Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam diễn biến tích cực
Bò sữa ở Liên Hòa, ‘để thì thương, vương thì tội’
Nuôi cá nước ngọt đạt 200 triệu đồng/ha/năm
Ngân sách bội chi gần 5 tỷ USD
Ngân hàng Nhà nước cảnh báo nguy cơ tin tặc tấn công
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 01-08-2016
- Cập nhật : 01/08/2016
Bất chấp khuyến cáo, nông dân Đăk Lăk ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Đăk Lăk, hiện nay, diện tích cây hồ tiêu ở tỉnh này đang tăng lên từng ngày và diện tích đã tăng hơn 4 lần so với quy hoạch đến năm 2015.
Hiện nay, ở Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, giá tiêu hạt đang ở mức cao hơn gấp nhiều lần so với các loại nông sản khác trên địa bàn (164.000 đồng/kg) và ổn định, nên người dân đã bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, ồ ạt mở rộng diện tích trồng câyhồ tiêu ngay trong mùa mưa năm nay.
Gia đình anh Võ Đức Dậu ở thôn 2, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) có 2ha cà phê gần nhà đã già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém. Trước đây, dự định sẽ trồng tái canh cà phê, nhưng thấy giá tiêu hạt ngày càng tăng và ổn định kéo dài nên anh đầu tư chuyển sang trồng tiêu. Theo tính toán, sau 5 năm vườn cà phê đi vào kinh doanh ổn định, với mức giá cà phê nhân như hiện nay (37.500 đồng/kg) thì mỗi niên vụ gia đình chỉ thu lãi khoảng 120 đến 130 triệu, trong khi đó, với cây hồ tiêu thì thu lãi gần tỷ đồng mà vốn đầu tư, công chăm sóc lại ít hơn.
Còn gia đình anh Y Hùng Niê, ở xã Ea Hu; chị Nguyễn Thị Vinh, ở xã vùng sâu Ea Ning (huyện Cư Kuin); mùa mưa này mỗi gia đình cũng đã chuyển gần 1ha cà phê già cỗi gần nhà sang trồng cây hồ tiêu, kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn…
Thực tế, hiện nay, ở tỉnh Đăk Lăk, ngoài việc chuyển đổi đất vườn tạp, người dân ở các huyện, thị xã, vùng ven thành phố Buôn Ma Thuột còn đua nhau chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, diện tích cà phê không chủ động được nguồn nước, năng suất kém, diện tích cây điều sang trồng cây hồ tiêu.
Tuy nhiên, do phát triển ồ ạt, chạy theo phong trào, nhiều gia đình ở tỉnh Đăk Lăk đã trồng tiêu trên đất không thích hợp, sử dụng các loại tiêu giống không rõ nguồn gốc dễ mang nhiều hệ lụy gây thiệt hại lớn cho người trồng. Trong thời gian qua, hàng năm, tỉnh Đăk Lăk cũng thường xuyên có hàng trăm ha cây hồ tiêu bị dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, nấm, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng…
Hiện nay, tỉnh Đăk Lăk có trên 25.500ha tiêu; trong đó, có 11.642ha tiêu cho sản phẩm, với sản lượng năm 2016 dự kiến đạt gần 36.000 tấn tiêu hạt. Đây cũng là địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên.(NNVN)
Xuất khẩu gạo: Đích còn xa
Trầm lắng, ảm đạm là thực tế XK gạo đã diễn ra trong những tháng qua. Tình hình này có lẽ sẽ còn kéo dài khi nhu cầu NK của các thị trường truyền thống chưa phát đi tín hiệu mua, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu XK hơn 6 triệu tấn gạo năm 2016.
Người mua còn chần chừ
Chỉ nói riêng về thương hiệu gạo, trên thế giới có nhiều thương hiệu gạo đã thành danh như: Jasmines, Khaodakmali của Thái Lan, Basmati của Ấn Độ và Pakistan... và khi nói đến một thương hiệu gạo nào đó thì người tiêu dùng nghĩ ngay đến nước sản xuất như: Thái Lan, Ấn Độ...
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo tại thị trường trong nước và quốc tế. Các thương hiệu sản phẩm gạo đã góp phần giúp DN mở rộng thị trường, được các bạn hàng trong và ngoài nước biết đến, tạo được lòng tin cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Do vậy việc xây dựng thương hiệu lúa gạo là rất quan trọng. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam cần có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước với DN, hiệp hội và người nông dân.
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT)
Sáu tháng trôi qua, XK gạo của Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng trầm lắng khi chỉ XK được 2,656 triệu tấn, trị giá 1,197 tỷ USD, giảm 11% về lượng và 6,9% về trị giá. Tháng 6 là tháng XK được ít nhất, chỉ đạt 325.862 tấn, trong khi các tháng còn lại đều là trên 400.000 tấn, có tháng còn lên tới gần 600.000 tấn.
Nhìn tổng thể, XK gạo liên tục có những thay đổi từ đầu năm đến nay. Nếu XK gạo có mức tăng trưởng tốt trong quý I thì sang quý II đã có sự sụt giảm đáng kể. Chỉ tính riêng tháng 1, gạo là một điểm sáng XK trong số nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản XK của Việt Nam, đạt 488.271 tấn, với giá trị đạt 216,56 triệu USD, tăng 49,95% về khối lượng và tăng 41,33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Sự tăng trưởng đột biến này xuất phát từ nhu cầu NK của thị trường Philippines, Indonesia tăng.
Tuy nhiên, bước sang tháng 3, tình hình đã có sự đảo chiều, XK gạo quay đầu lao dốc. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thời điểm đó đã ra thông báo nhiều thị trường chính của XK gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines… đã rút lại kế hoạch NK gạo trong thời gian tới khiến gạo Việt lỡ nhiều hợp đồng lớn. Chính vì thế, kim ngạch XK gạo giảm dần từ tháng 4 cho đến nay.
Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng có mức giảm đáng kể. Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc 6 tháng đạt 912.076 tấn, trị giá 420,193 triệu USD, giảm 13,1% về lượng và 11% về trị giá. Thị trường Philippines cũng có mức giảm đáng kể 45% về lượng so với cùng kỳ khi chỉ đạt 193.435 tấn. Thời điểm hiện tại, nhu cầu mua gạo của nhiều thị trường còn chưa rõ ràng, việc Thái Lan xả hàng cũng tác động không nhỏ đến tín hiệu mua hàng của nhiều nước. Ngày 25-7 tới, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ mở thầu để bán tổng cộng 3,7 triệu tấn gạo, với nỗ lực giảm số lượng gạo tồn trữ trong các kho chứa trên toàn nước này còn khoảng 6 triệu tấn.
Bù lại, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng gạo thơm XK tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn nhất trên 31% trong cơ cấu XK gạo, do tăng sản lượng cũng như tăng XK vào châu Á và châu Phi. Gạo nếp tăng đột biến do nhu cầu trở lại mạnh mẽ từ Trung Quốc. Riêng gạo Japonica cũng có sự tăng trưởng mạnh trên 41% mặc dù còn chiếm tỷ trọng nhỏ.
Cửa hẹp
Như vậy, ngoài những yếu tố hạn hán, xâm nhập mặn và chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các thị trường thì XK gạo còn nhược điểm nữa là phụ thuộc vào tín hiệu mua của thị trường. Theo dự báo của VFA, sự trầm lắng của thị trường sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khi các thị trường lớn của gạo Việt Nam công bố chưa vội NK gạo. Những thị trường tập trung của gạo Việt Nam chưa thấy dấu hiệu sẽ sớm NK thêm gạo trong tương lai gần, đặc biệt tại các thị trường truyền thống của Việt Nam ở Đông Nam Á.
Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) dẫn chứng, thị trường Indonesia, Philippines trước đây có công bố chỉ tiêu NK 500.000 tấn nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì. Trong khi đó, thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam là Trung Quốc (chiếm gần 35% lượng gạo XK của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm), sức mua hiện đang giảm, nhu cầu NK cũng chập chờn khiến cho công tác dự báo khó khăn. Với điều kiện này, VFA đã buộc phải hạ chỉ tiêu XK gạo trong năm 2016 xuống còn 5,65 triệu tấn thay vì 6,5 triệu tấn như dự báo trước đó. Đây là lần đầu tiên XK gạo của Việt Nam xuống dưới mức 6 triệu tấn kể từ năm 2009 đến nay.
Không chỉ DN, VFA lo lắng cho tình hình XK gạo, mà lãnh đạo Bộ Công Thương cũng sốt ruột và đang tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng này. Cuối tháng này, Bộ Công Thương sẽ nghị bàn về việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của ngành gạo và mời lãnh đạo Chính phủ chủ trì. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, phía Bộ Công Thương đang tiếp tục thực hiện các hoạt động đối ngoại để ổn định XK gạo sang Trung Quốc, tiếp tục trao đổi khả năng ký Bản ghi nhớ giữa 2 nước về thương mại gạo, đề nghị Trung Quốc thực hiện kiểm tra theo phương thức lấy mẫu ngẫu nhiên và sớm công bố chính thức các DN Việt Nam đủ điều kiện XK gạo vào Trung Quốc.
Mặt khác, Bộ Công Thương còn giao nhiệm vụ cho Thương vụ Việt Nam tại Indonesia theo dõi, cập nhật nhu cầu NK gạo của nước này và đề nghị Bộ Thương mại Indonesia nhanh chóng bổ sung đầu mối thực hiện bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa 2 nước và chuẩn bị phương án đàm phán gia hạn bản ghi nhớ này (hết hạn vào cuối năm 2017).(HQ)
Tại hội nghị sơ kết công tác XK gạo 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016 do VFA tổ chức, vấn đề thương hiệu và chất lượng của ngành lúa gạo Việt Nam là vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Các DN cho rằng, bên cạnh việc tập trung xây dựng thương hiệu, ngành lúa gạo Việt Nam phải đồng thời giải quyết triệt để vấn đề dư lượng hóa chất trong sản xuất gạo thì mới có thể phát triển bền vững trong thời gian tới. Chất lượng gạo chưa ổn định cũng là lý do đến nay gạo Việt Nam khó xâm nhập được vào các thị trường cao cấp như châu Âu và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, nhiều DN kinh doanh trong ngành hiện nay còn “đấu đá,” cạnh tranh lẫn nhau để tăng lợi nhuận nên ảnh hưởng tới chất lượng gạo. Tình trạng “trộn gạo” giữa những loại gạo có hình thức tương tự nhau xảy ra ở một số DN có thể ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, gây bất lợi cho XK gạo Việt Nam. Do đó, Bộ NN&PTNT và VFA cần đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu.
Thượng tướng Tô Lâm được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
Chủ tịch nước khẳng định, việc Thượng tướng Tô Lâm được giữ chức Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thể hiện sự tín nhiệm và kỳ vọng của Đảng và nhân dân.
Chiều 30/7, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị phân công Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Dự lễ công bố có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương.
Cách đây 14 năm, ngày 17/7/2002, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự ở Tây Nguyên có nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động chống phá, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động biểu tình, bạo loạn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phá hoại cuộc sống yên bình của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã phối họp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và lân cận, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với Tây Nguyên và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Hệ thống chính trị ở cơ sở, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là ở những địa bàn khó khăn phức tạp, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao. Kinh tế Tây Nguyên giữ được mức tăng trưởng khá, bảo đảm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; điện lưới, nước sạch, y tế, truyền thông đã về đến các buôn, làng; chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện nhất quán, bảo đảm tín đồ có nơi thờ phụng, sinh hoạt tôn giáo ổn định; công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất, việc làm, cải thiện đời sống của đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo, từng bước được nâng lên rõ rệt.
Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đã triển khai nhiều biện pháp đấu tranh vô hiệu hoá, ngăn chặn và làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung phong phú; đã huy động được các ban, ngành, đoàn thể cùng hướng về cơ sở, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Trên tuyến biên giới, đã phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của chính quyền, lực lượng vũ trang và các cơ quan chức năng Campuchia, Lào trong phòng, chống các loại tội phạm, hoạt động xâm nhập, vượt biên trái phép, bảo đảm an ninh, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Chủ tịch nước trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên” cho nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích, đóng góp của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Tây Nguyên.
Chủ tịch nước đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ, hiệp đồng chiến đấu có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và lân cận, các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng như đồng bào cả nước đối với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, giúp đỡ quý báu của đồng chí, đồng bào đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Tây Nguyên trong thời gian tới.
Chủ tịch nước cho rằng, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm tập trung chống phá, ráo riết thực hiện “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ đối với nước ta, trong đó địa bàn Tây Nguyên tiếp tục là mục tiêu chống phá quyết liệt.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, việc Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên - địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước, thể hiện sự tín nhiệm và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: “Nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, củng cố quốc phòng an ninh nói chung để phục vụ cho việc tiếp tục triển khai ngày càng có hiệu quả hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội để phấn đấu đưa Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững tương xứng với các khu vực, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước đòi hỏi công tác chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; củng cố quốc phòng an ninh ở địa bàn Tây Nguyên vẫn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Trung ương Đảng, của Chính phủ và cả hệ thống chính trị. Chính vì thế việc phân công Thượng tướng Tô Lâm làm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên và cũng sẽ tiếp tục tăng cường các đồng chí cán bộ cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên với mong muốn xây dựng và phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững như mong muốn của đồng bào cả nước, trước hết là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”.
Chủ tịch nước tin tưởng Thượng tướng Tô Lâm sẽ phát huy năng lực, phẩm chất, trí tuệ của mình, kinh nghiệm của các Trưởng Ban tiền nhiệm, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, các tỉnh Tây Nguyên và lân cận hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng nhưng rất nặng nề được giao; phấn đấu xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của cả nước.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Quyết định của Bộ Chính trị phân công Thượng tướng Tô Lâm giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Đồng thời Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên” cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đồng chí nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Nguyễn Tấn Dũng và Lê Hồng Anh về những đóng góp cho phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh tại khu vực Tây Nguyên. (VOV)