tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 06-05-2016

  • Cập nhật : 06/05/2016

Các Bộ trưởng đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, tất cả các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đều nhắc tới quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp.

Phát biểu mở đầu phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quan điểm “Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn”.

Thủ tướng đặt vấn đề: "Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp hay không?".

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ thảo luận dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế… Đây là dự thảo Nghị quyết đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến ngay sau Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam ngày 29/4 tại TPHCM.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm, đã có gần 35.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn trên 248.000 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ về số doanh nghiệp (cùng kỳ chỉ tăng 9,7%) và tăng hơn 50% về số vốn đăng ký (cùng kỳ tăng 13,3%).

“Đây là bước chuyển mạnh mẽ nhờ tác động của việc thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Với tính chất khá đặc biệt của phiên họp thường kỳ đầu tiên sau khi Chính phủ được kiện toàn, các Bộ trưởng đã nêu rõ quyết tâm, phương hướng trong dài hạn và cũng đề xuất những giải pháp cụ thể.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, điều rất quan trọng hiện nay là phải làm sao có chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai để đầu tư vào nông nghiệp. Bộ sẽ có báo cáo cụ thể Chính phủ về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh yêu cầu phải triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. “Hiện Bộ Công Thương đang thực hiện các giải pháp này theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp”, Bộ trưởng cho biết.

Trước đó, tại hội nghị với doanh nghiệp, nhiều vướng mắc cụ thể đã được doanh nghiệp phản ánh và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết rà soát lại, nổi bật như những vấn đề liên quan đến Thông tư 37 của Bộ về kiểm tra formaldehyt với sản phẩm dệt may.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ LĐBT&XH Đào Ngọc Dung nhận xét, những địa phương nào đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi cơ chế, chính sách thông thoáng thì đều thu hút đầu tư rất mạnh, phát triển nhanh. “Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác, nhưng phải rất chú trọng cải cách hành chính”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng sau khi Chính phủ được kiện toàn, Chính phủ và Thủ tướng đã có những thông điệp rất mạnh đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo vệ và ủng hộ doanh nghiệp. Bộ trưởng đề nghị trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên có một thông điệp tới các nhà đầu tư nước ngoài để họ yên tâm đầu tư.

Liên quan đến nguồn vốn cho bất động sản, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết NHNN sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về liều lượng thay đổi và thời điểm thực hiện việc sửa đổi Thông tư 36 - vấn đề đang được các doanh nghiệp bất động sản quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Chính phủ đã triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, cần tiếp tục, đặc biệt là về hải quan và các điều kiện kinh doanh.

“Cơ chế một cửa, Bộ trưởng, Thứ trưởng rất quyết liệt, Vụ trưởng, Cục trưởng cũng quyết liệt, nhưng tới chuyên viên thì chưa chắc, tuy đã điện tử hóa nhưng lại vẽ ra thủ tục, giấy tờ này khác làm khó doanh nghiệp. Đồng thời, phải làm sao loại bỏ được các loại giấy phép con trong đầu tư kinh doanh, tôi nhìn các loại giấy phép khi mở doanh nghiệp vẫn thấy còn rất khó khăn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu ban hành kịp thời các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. “Điều này cực kỳ quan trọng để bảo đảm lòng tin của doanh nghiệp, của người dân. Nếu tháo gỡ được những vướng mắc về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ tạo hành lanh pháp lý rất tốt cho doanh nghiệp đầu tư”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ đã chủ động rà soát toàn bộ hệ thống các quy định về đầu tư xây dựng và nhận thấy có sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Bộ đã có hướng sửa đổi và sẵn sàng phối hợp với Bộ KH&ĐT tiến hành các thủ tục trình cấp có thẩm quyền sửa đổi theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.


Nhóm doanh nghiệp Mỹ muốn xây trung tâm thương mại tại TPHCM

Đây là khẳng định của Giám đốc Tập đoàn Weidner Holdings William Weidner tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chiều 4/5/2016.

Giám đốc Tập đoàn Weidner Holdings William Weidner, người dẫn đầu nhóm các nhà đầu tư Hoa Kỳ cho biết, các nghị sĩ Hoa Kỳ rất ủng hộ các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và nhóm doanh nghiệp Hoa Kỳ mong muốn xây dựng một trung tâm thương mại hiện đại tại TP.HCM. Ông William Weidner mong muốn với việc tham gia TPP, Việt Nam sẽ trở thành cửa ngõ thu hút đầu tư thế giới.

thu tuong nguyen xuan phuc tiep cac nha dau tu hoa ky

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các nhà đầu tư Hoa Kỳ

Khẳng định cam kết Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có rất nhiều dự án Hoa Kỳ thành công tại Việt Nam; hy vọng thời gian tới, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.

Thủ tướng cho biết, sẽ chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án của nhóm nhà đầu tư Hoa Kỳ được triển khai đúng kế hoạch.

Được biết, chiều cùng ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung Shin Jong Kyun.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao việc tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung tăng cường đầu tư vào Việt Nam, với số vốn lớn và một cam kết đầu tư nhanh và dài hạn trong lĩnh vực công nghệ cao, đây chính là sự khẳng định mạnh mẽ nhất cho sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam.

thu tuong nguyen xuan phuc tiep nha dau tu samsung

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhà đầu tư Samsung

Thủ tướng mong muốn Samsung tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, xây dựng và phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy mô lớn hơn nữa. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Samsung làm ăn thuận lợi tại Việt Nam. Việt Nam tự hào là một trong những trung tâm sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, cũng như có nhiều sản phẩm cao cấp khác, phần nhiều trong số đó là thuộc tập đoàn Samsung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiến độ triển khai và ủng hộ việc tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam không chỉ trong lĩnh vực điện tử, mở rộng các lĩnh vực khác mà Samsung có thế mạnh như năng lượng, hạ tầng, cảng biển, khoa học công nghệ, y tế.

Tổng Giám đốc Shin Jong Kyun tin tưởng, với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, các dự án của Samsung sẽ được đẩy nhanh, qua đó đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam; đồng thời, cam kết sẽ tuân thủ nguyên túc các quy định pháp luật Việt Nam về đầu tư, kinh doanh, về chế độ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội phúc lợi cho người lao động.


Tiền sử dụng đất vẫn là ẩn số

Theo Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, tiền sử dụng đất vẫn là ẩn số, là gánh nặng với DN, với nhà đầu tư. Họ không biết được dự án sẽ phải nộp bao nhiêu tiền sử dụng đất nên không có được dự toán chi phí đúng khi quyết định đầu tư.

Họ đã phải mua lại quyền sử dụng đất của dân với giá thị trường khi thực hiện dự án, sau đó lại phải nộp tiền sử dụng đất. Con số này rất lớn vì chi phí giải phóng mặt bằng được khấu trừ rất thấp, nên DN gần như phải mua lại quyền sử dụng đất lần thứ hai.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Quy định về giá đất, tiền sử dụng đất hiện nay đã tạo ra cơ chế "xin - cho", theo Hiệp hội. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện cơ chế đấu thầu để chọn công ty thẩm định giá đất. Chi phí thẩm định này do ngân sách chi trả. Sau khi đã trúng thầu, công ty thẩm định giá đất này có thể đưa ra các phương án thẩm định giá đất. Hiệp hội cho rằng, phương thức này có thể dẫn đến tình thế chủ đầu tư phải "thỏa thuận" mới có kết quả phù hợp. “Và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu các chi phí này khi mua nhà”, Hiệp hội cho biết.

Hiệp hội kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét sửa đổi cách tính tiền sử dụng đất. Về lâu dài, nên nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế “xin – cho”.

Đồng thời, hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước. Đề xuất này đã được UBND TP. Hồ Chí Minh trình Chính phủ từ năm 2013 nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Hiệp hội cho biết, căn cứ Luật Đất đai 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014 quy định về khung giá đất, với mức tăng bình quân khoảng 2 lần. Luật Đất đai cũng quy định mức giá đất thấp nhất của địa phương không được thấp hơn mức giá đất tối thiểu theo khung giá của Chính phủ ban hành. Và theo đó, UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành bảng giá đất và hiệu số điều chỉnh giá đất (áp dụng từ năm 2015 - 2019) và mức giá phải có mức tăng bình quân khoảng 1,9 lần.

Với khung giá này, các hộ gia đình ở trong một số khu vực hẻm sâu bây giờ làm thủ tục xin hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn các hộ đã làm trước đó.

Hiệp hội cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ xem xét giao quyền cho UBND cấp tỉnh toàn quyền xem xét, quyết định xây dựng bảng giá đất cho phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương thì hợp lý hơn.

Hiện nay, có 2 phương pháp định giá đất phổ biến được áp dụng để tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở: Phương pháp so sánh trực tiếp và phương pháp thặng dư. Cả 2 phương pháp này đều dẫn đến kết quả tính chi phí giải phóng mặt bằng rất thấp so với chi phí thực tế mà DN đã bỏ ra.

Để giải quyết được phần nào bất hợp lý này, Hiệp hội kiến nghị trường hợp DN đã tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân với giá thị trường, được UBND phường, xã, hoặc cơ quan công chứng chứng thực, sau khi được cơ quan thẩm định giá thẩm định, thì được trừ vào số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích, nhưng mức khấu trừ không vượt quá số tiền sử dụng đất phải nộp; khoản tiền tổ chức kinh tế trả để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn lại (nếu có) được tính vào chi phí dự án.


Cần một “mô hình nghị quyết 19+”

Cần tiến hành ngay việc tổng rà soát các quy định pháp luật về kinh doanh, các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh đang còn hiệu lực, theo như chỉ đạo của Thủ tướng về Luật Đầu tư và Luật DN cuối tháng 4 vừa qua.

Còn nhiều thủ tục rườm ràĐẩy mạnh cải cách để củng cố niềm tin kinh doanhĐổi mới và đột phá chiến lược đến bao giờ?

Một Nghị quyết cải cách mới với tầm nhìn dài hạn và độ bao phủ rộng khắp các lĩnh vực, khía cạnh của môi trường kinh doanh đang là sự mong mỏi của các DN đối với cả Chính phủ và Quốc hội.

Trong cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng đông đảo các thành viên Chính phủ, với cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã thẳng thắn “đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách thể chế và tăng cường kỷ luật thực thi cho cả nhiệm kỳ 5 năm với những mục tiêu, khung thời gian và quy trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các bộ, ban, ngành và địa phương “theo mô hình nghị quyết 19+”.

Theo giải thích của ông Lộc, “mô hình nghị quyết 19+” sẽ kế thừa tinh thần cải cách của các Nghị quyết 19 của Chính phủ trước đó, nhưng có phạm vi mở rộng ra tất cả các lĩnh vực cải cách thể chế, với yêu cầu cao hơn và trong một số lĩnh vực có thể vượt qua chuẩn tiên tiến của ASEAN, vươn tới chuẩn của các nước thành viên TPP hay EU.

“Nghị quyết này nên được trình ra Quốc hội để tăng cường kỷ luật thực thi. Sự giám sát của Quốc hội, sẽ tạo áp lực giúp bảo đảm kỷ luật thực thi trong các cơ quan Chính phủ và các cấp chính quyền, khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa nghị quyết và cuộc sống”, ông Lộc nói.

Lời đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế dù đã có sự phục hồi và ổn định nhưng rất nhiều DN, đặc biệt là các DN tư nhân trong nước, vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Có lẽ không chỉ riêng cộng đồng DN đang cảm thấy sốt ruột với những rào cản hiện tại, mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có chung suy nghĩ. Ngay tại buổi đối thoại, Thủ tướng đã đưa ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu trong khu vực. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, điều chắc chắn là phải loại bỏ được những khó khăn và rào cản đối với sự phát triển của cộng đồng DN hiện tại.

Theo số liệu của VCCI, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật DN, ở nước ta đã có 941.000 DN được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 DN còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau (chiếm 45,5%).

Dẫu biết rằng các DN ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng điều đáng nói là khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể nói ở trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng, ông Lộc chia sẻ.

Và khi các con số về tình hình hoạt động của DN trong quý I/2016 được công bố với gần 23.000 DN ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước, thì nhiều chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo DN đã lên tiếng cảnh tỉnh về tình trạng sức khỏe của DN trong nước hiện tại.

Thực tế không phải đến tận bây giờ Chính phủ mới nhận ra tầm quan trọng của việc cải cách môi trường kinh doanh. Sự kiện Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ gặp đối thoại với các DN ngay sau khi Chính phủ mới được thành lập đã cho thấy sự quan tâm của Chính phủ về vấn đề này. Ngay cả bản thân Thủ tướng trong những phát biểu trước đó cũng thừa nhận rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn những vướng mắc, mà ông mô tả là tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”.

Trong một bối cảnh như vậy, rõ ràng yêu cầu có một “mô hình nghị quyết 19+” như lời ông Lộc nói là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Để thực hiện được mô hình đó, có lẽ việc trước mắt chính là tiến hành ngay việc tổng rà soát các quy định pháp luật về kinh doanh, các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh đang còn hiệu lực, theo như chỉ đạo của Thủ tướng về Luật Đầu tư và Luật DN cuối tháng 4 vừa qua.

Ông Lộc cho rằng, Chính phủ cũng cần đề nghị Quốc hội sửa một số luật chuyên ngành, bảo đảm tính nhất quán của hệ thống pháp luật.(TBNH)


Tổng kiểm tra tại Formosa Vũng Áng

Việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường tại khu kinh tế Vũng Áng Formosa sẽ được kiểm tra theo quyết định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Ngày 2/5, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra do ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đứng đầu. Thành viên tham gia đoàn có đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam cùng các địa phương.

Đoàn có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của các đơn vị đang hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), phân tích mẫu môi trường và đo đạc các mẫu liên quan.

Bộ Tài nguyên đề nghị các địa phương phối hợp với cảnh sát môi trường, cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra việc xả nước thải ra biển tại các khu công nghiệp, khu kinh tế còn lại trên địa bàn.Bộ trưởng sẽ thành lập Hội đồng liên ngành để cuối đợt kiểm tra đánh giá báo cáo kết quả của các tổ kiểm tra. Nội dung sẽ được công khai.

ca chet hang loat o mien trung trong thang 4. anh: d.h.

Cá chết hàng loạt ở miền Trung trong tháng 4. Ảnh: Đ.H.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng vừa thành lập Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm chủ tịch. Hội đồng gồm 3 tổ nghiên cứu mang tính liên ngành, tập hợp các nhà khoa học từ các cơ quan khác nhau để tiếp tục phối hợp, phân tích và tập trung đi sâu vào hướng nghiên cứu liên quan đến tác nhân hoá học, sinh học, khí tượng, thuỷ văn và động lực học biển.

Chiều 3/5, một đoàn kiểm tra gồm 5 nhà khoa học đã vào Hà Tĩnh để xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt độc lập, đồng thời đánh giá kết quả của các đoàn kiểm tra liên ngành vừa thành lập.

Đầu tháng 4 từ lồng cá nuôi gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết, hiện tượng dần lan theo hướng Bắc - Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4 cho biết, độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa (còn gọi là thủy triều đỏ) là nguyên nhân khiến cá chết.

Mới đây, tại một số địa phương tiếp tục phát hiện cá chết cục bộ với lượng không nhiều, song Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Tổng cục môi trường chỉ đạo quan trắc với tần suất từ 2 đến 3 lần mỗi ngày.

6 tổ công tác của đoàn kiểm tra liên ngành gồm:

Tổ 1: PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Công nghệ môi trường làm tổ trưởng. Tổ này sẽ kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với xưởng phân tách khí, nhà máy luyện cốc, nhà máy luyện thép, luyện gang và các hạng mục công trình có liên quan.

Tổ 2: PGS. TS Vũ Đức Lợi, Viện phó Viện Hóa làm tổ trưởng sẽ kiểm tra về bảo vệ môi trường khi nhập khẩu, mua, bán và sử dụng hóa chất; hoạt động xúc rửa đường ống của dự án và các nhà thầu tham gia có liên quan.

Tổ 3 do PGS. TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Khoa học kỹ thuật môi trưởng (ĐH Xây dựng) làm tổ trưởng sẽ kiểm tra bảo vệ môi trường các công trình thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hóa, nước thải công nghiệp. Tổ 3 cũng kiểm tra việc nhập khẩu, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý nước thải; xưởng xử lý nước cấp; hệ thống thoát nước mưa và nước thải của toàn dự án.

Tổ 4 do TSTrinh Thành, Phó viện trưởng Viện khoa học và công nghệ môi trường (ĐH Bách Khoa Hà Nội) làm tổ trưởng sẽ kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy nhiệt điện - tổ máy số 1 của Formosa và các công trình phụ trợ khác của công ty này cùng Công ty điện lực dầu khí Vũng Áng.

Tổ 5: ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Cục trưởng kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trưởng (Tổng cục môi trường) làm tổ trưởng sẽ kiểm tra xưởng bảo dưỡng thiết bị, cảng Sơn Dương; nhà máy cán thép - phôi nhập khẩu, các công trình phụ trở của Formosa và Trung tâm dịch vụ và Hạ tầng khu kinh tế Vũng Áng.

Tổ 6: Tổ tham mưu tổng hợp do ông Vũ Kim Tuyển Vụ trưởng Tổ chức cán bộ (Tổng cục môi trưởng) làm tổ trưởng hoạt động theo phân công của trưởng đoàn kiểm tra.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục