tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 17-08-2016

  • Cập nhật : 17/08/2016

Cục trưởng Thống kê: Báo cáo số liệu thật có khi phải trả giá

Cán bộ ngành thống kê cho rằng do áp lực thành tích của địa phương, họ thường phải chịu rất nhiều sức ép khi báo cáo các số liệu thật, thậm chí bị cô lập, phân biệt đối xử...

Những khó khăn của cán bộ thống kê địa phương được ông Nguyễn Huy Lương - Cục trưởng Thống kê tỉnh Phú Thọ đại diện cho nhiều đơn vị khác nêu lên tại buổi làm việc giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Tổng cục Thống kê, sáng 16/8.

Theo lãnh đạo Cục Thống kê Phú Thọ, cán bộ thống kê địa phương phải chịu rất nhiều áp lực, bị phân biệt đối xử, rồi cô lập, nhất là khi nói những số liệu thật.

“Chúng tôi phải chịu rất nhiều áp lực, thậm chí phải trả giá. Mà cái giá này thì nhiều khi không thể đo đếm được khi phải nói những con số thống kê thực cho các cấp lãnh đạo địa phương. Dù mình là thủ trưởng cơ quan chuyên môn thống kê thật đấy, nhưng nhiều lúc cảm thấy bị cô lập, rất cô đơn…”, vị Cục trưởng trầm tư.Do phân cấp, các cơ quan thống kê địa phương không có đủ năng lực, thẩm quyền để có thông tin tính toán đầy đủ, chính xác ở nhiều lĩnh vực. Ông Lương dẫn dụ, con đường cao tốc chạy qua nhiều tỉnh, nên rất khó bóc tách số liệu đóng góp cho Phú Thọ bao nhiêu, Vĩnh Phúc bao nhiêu… Việc thu thập số liệu đầy đủ là khá khó khăn đối với cán bộ thống kê.

pho thu tuong vuong dinh hue yeu cau chuan hoa so lieu thong ke, bien du lieu thanh nhung con so "biet noi". anh: vgp

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu chuẩn hoá số liệu thống kê, biến dữ liệu thành những con số "biết nói". Ảnh: VGP

Từ thực tế này, Cục trưởng Thống kê tỉnh Phú Thọ cho rằng, đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) thực hiện từ năm 2017, chuyển thống kê địa phương về Trung ương tính toán, quản lý dữ liệu là hoàn toàn phù hợp.

Chia sẻ với những tâm tư này, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho biết, ngay cả cơ quan thống kê Trung ương cũng gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận, chia sẻ và cung cấp thông tin, số liệu thống kê từ các bộ, ngành.

Ông Lâm đơn cử, Bộ Tài nguyên & Môi trường đến nay vẫn “bất hợp tác” với Tổng cục Thống kê trong cung cấp số liệu quản lý. “Có những cuộc họp liên quan chúng tôi mời đích danh hoặc đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường tới nhưng chưa bao giờ họ có mặt”, ông nói. Đây cũng là nguyên do khiến số liệu thống kê Trung ương nhiều lúc bị công bố chậm.

Thậm chí, bà Lê Minh Thuỳ - Vụ trưởng Vụ thống kê thương mại & dịch vụ (Tổng cục Thống kê) còn cho hay, có hiện tượng che giấu, không muốn khai thật thông tin, số liệu… nên cán bộ thống kê khá vất vả nếu muốn có con số thống kê chính xác.

Vì thế, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành “nói không” với bệnh thành tích và không gây áp lực cho ngành kế hoạch đầu tư và thống kê; sử dụng, công bố số liệu thống kê theo quy định tại Luật Thống kê sửa đổi.

Lắng nghe tâm tư của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận vẫn còn tình trạng cát cứ trong sử dụng, cung cấp thông tin, số liệu thống kê.

Phó thủ tướng dẫn chứng, trong khi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn báo cáo lên Chính phủ là xuất được 200.000 tấn thịt, thì con số mà Bộ Công Thương báo cáo là 300.000 tấn.

“Cùng một mặt hàng mà có tới 2 số liệu thì Chính phủ biết tin bộ nào, dựa vào con số nào mà điều hành. Số liệu thống kê thiếu đồng nhất khiến Chính phủ không biết thế nào mà lần”, Phó thủ tướng nói và quả quyết, các bộ, ngành địa phương phải thay đổi tư duy, cởi mở trong trao đổi và cung cấp số liệu thống kê.

“Con đường dài nhất là từ phòng nọ sang phòng kia, từ bộ nọ sang bộ kia. Có khi chỉ cần một cuộc điện thoại là giải quyết xong nhưng vẫn phải chờ thảo công văn, rồi gửi mất vài ngày… Giá trị gia tăng của số liệu thống kê thấp như vậy thì hiệu quả sử dụng hạn chế là phải”, Phó thủ tướng nói.

Riêng với đề án triển khai tính toán và công bố chỉ số GRDP từ năm 2017, lãnh đạo Chính phủ đặt vấn đề về vai trò của Cục Thống kê địa phương cũng như chất lượng, giá trị của số liệu này khi thực hiện.

Nếu lấy lý do “cán bộ thống kê địa phương chịu quá nhiều áp lực nên “đẩy” tính GRDP địa phương lên Trung ương, Phó thủ tướng nhấn mạnh, lý giải như thế là thiếu thuyết phục.

Ông yêu cầu Tổng cục Thống kê, với tư cách là cơ quan thống kê quốc gia phải “đưa ra thực đơn đủ hấp dẫn” để “chế biến” những sản phẩm thống kê ngày càng đa dạng; tránh đưa ra những sản phẩm chỉ có ý nghĩa nghiên cứu chứ không có ý nghĩa trong chỉ đạo, điều hành. Cơ quan thống kê quốc gia là người chịu trách nhiệm cuối cùng về số liệu công bố này.

“Phân tích thống kê, dự báo thống kê là quan trọng nhưng phải bắt số liệu biết nói”, Phó thủ tướng dứt khoát. Vì thế, ông đề nghị ngành thống kê phải rốt ráo thực hiện 4 chuẩn hoá (đồng bộ hoá, chuẩn mực hoá, quy trình hoá và tin học hoá) trong hoạt động thu thập xử lý, tổng hợp phân tích dự báo, truyền dẫn thông tin thống kê... theo chuẩn mực thông lệ quốc tế, nhưng phải hợp với thực tiễn Việt Nam. (Vnexpress)


Lao động biển “méo mặt” vì mất mùa cá ngừ đại dương

Ngày 15/8, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang) cho biết, hàng loạt tàu cá của tỉnh Khánh Hòa đánh bắt ở Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà giàn DK1... thua lỗ nặng do mất mùa cá ngừ đại dương.

Sáng cùng ngày, nhiều tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang) để đưa cá lên bán. Sau chuyến biển hơn 20 ngày, với chi phí 80-100 triệu đồng nhưng sản lượng thấp, mỗi tàu trung bình đạt 10-15 con, thậm chí có tàu đạt 6-8 con. Ngoài mất mùa, cá ngừ đại dương nhỏ khiến ngư dân thất thu, thua lỗ 20-30 triệu đồng/tàu.

Ngư dân Huỳnh Sa (Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang), thuyền trưởng tàu cá KH-97643-TS cho biết, tàu ông đi 24 ngày trên biển với chi phí hết 80 triệu đồng nhưng đánh bắt được 15 con cá ngừ đại dương. “Chuyến này không đủ chi phí, lỗ hàng chục triệu đồng”, ông Sa trầm ngâm.

Ngư dân Nguyễn Xuân Thạnh (phường Xương Huân, TP Nha Trang), thuyền trưởng tàu cá KH-98417-TS cho biết, chuyến này đa phần cá ngừ đại dương rất nhỏ nên sản lượng thấp. “Cứ 10 tàu có thì 7-8 tàu bị lỗ nặng vì sản lượng thấp. Tàu tôi may mắn hơn các tàu khác là đánh bắt được 1,5 tấn nhưng cá loại 2 chiếm hơn một nửa nên lãi cũng rất ít”, ông Thạnh nói.

Một số ngư dân cho biết, thời điểm này đang vào cuối vụ đánh bắt cá ngừ đại dương trong năm. Hiện giá cá tại cảng dao động trên dưới 90.000 đồng/kg (loại 1), 75.000 đồng/kg (loại 2). So với thời điểm đầu năm, mức giá này cũng giảm đáng kể, trong khi thời điểm này cá lại mất mùa.

Tra đổi với PV Báo, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang) cho biết, đây là chuyến biển thua lỗ nặng của ngư dân Khánh Hòa kéo dài liên tiếp trong nhiều tháng qua. “Năm nay, ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương trúng có vài tháng đầu năm nhưng sau đó thì không trúng nữa. Còn vài tháng gần đây ngư dân gần như khủng hoảng vì mất mùa”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, nếu trước đây đa phần ngư dân trúng cá lớn, với 50-60kg/con thì nay chỉ đánh bắt được loại cá nhỏ, dao động 30-40kg/con. Điều này khiến sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương thấp, chủ tàu lao đao vì thua lỗ kéo dài, trong khi nhiều lao động biển trắng tay.

“Chúng tôi rất khổ sở vì cả tháng lao động chật vật trên biển nhưng về bờ rồi mà chẳng có thu nhập gì. Chẳng biết nói sao với vợ, con…”, một ngư dân đi trên tàu cá KH-97643-TS, tâm sự.

Theo các ngư dân, nghề biển rất đặc thù nếu tàu trúng cá thì ngư dân trên tàu được ăn chia theo tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên, nếu chuyến biển chỉ đủ tiền chi phí đầu tư hoặc thua lỗ thì bạn thuyền gần như không có đồng nào, tay trắng. Do đó, việc đi biển thua lỗ kéo dài 2-3 tháng liên tiếp thì các lao động biển sẽ tìm cách đi nghề khác, thậm chí bỏ nghề biển.

Thời gian gần đây, do khan hiếm bạn thuyền nên các chủ tàu thường “chi” tiền trước để “kéo” bạn thuyền đi biển. Nếu chuyến biển thua lỗ thì số tiền (trung bình 2-3 triệu đồng/người) được cho ứng trước cũng chẳng thấm tháp gì so với việc thuyền viên bỏ công sức lao động chật vật hơn 20 ngày trên biển. Còn nếu thuyền viên nào “đặt niềm tin tuyệt đối” vào chủ tàu nhưng chuyến biển đánh bắt thua lỗ thì không những chủ tàu lao đao mà bạn thuyền cũng “đói”.

Theo Chi Cục khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, hiện trên địa bàn tỉnh này có 450 tàu cá chuyên đánh bắt ở vùng biển xa, bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đó, số tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương chiếm hơn 200 tàu cá, đánh bắt ở ngoài khơi. Theo Chi cục này, hiện nay do thời tiết thay đổi liên tục, phức tạp đã gây ra không ít khó khăn trong công tác dự báo luồng đi của dòng cá ngừ đại dương trên biển.

Được biết, Khánh Hòa là một trong những địa phương phát triển mạnh nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Theo ban quản lý cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang), do đánh bắt thất thường, sản lượng cá ngừ đại dương giảm, một số chủ tàu đã chuyển từ đánh bắt xa bờ sang đánh bắt gần bờ.(laodong)


KKT Dung Quất, đầu tàu phát triển khu vực miền Trung

Sáng 16-8, tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), UBND tỉnh Quảng Ngãi và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập KKT Dung Quất.

nha may loc dau dung quat, dau tau trong phat trien kinh te cua kkt dung quat - anh: tran mai

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đầu tàu trong phát triển kinh tế của KKT Dung Quất - Ảnh: TRẦN MAI

Sau 20 năm hoạt động, KKT Dung Quất đã có 132 dự án đầu tư vào KKT Dung Quất với tổng vốn đăng ký khoảng 10,5 tỉ USD, Trong đó có 28 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 4 tỉ USD, 104 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 6,5 tỷ USD.

Có 82 dự án đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh với tổng vốn khoảng 5 tỉ USD. Giá trị sản lượng công nghiệp, thương mại, dịch vụ năm 2015 đạt 87.600 tỉ đồng kim ngạch xuất khẩu đạt 230 triệu USD; hàng hóa qua cảng ước đạt 16 triệu tấn; thu ngân sách trên địa bàn đạt 24.073 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động, trong đó số lao động trong tỉnh chiếm khoảng 78%. Ngoài ra, tại KKT Dung Quất còn thu hút khoảng trên 3.000 lao động đang làm công việc xây dựng và các dịch vụ buôn bán tại KKT.

Cơ sở vật chất kết cấu hạ tầng của KKT Dung Quất cũng đã đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư với 130 km cầu, đường bộ; hệ thống thoát nước mưa, các khu tái định cư, hạ tầng phân KCN Sài Gòn - Dung Quất; đê chắn sóng và các bến cảng, hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông và một số công trình hạ tầng xã hội như: bệnh viện, trường đào tạo nghề, trung tâm văn hóa thể thao, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông lâm nghiệp…

KKT Dung Quất, đầu tàu phát triển khu vực miền Trung KKT Dung Quất ngoài phát triển công nghiệp thì đang hướng tới dịch vụ, du lịch - Ảnh: TRẦN MAI

Các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các KCN như KCN VSIP Quảng Ngãi, Khu Đô thị Công nghiệp Dung Quất; các khu đô thị đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và được đầu tư một bước về kết cấu hạ tầng, tiện ích.

Nhân dịp này, Ban quản lý KKT Dung Quất đã vinh dự đón nhận Huân chương lao động hạng nhất; 2 tập thể và 2 cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã trao tặng nhiều bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của khu kinh tế Dung Quất.


Kiên Giang nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm

Hiện nay, nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Kiên Giang đã giảm rõ rệt. Điều đó cho thấy việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản xem ra còn nhiều vấn đề cần phải bàn đến.

Hiện nay, nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Kiên Giang đã giảm rõ rệt. Theo đó, tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới chiếm tới 30-40%, một số loài hải sản có giá trị kinh tế trước kia nay trở nên khan hiếm, như cá thu, tôm thẻ…

Điều đó cho thấy việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản xem ra còn nhiều vấn đề cần phải bàn đến.

Nguồn lợi suy giảm đáng kể

Theo thống kê mới nhất của ngành nông nghiệp, hiện ở Kiên Giang đội tàu làm nghề lưới kéo chiếm gần 1/3 số tàu thuyền khai thác thủy sản và sản lượng khai thác nghề lưới kéo chiếm khoảng 80% tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh.

Cũng chính lực lượng đội tàu hành nghề lưới kéo (kéo đôi và kéo đơn) là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm nguồn lợi thủy sản. Do mật độ tàu thuyền tập trung đánh bắt gần bờ cao, tàu thuyền cạnh tranh khai thác và dùng công cụ mang tính hủy diệt, như cào bay, xung điện… đã làm cho ngư trường biển ngày càng hủy diệt thảm hại.

Việc gia tăng cường lực khai thác hiện nay, đặc biệt là sự mất cân đối giữa hai lực lượng khai thác ven bờ và xa bờ, khiến trong tương lai, nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Kiên Giang, nhất là nhóm cá nổi, cá tầng đáy sẽ vĩnh viễn biến mất.

Bên cạnh đó, tình trạng tranh chấp ngư trường với hình thức rất nhiều phương tiện hành nghề cào, bất chấp vùng cấm vẫn đương nhiên đưa tàu vào vùng ven bờ, ven đảo đánh bắt tôm cá làm cho áp lực ven bờ ngày càng cao hơn. Nhiều hệ sinh thái tiêu biểu là nơi cư trú cung cấp dinh dưỡng, bãi sinh sản cho các loài thủy sản đang bị phá hủy và bị đe dọa.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn Kiên Giang, chính do sự mất cân đối do khai thác gần bờ và xa bờ, nguồn lợi vùng ven bờ ở độ sâu dưới 30 m nước trở vao đã bị khai thác quá giới hạn cho phép; năng suất khai thác một số nghề chính cũng giảm; tỷ lệ thủy sản chưa trưởng thành lẫn trong một mẻ lưới vượt giới hạn cho phép ngày càng nhiều.

Không phải bây giờ mà đã từ lâu công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Kiên Giang luôn gặp rất nhiều khó khăn; lực lượng khai thác ven bờ hiện nay phát triển quá mức.

Trong khi đó, một số ngư dân bất chấp quy định không tiến hành đăng ký, đăng kiểm; sử dụng phương tiện khai thác theo tính hủy diệt mà không quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng.

Ông Dương Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, tính đến tháng 7/2016, đơn vị đã tổ chức 33 cuộc kiểm tra trên biển, qua đó phát hiện 880 phương tiện sử dụng các loại công cụ không đúng theo quy định, như khai thác thủy sản kích thước nhỏ, khu vực cấm, nghề cấm, sử dụng điện, sai tuyến... với số tiền xử phạt trên 13,5 tỷ đồng; trong đó, đáng kể nhất là việc dùng cào bay trong vùng cấm khai thác là 534 trường hợp. Điều đáng lo ngại, nhiều ngư dân vi phạm có hành động chống đối lại lực lượng chức năng.

Đỉnh điểm là tình trạng bắt giữ người trái pháp luật diễn ra tại vùng biển huyện An Minh ngày 2/7/2016.

Không chỉ vi phạm vùng khai thác, thời gian gần đây trong các vùng biển ven bờ, ven đảo tình trạng tranh chấp ngư trường giữa các nghề khai thác càng diễn biến phức tạp. Tình trạng này không có nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản, nhưng đã làm mất an ninh trật tự trên vùng biển ở mức cao. 

Cần "cứng rắn" với chủ tàu 
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, do không nắm bắt được từ cơ sở nên sau khi tàu đánh bắt gần bờ xong, ngư dân kéo nhau đi thì không thể xác định được tàu nào vi phạm để có hình thức xử phạt. Do vậy, lực lượng kiểm ngư và Biên phòng là chủ chốt, nên phải bố trí phương tiện tuần tra, kiểm soát để các tàu đánh bắt hải sản hoạt động đúng trong bán kính.

Hướng tới đây, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành thành lập trạm kiểm ngư ở huyện Kiên Hải; xác định lại tọa độ cho từng vùng khai thác phù hợp; xác định ranh giới các huyện trên vùng biển để khi xảy ra tình trạng đánh bắt trong vùng cấm thì dễ quản lý và có biện pháp cứng rắn với các chủ tàu.

Trước tình trạng khai thác thủy sản tràn lan dẫn đến nguy cơ khai thác suy giảm nguồn lợi thủy sản, từ cuối năm 2015, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các huyện, thị, thành phố thực hiện khoanh vùng phục hồi, bảo tồn các hệ sinh thái, quy định các vùng cấm khai thác; nghiêm cấm các hành vi khai thác bằng xung điện, chất nổ; cấm các loại tàu cào bờ, xiệp mé hoạt động trong vùng biển ven bờ; tuyên truyền, vận động ngư dân hạn chế đánh bắt gần bờ nhằm bảo tồn và phát triển đánh bắt hải sản vùng gần bờ; thành lập khu bảo tồn biển Phú Quốc... 
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng chủ trương không phát triển thêm tàu nhỏ, từng bước mở rộng mô hình thủy sản và làm dịch vụ biển; tăng cường các biện pháp quản lý tàu; thực hiện xử lý, xử phạt nghiêm minh các tàu thuyền không chấp hành quy định về đăng ký, đăng kiểm và khai thác thủy sản mang tính hủy diệt.

Theo ông Dương Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý nguồn lợi thủy sản. Ngoài việc tuần tra, kiểm soát, Kiên Giang cũng đang thưc hiện dự án cải thiện nghề ghẹ xanh thực hiện từ năm 2010 và đang tiến hành cải thiện đề án quản lý nghề lưới kéo; thực hiện dự án sắp xếp lại nghề cá ven bờ… 
Nhằm phối hợp quản lý ở các ngư trường, kiềm chế và triệt tiêu các vụ tranh chấp, ổn định an ninh trật tự trên vùng biển, UBND tỉnh Kiên Giang đã giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng quy chế phối hợp giữa biên phòng, nông nghiệp, công an và một số ngành có liên quan để có biện pháp xử lý đồng bộ.

Trước mắt là ổn định an ninh trên biển, ngăn chặn mầm mống kiềm chế, triệt tiêu các vụ tranh chấp trên ngư trường nhằm hỗ trợ và ổn định giúp ngư dân ra khơi đánh bắt đạt hiệu quả. 
UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã có kế hoạch thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020. Theo đó, sẽ sắp xếp lại việc khai thác ven bờ, vùng lộng.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với Viện Nghiên cứu hải sản xây dựng đề án làm căn cứ khoa học để khoanh vùng khai thác cho từng vùng cụ thể. Theo dự kiến, đến cuối năm 2017 sẽ áp dụng thực hiện.

Trước mắt, ngành nông nghiệp tạm thời phân ra từng tọa độ, vị trí cho từng huyện. Để thực hiện việc này, các huyện, thị nên có sự thống nhất chung để cùng nhau tuyên truyền để làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất an ninh trật tự trên biển.

Tỉnh cũng sẽ tiến hành khảo sát toàn vùng biển Kiên Giang về các loại hình khai thác, đánh bắt hiện nay; phân định lại từng vùng đánh bắt cho từng loại nghề.

Cùng với đó giảm dần tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ và nghề lưới cào gây tổn hại nguồn lợi thủy sản; phối hợp điều tra xử lý nghiêm phân lô, bán nền trên mặt nước biển; bám biển tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời các vụ tranh chấp, xung đột trên biển; thu thập đầy đủ thông tin làm rõ sai phạm và xử lý trên ngư trường đã xảy ra trong thời gian vừa qua theo quy định của pháp luật


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục