tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 15-08-2016

  • Cập nhật : 15/08/2016

Lợi nhuận của nhiều ngân hàng quá thấp

Nắm trong tay hàng chục ngàn tỷ đồng vốn chủ sở hữu và tổng tài sản, song tỷ suất sinh lời của nhiều ngân hàng còn rất thấp.

Nhiều nhà băng có tỷ suất sinh lời thấp

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), vốn điều lệ tối thiểu của một ngân hàng TMCP là 3.000 tỷ đồng, đồng nghĩa vốn chủ sở hữu của ngân hàng cũng phải lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, hiện nay, tổng tài sản của ngân hàng nhỏ nhất cũng lên đến khoảng 50.000 tỷ đồng. Nắm trong tay lượng vốn khổng lồ như vậy, song không phải ngân hàng nào cũng sinh lợi tốt. Báo cáo tài chính vừa công bố quý II/2016 cho thấy, lợi nhuận của nhiều ngân hàng quá thấp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016 vừa được công bố, trong quý II, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) với tổng tài sản hơn 59.000 tỷ đồng (tính đến 30/6/2016), đạt lợi nhuận trước thuế 1 tỷ đồng. Có quy mô “khủng” hơn nhiều so với NCB, song SCB cũng đang chật vật về lợi nhuận. Sau thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng chung chủ sở hữu năm 2011 (Đệ Nhất - Tín Nghĩa – SCB), hiện SCB có vốn điều lệ 14.295 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến ngày 30/6/2016 đạt gần 340.000 tỷ đồng, gấp 5 - 7 lần ngân hàng nhỏ khác. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngân hàng này không tăng tương ứng. Cụ thể, trong quý II/2016, lợi nhuận sau thuế của SCB chỉ đạt 67 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, SCB chỉ đạt 94 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Một trường hợp nữa là Eximbank. Vốn là ngân hàng lớn nhất nhì trong khối ngân hàng cổ phần (vốn điều lệ hiện đang ở mức hơn 12.000 tỷ đồng), song trong quý II/2016, lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ vỏn vẹn 49 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng là 79 tỷ đồng.

Ngoài 3 ngân hàng trên, một số ngân hàng vốn ngàn tỷ khác cũng có tỷ suất sinh lời khá hẻo, như ABBank, VietABank, VietBank…

Lợi nhuận thấp một phần do trong quá trình tái cấu trúc

Trong số các ngân hàng nói trên, rất nhiều ngân hàng đang chật vật trong quá trình tái cấu trúc, như NCB, SCB, Eximbank…, nên lợi nhuận thấp là điều dễ hiểu.

Theo báo cáo tài chính của các nhà băng, có thể thấy, chi phí hoạt động tăng và nợ xấu lớn là nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng thấp ở mức thảm hại. Cụ thể, báo cáo tài chính của NCB cho thấy, tính hết quý II/2016, NCB có thu nhập lãi thuần là 246 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm trước, song chi phí hoạt động quý II lại tăng tới 20%, lên xấp xỉ 200 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro là 25 tỷ đồng và các khoản xử lý theo Đề án tái cấu trúc ngân hàng chiếm 30 tỷ đồng.

Tại SCB, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro đạt tới 1.120 tỷ đồng, song chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến từ 420 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước lên tới 1.038 tỷ đồng đã ngốn gần hết khoản lợi nhuận kiếm được của SCB.

Tương tự, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý II/2016 của Eximbank là 372 tỷ đồng, tăng tới 90% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro cũng tăng gần gấp đôi, lên 324 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau trích lập của ngân hàng này chỉ còn 49 tỷ đồng.

Trên thực tế, lợi nhuận của Eximbank vẫn còn rất ảo. Với tỷ lệ nợ xấu 5%, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn cả ngàn tỷ đồng, nếu trích lập đầy đủ, Eximbank hiện đang lỗ nặng, chứ không phải có lãi.

Lãi ảo cũng là tình trạng chung của nhiều ngân hàng và là điều khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại nhất. “Lợi nhuận trong báo cáo tài chính nhiều ngân hàng là ảo, vì những khoản lãi dự thu trên thực tế rất khó đòi”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cũng cho rằng, một số ngân hàng đang ghi nhận ngày càng nhiều khoản lãi mà thực chất chưa nhận được tiền. Điều này có những hệ lụy cần phải cảnh báo, bởi khoản lợi nhuận chưa thu được này chưa phải là lợi nhuận thực. Nếu cuối kỳ, khoản lãi này không thu được thì sẽ gây nguy hiểm cho ngân hàng và cả hệ thống.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN cần đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, nếu tình trạng ngân hàng yếu kém kéo dài, bất ổn sẽ quay lại với hệ thống ngân hàng, đe dọa sức khỏe của nền kinh tế.(BĐT)


Đã giải ngân 44.054 tỷ đồng vốn vay nước ngoài

Theo số liệu mới được Bộ Tài chính công bố, trị giá giải ngân vốn vay nước ngoài 7 tháng qua đạt khoảng 44.054 tỷ đồng, bằng 42,8% so với kế hoạch cả năm.

Theo Bộ Tài chính, tính riêng trong tháng 7-2016, cơ quan này đã chủ trì ký kết 4 Hiệp định vay nước ngoài với Ngân hàng Thế giới với tổng trị giá là 669 triệu USD.

Như vậy, sau 7 tháng đầu năm 2016, 26 Hiệp định vay đã được đàm phán, ký kết với tổng trị giá quy đổi khoảng 4.431 triệu USD, trong đó chủ yếu vay từ các nhà tài trợ lớn, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á và Nhật Bản.

Về công tác giải ngân, trị giá giải ngân vốn vay nước ngoài của tháng 7-2016 đạt khoảng 3.274 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD). Lũy kế đến 25-7 đã giải ngân khoảng 44.054 tỷ đồng (tương đương 2.014 triệu USD), đạt 42,8% so với kế hoạch cả năm (4.700 triệu USD).

Cũng sau 7 tháng, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài từ ngân sách là 4.042 tỷ đồng (tương đương 184,7 triệu USD). Tổng giá trị chi trả nợ, trả nợ nước ngoài đến nay là 20.882 tỷ đồng (tương đương 954,3 triệu USD).


Từ 1-1-2017, giảm lãi vay tiêu dùng về 20%?

Tại hội thảo về vay tiêu dùng do Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức gần đây, khá nhiều ý kiến thắc mắc về việc từ đầu năm sau, mức lãi suất vay tiêu dùng sẽ là bao nhiêu?

Những hợp đồng vay từ trước đến nay đều là lãi suất thỏa thuận, không có quy định giới hạn mức trần lãi suất. Các hợp đồng vay có thời hạn kéo dài từ 12 tháng đến vài năm. Mức lãi suất thông thường vay tiêu dùng thường cao hơn 20%.

Trong khi đó, chỉ còn vài tháng nữa, từ 1-1-2017, Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, quy định mức lãi vay tiêu dùng tối đa là 20%.

Cụ thể, Điều 468 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

nhung hop dong tu truoc den nay deu la lai suat thoa thuan, khong quy dinh muc tran. anh minh hoa: htd

Những hợp đồng từ trước đến nay đều là lãi suất thỏa thuận, không quy định mức trần. Ảnh minh họa: HTD

Như vậy những hợp đồng đã ký trước ngày này với lãi suất cao hơn 20% thì có bắt buộc chuyển sang áp dụng mức lãi trần 20% hay cứ tiếp tục áp dụng mức lãi suất đã áp dụng lâu nay theo hợp đồng?

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD TP.HCM, cho rằng mức lãi suất trần 20% chỉ áp dụng với các hợp đồng ký sau ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực. Hợp đồng nào ký sau ngày này mà lãi cao hơn 20% thì không có hiệu lực. Còn hợp đồng nào đã ký trước, lãi suất tuy cao nhưng sẽ phải tiếp tục thực hiện đến hết hợp đồng. Về nguyên tắc, luật không áp dụng ngược lại với những giao dịch xảy ra trước để đảm bảo không gây bất lợi, thiệt hại cho các bên giao dịch.

Tuy nhiên, ngay cả với các hợp đồng ký sau 1-1-2017, chưa chắc đã áp dụng được mức trần 20%, tuy mức trần này có lợi cho NTD.

Ông Phan Thế Thắng, Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD, Cục Quản lý cạnh tranh, phân tích các khoản vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ, số tiền vay không lớn, nhóm đối tượng vay có nhiều rủi ro không thể trả nợ, chi phí quản lý khoản vay khá cao... Vì vậy mà vay tiêu dùng thường có lãi suất cao để bù đắp chi phí. Theo cách mà các công ty tài chính tính toán, mức lãi suất 20% thực sự không khả thi, không kinh tế với họ.

Ông Thắng cho rằng sửa quy định của Bộ luật Dân sự 2015 là không thể, vì tính pháp lý để thay đổi quy định này là rất phức tạp. “Có lẽ cần nghiên cứu áp dụng một mức lãi suất nào đó phù hợp, cao hơn mức 20% này, vừa kích thích thị trường vừa bảo vệ NTD, mà các doanh nghiệp tài chính vẫn có thể phát triển sản phẩm được. Về mặt tích cực, cho vay tiêu dùng cũng đã tạo thuận lợi cho nhiều NTD khi họ có thể mua được hàng hóa với số tiền ban đầu không đủ trả toàn bộ tiền hàng” - ông Thắng nhận định.

Như vậy vẫn chưa thể biết được trần lãi suất vay tiêu dùng sẽ là bao nhiêu, bởi 20% thì có thể các công ty tài chính sẽ không cho vay nổi, mà Bộ luật Dân sự đã “thòng” thêm quy định “Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên...”.


Kết nối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa chặt chẽ

Sáng 12-8, tại TP.HCM, hội nghị Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhiệm kỳ 2015-2016 đã diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo tám tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm:

TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.

Bên cạnh những kết quả tích cực của vùng, các đại biểu cho hay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành với các địa phương liên quan. Các tỉnh, thành vẫn chưa tìm được cơ chế, giải pháp phù hợp chung với sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng trong phân công nhiệm vụ giữa các địa phương…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, cần phát huy nội lực của từng địa phương. Việc liên kết giữa các địa phương rất quan trọng để giúp mỗi địa phương cùng phát triển, góp phần thực hiện quy hoạch phát triển vùng đã được Thủ tướng phê duyệt. “Hiện nay kết nối giao thông vùng chưa chặt chẽ, còn điểm nghẽn nên sắp tới các địa phương sẽ tăng cường bàn giải pháp kết nối giao thông các tỉnh trong vùng” - ông Phong nói và cho biết TP.HCM sẽ đứng ra chủ trì tổ chức một hội nghị giữa các vùng về vấn đề này. Vì hiện nay vấn đề giao thông trong vùng còn tồn tại tình trạng mạnh ai nấy làm dẫn đến giao thông chưa được đồng bộ, ách tắc ở cửa ngõ.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị việc phối hợp phát triển giữa các địa phương trong vùng nên giao cho một phó chủ tịch phụ trách để sự phối hợp được xuyên suốt và từng bước đẩy mạnh sự phát triển, tránh tình trạng tỉnh này làm tốt tỉnh kia lại không coi trọng.

Đóng góp 60% ngân sách quốc gia

Thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Trần Thị Bình Minh cho biết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong 10 năm qua có mức tăng trưởng kinh tế ổn định, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước 1,5 lần. Vùng chiếm 8% diện tích và 17% dân số của cả nước nhưng sản xuất hơn 40% GDP cả nước, đóng góp 60% ngân sách quốc gia và là vùng thu hút hơn 50% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước… Giai đoạn 2011-2014, tăng trưởng của vùng đạt 10,2% (cả nước đạt 5,7%).

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục