NFSC: Nếu không tính y tế, giáo dục lạm phát năm 2016 chỉ khoảng 3,5 – 4%
Đà Nẵng: Khoanh định 433 khu vực cấm hoạt động khoáng sản
Hà Nội: Quy hoạch chung khu vực thị trấn Phù Đổng, Gia Lâm
Nguy cơ dư thừa thịt lợn những tháng cuối năm
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 02-08-2016
- Cập nhật : 02/08/2016
Những bất cập BOT
Bộ GTVT khẳng định sẽ dừng đầu tư theo hình thức BOT đối với các tuyến quốc lộ hiện hữu, trừ khi nhận được sự đồng thuận sau tham vấn đối với các đối tượng sử dụng, tổ chức nghề nghiệp, HĐND các cấp khu vực dự án đi qua…
Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), giai đoạn 2011-2015, bộ này đã huy động được gần 186,7 nghìn tỷ đồng để đầu tư 62 dự án, gồm 58 dự án BOT (tổng mức đầu tư trên 170 nghìn tỷ đồng), và 4 dự án BT (tổng mức đầu tư trên 16 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, lĩnh vực đường bộ có 58 dự án, đường thủy nội địa 1 dự án, hàng hải có 2 dự án, và đào tạo có 1 dự án. Hiện nay, Bộ GTVT cũng đang triển khai đầu tư 36 dự án với tổng mức đầu tư gần 112 nghìn tỷ đồng.
Nhìn lại giai đoạn 5 năm vừa qua, có thể thấy mô hình đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) và hình thức BT (xây dựng- chuyển giao) phát triển nhanh. Các dự án BOT, BT đã góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông trên phạm vi cả nước. Song đi cùng với đó là vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, trong suốt quá trình huy động vốn, đầu tư, thu phí…
Chủ đầu tư có thể chỉ cần bỏ ra 10 - 15% vốn trên tổng đầu tư là có thể nhận ngay một dự án BOT về giao thông, đồng thời thu lời hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trong thời gian thu phí cả chục năm. Mức “siêu lợi nhuận” ấy đã biến các dự án BOT về giao thông trở thành những “mỏ vàng” với các nhà đầu tư.
Đấy là chưa kể nhiều dự án BOT chủ đầu tư chỉ cần trải lại mặt đường trên cốt nền cũ và thu tiền như dự án BOT Lương Sơn - Hòa Bình; Bắc Ninh - Bắc Giang… Bên cạnh đó các suất đầu tư bị đẩy lên cao khiến thời gian hoàn vốn kéo dài, mật độ các trạm thu phí khá dầy gây bất tiện cho các phương tiện tham gia giao thông.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc CTCP Vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho rằng, BOT mang lại cho DN vận tải nhiều cơ hội lớn về cắt giảm thời gian lưu thông, đẩy nhanh tiến độ giao hàng... Nhưng đồng thời, DN vận tải cũng đang gặp nhiều gánh nặng do phí BOT quá cao.
“Trung bình 1 đầu xe khách của chúng tôi hiện đang mất 40 triệu đồng/tháng để trả phí BOT tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Con số này nhân với cả năm là quá lớn cho mỗi đầu xe. Khó khăn như vậy nhưng DN cũng không còn lựa chọn tuyến đường nào khác khi quốc lộ 5 do ngân sách Nhà nước đầu tư cũng bị chuyển giao cho nhà đầu tư BOT”.
Cũng nói về dự án này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trạm thu phí số 1, số 2 thuộc quốc lộ 5 phân bố không hợp lý, vì vậy vị này kiến nghị nên “giải tán”. “Không thể để chỉ cách một đoạn 25km mà tồn tại tới 2 trạm thu phí được”, ông bức xúc. Nhưng thậm chí, cung đường Hà Nội - Thái Bình 100km lại có tới 4 trạm thu phí.
“Tôi mong muốn và từng đề nghị rà soát lại các trạm thu phí. Phải có tổ công tác của Chính phủ rà soát lại hết, nếu làm “bậy” thì dỡ bỏ, “trị” nhà đầu tư. Dự án nào thổi giá lên thì xử lý nghiêm để lấy lại niềm tin của nhân dân”, ông Thanh đề nghị.
Những phản ánh nêu trên của DN vận tải cũng là những vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua. Thậm chí thực tế rà soát cho thấy, một số công trình BOT chất lượng còn thấp; cầu, đường có hiện tượng lún nứt, ảnh hưởng đến an toàn phương tiện, con người.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư năng lực hạn chế, nguồn vốn phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng; tính toán chưa chính xác chi phí, khối lượng các dự án BOT, làm tăng chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế. Ngoài ra, hệ thống cơ sở pháp lý trong huy động vốn còn nhiều bất cập, nhất là cơ chế quản lý, huy động vốn hỗn hợp…
Để giải quyết những bất cập nêu trên, Bộ GTVT khẳng định sẽ dừng đầu tư theo hình thức BOT đối với các tuyến quốc lộ hiện hữu, trừ khi nhận được sự đồng thuận sau tham vấn đối với các đối tượng sử dụng, tổ chức nghề nghiệp, HĐND các cấp khu vực dự án đi qua…
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dự án, Bộ GTVT sẽ quy định: Nhà đầu tư phải có bảo lãnh của ngân hàng về vốn chủ sở hữu huy động cho dự án; siết chặt công tác lựa chọn nhà thầu, tăng cường quản lý chất lượng, giá thành công trình cũng như kiểm soát doanh thu, quản lý thu phí.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng sẽ tiếp tục rà soát chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với tái cấu trúc ngành, tạo ra sự hài hòa giữa các loại hình vận tải; tăng cường giám sát các dự án BOT nhằm kiểm soát chặt chẽ, đúng quy trình về đầu tư xây dựng cơ bản trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa các lợi ích...(TBNH)
Tan gia bại sản vì 'thần thánh hóa' dược liệu
Tại các huyện miền núi Phước Sơn, Nam Giang, Tiên Phước, Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam), các loại nấm, củ, rễ được cho là “thần dược” chữa bá bệnh được bày bán tràn lan, tất cả đều được ngâm, dầm rượu bất kể công năng và tác dụng.
Nấm lim xanh, sâm quý bán đầy đường
Thôn 5, xã Tiên Hiệp (Tiên Phước), mấy năm gần đây xuất hiện nhiều tỷ phú từ kinh doanh, buôn bán nấm lim xanh. Trên đoạn đường ĐT616 kéo dài chừng 2km, mà có đến hàng chục doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh các sản phẩm từ nấm rừng và sản xuất rượu sâm Ngọc Linh, ba kích.
Chỉ nổi tiếng là vùng đất có nấm lim xanh Suối Mùn (xã Tiên Hiệp), nhưng những người kinh doanh nơi đây linh hoạt mở rộng sản xuất, chế biến thêm các sản phẩm sâm Ngọc Linh, sâm cau, ba kích ở dạng thực phẩm chức năng như rượu và trà. Trong vai một người mua hàng với số lượng lớn muốn chuyển vào TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được ông N.V.L, chủ cơ sở sản xuất rượu nấm lim xanh cởi mở giới thiệu sản phẩm.
Ông L. cho hay ở xã Tiên Hiệp hiện nay nấm thật - giả khó phân biệt, chỉ có người có kinh nghiệm mới có thể phân biệt được. Riêng cơ sở của gia đình mình, ông L. khẳng định uy tín, chuyên cung cấp các loai rượu ngâm nấm lim xanh chính hãng. Thậm chí có siêu thị đặt mua với số lượng lớn.
Nếu mua với số lượng lớn sẽ được giảm giá. Giá mỗi hũ rượu ngâm nấm lim xanh giá từ 1,2 triệu đồng đến 2 - 3 triệu đồng tùy kích cỡ và số lượng nấm ngâm. Ngoài ra, khách có thể mua nấm khô để sẵn về tự ngâm.
Hỏi về độ tin cậy, ông L. thuyết phục khách hàng, bằng tờ giấy chứng nhận trà nấm lim xanh, rượu sâm Ngọc Linh của cơ sở đạt danh hiệu sản phẩm - dịch vụ uy tín chất lượng năm 2015 do Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế và báo Người tiêu dùng xác nhận. Tuy nhiên, ông L. cũng thừa nhận không riêng gì ông được cấp giấy này và ở Tiên Phước phổ biến tình trạng các cơ sở sản xuất cung cấp lẫn lộn các loại nấm thật - giả ra thị trường.
Tại tuyến đường Hồ Chí Minh qua các huyện Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang mùa này khách đi đường có thể bắt gặp cảnh bày bán các loại củ, rễ cây dọc đường. Tại đoạn đường từ thị trấn Thạnh Mỹ đến bến Giằng (Nam Giang), hàng chục người dân ngồi hai bên đường vẫy tay mời gọi khách mua các loại dược liệu như đẳng sâm, ba kích, mật nhân.
Ông Hồ Văn Dưng, một người dân địa phương cho biết: toàn bộ số rễ cây, sâm được ông thu mua của người dân rồi mang ra bán kiếm lời. Tất cả đều được người dân đào từ rừng về. Hỏi về công dụng, ông Dưng cho biết: rễ mật nhân chữa được nhiều bệnh như đái tháo đường, đau mỏi xương khớp, viêm gan, gút...
Tùy vào loại rễ thô hoặc rễ sơ chế thành lát mỏng, giá dao động từ 50-100 nghìn đồng/kg. Riêng đẳng sâm, sâm dây uống vào mát gan, chữa các bệnh về gan. Hỏi ông Dưng và những người bán ở đây cơ sở nào khẳng định như vậy, tất cả đều trả lời: nghe nói!
Tại địa bàn huyện Đông Giang, loại “củ kun”, dân địa phương còn gọi là củ khúc khắc được khá nhiều người săn lùng, ngâm rượu bán cho người dưới xuôi từ nhiều năm nay. Loại củ này được cho là “đặc sản” của địa phương, có tác dụng trừ phong thấp, ích xương cốt với giá có khi lên đến vài trăm nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, đây chỉ là một vị thuốc nam bình thường, hoàn toàn không quý hiếm như lời đồn thổi. Tương tự, thứ củ mà người dân bày bán với tên gọi “sâm núi” chỉ đơn thuần là củ của loài cây bách bộ, có tác dụng chữa ho, lao phổi, đàm, tẩy giun, hoàn toàn không bổ máu, gan thận…
Người tiêu dùng cần thận trọng
Thời gian qua, đánh vào sự thiếu hiểu biết kiến thức y học của người dân, một số đối tượng, kể cả chủ cơ sở sản xuất, chế biến nấm, các sản phẩm chức năng đã dùng chiêu quảng cáo quá đà, “thần thánh hóa” công dụng của dược liệu.
Việc mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường rất nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt các loại rễ cây thuốc được bày bán ngoài đường. Theo các thầy thuốc đông y, bất kỳ một loại thuốc nào cũng phải dùng theo chỉ định, đúng liều lượng, đúng thời hạn sử dụng. Nếu dùng không đúng, các loại rễ, lá, củ cây dược liệu có thể gây ngộ độc, phản ứng phụ, bệnh thêm nặng.
Y sĩ Phan Thanh Phú, công tác tại khoa Đông y thuộc Trung tâm Y tế Tam Kỳ cho rằng, riêng cây mật nhân, đông y ghi nhận nó có tác dụng làm khí huyết lưu thông, tăng lực. Một số chế phẩm thường bổ sung mật nhân vào để chữa suy nhược, mệt mỏi chứ không phải là loại cây có thể chữa bá bệnh như đồn thổi.
Theo Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương Quảng Nam, việc phân biệt nấm, kể cả các sản phẩm dược liệu quý bằng mắt thường rất khó, nhất là khi nấm ở dạng khô. Trước đây, cơ quan này từng tịch thu nấm lim xanh của người dân bán trên thị trường nhưng sau đó buộc phải trả lại. Việc các loại nấm lim xanh, linh chi cũng như dược liệu sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ba kích xuất hiện trên thị trường với giá từ thượng vàng đến hạ cám là do đây là các mặt hàng không nằm trong danh mục bình ổn giá.
Còn cơ quan y tế cho rằng, loại nấm lim xanh thật cũng chỉ có giá trị chữa bệnh khi nó được phát triển trên thân gỗ lim hoặc trên bột gỗ lim. Trong khi đó, rừng lim ở miền núi hiện nay rất hiếm, nhiều nơi đã bị xóa sổ.
Đến các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh họ luôn mang giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về việc sơ chế, đóng gói, kinh doanh thực phẩm chức năng nấm lim xanh, sâm Ngọc Linh và các loại rượu lim xanh, rượu sâm Ngọc Linh đều do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế cấp.
Trên mỗi sản phẩm đều in hình phiếu phân tích và kiểm nghiệm mẫu nhưng rất nhỏ, khó nhìn rõ đây là phiếu kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh hay một loại sâm nào khác giá rẻ hơn.
Hiện nay có nhiều cơ quan quản lý sản phẩm từ nấm, cây dược liệu và sản phẩm chế biến từ nấm và cây dược liệu như Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương, Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Sở Y tế), Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Sở NN&PTNT.
Tại Quảng Nam đến nay vẫn chưa có cơ sở sản xuất thuốc từ các cây dược liệu. Việc giao dịch trên thị trường vẫn chủ yếu bằng hình thức bán thô, hoặc thông qua chế biến thực phẩm chức năng.(TP)
Việt Nam - Myanmar: Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kết nối không gian “Bốn quốc gia - Một điểm đến” diễn ra từ ngày 30/7-1/8/2016 tại Myanmar, NHNN Việt Nam đã có buổi làm việc với NHTW Myanmar.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đánh giá cao việc Myanmar cấp phép thành lập chi nhánh cho BIDV, đồng thời cam kết sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực NH với Myanmar, để hai bên có thể cùng nhau giám sát hoạt động của các NH có hiện diện xuyên biên giới.
Buổi làm việc song phương giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Trung ương Myanmar sáng 30/7
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cũng đề nghị, hai bên thống nhất các nội dung hợp tác và lịch trình cụ thể triển khai 2 Bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết. Thứ nhất, tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao tối thiểu hai năm một lần.
Thứ hai, tổ chức thường xuyên các hoạt động thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung, chủ đề chuyên môn phù hợp với nhu cầu và khả năng của hai bên. Năm 2016, các đơn vị liên quan của NHNN Việt Nam và NHTW Myanmar đã trao đổi, nhất trí sẽ triển khai hai chương trình chia sẻ kinh nghiệm về nội dung liên quan đến hoạt động và công cụ của thị trường ngoại tệ và thị trường liên NH.
Thứ ba, với lĩnh vực thanh tra giám sát NH, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đề nghị hai bên xây dựng cơ chế định kỳ (6 tháng một lần), chia sẻ thông tin cập nhật về khuôn khổ quy chế quản lý khu vực NH của hai nước và hoạt động của các TCTD cho hiện diện xuyên biên giới giữa hai quốc gia.
Thứ tư, trong khuôn khổ hợp tác đa phương (ASEAN, CLMV), NHNN Viêt Nam đề nghị hai bên tăng cường trao đổi thông tin và hỗ trợ lẫn nhau để triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác, đặc biệt là các cam kết hội nhập AEC.
Phó Thống đốc NHTW Myanmar đánh giá cao sự gia nhập của BIDV ở thị trường Myanmar và cho rằng, đây là yếu tố góp phần quan trọng cho sự phát triển của thị trường tài chính Myanmar. Lãnh đạo NHTW Myanmar cho biết, Myanmar muốn ưu tiên một số hoạt động hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là hoạt động chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các chính sách tiền tệ cũng như kinh nghiệm quản lý thị trường ngoại hối và thị trường liên NH. Lãnh đạo NHTW
Myanmar cũng cho hay, Myanmar sẽ xem xét nới lỏng quy định cho phép NH nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ cho cả DN bản địa, thậm chí cho cả khách hàng cá nhân.(TBNH)
Hà Nội thành lập Hiệp hội gas
UBND Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Điều lệ Hiệp hội Gas thành phố Hà Nội. Hiệp hội có tên gọi là Hiệp hội Gas thành phố Hà Nội; tên tiếng Anh là Ha Noi gas association (viết tắt: Ha Noi gas).
Hiệp hội gas thành phố Hà Nội là tổ chức xã hội, tập hợp các tổ chức, cá nhân Việt Nam đang hoạt động kinh doanh hợp pháp về gas trên địa bàn thành phố Hà Nội; tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hà Nội và đất nước.
Hiệp hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hiệp hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trụ sở chính của Hiệp hội đặt tại Thành phố Hà Nội.
Hiệp hội hoạt động trong phạm vi toàn thành phố Hà Nội, trong lĩnh vực khí hóa lỏng (LPG), các sản phẩm khí có nguồn gốc từ dầu khí (LNG, CNG, DME, ETBE…), các dịch vụ, kinh doanh bao bì, phụ kiện, kỹ thuật liên quan đến khí hoạt động trong thành phố Hà Nội.
Hiệp hội tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được UBND TP Hà Nội phê duyệt, chịu sự quản lý của Nhà nước của Sở Công thương và các sở, ban, ngành có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.
Các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, có nguyện vọng gia nhập Hiệp hội cần làm đơn (theo mẫu quy định) để làm thủ tục. Các tổ chức, cá nhân đó chính thức trở thành hội viên sau khi có quyết định của Chủ tịch Hiệp hội, đóng hội phí và nhận được thẻ hội viên của Hiệp hội Gas thành phố Hà Nội.
Hội viên hiệp hội bị chấm dứt tư cách hội viên nếu xảy ra một trong những trường hợp sau: Pháp nhân là tổ chức ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, bị đình chỉ hoạt động, bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản; Vi phạm pháp luật hoặc điều lệ Hiệp hội bị khai trừ ra khỏi Hiệp hội theo quyết định của Ban chấp hành.