Sau vụ sập hầm xảy ra tại H.Nam Giang làm 4 phu vàng thiệt mạng, PV đã thâm nhập vào các bãi vàng trái phép tại Quảng Nam và chứng kiến cảnh “vàng tặc” vẫn hết sức nhộn nhịp.
Dân phải bù hàng nghìn tỷ đồng cho TKV qua giá điện?
- Cập nhật : 06/05/2016
(Tin kinh te)
Giá than mua của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện cao hơn khoảng 5USD/tấn so với giá nhập khẩu. Mỗi năm các nhà máy máy nhiệt điện trên cả nước tiêu thụ gần 30 triệu tấn than, tính ra “tiền chênh” có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tổng cục trưởng yêu cầu “tập trung mua than TKV”
Hôm 20/4, Tổng cục Năng lượng (thuộc Bộ Công Thương) vừa có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Tổng cục trưởng Đặng Huy Cường tại cuộc họp về cung cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1. Theo đó, yêu cầu Tập đoàn Dầu khí (PVN) chỉ đạo chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 “tập trung mua than của TKV sản xuất”. Đồng thời, “chủ động làm việc với TKV để ký hợp đồng mua bán than năm 2016”, “đàm phán để ký kết hợp đồng mua bán than dài hạn cho nhà máy trước ngày 15/7/2016”.
Chỉ đạo này của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng tác động như thế nào đến quyền tự chủ kinh doanh trên thị trường của doanh nghiệp? Điều này khó có thể đặt thành vấn đề khi cả TKV và PVN đều là tập đoàn nhà nước và cùng là “người nhà” thuộc Bộ Công Thương. Tuy nhiên, đối với người dùng điện thì văn bản kết luận trên thực sự là một câu chuyện lớn khi mà giá than của TKV hiện đang cao hơn than nhập khẩu tính ra khoảng 5 USD/tấn.
Theo nguồn tin của BizLIVE, đơn cử giá than của TKV giao đến Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 hiện là hơn 1,8 triệu đồng/tấn, trong khi giá than nhập khẩu các doanh nghiệp khác chào chỉ khoảng 1,7 triệu đồng/tấn.
Chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng được viện dẫn là thực hiện theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phê duyệt biểu đồ cung cấp than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do TKV và Tổng công ty Đông Bắc sản xuất và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “mua than trong nước cho sản xuất điện từ hai đơn vị này”.
Như vậy, trong trường hợp này chỉ riêng so sánh về câu chữ có thể thấy kết luận của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng một mặt đã “hướng” Chỉ thị của Thủ tướng vào một khuôn khổ hẹp hơn khi không còn tên của Tổng công ty Đông Bắc, một mặt lại đề thêm việc “tập trung”, điều không thấy trong văn bản Chỉ thị.
Nỗi niềm của 2 “ông lớn” EVN, PVN
Lưu ý rằng, trước đó, từ ngày 25/9/2015, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (khi đó) tại cuộc họp về các dự án nhà máy điện thực hiện theo hình thức BOT, IPP. Phó thủ tướng yêu cầu PVN tính toán, lựa chọn phương án cung cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 đảm bảo ổn định, hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu về chất lượng than theo thiết kết và tiêu chuẩn môi trường, trong đó có việc “kết hợp cung cấp nguồn than trong nước và nguồn than nhập khẩu” qua cảng chuyên dùng của nhà máy và Cảng Sơn Dương… Trên cơ sở phương án hợp lý được lựa chọn, PVN đàm phán, ký hợp đồng với TKV và các đối tác có liên quan.
Nay với việc Tổng cục trưởng Năng lượng yêu cầu “tập trung mua than của TKV”, chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ liệu còn hiệu lực?
Lần theo câu chuyện, phóng viên phát hiện, tính từ tháng 6/2014 đến tháng 8/2015 (từ khi PVN và TKV ký hợp đồng mua bán than năm 2014-2015 đến trước khi Phó thủ tướng có ý kiến kết luận), chỉ có 3/15 tháng có lượng than giao nhận cao hơn lượng than đăng ký của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và lượng than dự trữ luôn bị hụt so với nhu cầu. Mức chênh lệch (nhận thiếu) cộng dồn lên tới gần 600.000 tấn.
Trước tình hình này, PVN, EVN đã nhiều lần vừa phàn nàn, vừa “cầu cạnh” TKV trong việc cấp than. Trong một văn bản gửi Bộ Công Thương, ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng giám đốc PVN đã báo cáo thực trạng về việc TKV cùng lúc phải cung cấp than cho nhiều nhà máy nhiệt điện đang vận hành. “Việc cung ứng không đủ than cho các nhà máy nhiệt điện đã được TKV dự báo và thông báo chính thức tại các buổi gặp mặt khách hàng hằng năm để các hộ tiêu thụ lớn chia sẻ với TKV cũng như chủ động trong việc tìm kiếm nguồn than nhập khẩu”.
Như vậy, chỉ đạo của Phó thủ tướng đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy nhiệt điện, vậy không hiểu sao đến nay Tổng cục Năng lượng lại ra một thông báo kết luận khác?
Việc đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng than là vấn đề sống còn đối với nhà máy nhiệt điện. Được biết riêng với Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, để vận hành được liên tục cả 2 tổ máy, lượng than tiêu thụ trung bình mỗi ngày lên tới khoảng 9.000 tấn, tương đương khoảng 3,3 triệu tấn mỗi năm, chưa kể dự phòng. Tính chung toàn thị trường, nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện hiện lên tới gần 30 triệu tấn/năm.
Dân bù giá cho than qua điện?
Như đã nói ở trên, tất cả câu chuyện trên sẽ chỉ là chuyện “trong nhà” giữa các tập đoàn nếu không xét đến quyền lợi của hàng chục triệu người tiêu dùng điện.
Theo Thông tư 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014 của Bộ Công Thương quy định về phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện thì giá nhiên liệu (than, khí) là yếu tố đầu vào chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành sản xuất nhiệt điện.
Giá nhiên liệu cạnh tranh đương nhiên sẽ có giá điện cạnh tranh và ngược lại. Trong nhiều năm, TKV đã chịu thiệt thòi khi không được tính đủ giá than bán cho điện. Nay khi giá than bán cho hộ tiêu thụ lớn này đã tiệm cận giá thị trường thì giá thế giới lại giảm, cũng có thể coi là một thiệt thòi của ngành than khi nhiều khách hàng tìm thêm nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đã đặt vấn đề về việc nếu tính theo đơn vị nhiệt năng, giá bán than trong nước của TKV đang cao hàng đầu thế giới, vì giá thành khai thác than của TKV cũng đang cao hàng đầu thế giới. Như vậy, nếu dùng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu các nhà máy điện tiêu thụ than cho TKV phải chăng là đang “ép” người tiêu dùng “chia sẻ” với tập đoàn này vì các nhà máy điện suy cho cùng cũng chỉ trả hộ mà thôi. Cho nên, thay vì những mệnh lệnh như vậy nên chăng yêu cầu tâp đoàn này tối ưu hoá chi phí sản xuất để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh.
Riêng như Nhà máy Vũng Áng 1, nếu chỉ “tập trung mua than TKV”, so với giá than nhập khẩu hiện nay, người tiêu dùng sẽ phải “bù” cho TKV hơn 300 tỷ mỗi năm. Nếu tính tổng các máy nhiệt điện trên cả nước, con số có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tại một số nhà máy nhiệt điện đang sử dụng cùng lúc hai nguồn than trong nước và nhập khẩu, hiện đang có tình trạng oái oăm khi hạch toán hai loại giá than do có sự chênh lệch về mức giá giữa than trong nước so với than nhập khẩu. Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, các nhà máy nhiệt điện chỉ được thanh toán chi phí than đã mua từ nguồn khác với giá than bao gồm cước vận chuyển “không vượt quá” giá than trong nước kể cả cước vận chuyển do TKV cung cấp. Nhưng nay, khi giá than nhập không những không vượt mà còn thấp hơn thì giá than trong nước lại không điều chỉnh theo mà mỗi “ông” một giá.
Với tính toán gần nhất theo Quy hoạch điện VII, để đáp ứng nhu cầu than cho điện từ năm 2016 trở đi sẽ phải nhập khẩu khoảng vài triệu tấn và đến năm 2020 có thể lên 20-30 triệu tấn/năm. Nếu câu chuyện này không được giải quyết rạch ròi, e rằng sẽ khó xây dựng được một cơ chế thị trường sòng phẳng.
TÙNG SƠN
Theo Bizlive