Vị thế của Việt Nam được ghi nhận tại hội nghị G7 mở rộng
Huy động 8.182 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ
Mong muốn thu hút thêm nguồn lực đầu tư từ châu Âu
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo kêu vướng Nghị định 109
Hà Nội: Dự án "treo" 45 năm vẫn không nhúc nhích
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 13-08-2016
- Cập nhật : 13/08/2016
Hàng nội vẫn chật vật vào siêu thị ngoại
Chịu mức chiết khấu hơn 20%, nhiều khoản phí "không chính thức", hình thức cạnh tranh không lành mạnh... khiến doanh nghiệp Việt chật vật tồn tại trong các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện nhiều đại gia ngành bán lẻ như Aeon, Lotte, Emart… đang thể hiện rõ tham vọng thâu tóm thị trường Việt Nam thông qua việc chạy đua mở rộng hệ thống siêu thị. Tuy nhiên, điều này không tỉ lệ thuận với cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Saigon Food cho biết, mặt hàng thủy sản đông lạnh vào siêu thị ngoại chịu mức chiết khấu rất cao (từ 10 đến 20%) và cứ sau mỗi năm tái ký lại đề nghị tăng thêm 0,5-2%. Trong khi đó, con số này đối với hệ thống siêu thị nội địa đều dưới 10%.
Ngoài ra, việc các hệ thống siêu thị ít chia sẻ thông tin thị trường và thời gian phản hồi chào hàng mới chậm trễ cũng khiến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp. Bà Lâm ví dụ, nếu như các hệ thống siêu thị nội địa xét duyệt cho đăng ký mã hàng mới gọn lẹ thì các hệ thống nước ngoài có thể ngâm đến 6 tháng. Siêu thị nội cũng thay đổi giá cho các nhà cung cấp nhanh hơn, vào khoảng 30 ngày. Trong khi đó, quy tắc của siêu thị ngoại là phải từ 45 đến 90 ngày. Thực tế thì có khi đến tận 120 ngày. Không riêng Saigon Food, các doanh nghiệp khác hoạt động trong ngành thực phẩm cũng than phiền gặp không ít rào cản và chèn ép khi đưa hàng vào các hệ thống siêu thị ngoại.
Bà Huỳnh Bảo Châu, Giám đốc tiếp thị Công ty CP Thực phẩm Cholimex cho biết, làn sóng các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tấn công thị trường Việt Nam kéo theo hàng loạt thương hiệu ngoại đến với người tiêu dùng, khiến doanh nghiệp rất khó cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đang gồng mình trả các khoản phí tăng tùy tiện theo từng năm như mở mã hàng, thuê quầy kệ và thưởng doanh số… Các khoản phí “không chính thức” dành cho nhân viên siêu thị cũng được tính đến nếu muốn hàng hóa được ưu tiên xuất kho và có vị trí trưng bày đẹp.
“Việc loại bỏ sản phẩm nội địa được thực hiện rất hợp lý nhưng thực tế là cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ, hệ thống siêu thị Metro luôn ưu tiên bán hàng Việt trong thời gian đầu mới khai trương, nhưng về sau thì loại bỏ dần để thay thế bằng sản phẩm của Thái Lan, Hàn Quốc”, bà Châu nói.
Đại diện một thương hiệu sữa tươi sạch nhận định, cung ứng hàng trong siêu thị có những quy định khắt khe khiến doanh nghiệp phải tính toán, cân nhắc rất nhiều để duy trì kênh phân phối này. Đơn cử như việc nhà cung cấp không thể đa dạng hóa sản phẩm của mình vì khi kê khai một sản phẩm mới thì phải loại bỏ một mã hàng cũ, hay việc để chương trình khuyến mãi được giới thiệu trên bản tin khuyến mãi yêu cầu mức chiết khấu từ 12% trở lên khiến doanh nghiệp khá e dè.
“Nhà phân phối nên có những hỗ trợ cho các doanh nghiệp đã gắn bó cung ứng lâu dài. Doanh nghiệp cung ứng càng lâu thì chiết khấu lại càng cao thì đó là điều không công bằng. Đáng lẽ ra phải được ưu ái ngược lại”, bà Lê Thị Thanh Lâm bộc bạch.
Ở góc độ của các nhà phân phối, đại diện một số hệ thống siêu thị cho rằng, các doanh nghiệp hàng nội địa nên xem lại khả năng cạnh tranh của mình về giá, độ ổn định của chất lượng và mẫu mã so với hàng ngoại.
Dù là hệ thống khá thân thiện với hàng Việt nhưng đại diện Sài Gòn Co.op cũng thẳng thắn kết luận, nhiều nhà cung cấp đang không trực tiếp sản xuất mà gia công tại cơ sở khác, sản xuất chủ yếu thủ công hoặc bán thủ công nên chất lượng hàng hóa, bao bì không ổn định, dễ hư hỏng. Nhà cung cấp vừa và nhỏ thì ít quan tâm đến việc cải tiến mẫu mã, chất lượng cho phù hợp với xu thế phát triển. Có khi còn chưa nắm rõ các thông tư, nghị định như: barcode, tem nhãn hàng hóa...
Theo ông Lee Jong Kook, Tổng giám đốc Tập đoàn Lotte Việt Nam, doanh nghiệp phải sớm giải quyết được những điểm yếu cơ bản là việc chậm nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để thay đổi kịp thời theo nhu cầu thị trường và bao bì, mẫu mã kém hấp dẫn mới mong sản phẩm có thể cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập ngoại.
Cũng đồng quan điểm về vấn đề mẫu mã, bà Cao Thị Ngọc Dung – Phó chủ tịch Hội nữ doanh nhân Việt Nam kể lại: “Có mấy lần tôi đi xuống các tỉnh, nhiều chị em làm bánh giới thiệu sản phẩm và cứ nghĩ là sản phẩm mình đẹp nhưng thật ra tôi thấy không đẹp. Chúng ta chưa quan tâm đến làm bao bì. Ví dụ như cái bánh Mochi của Nhật Bản, họ làm mẫu mã và bao bì rất đẹp, ai đi ngang nhìn cũng muốn mua hết.”
Theo quy hoạch, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Quy mô của thị trường bán lẻ hiện đại dự báo sẽ vào khoảng 180 tỷ USD vào thời điểm đó.(Vnexpress)
Phát triển kinh tế biển: Thách thức còn hiện hữu
Theo giới chuyên gia, đã đến lúc phải rà soát, điều chỉnh để khắc phục những bất cập để kinh tế biển phát triển bền vững và gắn liền với tính nhân văn.
Theo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu phát triển biển được Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) nêu rõ: Đến năm 2020, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu, mạnh.
Trên thực tế, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng, nhiều chủ trương và chính sách đã được đưa ra để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, song các khó khăn vẫn hiện hữu. Đặc biệt, trong quá trình đầu tư phát triển, đã bộc lộ những bất cập trong quá trình đưa chính sách vào cuộc sống, các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực môi trường biển đang khiến dư luận bức xúc và đặc biệt quan tâm. Đã đến lúc phải rà soát, điều chỉnh để khắc phục những bất cập để kinh tế biển phát triển bền vững và gắn liền với tính nhân văn.
Kế hoạch mới, tư duy...cũ!
Theo Chiến lược biển Việt Nam, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước; thu nhập bình quân đầu người nơi đây cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước; phấn đấu xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, phát triển mạnh cả khai thác, chế biến sản phẩm từ biển và phát triển các ngành dịch vụ biển…
Đến nay đã có 6 nhóm ngành, lĩnh vực được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển.
Đi kèm với đó Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển như: Đề án Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển đến năm 2020, trong đó ưu tiên phát triển du lịch biển chất lượng cao gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đặt trong quan hệ phát triển tổng thể chung về kinh tế - xã hội; Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; Quyết định số 1037/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 203 0 với quan điểm tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển toàn diện hệ thống cảng biển, hiện đại, nhanh chóng hội nhập với các nước tiên tiến trong khu vực…
Kinh tế biển đã đóng góp đáng kể vào nền kinh tế chung cả nước; trong đó phải kể tới hệ thống 44 cảng biển với tổng công suất thiết kế từ 470 đến 500 triệu tấn hàng/năm; 6 khu kinh tế ven biển được tập trung ngân sách đầu tư giai đoạn 2013-2015 là những khu vực phát triển kinh tế tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển.
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, năng lực đánh bắt xa bờ đã được nâng lên đáng kể với hàng trăm tàu vỏ sắt, vỏ gỗ công suất lớn vươn khơi đang làm thay đổi diện mạo ngành khai thác thủy sản ngày càng hiện đại.
Trong lĩnh vực du lịch biển, với gần 3.000 đảo lớn nhỏ, nhiều đảo/cụm đảo có giá trị du lịch như Quan Lạn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, vịnh Nha Trang, vịnh Hạ Long, Cù lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc đã thu hút lượng lớn khách du lịch. Ngành này đang đóng góp 70-80% nguồn thu ngành du lịch.
Mặc dù vậy, phát triển kinh tế biển Việt Nam vẫn đang dựa vào tư duy khai thác hơn là phát triển hiệu quả và bền vững. Với tâm lý ỷ vào lợi thế biển “giàu và đẹp” nên vẫn tập trung ưu tiên khai thác các dạng tài nguyên vật chất, tươi sống hơn là các dạng tài nguyên phi vật thể, các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái biển, không gian biển…
Người dân vùng biển vẫn còn tư tưởng khai thác triệt để với cách thức tận thu, tận diệt nguồn lợi tự nhiên biển, dẫn đến nhanh chóng cạn kiệt nguồn lợi biển. Từ đó, không tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên biển và không tạo ra được các giá trị gia tăng từ nguồn tài nguyên biển.
"Hậu quả là môi trường và tài nguyên biển đang bị giảm sút về trữ lượng và hiệu suất khai thác, kể cả các nguồn năng lượng chủ chốt như dầu khí. Đa dạng sinh học biển giảm sút và nguồn vốn tự nhiên biển bị bòn rút đến mức báo động, kéo theo trữ lượng thủy sản trong vùng biển nước ta giảm sút đến 16% so với trước năm 2010. Không những thế, biển đang bị “đe dọa” và các thảm họa về môi trường biển như sự cố tràn dầu, thủy triều đỏ, ô nhiễm do độc tố... sẽ tiếp tục xảy ra", PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết.
Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển (khai thác, sử dụng) biển, đảo vừa qua so với trên đất liền còn hạn chế, chưa được chú ý đúng mức. Các quy hoạch theo đúng nghĩa chậm được triển khai. V ấn đề quản lý môi trường biển cũng chưa “rõ vai”, đặc biệt là quản lý nhà nước đối với ô nhiễm biển bởi nguồn từ đất liền.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cần xác định ngay từ đầu, vấn đề xung đột của các dự án đầu tư; đặc biệt là môi trường trong các quy hoạch và trong ý tưởng đầu tư của các dự án.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận, về phía Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét để tháo gỡ những lỗ hổng cũng như xác định rõ hơn các quy định của các dự án đầu tư; đặc biệt, cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà kinh tế.
“Phải tính một dự án đầu tư dành bao nhiêu cho sản xuất, bao nhiêu đầu tư cho môi trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bài học về vụ xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh với những ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và môi trường lâu dài của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ đã cho thấy còn những sơ hở trong quá trình quản lý, giám sát dự án đầu tư. Hơn lúc nào hết, vấn đề đặt ra lúc này chính là không thể đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và môi trường sống.
Không đánh đổi môi trường
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo bền vững, các chuyên gia cho rằng, trước hết cần đánh giá nghiêm túc, chính xác các nhiệm vụ trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược biển; trong đó trọng tâm là đánh giá về xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển, đảo, thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm và di giãn dân đến các huyện ven biển; đồng thời, đề xuất các nhiệm vụ mới trong phát triển kinh tế biển phù hợp với bối cảnh mới.
Theo đó, cần chú trọng sàng lọc các dự án đầu tư, ngay từ giai đoạn sớm của dự án; kiên quyết từ chối các dự án không thân thiện với môi trường. Mặt khác, chú trọng đến việc xây dựng và bảo đảm chất lượng kế hoạch quốc gia ứng phó với thảm họa môi trường biển được Chính phủ thông qua, với tất cả các nhiệm vụ nhằm bảo đảm “tính chuyên nghiệp” trong tổ chức ứng phó với thảm họa.
Các địa phương vùng ven biển cũng cho rằng, cần chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo. Cần tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến sự phân tán, nhỏ lẻ thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành, mà cần có sự liên kết, phối hợp với nhau.
Cũng có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã đặt ra nhiều giải pháp cho phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, vấn đề là cần thực hiện và phối kết hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương như thế nào. Đó mới là điều quan trọng và mấu chốt. Theo ông Hồ Công Hường, chuyên gia Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cần phân cấp cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương hay trách nhiệm cho một đầu mối chung. Và điều ông Hường trăn trở và mong muốn nhất là cần cơ quan có thẩm quyền ban hành một Nghị định liên quan đến 4 “bảo”, đó là bảo vệ, bảo hộ, bảo lãnh và bảo hiểm cho ngư dân khai thác ở vùng biển xa.
Ông Hường phân tích: "Hiện nay, bốn “bảo” này chúng ta đã có phân cấp nhưng chưa gom lại thành một văn bản, gọi là văn bản “gối đầu” cho ngư dân để khi ngư dân vươn ra bám biển, chẳng may có vi phạm vào vùng biển quốc tế hay vùng biển trong nước, ngư dân sẽ mở ra và biết được nhà nước sẽ vào cuộc được đến đâu ? Khi ngư dân có văn bản “gối đầu”, thì những vấn đề nảy sinh sẽ được giải quyết dễ dàng hơn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và ngư dân".
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng, sắp tới, ngành sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào ngành năng lượng sạch và tái tạo, đầu tư trực tiếp cho môi trường để bảo vệ và tái sinh môi trường.
“ Dịch vụ môi trường, xử lý môi trường, tư vấn về Luật Môi trường, tư vấn về kỹ thuật môi trường, đó cũng sẽ là những ngành phát triển. Đứng về góc độ quản lý ngành tài nguyên môi trường, chúng tôi đang nhìn thấy một làn sóng mới về đầu tư. Vấn đề là chúng ta cần tạo ra một “cơ chế” cần thiết để cho sự khởi nghiệp của doanh nghiệp năng động và sáng tạo hơn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh
Giảm tới 50% thuế thu nhập cá nhân lĩnh vực công nghệ cao
Bộ Tài chính đề xuất sẽ giảm tới 50% thuế thu nhập cá nhân trong thời gian 4 năm, kể từ năm 2017, cho những người làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Hơn 13 năm gắn bó với lĩnh vực công nghệ, anh Tuấn rất phấn khởi khi biết tin thuế thu nhập cá nhân sẽ được giảm 50% theo đề xuất của Bộ Tài chính. Anh cho biết, công nghệ cao là lĩnh vực đòi hỏi nhiều chất xám và sự sáng tạo. Vì thế, việc giảm thuế sẽ là động lực để anh tập trung nhiều hơn cho công việc.
“Việc giảm thuế thu nhập cá nhân là điều kiện thuận lợi để mình tập trung hơn, cũng như làm việc hiệu quả và năng suất hơn” - Anh Trần Trung Tuấn, Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết.
Theo đại diện một số doanh nghiệp, việc giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp tăng thêm thu nhập cho người lao động, trong khi doanh nghiệp không tốn thêm chi phí. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có điều kiện tạo ra sản phẩm có chất lượng mà giá thành không tăng. Nhất là khi chi phí lao động trong lĩnh vực này đang hướng tới chiếm 80% giá thành sản phẩm.
Đồng tình với việc giảm thuế, song có khá nhiều người băn khoăn vì thời gian áp dụng chỉ có 4 năm là quá ngắn và điều kiện để được giảm thuế vẫn chưa rõ ràng.
Theo một số chuyên gia, việc giảm một nửa thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần thu hút nhân lực vào lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, thời gian áp dụng chính sách giảm thuế trong 4 năm sẽ chỉ có ảnh hưởng đến các DN đang hoạt động, còn với các DN mới thành lập sẽ khó được hưởng lợi vì người lao động có thể chưa đạt đến mức thu nhập cần đóng thuế.
'Ôm' 100 đồng nợ xấu, VAMC đòi được 15 đồng sau 3 năm
Từ khi hoạt động vào năm 2013 đến nay, VAMC đã mua 251.000 tỷ đồng nợ xấu và cùng với các ngân hàng thương mại để thu hồi được 34.000 tỷ.
Thông tin trên được ông Đoàn Văn Thắng - Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Tài sản Các tổ chức Tín dụng Viêt Nam (VAMC) cho biết tại cuộc họp báo ngày 11/8.
Đại diện VAMC cho hay, tổng số luỹ kế nợ xấu công ty này đã mua vào sau 3 năm hoạt động là 251.000 tỷ đồng. Theo ông, tốc độ thu hồi nợ liên tục tăng qua các năm. Như trong năm 2014, VAMC thu đòi được 5.000 tỷ đồng nhưng sang đến năm 2015, con số này đã lên 12.000 tỷ. Chỉ trong nửa năm 2016, ông Thắng cho biết công ty cùng các nhà băng đã thu hồi được 17.000 tỷ đồng.
Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Thắng cũng cho biết hiện thị trường mua bán nợ xấu hạn chế là một trong những cản trở lớn của công ty. Ông cho biết, hiện việc bán nợ xấu chỉ được thực hiện tại các doanh nghiệp Nhà nước có chức năng mua nợ xấu như VAMC, Công ty Mua bán nợ DATC của Bộ Tài chính và 28 Công ty Xử lý nợ (AMC) của các ngân hàng. "Tuy nhiên, hoạt động mua lại nợ xấu của 28 AMC này là hạn chế nên như vậy hầu như chỉ còn VAMC và DATC", ông Thắng nói.
Đến cuối tháng 6, theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016.
Cũng tại cuộc họp này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tín dụng đến ngày 29/7 tăng 8,54% so với cuối năm 2015 với cơ cấu hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tăng trưởng kinh tế. So với cùng kỳ năm trước thì mức này cao hơn và tăng trưởng 2 năm gần đây tăng tương đối đều ngay từ những tháng đầu năm.
Đến ngày 29/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94%, trong đó huy động bằng VND tăng 12,28% còn bằng ngoại tệ giảm 6,25% so với cuối năm 2015.(Vnexpress)