Theo thông tin từ Cổng thông tin Thanh tra Chính phủ, ngày 27/4/2016, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ 10. Tại kỳ họp này, Ban Chỉ đạo đã kiện toàn tổ chức theo Quyết định của Bộ Chính trị.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 02-08-2016
- Cập nhật : 02/08/2016
Xuất khẩu rau quả còn nhiều cơ hội
Trong những năm gần đây, rau quả Việt Nam liên tục mở rộng thị trường xuất khẩu, nhiều loại trái cây như nhãn, xoài, vải… đã tiếp cận được các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản… Nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam cũng đã đem lại lợi nhuận lớn cho DN và người trồng.
Từ quả vải xuất khẩu
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, tính đến nay địa phương này đã cơ bản tiêu thụ hết vải quả vụ 2015-2016, số lượng lên tới trên 142.308 tấn. Trong đó, sản lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Malaysia… đạt khoảng 50% tổng sản lượng toàn tỉnh. Hiện Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ vải lớn nhất. Theo thống kê tại các cửa khẩu, tổng lượng vải thiều xuất qua 3 cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai và Hà Giang khoảng trên 104.000 tấn…
Thông tin từ các DN xuất khẩu vải quả cho hay, các lô hàng xuất đi đều thuận lợi và được khách hàng đánh giá cao. Sản lượng xuất khẩu sang các thị trường dưới hình thức vải tươi đạt 9.355 tấn. Ngay ở các thị trường được đánh giá là khó tính như Mỹ, nhưng Công ty TNHH Ánh Dương Sao cũng đã xuất khẩu 2 lô bằng (2 tấn) vải Lục Ngạn (Bắc Giang) đạt tiêu chuẩn GlobalGap, bằng đường hàng không.
Tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, CTCP xuất khẩu Đồng Giao cũng đã xuất khẩu 3 chuyến, khối lượng 5.000 tấn bằng đường hàng không. Riêng thị trường mới là Australia, sản lượng vải xuất khẩu cũng đã có bước tăng mạnh. Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, từ ngày 23-29/6 đã có hơn 10 tấn vải Lục Ngạn được xuất khẩu đi Australia…
Có được lượng xuất khẩu vải lớn trong vụ vừa qua, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, là do chất lượng vải thiều được nâng lên bởi quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục được nhân rộng. Toàn tỉnh có 12,56 nghìn ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (tăng 300 ha so với năm trước).
Riêng tại huyện Lục Ngạn, diện tích sản xuất theo quy trình GlobalGAP là 158 ha, tăng gần 60 ha với 18 vùng được cấp mã số. Sản lượng vải được chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt khoảng 1 nghìn tấn.
Có thể nói, từ thành công của quả vải Bắc Giang về xuất khẩu cho thấy, việc duy trì và đảm bảo chất lượng là yếu tố quan trọng chinh phục các thị trường xuất khẩu rau quả Việt Nam thời gian qua. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với việc ký nhiều Hiệp định thương mại song phương và đa phương, tham gia các Hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA... thì việc đảm bảo chất lượng là hết sức cần thiết.
Đến triển vọng cho rau quả Việt
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhờ việc áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất sạch của nước nhập khẩu cũng như tiêu chuẩn GlobalGAP, rau quả Việt Nam dần khẳng định được chỗ đứng và ngày càng tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng: “Trái cây Việt Nam tiếp cận được nhiều thị trường mới, mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian qua là do chúng ta đã tích cực mở rộng nhiều diện tích rau quả đạt chuẩn VietGAP. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho rau quả Việt Nam được chấp nhận và khách hàng tin dùng”, ông nói.
Chia sẻ kinh nghiệm từ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, ông Nguyễn Công Kính, Giám đốc điều hành Công ty XNK Cao Thành Phát (Bình Thuận) cho biết, để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu, công ty đã hợp tác với nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; nhà máy đạt tiêu chuẩn về đóng gói của Mỹ.
Ngoài ra, công ty còn có bộ phận kiểm định chất lượng thường xuyên khi làm việc với nông dân cũng như tại nhà máy để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Vì vậy, thời gian qua công ty đã xuất khẩu một lượng lớn các mặt hàng rau quả như thanh long, bơ, vú sữa… tới rất nhiều thị trường nước ngoài.
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 1,17 tỷ USD. Ngoài Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả Việt Nam lớn nhất, trong những năm gần đây, rau quả Việt Nam liên tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Tính đến nay, rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
“Nhu cầu thị trường luôn đa dạng, từ bình dân đến cao cấp, từ dễ tính đến khắt khe. Điều quan trọng là chúng ta đáp ứng được yêu cầu ở mức độ nào”, ông Nguyễn Văn Kỳ nhấn mạnh điều này khi nói về cơ hội vẫn còn rất rộng đối với rau quả xuất khẩu của Việt Nam.(TBNH)
Ngày hội cà phê Việt Nam dự kiến sẽ diễn ra từ 8-11/12/2016
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức Ngày cà phê Việt Nam như đề nghị của Hiệp hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam tổ chức Ngày cà phê Việt Nam với các nội dung hoạt động bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với các quy định hiện hành.
Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, Ngày hội cà phê Việt Nam (Việt Nam Coffee Day Festival) năm 2016 do Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam phối hợp với Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam, tạp chí Doanh nghiệp và Đầu tư tổ chức nhằm kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ về thăm nông trường cà phê Đông Hiếu Nghệ An ngày 10/12/1961.
Bên cạnh đó, ngày hội cũng nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển các thương hiệu cà phê đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế, tạo một sân chơi hấp dẫn, tăng cơ hội quảng bá và kích cầu thị trường cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê.
Dự kiến ngày hội cà phê sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 12 năm 2016 tại Nhà văn hóa Thanh Niên, số 2, đường Phạm Ngọc Thạch, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn gồm: Trưng bày quảng bá, giới thiệu các sản phẩm cà phê chất lượng đến từ các vùng trồng cà phê nổi tiếng trên cả nước, thử nếm cà phê của các thương hiệu nổi tiếng, tôn vinh sản phẩm cà phê uy tín chất lượng cao, đặc biệt là giúp người tiêu dùng có kiến thức về tác dụng của cà phê với sức khỏe của cộng đồng. Nhận biết được cà phê nguyên chất từ khi còn là hạt đến lúc rang xay thành bột cho đến pha một cốc cà phê để có thể dùng được một sản phẩm cà phê an toàn.
Ngoài ra, với mục đích cung cấp thông tin, hướng dẫn cho người tiêu dùng nhận biết các thương hiệu sản phẩm cà phê an toàn và kích cầu trong nước, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam cũng sẽ tiến hành công bố các doanh nghiệp trong nước có các sản phẩm cà phê rang xay và chế biến đạt chuẩn các chứng chỉ, chứng nhận cà phê an toàn thực phẩm đã được cơ quan chuyên ngành cấp giấy chứng nhận.
Tham gia Ngày hội này, doanh nghiệp có cơ hội nắm bắt thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cà phê thành công, tìm kiếm đối tác kinh doanh. Đặc biệt đây cũng là dịp để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp mình tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Nâng cao năng suất cho doanh nghiệp
Theo bà Vũ Hồng Dân, Trưởng phòng Nghiên cứu Năng suất, Viện Năng suất Việt Nam: Thành công tại các DN dệt may thời gian qua như một ví dụ điển hình trong việc tiêu chuẩn hóa. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai và áp dụng các công cụ như ISO 9000, SA8000, Lean…, nhiều công ty dệt may đã khắc phục được những tồn tại cố hữu lâu nay như: Năng suất thấp, hàng lỗi hỏng trên công đoạn cao, các nguồn lực không được sử dụng hiệu quả…
Điển hình tại Công ty May Hưng Nhân - Thái Bình, sau 3 tháng triển khai áp dụng giải pháp cải tiến theo mô hình Lean, đã giảm thời gian xử lý lỗi từ 20 giây xuống còn 3 giây; giảm hàng tồn trên chuyền từ 2.000 sản phẩm xuống dưới 400 sản phẩm; rút ngắn thời gian sản xuất từ 2,5 ngày xuống 0,5 ngày/chuyền; không có hàng tồn cuối chuyền, năng suất lao động dây chuyền tăng từ 15 - 30%.
Ở lĩnh vực cơ khí, Công ty CNC - ViNa, Hà Nội cũng là một điểm sáng. DN này đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các phương pháp quản trị để tối ưu hóa nguồn lực, nhờ đó tỷ lệ các dự án hoàn thành đúng tiến độ giao hàng tăng 19%; tỷ lệ đơn hàng lắp ráp cơ đúng tiến độ từ 22% lên 64%; tỷ lệ đơn hàng lắp ráp điện đúng tiến độ từ 11% lên 55%; giảm tồn kho hàng chính hãng so với kho chung xuống dưới 20%, giảm giá trị hàng lưu kho chính hãng từ 1,586 tỷ đồng xuống còn 1,216 tỷ đồng/tháng.
Việc áp dụng các mô hình, hệ thống, công cụ cải tiến đúng, kịp thời đã giúp DN sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có; tạo dựng được các mô hình điểm tốt để các DN chia sẻ và học hỏi, làm cơ sở áp dụng điểm và nhân rộng. Tuy nhiên, theo đánh giá, tỷ trọng DN áp dụng các mô hình và công cụ cải tiến hiện còn thấp, mới chỉ chiếm khoảng 3,5%, tập trung vào DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN vừa và nhỏ rất ít.
Trong bối cảnh hội nhập, việc áp dụng các mô hình, hệ thống, công cụ cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của DN là một đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, để triển khai thành công việc áp dụng mô hình, hệ thống quản lý và công cụ cải tiến tại DN trong thời gian tới, bà Vũ Hồng Dân cho rằng: DN cần xây dựng cơ chế kiểm tra, đánh giá, giám sát để có biện pháp khắc phục, phòng ngừa, cải tiến kịp thời; xây dựng cơ chế ghi nhận và khuyến khích sự đóng góp của cá nhân và tập thể trong việc áp dụng, cải tiến nâng cao năng suất chất lượng…
Bên cạnh đó, DN cần tích cực đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng quản lý dự án của đội ngũ giảng viên, chuyên gia tư vấn. Đồng thời, phát triển đội ngũ chuyên gia thành các nhóm chuyên gia sâu theo từng nhóm ngành; chủ động xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra giám sát tiến độ và chất lượng tư vấn hướng dẫn tại DN để có những điều chỉnh kịp thời…
Người miền Nam chi nhiều tiền mua bia
“Bia, nước ngọt, cà phê, thuốc lá, bánh kẹo… là những ngành hàng tiêu thụ chính trong mùa Tết ở Việt Nam”.
Bà Trần Thái Hà, đại diện Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, thông tin như trên tại hội thảo “Giải pháp tăng doanh số bán hàng xuất khẩu và nội địa trong mùa kinh doanh cuối năm”, vừa diễn ra tại TP HCM. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức.
Đáng chú ý, theo bà Hà, nếu trước Tết các ngành hàng trên chiếm 46% trong giỏ hàng của người tiêu dùng thì Tết tăng lên 52%. Đặc biệt ở những vùng, miền có sự khác nhau về sức tiêu thụ các mặt hàng.
Cụ thể tại miền Nam, người tiêu dùng thường dành khoảng 40% số tiền để mua bia trong dịp Tết, trong khi ở miền Trung và miền Bắc bánh kẹo lại được tiêu thụ nhiều do nhu cầu biếu tặng.
“Do vậy, để có thể tăng trưởng doanh thu mùa Tết 2017, các công ty sản xuất cần phân bổ nguồn lực ở các vùng, miền một cách phù hợp”, bà Hà khuyến cáo.
Cũng theo bà Hà, mùa Tết năm 2016 tại miền Nam, doanh thu ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tăng trưởng 6%, chủ yếu đến từ ngành hàng nước giải khát, bia… Một trong những lý do khiến mặt hàng này được tiêu thụ tốt là do các nhà sản xuất có nhiều chính sách, chương trình khuyến mãi.
Chẳng hạn, nhà bán lẻ được tặng một thùng bia miễn phí nếu mua nhiều hơn 10 thùng; được thưởng 3%-4% hoa hồng; được tặng nhiều quà như thùng đá, ly, lịch…