trạng này đang dẫn đến sự di chuyển lao động, phân bố lại lao động cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, làm thay đổi bức tranh kinh tế của vùng. Trước mắt, tăng trưởng âm của ngành nông nghiệp có thể làm xáo trộn về tâm lý, nhưng nó sẽ góp phần phân bổ hợp lý hơn các nguồn lực ở khu vực ĐBSCL./.(VOV)
Tại sao chưa bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu?
Trước nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại tính hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), các cơ quan quản lý nhà nước vẫn khẳng định sự tồn tại của quỹ này là cần thiết. Tuy vậy, khi diễn biến giá xăng dầu không quá “sốc” như hiện nay, vai trò của quỹ là khá mờ nhạt.
“Vô thưởng vô phạt”
Tại kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 20-7, cùng với “mệnh lệnh” giảm giá xăng và giữ nguyên giá dầu từ phía liên bộ Công Thương - Tài chính, mức sử dụng Quỹ BOG cũng được điều chỉnh lại. Cụ thể, xăng khoáng giảm sử dụng quỹ từ 426 đồng/lít ở kỳ trước còn 0 đồng/lít; xăng E5 cũng giảm từ 467 đồng/lít còn 0 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 472 đồng/lít còn 51 đồng/lít; dầu hỏa giảm từ 660 đồng/lít về 254 đồng/lít; dầu ma dút cũng giảm chi quỹ từ 151 đồng/kg xuống 136 đồng/kg. Trong khi đó, quỹ này tiếp tục được trích lập 300 đồng/lít đối với tất cả mặt hàng xăng dầu. Đáng nói, mức trích lập này đã được duy trì khá dài, bất kể diễn biến giá xăng dầu trên thị trường tăng hay giảm.
Từ đầu năm tới nay, diễn biến tăng giảm của giá xăng dầu trên thị trường thế giới khá “đều tay” và duy trì ở biên độ không lớn lắm. Số tiền Quỹ BOG do trích lập đều đặn cũng phát huy tác dụng ở một số thời điểm nhằm giữ giá tăng ở mức thấp nhất có thể. Do đó, số dư quỹ còn lại ở con số không ít nhưng cũng không phải quá “khủng”.
Số liệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu vào 15 giờ ngày 20-7, ước Quỹ BOG của doanh nghiệp này còn 1.350 tỉ đồng. Như vậy, so với chu kỳ liền kề trước đó (ngày 5-7) ở mức 1.405 tỉ đồng, Quỹ BOG của Petrolimex đã giảm tiếp 55 tỉ đồng.
Song, quỹ này có phát huy tác dụng thực không khi đều đặn trích lập ở mỗi lít sản phẩm 300 đồng và “tước” mất cơ hội giảm giá sâu hơn trong nhiều thời điểm?
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng về mặt khoa học thì Quỹ BOG tỏ ra khá “vô thưởng vô phạt” trong việc bình ổn giá xăng dầu. Bởi theo TS Độ, quỹ chỉ thực sự phát huy tác dụng khi xảy ra tình huống giá xăng dầu tăng đột biến với biên độ cực lớn.
Khi đó, quỹ sẽ giúp giảm cú “sốc” tăng giá xăng, đồng thời cũng giảm áp lực cho nền kinh tế. Để làm được điều đó, quỹ cần nguồn dự trữ cực lớn, mà điều này là bất khả thi bởi “lạm thu” quá nhiều trong thời điểm giá dầu thấp để tạo nguồn quỹ “khủng” có thể gây tâm lý không đồng thuận.
Còn hiện nay, giá xăng dầu dịch chuyển lên xuống với biên độ nhỏ. Vai trò của quỹ trong bình ổn giá - cụ thể là hạn chế tăng giá sốc - trong thời gian gần đây tỏ ra khá mờ nhạt. Chưa kể đến điều hành quỹ có thể gây băn khoăn trong dư luận với câu hỏi tại sao diễn biến giá thế giới giữ ở đà giảm mà quyết định trích quỹ vẫn được duy trì khá lâu?
Nên bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tuy vẫn là mặt hàng được xếp vào danh mục “nhạy cảm” nhưng trong xu thế và các cam kết hội nhập, thuế nhập khẩu xăng dầu ở nhiều thị trường đã giảm sâu. Hiện nay, thuế bình quân gia quyền được áp dụng chưa phải là phương án được giới chuyên gia đánh giá là tối ưu song cũng đã chứng tỏ phần nào định hướng của cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa giá xăng dầu về gần hơn với thị trường và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Đáng nói là Quỹ BOG vẫn được duy trì quan điểm kế thừa từ Nghị định 84 với mong muốn bình ổn giá các mặt hàng nhiên liệu phục vụ sản xuất và đời sống. Ngay từ khi Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu còn hiệu lực, đã có rất nhiều ý kiến góp ý nên loại bỏ quỹ này trong cơ cấu giá xăng bởi nó khiến giá mặt hàng này bị “bóp méo” so với giá thực song kết quả là quỹ tiếp tục được tồn tại.
Như vậy là, cho đến hiện nay, người tiêu dùng vẫn chịu cảnh là phải “rút” thêm 300 đồng/lít cho quỹ thay vì được mua giá thấp hơn. Việc giá xăng dầu không phản ánh đúng thị trường sẽ còn tác động đến sản xuất và kinh doanh, giá cả các hàng hóa khác, tạo dây chuyền cả nền kinh tế bị ảnh hưởng. Lựa chọn này bị nhiều ý kiến đánh giá là không hợp lý và nên tiếp tục được đưa vào phần đánh giá tổng kết hiệu quả của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương chủ trì tới đây.
“Nếu thực thấy quỹ không hiệu quả, người dân không đồng tình thì các bộ nên xem xét chỉnh sửa Nghị định 83. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng nhiều lần đưa ý kiến nên bỏ Quỹ BOG để dần dần giảm bớt quy định hành chính, đưa giá xăng dầu hội nhập với thị trường thế giới” - một chuyên gia nhấn mạnh.
Thanh tra toàn diện hợp đồng MobiFone mua 95% cổ phần AVG
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 1344 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Văn bản cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Văn bản số 1621-CV/VPTW ngày 22/7/2016 của Văn phòng Trung ương về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc mua 95% cổ phần AVG của MobiFone.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện về dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 8/1/2016, Tổng công ty Viễn thông MobiFone chính thức có thông cáo báo chí về việc đã mua cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) để phục vụ cho việc kinh doanh truyền hình - một trong bốn lĩnh vực chiến lược của MobiFone - cùng với di động, bán lẻ và đa phương tiện.
MobiFone khi đó cho biết, tháng 12/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định chính thức phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone.
Mặc dù thông báo đã mua cổ phần của AVG nhưng MobiFone không cho biết cụ thể số cổ phần đã mua là bao nhiêu.
Tuy nhiên, trước đó, trên một số báo, lãnh đạo MobiFone có cho biết là đã mua 95% cổ phần của AVG dù cũng không tiết lộ số tiền mua là bao nhiêu. Đồng thời cũng cho biết MobiFone sẽ tiếp nhận nguyên trạng truyền hình An Viên trong vòng 3-6 tháng.(Vneconomy)
Big C đã nộp 380 tỉ đồng tiền thuế chuyển nhượng vốn
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, siêu thị Big C VN đã kê khai và nộp thuế chuyển nhượng vốn thay Tập đoàn bán lẻ Central Group khi mua lại hệ thống siêu thị này.
Bước đầu, doanh nghiệp này vừa nộp 380 tỉ đồng. Dự kiến trong thời gian tới sẽ nộp dần số thuế còn lại. Tổng tiền thuế mà doanh nghiệp đã kê khai với cơ quan thuế là khoảng 2.000 tỉ đồng.
Như vậy, doanh nghiệp còn phải nộp hơn 1.600 tỉ đồng nữa.
Bộ Tài chính cho biết từ cuối năm 2015 đến nay, một loạt siêu thị bán lẻ lớn ở VN đã được các đại gia Thái Lan mua lại.
Điển hình là thương vụ chuyển nhượng chuỗi siêu thị Metro từ Metro Cash & Carry (Đức) thông qua Công ty Cash & Carry Metro (Hà Lan) cho Tập đoàn TCC Land International Pte., Ltd.
Thương vụ này đã được Công ty Metro Cash & Carry nộp thuế chuyển nhượng cho cơ quan thuế VN là 1.911 tỉ đồng.(TT)
Eximbank: Lợi nhuận giảm mạnh, nợ xấu tăng vọt lên 5,3%
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016.
Tổng tài sản ngân hàng đến cuối quý II giảm 2,5% khi đạt 121.682 tỷ đồng. Hoạt động cho vay khách hàng đạt 80.842 tỷ đồng, giảm 4,6% so với đầu năm. Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng tăng 2,3%, đạt 100.728 tỷ đồng.
Sau 6 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 79,2 tỷ đồng, giảm mạnh 86% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu đến hết quý II là 5,3%, tăng vọt so với con số 1,9% hồi đầu năm.
Tính riêng quý II, thu nhập lãi thuần của Eximbank đạt 743,7 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng gấp 3 lần thì lãi hoạt động dịch vụ và hoạt động khác giảm lần lượt 8,5% và 72%.
Mặc dù chi phí hoạt động giảm 11% so với cùng kỳ xuống 535 tỷ, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại tăng 95% lên 324 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế trong quý II đạt 48,8 tỷ đồng, tăng so với mức chỉ 29 tỷ của cùng kỳ.
Ngân hàng vừa công bố hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 2/8 do chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc rà soát quyền đề cử, ứng cử của các nhóm cổ đông để báo cáo trước khi NHNN phê duyệt nhân sự. Sau hai lần tổ chức không thành công, hiện Eximbank vẫn chưa xác định được thời gian sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường.(NCĐT)