Bản đồ tương tác ô nhiễm không khí tại châu Á do Đại học Yale (Mỹ) thực hiện dựa trên số liệu thống kê của WHO và NASA mới đây cho thấy Việt Nam là một trong những "điểm đen" về ô nhiễm.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 02-08-2016
- Cập nhật : 02/08/2016
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam diễn biến tích cực
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kinh tế toàn cầu từ đầu năm đến nay vẫn phục hồi chậm và chưa vững chắc, nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tiếp tục gặp khó khăn. T
Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng qua lại nhiều diễn biến tích cực, một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê từ Cục này cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 7, đạt 14,7 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 14,6 tỷ USD. Do đó, riêng tháng 7, cả nước xuất siêu khoảng 100 triệu USD.
Như vậy, tính chung từ đầu năm đến nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 193 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu ước đạt 96,8 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 95 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 7 tháng cả nước đã xuất siêu 1,8 tỷ USD.
Cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, xét về thị trường, trong 7 tháng qua, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường như Hoa Kỳ với 21,3 tỷ USD, tiếp đến là EU và Trung Quốc...Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản...Và, dù nhập siêu của khu vực trong nước vẫn cao, nhưng xuất khẩu của khu vực này trong 7 tháng tăng 2,4%, cho thấy sản xuất của khu vực trong nước đã có sự phục hồi.
Đánh giá từ phía Bộ Công Thương cho thấy, năm 2016 là năm hoàn tất ký kết các hiệp định thương mại tự do mới, đặc biệt làHiệp định TPP và Hiệp định Việt Nam-EU sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, Bộ Công Thương sẽ sát cánh cùng doanh nghiệp giải quyết nhanh những khó khăn cho doanh nghiệp như thành lập đường dây nóng và giao cho Cục Xuất Nhập khẩu xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu thông qua đường dây nóng này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA cho doanh nghiệp… Những vấn đề ngoài thẩm quyền của Bộ Công Thương sẽ được tập hợp và chuyển đến các bộ, ngành liên quan, thực hiện tham mưu cho Chính phủ để tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2016, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của cả nước.
Bên cạnh đó, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm kinh tế-xã hội 2016-2020, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều quyết tâm và nỗ lực trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Năm 2016 cũng là năm hoàn tất ký kết các Hiệp định Thương mại tự do FTA mới, đặc biệt là các Hiệp định TPP và Hiệp định FTA Việt Nam-EU hứa hẹn mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam và có tác động tích cực và quan trọng đối với tăng trưởng xuất khẩu./.(Vietnam+)
Bò sữa ở Liên Hòa, ‘để thì thương, vương thì tội’
Thời gian gần đây, giá sữa mua của công ty đã giảm và giảm đáng kể, hiện nay chỉ còn 10 ngàn đồng/lít. Nếu tính đổ đồng các loại sữa, thì giá bình quân chỉ còn từ 7 đến 8 ngàn đồng/lít. Với giá này, các hộ may lắm chỉ lấy công làm lãi, còn không thì lỗ.
Hiện nay ở xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) có 3 gia đình theo đuổi chăn nuôi bò sữa.
Năm 2005, 3 gia đình ở thôn Ngọc Liễn 2 đã đi tiên phong nuôi bò sữa. Đó là gia đình Tuyến – Thạch (chồng là Tuyến, vợ là Thạch), gia đình Quý – Hường và gia đình Đoan – Liệu.
Gia đình Tuyến – Thạch đi đầu trong việc nuôi bò sữa. Cả xã có tổng đàn bò sữa là 22 con, thì gia đình này đã có 11 con (trong đó có 1 con bê). Gia đình anh chị thu được khoảng 1 tạ sữa tươi/ngày, tương đương 100 lít. Gia đình Quý – Hường và gia đình Đoan – Liệu, mỗi gia đình thu khoảng 80 lít sữa/ngày.
Theo lịch trình khá đều đặn, thì công ty sữa “Cô gái Hà Lan” về thu mua tại địa phương, ngày 2 lần, sáng từ 6 giờ đến 6 giờ 30, chiều 17 giờ 30 đến 18 giờ 30. Các hộ nuôi bò đều được trang bị bình chuyên dụng, đưa sữa đến địa điểm thu mua. Sữa được công ty kiểm nghiệm đúng quy trình, không thiên vị ai. Bởi vậy, các hộ chăn nuôi đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về kỹ thuật – vệ sinh. Đối với sữa nguyên liệu thì vệ sinh ATTP yêu cầu đặc biệt nghiêm ngặt.
Theo anh Phan Văn Quý (hộ Quý – Hường) thì những trường hợp xác định là sữa “bẩn”, sữa chứa hàm lượng kháng sinh vượt mức cho phép, công ty sẽ áp dụng biện pháp cắt phiếu vĩnh viễn, nên không hộ nào dám vi phạm dù chỉ một lần chứ không có lần thứ hai.
Chúng tôi đến thăm khu trang trại nuôi bò sữa của gia đình anh Quý, thấy việc chăn nuôi khá bài bản. Chuồng trại được bố trí đúng quy cách, thoáng đãng, vệ sinh. Bò được nuôi trong chuồng trại luôn sạch sẽ, thức ăn đều là cỏ “sạch” và các thực phẩm bổ sung được chọn lọc kỹ càng.
Năm 2005, có thể nói là thời điểm “khởi sắc” của phong trào nuôi bò sữa ở địa phương. Khi ấy, giá một con bò sữa trên dưới 70 triệu đồng. Vậy mà các gia đình vẫn mạnh dạn đầu tư để nuôi. Gia đình ít, cũng 5,6 con. Gia đình nhiều, nuôi hàng chục con. Tính ra, số tiền dành cho việc nuôi bò sữa, mỗi gia đình bỏ ra từ nửa tỉ đến hơn 1 tỉ đồng. Đó là khoản tiền không nhỏ đối với một vùng nông thôn bán sơn địa, đất ruộng eo hẹp, manh mún. Ngoài sự tính toán, cân nhắc, còn phải có thêm yếu tố “liều” mới dám đầu tư.
Những năm đầu, việc tiêu thụ sản phẩm khá suôn sẻ, công ty mua sữa giá 13 – 14 ngàn đồng/lít. Với giá này, các hộ sau khi trừ các khoản chi phí, đều có lãi. Chính việc có lãi, đã kích thích các hộ phát triển thêm đàn bò và các hộ chưa nuôi cũng muốn vào cuộc xem nuôi bò sữa như thế nào.
Tuy nhiên thời gian gần đây, giá sữa mua của công ty đã giảm và giảm đáng kể, hiện nay chỉ còn 10 ngàn đồng/lít. Nếu tính đổ đồng các loại sữa, thì giá bình quân chỉ còn từ 7 đến 8 ngàn đồng/lít. Với giá này, các hộ may lắm chỉ lấy công làm lãi, còn không thì lỗ. Thậm chí đến mức không thể cầm cự nổi.
Lại thêm một nghịch lý: Nếu bán bò đi để kinh doanh nghề khác, thì giá bò sữa hiện nay chỉ còn khoảng 40 – 50 triệu đồng/con, tức là đã mất mấy chục triệu đồng so với đầu tư lúc ban đầu. “Để thì thương, vương thì tội”. Đó là tình cảnh của người nuôi bò sữa ở Liên Hòa, và không chỉ riêng Liên Hòa.
Thiết nghĩ, huyện Lập Thạch nên có một giải pháp, để phát triển bền vững việc chăn nuôi bò sữa tại địa phương, nhất là tận dụng thế mạnh của huyện vùng bán sơn địa, thức ăn tự nhiên phong phú, đất rộng, nhân lực dồi dào, lai tạo ra nguồn nguyên liệu (sữa) có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn về thực phẩm.
Đặc biệt việc phát triển ổn định đàn bò sữa, giữ giá thu mua sữa ổn định cho người nuôi bò, nâng cao thu nhập cũng chính là thực hiện tốt tiêu chí chuyển đổi cơ cấu SX, cải thiện đời sống cho người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nuôi cá nước ngọt đạt 200 triệu đồng/ha/năm
Nông dân ở nhiều vùng ở huyện Nam Đàn mạnh dạn nuôi cá nước ngọt đáp ứng nhu cầu thị trường. Có những mô hình đạt 200 triệu đồng/ha/năm.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở xóm Sen 1, xã Kim Liên đầu tư cải tạo mặt nước ao hồ với diện tích gần 1 ha để nuôi cá. Anh cho biết, ao nuôi được chủ yếu thả 2 loại là cá trắm và cá trôi. Thức ăn cho cá chủ yếu là cỏ, thóc mầm, có bổ sung cám công nghiệp.
Sau thời gian gần 1 năm, cá trắm cỏ đạt trọng lượng 2 – 2,5 kg/con, cá trôi đạt trọng lượng 1,5 kg/con, sản lượng thu hoạch đạt 5 tấn – 6 tấn. Giá bán trên thị trường dao động từ 40 - 50 ngàn đồng/kg. Bình quân mỗi năm, gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng, trừ chi phí các loại, gia đình còn thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Cũng ở xã Kim Liên, gia đình anh Nguyễn Hà Trung xóm Sen 3 đã chọn mô hình nuôi thâm canh cá trắm cỏ với hai ao nuôi, trong đó một ao ương cá giống, một ao để nuôi cá thương phẩm. Anh lựa chọn công thức nuôi ghép 700 con cá trắm, 200 con cá chép, 300 con cá trôi trong mỗi đợt nuôi. Thức ăn cho các loại cá đều là cỏ non và thóc mầm.
Với công thức trên, anh Trung chia sẻ: Do cá giống đã được ương nuôi với kích cỡ to hơn, nên khi đưa sang ao nuôi thương phẩm chỉ sau 6 tháng đã cho thu hoạch. Cá trắm cỏ đạt trọng lượng 2 kg/con. Tổng nguồn thu từ hai ao nuôi gần 1 ha gia đình thu được 140 triệu đồng, trừ chi phí còn cho thu lãi 80 triệu đồng/lứa. Như vậy, mỗi năm gia đình có thể thu hoạch 2 lứa, thu lãi trên 150 triệu đồng từ mô hình này.
Hiện toàn huyện Nam Đàn có hơn 1.000 ha diện tích nuôi cá nước ngọt với tổng sản lượng hàng năm khoảng từ 5.000 - 5.700 tấn. Nổi bật có các mô hình nuôi cá trắm, cá trôi ở xã Kim Liên, Nam Thanh, Nam Anh, các mô hình lúa-cá, sen-cá, ở xã Nam Thanh, Nam Lộc, lúa-cá-lợn, nuôi cá ao, hồ phát triển khá mạnh ở Nam Lĩnh, Nam Xuân, Nam Lộc, Nam Thái, Nam Nghĩa… cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Những năm qua Trạm Khuyến nông Nam Đàn đã chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật với nhiều hình thức như: Tập huấn cho cán bộ khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông và nông dân; chuyển giao trực tiếp bằng mô hình; chuyển giao con giống mới cùng kỹ thuật chăn nuôi; tổ chức hội nghị đầu bờ để rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình hay, hiệu quả.
Ngân sách bội chi gần 5 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, ngân sách dành gần 5 tỷ USD để chi trả nợ và viện trợ.
Theo dự báo của Ngân hàng HSBC, mức bội chi ngân sách của Việt Nam năm nay lên tới 6,6% GDP. Còn theo phân tích của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nếu tốc độ tăng trưởng GDP năm nay thấp hơn kế hoạch, khả năng bội chi ngân sách Nhà nước trên GDP vẫn sẽ vượt 0,5% so với dự toán. Mục tiêu giảm bội chi là rất khó khăn khi hiện nay ngân sách Nhà nước vẫn tiếp tục Chi cao hơn Thu.
Bội chi ngân sách Nhà nước liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Bội chi ngân sách Nhà nước tăng từ mức 65,8 nghìn tỷ đồng năm 2011 lên mức 263 nghìn tỷ đồng năm 2015. Trong 5 năm tăng gấp 4 lần.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng thu ngân sách 7 tháng ước đạt 500.800 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa đạt 397.300 tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 21.600 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 80.400 tỷ đồng.
Thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu đã giảm đi nhiều. Trong khi đó, tổng chi ngân sách ước tính đạt khoảng 606.000 tỷ đồng. Đang chú ý, chi đầu tư phát triển chỉ đạt 89.400 tỷ đồng, chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính (gồm cả chi cải cách tiền lương) đạt 435.500 tỷ đồng, chi trả nợ và viện trợ đạt 81.600 tỷ đồng.(VTV)
Ngân hàng Nhà nước cảnh báo nguy cơ tin tặc tấn công
Ngày 30/7/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản về việc cảnh báo tình hình tội phạm tấn công các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) quan trọng của Việt Nam gửi các tổ chức tín dụng và các tổ chức trung gian thanh toán.
Cảnh báo được đưa ra khi hệ thống CNTT của Vietnam Airlines và một số hệ thống CNTT của Việt Nam đã bị tin tặc tấn công vào ngày 29/7 vừa qua.
Để đảm bảo an toàn hệ thống CNTT ngành Ngân hàng, NHNN (Cục Công nghệ tin học) đề nghị các TCTD và các tổ chức trung gian thanh toán triển khai, thực hiện ngay việc rà soát, kiểm tra tình hình an toàn an ninh hệ thống CNTT của đơn vị mình, đặc biệt là các hệ thống cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên mạng Internet (hệ thống website, Internet banking,…).
Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp an ninh bảo mật hệ thống CNTT, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động liên tục, dữ liệu được sao lưu và phục hồi khi cần thiết.
Các tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán cần phải phân công cán bộ trực 24/7 và tăng cường các biện pháp giám sát, theo dõi hoạt động và nhật ký (log) của các hệ thống CNTT quan trọng để kịp thời phát hiện và xử lý các lỗ hổng bảo mật, các truy nhập trái phép, các cuộc tấn công (nếu có).