Vasep cho rằng, trước thềm hội nhập khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, tiềm lực yếu, “gánh nặng” tăng lương tối thiểu đến 16% có thể làm giảm cơ may “sống sót” của các doanh nghiệp.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 11-07-2016
- Cập nhật : 11/07/2016
Tàu hải quân Thái Lan bắn 3 tàu cá Việt Nam, một lái tàu mất tích
Tàu hải quân Thái Lan hôm 8/7 nổ súng vào nhóm ba tàu cá của Việt Nam khiến hai ngư dân bị thương và một lái tàu mất tích.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt quanh khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông
Phóng viên TTXVN tại Thái Lan dẫn nguồn Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết vào lúc 14h ngày 8/7 xảy ra một vụ tàu hải quân Thái Lan nổ súng vào nhóm ba tàu cá Việt Nam, có biển đăng ký của tỉnh Bến Tre, đánh bắt trên vùng biển Thái Lan, làm hai ngư dân bị thương, một lái tàu mất tích trên biển. Hai tàu cá va chạm với tàu hải quân Thái Lan và bị chìm.
Ông Nguyễn Hải Ngọc, Bí thư thứ nhất phụ trách bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam, cho hay hai ngư dân bị thương là Nguyễn Văn Tèo, 28 tuổi, và Nguyễn Văn Linh, 25 tuổi, đều quê ở Bến Tre. Anh Nguyễn Văn Tèo bị thương ở chân phải còn anh Nguyễn Văn Linh bị thương ở bả vai.
Cả hai ngư dân đã được phía Thái Lan đưa vào bờ bằng máy bay trực thăng và đang bị giam tại căn cứ Vùng 2, Hải quân Thái Lan.
Dự kiến ngày 11/7, các ngư dân này phải ra hầu tòa và có thể bị khép vào tội xâm nhập và đánh bắt cá trái phép.
Ông Nguyễn Hải Ngọc khẳng định hành động bắn vào tàu cá nước ngoài vi phạm lãnh hải là trái với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Vụ va chạm diễn ra tại khu vực khoảng 8 độ vĩ Bắc, 102 độ kinh Đông. Đoàn làm việc của Đại sứ quán Việt Nam đã đi máy bay xuống Songkhla để làm công tác bảo hộ công dân.
Đây là lần thứ hai tàu chiến Thái Lan nổ súng vào tàu cá Việt Nam gây thương vong. Hồi tháng 9 năm ngoái, tàu chiến Thái Lan cũng xả súng vào tàu cá Việt Nam làm một ngư dân thiệt mạng.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối và yêu cầu phía Thái Lan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, đến nay phía Thái Lan vẫn chưa có câu trả lời chính thức.(VNEX)
Bộ Công Thương cảnh báo các chiêu lừa đảo khi mua hàng qua điện thoại
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã nhận được một lượng lớn đơn của người tiêu dùng khiếu nại về việc bị “lừa” khi mua hàng qua điện thoại.
Theo phản ánh của người tiêu dùng, nhân viên công ty X. có gọi điện cho họ thông báo về việc người tiêu dùng trúng thưởng một phiếu mua hàng trị giá 5 triệu đồng và có thể sử dụng để mua sản phẩm điện thoại Samsung Galaxy A8 với giá trên 8,5 triệu. Người tiêu dùng chỉ phải trả phần còn lại là trên 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đến khi nhận hàng, người mua mới phát hiện ra sản phẩm là điện thoại MIQ A8 với giá trị rất thấp (khoảng 1 triệu đồng).
Bức xúc về vụ việc, người tiêu dùng này đòi quyền lợi nhưng công ty X. từ chối việc đổi hàng, hoàn tiền và cũng như không thừa nhận nội dung đã quảng cáo mà cho rằng do người tiêu dùng đã nghe nhầm… khiến vụ việc phức tạp, giải quyết trong thời gian dài và phải nhờ cơ quan chức năng can thiệp. Điểm đáng nói là rất nhiều khách hàng đã trở thành nạn nhân của chiêu trò này.
Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, các vụ việc nêu trên có một số đặc điểm đáng chú ý. Thứ nhất, thông qua điện thoại, nhân viên công ty thường thông báo người tiêu dùng trúng thưởng phiếu mua hàng vì là 1 trong 50 khách hàng may mắn/nhân dịp 5 năm thành lập công ty… Nhân viên công ty sau đó sẽ khuyến khích, thuyết phục người tiêu dùng sử dụng phiếu mua hàng đó để mua sản phẩm (đối với các vụ việc đã tiếp nhận thì thường là điện thoại nhưng có thể là sản phẩm khác đối với các vụ việc khác).
Thứ hai, sản phẩm được áp dụng phiếu mua hàng thường là điện thoại của các hãng lớn, có giá trị cao. Trong khi sản phẩm nhận được là điện thoại giá trị rất thấp, và có tên gọi gần giống với điện thoại được đại diện công ty tư vấn. Trong quá trình giới thiệu, nhân viên công ty sẽ cố ý đưa thông tin để người tiêu dùng nhầm lẫn và cho rằng mình sẽ được mua sản phẩm của hãng danh tiếng với giá trị rất thấp do đang được hưởng ưu đãi, khuyến mại.
Thứ ba, sản phẩm được giao qua đường bưu điện qua hình thức “thu tiền khi nhận hàng” (COD – cash on delivery) với điều kiện chỉ được mở xem hàng sau khi đã thanh toán tiền. Như vậy, người tiêu dùng sẽ không có điều kiện kiểm tra sản phẩm mà thường sẽ chỉ nhận ra mình bị “lừa” khi đã trả tiền và nhận hàng. Trong phương thức giao hàng này, bản thân người cung cấp dịch vụ giao hàng- nhận tiền cũng không phải là nhân viên công ty do đó người tiêu dùng cũng không thể khiếu nại, phản ánh trực tiếp kể cả trong trường hợp phát hiện sự sai lệch ngay khi nhận hàng.
Thứ tư, khi người mua phản ánh và yêu cầu được hoàn lại tiền, công ty thường đưa ra lý do là người tiêu dùng đã hiểu nhầm ý của nhân viên tư vấn. Đây cũng là điều gây khó khăn cho người tiêu dùng vì các tư vấn của nhân viên công ty được thực hiện qua điện thoại và không được ghi hoặc lưu lại theo bất kỳ định dạng nào.
Vì vậy, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, liên quan đến các giao dịch tương tự (mua hàng từ xa, mua hàng trên truyền hình, mua hàng qua điện thoại…), người tiêu dùng cần thận trọng kiểm tra thông tin qua nhiều kênh khác nhau, chú ý lưu giữ các chứng cứ liên quan đến giao dịch. Ví dụ ghi âm cuộc thoại hoặc yêu cầu nhân viên công ty gửi các thông tin về giao dịch như: Tên và hình ảnh hàng hóa, giá bán, điều kiện giao dịch… để làm chứng cứ khiếu nại khi bị xâm hại quyền lợi.(HQ)
Tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm
Tại vùng biển Hoàng Sa, tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của 5 ngư dân Quảng Ngãi, ngăn cản việc cứu nạn.
Trưa 10/7, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (đóng tại Đà Nẵng) cho biết đã tiếp nhận thông tin tàu cá QNg 90479 TS của ngư dân Quảng Ngãi bị đâm chìm tại toạ độ 16,06 độ vĩ Bắc - 113,06 độ kinh Đông. Vị trí này cách đông nam Đà Nẵng khoảng 290 hải lý, cách đông đông nam đảo Linh Côn, quần đảo Hoàng Sa khoảng 35 hải lý."Ngư dân nói bị tàu Trung Quốc đâm chìm lúc 11h ngày 9/7, trên tàu có 5 thuyền viên. Các ngư dân phải bám vào thân tàu mấp mé dưới nước và sau đó được một tàu cá Quảng Ngãi đến cứu", một nhân viên trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 nói và cho biết các ngư dân gặp nạn đang được tàu cá đưa vào bờ.
Báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi gửi Uỷ ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục kiểm ngư và các bên liên quan cho biết, tàu cá QNg 90479 TS do ông Võ Văn Lựu (50 tuổi, Quảng Ngãi) ra khơi ngày 2/7 và đánh bắt cùng toạ độ với tàu cá QNg 95001 TS do anh Huỳnh Văn Khanh (31 tuổi) làm thuyền trưởng. Cả hai tàu cá này đã bị hai ca-nô phía Trung Quốc (chưa rõ số hiệu) truy đuổi.
Theo báo cáo, sau đó hai tàu Trung Quốc số hiệu 46102 và 56103 đã đâm chìm tàu cá của ông Lựu vào trưa ngày 9/7. Do bị ngăn cản, phải đến 19h20 cùng ngày, tàu cá của anh Khanh mới có thể tiếp cận và cứu 5 thuyền viên.
Hiện sức khoẻ 5 ngư dân dần ổn định. Tàu cá QNg 95001 TS vẫn đang giữ liên lạc với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi.
Thời gian qua, một số tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Một ngư dân ở Đà Nẵng đã đâm đơn kiện tàu phía Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Formosa Hà Tĩnh có thể bị truy thu thêm 1.555 tỷ đồng tiền thuế
Khoản tiền này bao gồm thuế Giá trị gia tăng đã được hoàn, điều chỉnh giảm số thuế đã được khấu trừ và phạt chậm nộp của Formosa Hà Tĩnh.
Cục Thuế Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuế xin ý kiến về việc khấu trừ, hoàn thuế đối với hóa đơn, chứng từ thuế GTGT kê khai chậm của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Theo cơ quan thuế Hà Tĩnh, từ cuối tháng 5/2016, Tổng cục Thuế đã có văn bản về việc kê khai, khấu trừ thuế, hoàn thuế với hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) kê khai chậm sau thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra, kiểm tra của Công ty Formosa Hà Tĩnh.Ngày 8/6, Cục Thuế Hà Tĩnh cũng đã có văn bản yêu cầu FHS phải nộp vào ngân sách số tiền thuế đã được hoàn trước đó và điều chỉnh giảm số thuế được khấu trừ trên hồ sơ khai thuế nhưng chưa được hoàn; và yêu cầu FHS phải tự tính số tiền phạt, tiền chậm nộp theo quy định. Đến nay Formosa Hà Tĩnh chưa thực hiện nộp số tiền này.
Tổng số thuế GTGT mà FHS kê khai khấu trừ, hoàn thuế chậm trong thời gian một năm rưỡi (từ tháng 6/2014 đến tháng 12/2015) là gần 1.555 tỷ đồng. Trong đó, số đã hoàn gần 1.444 tỷ đồng (gồm 17.150 chứng từ, hóa đơn) và số chưa hoàn gần 111 tỷ đồng của 2.347 chứng từ, hóa đơn.
Theo Cục Thuế Hà Tĩnh, việc chậm đưa vào kê khai, khấu trừ, hoàn thuế chủ yếu là các hóa đơn, chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu và hóa đơn thuế GTGT đầu vào xây dựng dự án.
Ở khâu nhập khẩu. chứng từ, hóa đơn nộp thuế GTGT của FHS phát sinh tại các kỳ trước đã được cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, nhưng công ty đưa vào kê khai khấu trừ và hoàn thuế tại các kỳ sau với số thuế GTGT đã nộp lớn. Trong đó, số thuế GTGT nộp ở khâu nhập khẩu là gần 1.132 tỷ đồng, chiếm 72,8% số hóa đơn chứng từ chậm.
Với hóa đơn GTGT đầu vào trong khâu xây dựng dự án, trung bình một tháng Formosa Hà Tĩnh có gần 3.000 số hóa đơn, chứng từ... nên trong tháng, FHS không tập hợp hết số hóa đơn phát sinh để kê khai, khấu trừ, hoàn thuế… Do đó, có một số lượng lớn hóa đơn sang tháng sau mới hoàn thành thủ tục kiểm duyệt, dẫn đến chậm kê khai, khấu trừ, hoàn thuế.
“Cả hai trường hợp chậm kê khai, khấu trừ, hoàn thuế nêu trên tại thời điểm cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra hoàn thuế thì công ty chưa hạch toán chi phí trong kỳ, chưa tổng hợp xuất trình hóa đơn, chứng từ đầu vào liên quan đến hoàn thuế”, Cục Thuế Hà Tĩnh cho biết.
Dẫn lại một loạt quy định của pháp luật, Cục này cũng xin ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế về việc truy thu số tiền điều chỉnh khấu trừ, hoàn thuế GTGT đã hoàn, tiền phạt chậm nộp... đối với số hóa đơn, chứng từ thuế GTGT kê khai chậm của FHS.
Cách đây 2 tháng, FHS cũng bị truy thu khoảng 5,5 tỷ đồng tiền thuế (trong đó gần 5 tỷ đồng là thuế nhập khẩu và trên 498 triệu đồng tiền thuế VAT) do đã kê khai, áp mã HS chưa đúng đối với một số mặt hàng trong giai đoạn 2010-2015. Còn cuối tháng 5, FHS cũng bị hải quan Hà Tĩnh ra quyết định truy thu 225 tỷ đồng tiền thuế. Formosa Hà Tĩnh cũng đang nằm trong tầm ngắm chống chuyển giá, trốn thuế của cơ quan thuế do những vi phạm liên tục, có tính hệ thống.
Bên cạnh câu chuyện truy thu thuế, Formosa Hà Tĩnh gần đây cũng gặp bê bối lớn khi hoạt động xả thải sai quy định của dự án được xác định là nguyên nhân gây ra sự cố ô nhiễm biển, hải sản chết hàng loạt ở miên Trung Việt Nam. Doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) này cũng đã phải lên tiếng xin lỗi người dân, Chính phủ Việt Nam và cam kết bồi thường 500 triệu USD.