CPI quý I-2016 tăng tới 1,25%
Bắt giữ gần 4.000 tấn đường không có chứng từ hợp lệ
“Khổ” vì xử lý bình chữa cháy nhập lậu
Hà Nội: Tiêu hủy hơn 12 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc
Hải quan Đồng Tháp: Một ngày bắt giữ 3 vụ buôn lậu
Phán quyết về vụ kiện “đường chín đoạn”: Thắng lợi lớn của công lý quốc tế
- Cập nhật : 13/07/2016
(The gioi)
Tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc là một thắng lợi của công lý quốc tế, là câu trả lời cho hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục phớt lờ phán quyết, họ sẽ tự biến mình thành một quốc gia đơn lẻ trên một hành tinh.
Sau khi Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, Tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí về ý nghĩa của phán quyết.
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của phán quyết mà Tòa trọng tài thường trực vừa công bố về kết quả vụ kiện của Phillippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông?
Thứ nhất, đây là một thắng lợi lớn của công lý quốc tế, khẳng định tính uy nghiêm của Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đối với các quốc gia trong việc giải thích cũng như áp dụng công ước này. Đây cũng là câu trả lời cho hành vi vi phạm một cách thô bạo UNCLOS 1982 của Trung Quốc thông qua yêu sách "đường chín đoạn" không có cơ sở pháp lý. Chúc mừng Philippines với tư cách là một nguyên đơn trong vụ kiện đã nhận được một phán quyết có lợi cho họ.
Thứ hai, phán quyết không chỉ có ý nghĩa với Philippines mà còn giúp các nước có liên quan đến tranh chấp Biển Đông, trong đó có Việt Nam, được hưởng lợi khi Tòa chính thức bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Bắc Kinh.
Chẳng hạn, trong phán quyết Tòa nói rằng, Philippines hoàn toàn có quyền đối với các vùng đặc quyền kinh tế của họ mà ở đó không hề có sự chồng lấn nào đối với vùng biển của Trung Quốc. Điều đó cho thấy Trung Quốc không có vùng biển nào trong yêu sách “đường chín đoạn” được chấp nhận cả. Vì vậy, đây là căn cứ pháp lý giúp khẳng định quyền chủ quyền của các nước ven Biển Đông đối với lại thềm lục địa cũng như đặc quyền kinh tế của mình.
Theo kết luận của Tòa, Trung Quốc cũng không thể dựa vào quyền lịch sử của mình để đòi yêu sách với tài nguyên ở vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”.
Thứ ba là ý nghĩa đối với nhận thức và công luận quốc tế vì dù vụ kiện ở Biển Đông nhưng lại liên quan việc áp dụng luật quốc tế. Hiện nay, không phải quốc gia nào cũng ý thức rõ ràng được về điều này nhất là qua những luận điệu tuyên truyền, ngoại giao không trung thực của Bắc Kinh. Vì vậy, sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết, các nước sẽ hiểu rõ được hành vi nào là vi phạm UNCLOS 1982, hiểu rõ hơn về hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tuy phán quyết không giải quyết vấn đề chủ quyền nhưng đặc thù trong quan hệ quốc tế là các quốc gia bình đẳng về chủ quyền với nhau và không có một quốc gia hay thiết chế quốc tế nào được áp đặt cho các quốc gia. Vì vậy, khi có phán quyết của Tòa trọng tài thì các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện phán quyết đó dù không có cơ chế cưỡng chế thi hành.
Phải chăng vụ kiện này sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông, thưa ông?
Về mặt nội dung, mặc dù phán quyết không giải quyết vấn đề chủ quyền nhưng Tòa nói rõ các quốc gia không có quyền mở rộng các thực thể thành đặc quyền kinh tế. Trở lại vụ giàn khoan Hải Dương-981, Trung Quốc đưa giàn khoan này vào gần đảo Tri Tôn và lập luận rằng đó là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ. Như vậy, chiểu theo phán quyết của tòa, việc hạ đặt giàn khoan này là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Về mặt trình tự tố tụng, đây là kinh nghiệm cho Việt Nam. Chúng ta có thể nhìn vào vụ kiện của Philippines để rút kinh nghiệm, bổ sung hồ sơ pháp lý để có thể tự tin hơn trong cuộc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn khăng khăng phủ nhận phán quyết của vụ kiện và thậm chí ngay sát thời điểm kết luận của Tòa, họ vẫn thể hiện thái độ hung hăng trên Biển Đông là điều máy bay ra quần đảo Trường Sa? Theo ông, vì sao Bắc Kinh lại hành động như vậy?
Đối với trật tự an ninh trong khu vực, khi một quốc gia vô trách nhiệm, bành trướng và hiếu chiến thì rất đáng lo ngại. Rõ ràng là Trung Quốc vẫn tiếp tục dùng vũ lực ở Biển Đông, tấn công ngư dân của ta, cũng như không loại trừ khả năng dùng vũ lực để chiếm các thực thể ở Trường Sa mà Việt Nam đang quản lý.
Tuy nhiên, theo tôi, nhìn rộng ra trong bối cảnh quốc tế và khu vực, Trung Quốc chưa chắc đã dám phớt lờ hoàn toàn phán quyết của Tòa trọng tài thường trực dù đó không phải là cơ quan cưỡng chế thực thi bởi nếu họ làm như vậy, họ sẽ tự cô lập mình và sẽ chịu phản ứng nặng nề từ các quốc gia.
Làm như vậy chẳng khác nào họ lại tự biến mình thành một quốc gia đơn nhất sống trong một hành tinh khác mà quên đi rằng họ đang tồn tại và phát triển trong mối quan hệ với các quốc gia khác? Tôi tin rằng, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh không thể không ý thức được điều này.
Thực ra Trung Quốc đã rất sốt sắng, lo lắng trước khi phán quyết được công bố. Họ chạy ngược chạy xuôi, đặc biệt, còn tiến hành một chiến dịch ngoại giao nhằm vận động sự ủng hộ của quốc tế trong việc bác bỏ phán quyết, hay tìm cách chia rẽ các nước ASEAN để làm suy yếu sự ủng hộ của khối. Điều đó, chứng tỏ, Trung Quốc không hề thờ ơ với vụ kiện nhưng là nước lớn, đã trót “leo thang” rồi nên nếu không leo được sẽ phải tìm cách “xuống thang” từ từ.
Như ông vừa nói, sau phán quyết về vụ kiện “đường chín đoạn”, nếu Trung Quốc vẫn bất chấp luật pháp quốc tế, tiếp tục hành động phi pháp trên Biển Đông thì họ có thể sẽ vấp phải sự phản ứng nặng nề từ các nước ủng hộ UNCLOS 1982. Ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?
Phản ứng từ các quốc gia sẽ tùy theo hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là từ các nước lớn có trách nhiệm với luật pháp quốc tế như Mỹ, Nhật hay EU sẽ có những phản ứng mạnh mẽ và thậm chí còn có thể là những chế tài kinh tế để chống lại Trung Quốc.
Ngày nay, mỗi quốc gia đều tồn tại và phát triển trong mối quan hệ với các nước khác. Nếu phá rối, không tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ chịu tổn thất lớn về ngoại giao, kinh tế, chính trị.