tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 14-08-2016

  • Cập nhật : 14/08/2016

Xuất khẩu lao động sang Hàn quốc: 10 địa phương bị “cấm cửa”

Tạm dừng tuyển lao động sang Hàn Quốc đối với 44 huyện, thị của 10 tỉnh, thành do có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Doãn Mậu Diệp cho biết bộ vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài) năm 2016. Như vậy, sau 4 năm tạm dừng cấp phép vì tỉ lệ lao động Việt Nam cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc quá cao thì thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) Hàn Quốc dường như vẫn chưa khơi thông.

Xử mạnh tay

Theo Bộ LĐ-TB-XH, 90 huyện, thị (và cấp tương đương) có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 35% thuộc 10 tỉnh, thành: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Quảng Bình và Hưng Yên. Trong số này, Bộ LĐ-TB-XH quyết định tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2016 đối với 44 huyện, thị có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết chính sách này không áp dụng đối với lao động ngư nghiệp thuộc những huyện ven biển của các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường vừa qua. Cụ thể là huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh thuộc tỉnh Hà Tĩnh; huyện Bố Trạch, Quảng Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình.

“Căn cứ thông báo của phía Hàn Quốc về số lượng và tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2016, bộ sẽ tiếp tục dừng tuyển chọn lao động trong năm 2017 đối với những địa phương không giảm được tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp, đồng thời gỡ bỏ việc tạm dừng đối với những địa phương giảm được số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc” - Thứ trưởng Diệp cho biết thêm.

“Quýt làm, cam chịu”

Nghệ An là một trong số các địa phương có nhiều lao động đi làm việc tại Hàn Quốc nhất theo Chương trình EPS. Theo ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An, từ năm 2005 đến tháng 6-2016, toàn tỉnh có trên 7.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, riêng năm 2011 có tới 2.307 người. “Với mức lương hằng tháng từ 1.000-1.200 USD/người, đi XKLĐ tại Hàn Quốc đã góp phần vào việc giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh nhà” - ông Thắng nói. Dù vậy, năm 2016, có 11 huyện, thị, thành phố của Nghệ An đã bị Bộ LĐ-TB-XH “cấm cửa” đưa người đi làm việc tại Hàn Quốc do lao động của tỉnh này bỏ trốn quá nhiều. Tính đến tháng 6-2016, tỉ lệ lao động bất hợp pháp của tỉnh Nghệ An tại Hàn Quốc ở mức 43,18%.

Tương tự, Hà Tĩnh cũng có 5 huyện, thị gồm: Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh không được tham gia Chương trình EPS trong năm 2016 do có tới 773 lao động đang bỏ trốn. Trong số này, huyện Nghi Xuân là địa phương có số lao động bỏ trốn nhiều nhất nước với 403 người.

Từ năm 2004 đến nay, có hơn 75.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Việc lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp chiếm tỉ lệ cao đã khiến chương trình bị gián đoạn (năm 2015 gần 36%, đứng đầu 15 nước phái cử lao động sang Hàn Quốc). Từ tháng 8-2012 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ bình thường về Chương trình EPS mà chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn 1 năm.

Theo ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài làm việc trái phép xuất phát từ ý thức kỷ luật kém. Hành vi này không chỉ làm xấu đi hình ảnh lao động Việt Nam mà còn khiến Chương trình EPS bị gián đoạn, làm mất cơ hội đi làm việc của khoảng 35.000-40.000 lao động đã thi tiếng Hàn nhưng chưa được đi.

Điểm mặt 44 huyện, thị

44 huyện, thị (và cấp tương đương) bị cấm đi XKLĐ Hàn Quốc năm 2016 gồm: Vinh, Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An); Đông Sơn, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Quảng Xương (tỉnh Thanh Hóa); Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh); Thường Tín, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thạch Thất (TP Hà Nội); TP Hải Dương, Chí Linh, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương); Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thụy (tỉnh Thái Bình); TP Nam Định, Hải Hậu (tỉnh Nam Định); Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh); Bố Trạch, Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình); Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên).

Vụ quán Xin Chào: Cách chức phó viện trưởng ông Lê Thanh Tòng

Viện KSND tối cao đã có quyết định kỷ luật ông Lê Thanh Tòng, phó viện trưởng Viện KSND quận 6 (phó viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh), do liên quan đến việc truy tố chủ quán cà phê Xin Chào.

Nguồn tin của chúng tôi cho biết Viện KSND tối cao đã có quyết định kỷ luật đối với ông Lê Thanh Tòng, phó viện trưởng Viện KSND quận 6 (phó viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh), do liên quan đến việc truy tố chủ quán cà phê Xin Chào là ông Nguyễn Văn Tấn về tội kinh doanh trái phép, phê chuẩn quyết định khởi tố ông Nguyễn Văn Bỉ trong “vụ án chòi vịt”.

Đó là hai vụ án bị đình chỉ, các bị can được xác định là không có tội.

Viện KSND tối cao cũng có quyết định cách chức kiểm sát viên đối với ông Huỳnh Văn Son, kiểm sát viên của Viện KSND huyện Bình Chánh.

Ông Son là kiểm sát viên phụ trách việc kiểm sát hoạt động khởi tố và xét xử đối với vụ án Xin Chào.


​Bảo hiểm tiền gửi đầu tư 99% vốn vào trái phiếu Chính phủ

Tại buổi làm việc với Bảo hiểm tiền gửi VN vào chiều 10-8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý với đề xuất nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nhưng phải có lộ trình, trước mắt có thể nâng lên 75 triệu đồng. 

Theo ông Vương Đình Huệ, Bảo hiểm tiền gửi VN hiện chỉ mới đáp ứng chi trả cho các quỹ tín dụng nhân dân hoặc các tổ chức tín dụng loại nhỏ khi gặp phá sản, chưa tham gia kiểm soát đặc biệt tại các tổ chức tín dụng yếu kém vì năng lực cán bộ còn hạn chế.

Do đó, thời gian tới Bảo hiểm tiền gửi VN phải xác định được vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, gắn với xử lý nợ xấu, đồng thời gắn với hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, tính đến 31-5-2016 Bảo hiểm tiền gửi VN theo dõi hơn 3 triệu tỉ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.252 tổ chức tham gia (gồm 92 ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, 1.156 quỹ tín dụng nhân dân và 3 tổ chức tài chính vi mô) với tổng nguồn vốn của Bảo hiểm tiền gửi VN khoảng 30.680 tỉ đồng, hơn 99% vốn nhàn rỗi được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.

Được biết, hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện nay là 50 triệu đồng đối với một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.


50.000 tỷ đồng sắp đổ vào Vũng Tàu làm cảng biển, du lịch

4 nha dau tu cam ket tu nay den nam 2020 rot 50.000 ty dong cho tinh ba ria vung tau de phat trien ha tang cang bien, giao thong va lam du lich.

4 nhà đầu tư cam kết từ nay đến năm 2020 rót 50.000 tỷ đồng cho tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để phát triển hạ tầng cảng biển, giao thông và làm du lịch.

Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vừa diễn ra tại TP HCM hôm qua (10/8). Tại hội nghị này, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ký kết biên bản ghi nhớ cùng 4 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đến năm 2020 khoảng trên 50.000 tỷ đồng. Các dự án được ký kết này nhằm phát triển hạ tầng cảng biển, giao thông, du lịch.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Bà Rịa – Vũng Tàu cần có các giải pháp đủ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh thành lân cận, đặc biệt từ TP HCM. Quan trọng hơn, phải đặc biệt chú ý việc phát triển nhà ở xã hội, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho công nhân, người lao động ở các khu, cụm công nghiệp; gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng Bà Rịa Vũng Tàu cần có những chính sách đột phá để phát triển thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch. Từ nay đến năm 2020, theo ông Nguyễn Văn Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu cần tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển, sử dụng công nghệ và giá trị gia tăng cao, ít tiêu tốn năng lượng, thân thiện với môi trường, sử dụng ít lao động, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; xác định rõ các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu để kêu gọi đầu tư.

Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh ven biển, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược quan trọng. Chiếm 93% trữ lượng dầu mỏ (các mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng, Rạng Đông,...), 16% trữ lượng khí và 11,2% tổng công suất điện năng cả nước, Vũng Tàu là cái nôi của ngành dầu khí Việt Nam. Về cảng biển, tỉnh có hệ thống cảng biển liên vùng với vai trò cảng trung chuyển quốc tế, có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải đến 200.000 tấn, đưa hàng hóa từ Cái Mép – Thị Vải đến các cảng châu Á, châu Âu, châu Mỹ. Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh có bờ biển dài 72 km, hơn 100.000 km2 thềm lục địa với nhiều danh thắng.(Vnexpress) 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục