Nhóm nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội đánh giá GDP, đầu tư nước ngoài, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi khi hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh trò chơi có thưởng.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 31-07-2016
- Cập nhật : 31/07/2016
Hiện nay khoảng 3-8% lượng vàng trên thị trường không đủ tuổi
Trên thị trường vàng hiện nay có từ 3-8% lượng vàng không đủ tuổi, không đảm bảo chất lượng. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch trong công tác công bố chất lượng vàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai ngày 28/7 về công tác quản lý chất lượng vàng.
Ông Vinh cho biết trước đây ở trong nước không có đơn vị chuyên môn nào có chức năng quản lý về tuổi vàng, chất lượng vàng, dẫn đến tình trạng không thống nhất, không được quản lý đối với tuổi vàng trong thời gian qua. Đến khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, thì công tác này mới được chú trọng.
Ông Vinh cũng cho rằng sự không minh bạch trong quá trình công bố tuổi vàng thời gian qua đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như quyền lợi của người tiêu dùng. Thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ triển khai công tác thanh tra diện rộng trên địa bàn cả nước về công tác quản lý chất lượng vàng, tuổi vàng nhằm làm minh bạch hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại buổi làm việc, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã trao quyết định chỉ định thực hiện việc thử nghiệm cho Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai và khai trương phòng thử nghiệm xác định lượng vàng trang sức, mỹ nghệ bằng phương pháp huỳnh quang tia X. Đây là trung tâm đầu tiên trong cả nước được chỉ định thực hiện công tác xác định chất lượng vàng.
Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai cho biết trong tháng 5/2016, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai đã kiểm tra 35 doanh nghiệp kinh doanh vàng và phát hiện cả 35 doanh nghiệp vi phạm hàm lượng vàng với mức độ khá nghiêm trọng. Cơ quan này đã xử phạt số tiền 1 tỷ đồng.
Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai cho biết sai phạm phổ biến của các doanh nghiệp kinh doanh vàng là chất lượng vàng không đạt so với công bố. Nhiều cơ sở bán vàng 24K - hàm lượng vàng theo công bố là 98% nhưng kết quả kiểm định đạt 93,5%, có những mẫu chỉ đạt hơn 65%.
Đối với vàng 18K, doanh nghiệp công bố hàm lượng vàng 75% nhưng kiểm định chỉ đạt 65-73%...(VN+)
Đưa lậu vàng sang Hàn Quốc làm gì?
Vụ vợ chồng nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị bắt khi giấu 80 lượng vàng đưa sang Hàn Quốc khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao bởi chênh lệch giá vàng giữa hai nước không lớn.
Cuối ngày 28-7, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng nguyên liệu thấp hơn chỉ 180.000-200.000 đồng/lượng.
Theo chuyên gia Trần Thanh Hải, với mức chênh lệch như trên không hấp dẫn để buôn lậu vì với 3kg vàng (tương đương 80 lượng) nếu vận chuyển trót lọt lãi chỉ khoảng 16 triệu đồng trong khi vốn bỏ ra lên đến gần 3 tỉ đồng.
“Mức lời như vậy chẳng đáng gì trong khi rủi ro quá lớn. Có thể việc vận chuyển này là để thanh toán cho một thương vụ nào đó hoặc có thể số vàng này được mang sang Hàn Quốc bán lấy USD, từ đó mua hàng hóa chuyển về VN.
Một khả năng nữa là số vàng này được mua vài tháng trước khi giá vàng nguyên liệu chỉ ở mức 30 triệu đồng/lượng, nay muốn tiêu thụ với mức 36 triệu đồng/lượng ở VN là khó nên họ đã tìm cách mang ra nước ngoài bán với giá cao hơn” - ông Hải phân tích.
Còn chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng tất nhiên có lợi thì những nghi phạm này mới vận chuyển vàng ra nước ngoài.
“Đặc điểm của vàng là nhỏ gọn, giá trị cao, dễ cất giấu, đặc biệt họ lại hoạt động trong ngành hàng không nên họ mới chọn vận chuyển theo đường này, vì nếu vận chuyển theo đường tiểu ngạch rủi ro lớn hơn” - ông Long nói.
Theo các chuyên gia, nhu cầu vàng vật chất ở Hàn Quốc lớn trong khi nguồn cung hạn chế vì thuế nhập khẩu cao có thể cũng là nguyên nhân khiến vàng lậu chảy từ VN sang nước này.
Tại Hàn Quốc, vàng lậu được chuộng vì rẻ hơn so với vàng được bán công khai và thời gian qua phía Hàn Quốc đang phải áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng nhập lậu vàng.(TT)
Hoạt động kém hiệu quả, nhiều DNNN vẫn được “bơm” vốn đều đặn
Nhiều DNNN trong lĩnh vực khai thác khoáng sản hoạt động chưa thực sự hiệu quả, nhưng vẫn được "bơm” vốn đều đặn dẫn đến những hệ lụy về môi trường.
Sáng 29/7 Hội Địa chất kinh tế Việt Nam, Liên minh Khoáng sản, Trung tâm Thiên nhiên và Con người cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản: Các bất cập và khuyến nghị”.
Các DNNN đã hoạt động hiệu quả?
Theo thông tin từ hội thảo, hiện nay trên cả nước có khoảng 170 DNNN hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên các hoạt động khoáng sản chủ yếu tập trung vào 5 tập đoàn và tổng công ty lớn.
Đầu tư nhà nước chiếm một tỷ trọng lớn trong đầu tư khai thác tài nguyên. Tuy nhiên hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư nhà nước trong các dự án phát triển nói chung và khai khác khoáng sản nói riêng cần được đánh giá một cách tổng thể và nghiêm túc.
Theo ông Lê Đăng Doanh, Nguyên viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, khoáng sản tại Việt Nam đang được khai thác ở những trình độ công nghệ khác nhau, tỷ lệ thu hồi khoáng sản chưa cao, nhiều khoáng sản phụ có hàm lượng thấp hơn chưa được chú trọng khai thác dẫn đến lãng phí. Rất nhiều nguyên tố phụ trong khoáng sản của Việt Nam được nước ngoài thu mua lại với giá rất rẻ nhưng về khai thác lại có rất nhiều nguyên tố quý hiếm. Trong nhiều trường hợp chúng ta mới chỉ khai thác được khoảng 30-40% giá trị của khoáng sản như vậy gây lãng phí lớn.
Bên cạnh đó tình trạng xuất khẩu thô còn kéo dài. Đặc biệt tình trạng xuất lậu sang Trung Quốc còn rất nghiêm trọng. Kinh doanh đa ngành đa lĩnh vực vẫn chưa được điều chỉnh. Trong khi khối doanh nghiệp nhà nước về lĩnh vực khai thác khoáng sản vẫn đang được hưởng quá nhiều ưu đãi, độc quyền về khoáng sản, song doanh thu của một số tập đoàn, tổng công ty lại được đầu tư vào các hoạt động kinh doanh đa ngành( du lịch, bất động sản, chứng khoán...) và còn hiện tượng thua lỗ thiệt hại lớn ở một số đơn vị.
Ngân hàng đang ưu đãi cho DNNN quá nhiều?
Bà Trần Thanh Thủy - Trung tâm con người và Thiên nhiên cho rằng có vẻ như các ngân hàng vẫn đang ưu ái với các dự án của ngành khai thác khoáng sản. Bà Thủy đưa ra dẫn chứng, theo số liệu đã công bố của Vietcombank, năm 2016, dư nợ của ngành khoáng sản tại ngân hàng này lên tới 20.000 tỷ đồng, ngành năng lượng là 25.000 tỷ đồng, trong khi đó dư nợ của ngành nông nghiệp chỉ có 2.000 tỷ đồng.
Bà Trần Thanh Thủy cho rằng, nhìn bên ngoài tưởng rằng các tổ chức tín dụng khá thân thiện với môi trường, ít phát thải, tuy nhiên thông qua việc rót vốn cho các dự án khai thác tài nguyên kém hiệu quả có thể gián tiếp gây ra các tác động xấu đến môi trường.
Đơn cử như dự án khai thác sắt mỏ Thạch Khê, khi thực hiện dự án sẽ khiến khoảng 4000 hộ dân ( khoảng 16.000 người) sẽ phải di rời. Do nằm ở khu vực có địa hình phức tạp nên dự án được đánh giá là khó có hiệu quả. Sau 8 năm triển khai, dự án vẫn tạm dừng ở giai đoạn bóc một phần đất phủ. Trên thực tế nhiều ý kiến cho rằng việc thực thi dự án này là hoàn toàn không hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn mặt môi trường do dự án này nằm rất sâu dưới lòng đất và sát biển, nên việc khai thác phải bóc một lượng lớn đất phủ và quản lý chất thải cũng như việc hạn chế việc thấm nước từ biển vào là vô cùng tốn kém. Tuy nhiên dự án này vẫn được triển khai. Năm 2015, dự án được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chấp thuận cho vay 3.000 tỷ đồng trong giai đoạn 1 để thực hiện dự án này.
Hay dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do EVN 2 làm chủ đầu tư và do tập đoàn Điện khí Thượng Hải Trung Quốc làm tổng thầu công trình với tổng giá trị hợp đồng là 1.384 tỷ USD. Dự án này gặp nhiều vấn đề liên quan đến khói bụi, xỉ than và sự phản ứng gay gắt từ cộng đồng địa phương. Do gặp phải vấn đề về môi trường nên dự án phải tạm dừng hoạt động nhiều lần. Chi phí cho mỗi lần khởi động lại hệ thống cũng đã lên tới hàng tỷ đồng. Tuy vậy dự án này vẫn được chấp thuận cho vay 7.500 tỷ đồng bởi Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Đương nhiên khi đầu tư vào các dự án có rủi ro, phía các ngân hàng cũng đứng trước những nguy cơ như dự án bị đình trệ và chủ đầu tư dự án không có khả năng hoàn trả khoản vay, phản ứng từ khách hàng hay uy tín của ngân hàng và nhà tài trợ... Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay hầu hết các ngân hàng chưa mấy quan tâm đến khía cạnh môi trường. Vẫn còn thiếu những hướng dẫn và chỉ số định hướng cụ thể về tín dụng xanh. Thêm vào đó các chính sách về môi trường vẫn chưa được áp dụng đồng bộ và bắt buộc trong hệ thống ngân hàng. Phía các ngân hàng còn thiếu những thông tin về căn cứ tin cậy về tác động môi trường từ các dự án xem xét tín dụng.
Bà Thủy cho rằng, để giảm thiểu các dự án kém hiệu quả, tác động xấu đến môi trường, nhưng vẫn được duyệt cho vay vốn, các ngân hàng có thể công khai thông tin về các dự án cho vay vốn để tham khảo ý kiến từ các bên liên quan, hay tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập về vấn đề này./.(VOV)
Người dân cần thận trọng việc thương lái Trung Quốc thao túng thị trường trái cây
Gần đây, tại một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Thuận, Đồng Nai… xuất hiện tình trạng thương lái vào tận vườn thu gom hoa quả. Thậm chí, một số doanh nghiệp (DN) trong nước còn chịu làm “bình phong” để các DN Trung Quốc núp bóng hoạt động, trục lợi, gây thất thu cho Nhà nước.
“Mượn” đầu nậu Việt để vét hàng, ép giá
Ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận - cho biết: Đi dọc quốc lộ 1A qua huyện Hàm Thuận Nam, người ta dễ dàng nhìn thấy bảng hiệu các công ty xuất khẩu thanh long đều có kèm theo chữ Trung Quốc bên cạnh chữ Việt. Xã Hàm Thạnh là nơi trồng nhiều thanh long nhất ở vùng trọng điểm Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Thương lái Trung Quốc đến rất đông và trực tiếp thương lượng giá mua ngay tại vườn. Không ít cơ sở, DN trong tỉnh liên kết với người Trung Quốc thu mua thanh long của nông dân trong vùng. Các DN còn tạo điều kiện cho các thương lái Trung Quốc ăn ở, làm việc trong cơ sở của mình để thuận lợi hơn trong hoạt động vét trái cây đưa về nước.
“Hầu hết các hoạt động thu mua thanh long tại Bình Thuận hiện nay đều để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Tình trạng này rất nguy hiểm. Về lâu dài, thương lái Trung Quốc dễ gây khó dễ, thậm chí ép giá, thị trường không ổn định thì thiệt hại lớn nhất vẫn thuộc về nông dân. Các DN trong nước tạo “bình phong” để các DN Trung Quốc “núp bóng” sẽ gây thiệt hại về kinh tế, gây thất thu thuế và thậm chí mất ổn định trị an trên địa bàn.
Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, vận động các DN Trung Quốc đăng ký kinh doanh, đầu tư làm ăn đàng hoàng, công khai, nhưng số lượng DN đăng ký rất ít, chỉ 2-3 DN đăng ký ban đầu, nhưng sau đó không thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo. Tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt nghiêm. Tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tạo điều kiện để khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn, nhưng việc đầu tư, làm ăn phải công khai, minh bạch”.
Ông Phạm Minh Đạo - Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai - thẳng thắn thừa nhận: Trái cây trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là quả sầu riêng đang được các thương lái lùng mua ráo riết và giá cả trồi sụt tùy theo sức “ăn hàng” của các thương lái Trung Quốc. Khi thương lái ngừng mua, giá sầu riêng đã rớt thê thảm, hàng loạt trái cây phải “neo” trên cây chờ phía Trung Quốc mua hàng trở lại. Nhiều đầu nậu trên địa bàn tỉnh trở thành khâu trung gian gom hàng cho các thương lái này mà hoàn toàn không ý thức được đang tiếp tay cho việc trốn tránh đăng ký kinh doanh của các đối tượng này, gây thiệt hại về kinh tế cho địa phương.
Không thể để thương lái Trung Quốc thao túng thị trường
Tại Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định xử phạt 410 triệu đồng đối với 17 đối tượng với hành vi nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại địa phương nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; tỉnh cũng đã xử phạt 50 triệu đồng đối với 2 đối tượng người Trung Quốc có hành vi kinh doanh trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, tịch thu 12 tấn thanh long đã đóng gói. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 cơ sở, DN thu mua thanh long hơn 235 triệu đồng.
Ông Huỳnh Thanh Cảnh cho biết, địa phương cũng vận động bà con trồng thanh long và nhiều loại trái cây khác theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và các tiêu chuẩn an toàn khác để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn tiềm năng như Australia, Hoa Kỳ, EU, không quá phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc.
“Các DN trong tỉnh cần hợp tác kinh doanh theo đúng chính sách pháp luật của Việt Nam, không tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài núp bóng, trực tiếp tổ chức thu mua, đóng gói, vận chuyển trái thanh long đi tiêu thụ làm xáo trộn thị trường. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc”. Sở Công Thương Bình Thuận cũng đã đề nghị và hướng dẫn các thương nhân Trung Quốc có thể liên doanh đầu tư với DN trong tỉnh hoặc đăng ký thành lập DN 100% vốn nước ngoài để tiếp tục kinh doanh tại địa phương.
“Tại Đồng Nai, hiện đã có 5 dự án liên kết đã được duyệt. Trong năm 2016, Đồng Nai cố gắng phấn đấu triển khai khoảng 20 dự án, trong đó tập trung vào các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị xuất khẩu” - ông Phạm Minh Đạo khẳng định. Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thanh long chính ngạch qua 11 nước chỉ được khoảng 4.100 tấn. Trong khi đó, xuất tiểu ngạch qua các cửa khẩu Trung Quốc lên tới trên 285.000 tấn. Vì vậy, giá thanh long hầu như phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Nếu muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này, trái thanh long Bình Thuận cần có thêm nhiều thị trường khác tiêu thụ.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang - cũng tỏ ra lo ngại: “Nếu không được bảo hộ ở nước ngoài kịp thời, có thể những nhãn hiệu đặc sản nổi tiếng của tỉnh không còn thuộc về những chủ nhân thực thụ. Dù đã được đăng ký bảo hộ trong nước nhưng khi bị đánh cắp thương hiệu ở nước ngoài thì sản phẩm sẽ không xuất khẩu được” (LĐ)