Chuyển đổi kinh tế biển ‘nâu’ sang ‘xanh’ ở Việt Nam
TPHCM xem xét rút giấy phép dự án 3,5 tỷ USD của Berjaya
Chỉ vay khi không có nhà thầu Trung Quốc
Vốn cho nền kinh tế luôn sẵn nhưng khó giải ngân
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 13-08-2016
- Cập nhật : 13/08/2016
Nghịch lý giá nhà đắt gấp 25 lần thu nhập người Việt
Doanh nghiệp cho rằng thủ tục cấp phép xây dựng cứ kéo dài thêm một năm thì chi phí đội thêm 5% và khoản tiền này lại "dồn" hết cho người mua nhà.
Tại hội thảo về Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh ngày 11/8, tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn dụ thực tế về việc giá nhà hiện chênh lệch quá lớn so với thu nhập người dân. "Nếu ở các nước, bình quân giá nhà chỉ gấp hơn 5 lần thu nhập của người dân thì ở Việt Nam, con số này lên tới 20-25 lần. Đó là nghịch lý và cũng là bi kịch", tiến sĩ Doanh nói. Vị này cũng cảnh báo 5-10 năm nữa, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng số người dân không có nhà tăng lên chóng mặt, trong khi quỹ đất, thu nhập có giới hạn… Việc này sẽ làm phát sinh hệ lụy lớn về mặt xã hội như tranh chấp, chiếm dụng đất đai, nhà ở... Vì thế, ông cho rằng, cần làm rõ hiệu quả quản lý Nhà nước trên cơ sở giảm thiểu mức thấp nhất chi phí thời gian, thủ tục hành chính... đang đẩy chi phí, giá nhà tăng cao.
Doanh nghiệp cho rằng thủ tục cấp phép xây dựng, đầu tư dự án rườm rà đã đẩy chi phí, giá nhà lên cao.
Trước đó, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) giá căn hộ bình dân, quy mô vừa và nhỏ đang cao gấp 20-25 lần thu nhập trung bình năm của người có thu nhập thấp. Ước tính, người có thu nhập trung bình và thấp phải tiết kiệm 17 năm thì mới có đủ tiền mua căn hộ loại bình dân.
Lý giải cụ thể hơn về nghịch lý giá nhà với tư cách "người trong cuộc", ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành nhớ lại giai đoạn cách đây hơn 10 năm, khi các doanh nghiệp muốn xin giấy phép xây dựng hay đầu tư cho một dự án rất đơn giản. "Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, thủ tục không những được đơn giản hóa lại có chiều hướng nở thêm khiến doanh nghiệp chật vật", ông Đực nhận xét.
Vị này cũng bộc bạch, hiện các thủ tục nêu trên đang trói buộc doanh nghiệp, và hệ quả cuối cùng sẽ là người dân, cụ thể là người mua nhà, phải gánh chịu. Theo tính toán của ông Đực, thủ tục cấp phép đầu tư dự án, xây dựng cứ kéo dài thêm một năm thì doanh nghiệp tăng thêm 5% chi phí. “Những khoản chi phí tăng thêm này “chạy” hết vào giá bán nhà. Đây là nghịch lý”, lãnh đạo doanh nghiệp này nói và cho rằng hiện có nhiều thủ tục hành chính có thể cắt bỏ ngay, chuyển sang hậu kiểm như trước năm 2006. Việc này vừa tháo gỡ cho doanh nghiệp, vừa bớt khổ cho người dân…
Thừa nhận đúng là vẫn tồn tại “nhóm lợi ích, quyền anh, quyền tôi tại nhiều bộ, sở, ngành”, nhưng phát biểu dưới góc độ người làm công tác nghiên cứu, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Nguyễn Đức Kiên cũng có những chia sẻ riêng về lý giải cho rằng doanh nghiệp bất động sản buộc phải tăng giá bán nhà do chịu chi phí thủ tục quá cao.
“Doanh nghiệp địa ốc là tầng lớp trung gian, chứ không phải đứng về phía người tiêu dùng”, ông Kiên nói thẳng. Do đó, khi nghiên cứu sửa đổi bất cứ điều luật nào, ông Kiên cho rằng phải nghiên cứu thực chất, đi tới cùng chứ không thể chỉ nhìn vào bề nổi. "Nhà nước phải điều tiết lợi nhuận chung, không thể chỉ nhắm mắt vào điều tiết cho một nhóm nào", vị này nêu quan điểm.
Đồng ý với quan điểm quản lý Nhà nước phải hiệu quả, song tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng quản lý dù ở cấp nào cũng phải theo trình tự, chứ không thể để xảy ra tình trạng doanh nghiệp bị "hành". Ông lưu ý khi đã chắp bút nghiên cứu sửa luật thì phải theo hướng phục vụ và đề nghị cân nhắc, xem lại sự cần thiết của Luật Đầu tư.
Chia sẻ với nỗi băn khoăn và mong muốn "bao giờ cho tới ngày xưa" của ông Nguyễn Văn Đực, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng đương nhiệm của CIEM cho rằng bất kỳ chính sách nào có lợi cho doanh nghiệp, người dân thì phải khẩn trương sửa đổi ngay, không nên chờ đợi rồi mới “gom thành một thể”. Định hướng này được ông Cung đánh giá là phù hợp với tinh thần đổi mới, kiến tạo và quyết tâm xóa bỏ rào cản, cản đường mà Chính phủ nhiệm kỳ mới đang hướng tới.(VNEX)
Giá dầu giảm, Vietsovpetro phải tinh giảm biên chế
Tập đoàn Dầu khí VN dự kiến doanh thu bán dầu cả năm 2016 của liên doanh Vietsovpetro ở mức 1,7 tỷ USD, lợi nhuận phía Việt Nam được khoảng gần 129 triệu USD.
Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), kỳ họp lần thứ 46 Hội đồng Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro với sự xuất hiện của Tổng giám đốc hãng Zarubezhneft, Thứ trưởng Bộ Năng lượng - đại diện phía Nga.
Do giá dầu giảm mạnh, theo PVN năm 2016, dự kiến với sản lượng khai thác 5,04 triệu tấn dầu, nếu giá dầu trung bình 45 USD/thùng, doanh thu bán dầu cả năm của liên doanh nổi tiếng này dự kiến sẽ chỉ ở mức 1,7 tỷ USD.
Như vậy, lợi nhuận phía Việt Nam được khoảng gần 129 triệu USD và lợi nhuận phía Liên bang Nga 124 triệu USD.
Ông Thành Nghĩa, Tổng giám đốc liên doanh Vietsovpetro tiếp tục khẳng định “gặp rất nhiều khó khăn do giá dầu giảm sâu” và Vietsovpetro phải tăng công việc tự thực hiện, giảm thiểu thuê ngoài, cơ cấu tổ chức nội bộ, trong đó có việc sáp nhập các phòng ban, xưởng, bộ phận sản xuất có các chức năng trùng lặp với nhau, nhằm tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, liên doanh cũng tiết lộ đã phải giãn tiến độ một số công việc.
Theo PVN, trong 6 tháng đầu 2016, liên doanh Vietsovpetro khai thác được trên 2,53 triệu tấn dầu và 906 triệu mét khối khí.
Công bố 802 sản phẩm thủy sản lưu hành trái phép
Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vừa công bố danh mục sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) của 95 doanh nghiệp (DN) thuộc 12 tỉnh, thành phố bị đưa vào danh mục trái quy định.
Các địa phương có lưu hành các sản phẩm này gồm: TPHCM, Hà Nội, Bình Định, Long An, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Đồng Nai, Tiền Giang, Kiên Giang và Khánh Hòa.
Trong đó, TPHCM có số DN có sản phẩm lưu hành trái phép nhiều nhất với 71 DN, tiếp đến là Đồng Nai và Sóc Trăng cùng có 5 DN, Long An có 4 DN, Hà Nội 3 DN, còn lại mỗi địa phương khác có 1 DN.
Trong số 95 DN có sản phẩm bị lưu hành trái phép do Tổng cục Thủy sản công bố, Công ty TNHH BZT USA dẫn đầu với 112 sản phẩm, trong đó có 3 sản phẩm cho đến nay chưa được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam gồm: Doctor, Super Yucca (sản phẩm xử lý cải tạo môi trường NTTS thuộc Văn bản số 1382/TCTS-VP ngày 3/5/2013 của Tổng cục Thủy sản đã có quyết định bị thu hồi), DRT 999 (nằm trong phụ lục Văn bản số 758/TCTS-TTKN ngày 1/4/2013 đã có quyết định bị thu hồi). Tiếp đến là Công ty TNHH Thủy sản An Khang có 38 sản phẩm hiện đang trong tình trạng sản xuất thử. Đáng chú ý, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Xuyên Việt có 22 sản phẩm bị thu hồi thì đều nằm trong nhóm sản phẩm chưa được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
TP. Hà Nội có 3 DN có sản phẩm lưu hành trái phép gồm: Công ty CP Công nghệ sinh học Thế hệ mới NGBIOTECH với 3 sản phẩm (Neofish, Neprawn-3, Neprawn-4), Công ty CP Thú y xanh Việt Nam với 2 sản phẩm (Clo-Aqua, Medi-B.K.C 80), Công ty TNHH Bio-Floc với 4 sản phẩm (Bio-Floc Protic, Bio-Floc 01, Bio-Floc 02 và Bio-Floc EM).
Trong đó, các sản phẩm của 2 DN là Công ty CP Công nghệ sinh học Thế hệ mới NGBIOTECH, Công ty TNHH Bio-Floc hiện chưa xác định được tình trạng lưu hành.
Tổng cục Thủy sản đã công bố, trong số 802 sản phẩm được kiểm nghiệm “khống”, đưa vào danh mục lưu hành trái phép có 347 sản phẩm đã được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam để lưu hành trên thị trường. Ngoài ra, có 367 sản phẩm đã bị đưa vào danh mục nhưng chưa được sản xuất, chưa được lưu hành và 88 sản phẩm đến ngày 3/8/2016 chưa xác định được tình trạng lưu hành.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát tổng thể toàn bộ danh mục được phép lưu hành đối với thức ăn thủy sản và chất xử lý cải tạo môi trường trên toàn quốc để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh về việc làm giả công văn, cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản tại Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản (thuộc Tổng cục Thủy sản).
Đồng thời, công bố công khai các sản phẩm không bảo đảm chất lượng và có biện pháp xử lý kiên quyết không để lưu hành các sản phẩm sai quy định, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8/2016.(NDH)
Nút thắt ngành chăn nuôi ở khâu giết mổ, chế biến
Trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho rằng, mọi công đoạn khác của ngành chăn nuôi bắt đầu vào quỹ đạo, chỉ riêng nút thắt giết mổ, chế biến vẫn còn tụt hậu quá xa.
Trong khi ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm thì chăn nuôi vẫn giữ mức 5% và dự kiến 6 tháng cuối năm 2016 duy trì 5,5%. Trao đổi với chúng tôi, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân (ảnh) cho rằng, mọi công đoạn khác của ngành chăn nuôi bắt đầu vào quỹ đạo, chỉ riêng nút thắt giết mổ, chế biến vẫn còn tụt hậu quá xa.
Tăng trưởng kỷ lục
Thưa ông, ngành Nông nghiệp 6 tháng cuối năm đang trông chờ rất lớn vào tăng trưởng của ngành chăn nuôi, bởi thực tế cho thấy 6 tháng đầu năm 2016 chăn nuôi có mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử mấy năm gần đây?
Với tốc độ tăng trưởng bình quân so với năm 2015 đạt khoảng 5,0 - 5,5%, giá trị sản xuất ước đạt gần 150.000 tỷ đồng, có thể nói đây là vinh dự nhưng đồng lời là áp lực rất lớn cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, để đòi hỏi có sự đột biến tăng trưởng mấy chục % là rất khó, bởi có thể nuôi được nhưng bán ở đâu mới là điều quan trọng.
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2016 mọi lĩnh vực của ngành chăn nuôi đều tăng trưởng. Trong đó, gia cầm khoảng 4,3% đạt 345,5 triệu con; trứng 6,62 tỷ quả tăng 5,5% so với cùng kỳ; lợn 3,94% đạt 28,31 triệu con; bò thịt 2,4% đạt 246,4 nghìn tấn; bò sữa tăng 10% đạt 286,9 ngàn con; trâu 2,55 triệu con tăng 0,1%...
Dự báo, tình hình 6 tháng cuối năm chăn nuôi tiếp tục phát triển, khả năng cao hơn 6 tháng đầu năm. Lý do, chăn nuôi lợn tiếp tục tăng khoảng 5,5% vào 6 tháng cuối năm. Thứ hai, số lượng gia cầm tăng trong dịp lễ tết theo quy luật. Thứ ba, số lượng bò thịt, bò sữa, con giống các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu về và đầu tư vào ngành chăn nuôi ngày một lớn hơn. Sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu theo đường chính ngạch và tiểu ngạch được dự báo vẫn diễn ra bình thường.
Vì vậy, với việc sản lượng lợn hơi tăng thêm khoảng 500.000 tấn, gia cầm 200.000 tấn và trên 1,5 tỷ quả trứng (chưa kể bò Úc), trong năm 2016 ngành chăn nuôi dự kiến đóng góp thêm khoảng 25.000 - 30.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Việc ngành chăn nuôi tăng trưởng đột biến trong năm 2016 cho thấy điều gì thưa ông?
Qua diễn biến, xu thế của ngành chăn nuôi năm 2016 cũng như mấy năm gần đây cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng.
Thứ nhất, chăn nuôi nông hộ giảm mạnh. Những năm trước, mỗi năm giảm khoảng 300.000 - 500.000 hộ, vài năm trở lại đây mỗi năm giảm tới 700.000 - 800.000 hộ. Hiện, chăn nuôi quy mô lớn, tập trung tăng lên 55% so với 40% trước kia. Từ đó cho thấy người nông dân bắt đầu đã có tư duy chăn nuôi lớn hơn.
Đặc biệt, ngành chăn nuôi cũng chứng kiến sự mở rộng quy mô của các doanh nghiệp truyền thống và sự tham gia của rất nhiều tập đoàn lớn ở những ngành nghề khác. Trong đó, những doanh nghiệp truyền thống như: CP, Dabaco, Emivest… không ngừng mở rộng cả quy mô và tầm vóc, trở thành những tập đoàn chăn nuôi lớn, khép kín theo chuỗi từ con giống, thức ăn chăn nuôi đến gia công, chế biến.
Bên cạnh đó, những doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Hùng Vương… cũng bước chân vào ngành chăn nuôi với một tâm thế rất bài bản, nghiêm túc. Bằng chứng, trong năm 2016 lượng nhập khẩu các giống chất lượng cao cũng như tỷ lệ sản xuất ra các giống phù hợp với xu thế tiêu dùng liên tục tăng mạnh.
Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chọn tạo giống, thức ăn chăn nuôi được các tập đoàn vô cùng chú trọng. Hiện trong nước đã có một số doanh nghiệp sản xuất ra 1kg lợn hơi giá thành chỉ khoảng 37.000 - 38.000 đồng và đang tiếp tục phấn đấu giảm xuống 34.000 - 35.000 đồng, hay gà lông trắng cũng chỉ còn 25.000 đồng/kg.
Đây chính là nền tảng cho một nền chăn nuôi hiện đại, bền vững của Việt Nam trong tương lai. Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong nước mà hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu chính ngạch sang các quốc gia phát triển trên thế giới.
Bài toán tư duy ngược
Nhưng thưa ông, thực tế cho thấy ngành chăn nuôi nước ta mới chỉ đang bước đầu thành công ở khâu sản xuất?
Đúng là như vậy. Qua xem xét tổng thể ngành chăn nuôi khâu yếu nhất hiện nay chính là giết mổ và chế biến. Trong khi ở nước ngoài đây là công đoạn đem lại lợi nhuận nhiều nhất thì Việt Nam ta vẫn đang lúng túng với câu chuyện thịt nóng, thịt tươi. Nếu tháo gỡ được nút thắt này, giá trị ngành chăn nuôi có thể tăng vài chục, thậm chí cả 100% là chuyện hoàn toàn khả thi.
Lịch sử và thực tế cho thấy, muốn giải được bài toán giết mổ, chế biến phải lấy doanh nghiệp làm mục tiêu số 1. Nếu dùng ngân sách nhà nước sẽ thất bại, nhà nước chỉ cần tạo cơ chế, chính sách là đủ. Mặc dù chúng ta đang hô hào sản xuất phải gắn với thị trường, nhưng thị trường của nước ta đang đi ngược lại với thị trường chung của thế giới.
Qua đó, chúng ta cứ quy hoạch chăn nuôi trước rồi sau đó mới đi tìm thị trường là hỏng bét. Thay vào đó, chúng ta phải xác định thị trường trước, sau đó quay lại quy hoạch vùng chăn nuôi rồi kêu gọi, hỗ trợ, ủng hộ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi có tiềm năng bán ở thị trường đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trước đó.
Thực ra, hiện nhiều tỉnh cũng có quy hoạch các vùng chăn nuôi trọng điểm, nhưng cần linh động hơn chứ không phải thích gì quy hoạch nấy. Theo tôi, nên quy hoạch vùng sản xuất chứ không quy hoạch sản phẩm, quy hoạch vùng chăn nuôi chứ không quy hoạch loài vật nuôi. Nuôi con gì nên để cho thị trường quyết định.
Lý thuyết là vậy, nhưng để thực hiện được không hề dễ dàng. Căn bản là phải có người cầm trịch. Song, như đã nói ở trên, nếu nhà nước cầm trịch là thất bại, thay vào đó phải có doanh nghiệp đủ lớn bao quát được cả một vùng. Doanh nghiệp họ sẽ là người tự tìm thị trường, sau đó họ quay lại tìm vùng sản xuất trên cơ sở các vùng chăn nuôi đã được các tỉnh, thành quy hoạch. Nhà nước lúc đó chỉ cần cơ chế, chính sách tốt về cơ bản sẽ thành công.
“Để có một thị trường đúng nghĩa cũng như đúng quy luật, về mặt tư duy luôn phải xác định rõ rằng, thị trường là mục tiêu, doanh nghiệp là trung tâm, và nhà nước là bà đỡ", Cục trưởng Hoàng Thanh Vân.(NNVN)