Tài sản của các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng mạnh
Sức ép chính sách tiền tệ đang phải đối mặt là gì?
Vốn ODA sẽ chỉ tập trung cho những dự án thực sự hiệu quả
Nghịch lý vốn FDI vào TP HCM và thách thức dài hạn cho Việt Nam
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 16-08-2016
- Cập nhật : 16/08/2016
Khoảng 430.000 doanh nghiệp hưởng lợi khi thuế TNDN còn 17%
Cần thiết
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về những giải pháp, trong đó đề xuất giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 20% xuống 17%.
Lý giải nguyên nhân “tung” ra chính sách đó vào thời điểm này, ông Phạm Đình Thi nói: Trong những năm qua, để cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều giải pháp về thuế đã được thực hiện và có hiệu quả tích cực.
Bước sang năm 2016, là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, đồng thời là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, bên cạnh yếu tố thuận lợi cho phát triển KT-XH, dự báo năm 2016 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức.
Vừa qua, để tiếp tục hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP với nhiều giải pháp về chính sách và quản lý thuế. Những giải pháp về thuế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết của Chính phủ.
Ông Thi cho biết thêm, để phát triển doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những trọng tâm mà các nước đang phát triển đang rất chú ý bởi vì đối tượng này tuy có quy mô nhỏ nhưng giải quyết được vấn đề lao động và việc làm, đồng thời cũng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là khi tình hình kinh tế có biến động.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở các quốc gia đang phát triển, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Ví dụ, Trung Quốc áp dụng thuế suất ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ là 20% trong khi thuế suất phổ thông là 25%; riêng giai đoạn 2015-2017, doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế thấp còn được áp dụng thuế suất thấp hơn.
Tương tự, ở Thái Lan, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20% nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được áp dụng thuế suất ưu đãi ở mức thấp hơn. Cụ thể trong giai đoạn 2016 - 2017, doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ 300.000 baht (8.500 USD) trở xuống được miễn thuế; doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế lớn từ 300.000 baht đến 3 triệu baht (8.500-85.000 USD) được áp dụng thuế suất 10%; còn lại mới áp dụng thuế suất phổ thông.
Cũng như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH. Tỷ lệ đối tượng này tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số doanh nghiệp (97%-98%) và được xác định là “động lực tăng trưởng”, là “xương sống” của nền kinh tế. Do đó, để đảm bảo mục tiêu tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh thì việc nghiên cứu đề xuất mức thuếTNDN phù hợp là cần thiết.
Khoảng 430.000 doanh nghiệp hưởng lợi
Hiện nay, khi nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính nhận thấy mỗi quốc gia có một tiêu chí áp dụng khác nhau về doanh thu, lao động, tài sản, thậm chí có nước sử dụng cả 3 tiêu chí. Trong đề xuất lần này của Bộ Tài chính, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giống như các xác định trong một số Nghị quyết của Quốc hội trước đây, nghĩa là doanh nghiệp có doanh thu năm trước liền kề đến 20 tỷ đồng.
Số lượng doanh nghiệp này hiện chiếm 85-86% số doanh nghiệp đang hoạt động, tức khoảng 430.000 doanh nghiệp. Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, ước tính mỗi năm số doanh nghiệp này đóng góp vào ngân sách khoảng 2.470 tỷ đồng, như vậy, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 3% sẽ tác động giảm ngân sách khoảng 473 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về tiêu chí xác định doanh nghiệp hưởng ưu đãi, ông Thi cho hay: Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao nghiên cứu Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó cũng có ý kiến đưa ra tiêu chí xác định là doanh thu tới 100 tỷ đồng hoặc lao động tới 300 người.
Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu xét theo tiêu chí này, số doanh nghiệp được ưu đãi lên tới 96-97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và tác động giảm ngân sách tới 1.500 tỷ đồng.
”Với giải pháp giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như dự thảo sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế chung của đất nước; giúp doanh nghiệp có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa không ảnh hưởng nhiều tới số thu ngân sách Nhà nước.” – ông Thi khẳng định.(HQ)
Thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mất cân đối
Chiều 12/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có buổi làm việc với Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA).
Theo báo cáo từ Hiệp hội BĐS Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS đã phát triển một cách ổn định. Lượng giao dịch tăng đều với tổng số giao dịch tại Hà Nội và TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 15.300 giao dịch, so với 18.000 giao dịch cùng kỳ năm 2015, song chất lượng, giá trị giao dịch cao hơn. Giá bất động sản tăng 3-7%, cao hơn so với cùng kỳ 2015 là 3-5%.
Hàng tồn kho hiện còn 37.489 tỷ đồng, so với cùng kỳ 2015 là 67.443 tỷ đồng. FDI vào thị trường BĐS có 25 dự án mới và giá trị vốn đầu tư tăng thêm 604,8 triệu USD, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2015 là có 7 dự án và tổng vốn 465,5 triệu USD.
Hệ thống chính sách mới về BĐS đã bắt đầu phát huy tác dụng trên thực tế và từng bước đi vào cuộc sống. Các doanh nghiệp lớn vẫn đang dẫn đầu xu hướng thị trường.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA khẳng định "thị trường BĐS vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đó là cơ cấu hàng hóa trên thị trường có sự mất cân đối, thiếu vắng sản phẩm giá trung bình và thấp"
Theo ông, việc phát triển nhà ở xã hội có xu hướng chậm lại. Phân khúc nhà ở cho thuê chưa có điều kiện phát triển. Thông tin trên thị trường chưa thực sự đầy đủ, hệ thống và toàn diện. Năng lực phần lớn các chủ đầu tư còn yếu cả về tài chính, năng lực quản lý, triển khai các dự án…
Với mong muốn khắc phụ những bất cập tồn tại hiện nay, Chủ tịch VNREAđề xuất với Bộ Xây dựng các vấn đề để phát triển thị trường BĐS theo hướng lành mạnh, hiệu quả.
Việc bán nhà ở cho người nước ngoài, Bộ Xây dựng chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể về việc thủ tục cấp visa cho người nước ngoài khi vào Việt Nam, thủ tục chuyển tiền vào, chuyển tiền ra khi mua bán BĐS, quy định cụ thể các khu vực hạn chế mua bán BĐS vì lợi ích, an ninh quốc gia.
Việc có các quy định, hướng dẫn cụ thể này tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như chuẩn hóa đối với hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Nam đề xuất Bộ Xây dựng để VNREA phối hợp với các cơ quan của Bộ, các Sở Xây dựng địa phương trong hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin dữ liệu thị trường BĐS hàng tháng và thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước và thị trường. Qua đó các chủ đầu tư có định hướng và có cách phát triển thị trường hiệu quả.
Đề xuất thành lập quỹ do DN đóng góp về vệ sinh an toàn thực phẩm
Ngày 13-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khảo sát một số mô hình sản xuất, cung ứng nông sản, suất ăn tập thể tại huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh về công tác bảo đảm an tòan vệ sinh thực phẩm.
Mô hình sản xuất tiêu biểu là của Công ty Hương Việt Sinh, Công ty này đã liên kết với hàng chục hộ nông dân để cung cấp nguồn rau, thịt an toàn, chế biến gần 40.000 suất ăn cung cấp cho học sinh 40 trường tiểu học ở Hà Nội và Bắc Ninh.
Chị Nguyễn Thị Luyên (thôn Dền, xã Cảng Hưng) cho biết, gia đình chị có 4 sào nhưng trước đây phải trồng gối đầu từng sào vì phải tự đi bán, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/sào. Sau khi tham gia vào dự án của Công ty Hương Việt Sinh, 4 sào rau gia đình chị luôn “hoạt động hết công suất”, cho thu nhập gấp đôi trước kia.
Tại Công ty đầu tư phát triển gia công gà Dabaco thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn Dabaco (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du), ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đề xuất với Phó Thủ tướng về việc thành lập quỹ do doanh nghiệp đóng góp nhằm hỗ trợ cho các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm; đào tạo, nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, chế biến thực phầm sạch.
“Doanh nghiệp biết kiểm tra thế nào, xử lý ra sao là hiệu quả, tiết kiệm nhất, đơn vị nào làm ăn nghiêm chỉnh, đơn vị nào không. Vì vậy, khi tham gia vào quỹ này thì chính bản thân doanh nghiệp sẽ giám sát lẫn nhau bên cạnh hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước”, ông So trao đổi.
Về đề xuất này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là sáng kiến rất đáng hoan nghênh.
“Trước đây chúng ta đề cập nhiều đến vai trò của chính quyền địa phương, đoàn thể chính trị, xã hội nhưng chưa chú trọng vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp. Bởi chính các doanh nghiệp cũng mong muốn bên cạnh tuyên truyền, biểu dương những đơn vị làm ăn nghiêm chỉnh, phải phát hiện, xử lý công khai các cơ sở làm ăn gian dối”, Phó Thủ tướng nói.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT nghiên cứu về quy định liên quan đến vận hành quỹ, xã hội hóa trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, lấy mẫu kiểm nghiệm thực phẩm.
Khuyến cáo nông dân không trồng thanh long ồ ạt
Khi nguồn cung vượt cầu thì thanh long sẽ gặp khó về đầu ra, dẫn đến chuyện nông sản dư thừa, khó tiêu thụ và thường bị thương lái ép giá thu mua.
Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau cho biết, cây thanh long hiện đang phát triển rầm rộ trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên thanh long chưa được quy hoạch là loại cây trồng chủ lực ở địa phương nên khi người dân tự phát mở rộng diện tích sẽ gây nhiều khó khăn, bất lợi.
Theo ông Thức, khi nguồn cung vượt cầu thì thanh long sẽ gặp khó về đầu ra, dẫn đến chuyện nông sản dư thừa, khó tiêu thụ và thường bị thương lái ép giá thu mua. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ dân trồng thanh long đều chưa am hiểu sâu về kỹ thuật trồng, quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho thanh long nên năng suất thường đạt thấp, chất lượng giảm sút.
Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau khuyến cáo, trong thời gian tới, người dân không nên ồ ạt trồng cây thanh long mà chỉ sản xuất tập trung tại một số vùng ngọt hóa, với quy mô khoảng 100 ha, nhưng phải thành lập tổ hợp tác sản xuất để chủ động liên kết với doanh nghiệp giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, ước tính trên địa bàn tỉnh có đến hàng trăm ha đất vườn, đất trồng lúa và đất rừng tại các huyện U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân… đã được người dân cải tạo trồng thanh long (chủ yếu là thanh long ruột đỏ) để phát triển kinh tế gia đình.
Đơn cử, gia đình ông Nguyễn Thanh Khiết (ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) đã cải tạo khoảng 1.000 m2 đất vườn trồng 300 trụ thanh long, mỗi năm gia đình có nguồn thu nhập hơn 80 triệu đồng. Theo ông Khiết, trồng thanh long chỉ bán được giá trong vài năm đầu vì có rất ít người trồng với sản lượng không lớn. Hiện nay, cây thanh long đã phát triển ồ ạt ở nhiều nơi trong tỉnh khiến nguồn cung vượt cầu, giá cả giảm mạnh từ 25.000-30.000 đồng/kg giảm xuống chỉ còn 7.000 đến 10.000 đồng/kg.
Trong hai năm gần đây, nhiều thương lái ở Cà Mau không còn mặn mà với việc thu mua thanh long nữa, nên đến cứ kỳ thu hoạch trái thì gia đình ông Khiết đành mang thanh long ra tận Quốc lộ 1 chào bán với giá rẻ để cạnh tranh với thanh long của các tỉnh Long An, Tiền Giang.., được bày bán tràn lan trên thị trường Cà Mau với giá 3 kg chỉ từ 15.000 đến 20.000 đồng.
Nhiều nhà vườn thanh long ở Cà Mau chẳng những gặp khó vì chưa tìm được đầu ra không ổn định cho nông sản mà còn phải đối mặt với tình trạng nhiều diện tích vườn thanh long bị nhiễm bệnh trước nguy cơ phải đốn bỏ. Ông Khiết lo lắng, trong số 300 gốc thanh long của gia đình thì có đến khoảng 200 gốc bị nhiễm bệnh, khiến năng suất giảm đến 70%. Do vậy, ông Khiết mong muốn các ngành chức năng tỉnh Cà Mau sớm có biện pháp hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh hiệu quả cho cây thanh long.
Không riêng gì gia đình ông Nguyễn Thanh Khiết mà hàng trăm hộ dân ở Cà Mau từng ấp ủ khát vọng làm giàu từ mô hình thanh long đang phân vân là nên giữ hay phá bỏ cây thanh long để thay thế loại các loại cây khác?
Với vùng đất Cà Mau thì mô hình trồng chuối, rau màu hoặc nuôi thủy sản sẽ là lợi thế lớn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Điều quan trọng, nông dân phải năng động chọn những loại cây trồng vừa có giá trị kinh tế vừa thích ứng với thời tiết, chịu được độ phèn mặn cao; kết hợp với việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất để đảm bảo về nâng suất, chất lượng nông sản.(TTXVN)