Trao đổi với chúng tôi, TS Cấn Văn Lực cho biết, việc sửa đổi Thông tư 36 theo hướng nâng hệ số rủi ro các khoản vay bất động sản từ 150% lên 200% thay vì 250% là hợp lý.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 11-08-2016
- Cập nhật : 11/08/2016
Việt Nam hưởng lợi khi Trung Quốc nâng cấp chuỗi giá trị
Người chiến thắng lớn nhất khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nâng cấp chuỗi giá trị chỉ có thể là Việt Nam và kẻ phải đối mặt với những thất bại chính là Hàn Quốc.
Quá trình chuyển đổi từ trung tâm sản xuất của thế giới sang thành trung tâm công nghệ của thế giới của Trung Quốc đang tạo nên một làn sóng trên khắp châu Á.
Người chiến thắng lớn nhất khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nâng cấp chuỗi giá trị chỉ có thể là Việt Nam và kẻ phải đối mặt với những thất bại chính là Hàn Quốc.
Vấn đề của Hàn Quốc đang bị nhân đôi. Thứ nhất, khi các nhà sản xuất Trung Quốc thành thạo công nghệ hơn, họ sẽ bắt đầu tự sản xuất nhiều hàng hóa trung gian có giá trị cao mà họ thường phải nhập khẩu từ các nền kinh tế tiên tiến như Hàn Quốc.
Theo nhà kinh tế châu Á cấp cao Gareth Leather của Capital Economics, tỷ trọng nhập khẩu hàng hóa trung gian của Trung Quốc đã giảm từ 67% trong năm 2011 xuống còn 52% trong năm 2015.
Thứ hai, Hàn Quốc là một nhà xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao trong nhiều năm nay và giờ Trung Quốc đang muốn giành lấy thị phần của họ. Trong vòng 5 năm qua, các công ty Hàn Quốc đã mất thị phần vào tay Trung Quốc trong các mảng như điện thoại di động hay tivi màn hình phẳng.
Tệ hơn nữa, ông Leather lo ngại rằng các lĩnh vực khác của Hàn Quốc sẽ sớm bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc đang tiếp tục phát triển năng lực sản xuất của mình.
Cho tới nay, hầu hết các công ty điện tử của Hàn Quốc đã bị tác động ít nhiều nhưng điều này có thể sẽ thay đổi. Các công ty sản xuất xe hơi của Trung Quốc đang làm rất tốt tại các thị trường mới nổi và sẽ sớm giành lấy thị phần của các công ty Hàn Quốc.
Ngành công nghiệp đóng tàu cũng cho thấy sự trỗi dậy của các công ty Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc để vươn lên trở thành nhà sản xuất tàu biển lớn nhất thế giới.
Trên thực tế, trong quý I/2016, các nhà đóng tàu Trung Quốc đã khẳng định vị thế số 1 của mình khi dành lấy gần một nửa các đơn hàng đóng tàu thương mại mới. Theo công ty môi giới Clarksons, số phiếu Hàn Quốc ký được chỉ chiếm 7,4%.
Trên lý thuyết, ít ra thì các công ty Hàn Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc tăng bởi họ là những nhà xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng cao cấp.
Tuy nhiên, hàng tiêu dùng hiện nay chỉ chiếm 3,4% kim ngạch xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc. Ông Leather cho rằng ngay cả khi nhập khẩu hàng tiêu dùng của Trung Quốc có tăng mạnh thì cũng không tạo ra nhiều sự khác biệt cho Hàn Quốc.
Tính cạnh tranh ngày càng cao của Trung Quốc là một trong những mối đe dọa với Hàn Quốc bên cạnh mức nợ cao của các hộ gia đình, dân số trong tuổi lao động giảm và sự thiếu hụt phản ứng của chính phủ. Capital Economics tin rằng Hàn Quốc sẽ phải đấu tranh với những vấn đề trên để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 2%/năm trong vòng 10 năm tới.
Những người có khả năng được hưởng lợi từ việc Trung Quốc nâng cấp chuỗi giá trị chính là các quốc gia sản xuất cấp thấp. Các ngành kinh doanh không còn được đánh giá cao tại Trung Quốc sẽ chuyển hướng phát triển sang các thị trường cấp thấp hơn, điển hình như ngành công nghiệp dệt may.
Theo số liệu của Capital Economics, mức lương tháng của các công nhân nhà máy tại các quốc gia như Việt Nam, Bangladesh hay Sri Lanka thường ở mức 100-200 USD, thấp hơn nhiều so với con số 420 USD/tháng tại Trung Quốc.
Ngân hàng Standard Chartered đã đào sâu vào chủ đề này khi công bố báo cáo hàng năm về các nhà sản xuất tại khu vực Đồng bằng Châu Giang (bao gồm các thành phố lớn như Quảng Châu, Thâm Quyến hay Đông Quan).
290 nhà sản xuất trong cuộc khảo sát dự báo rằng nguồn cung lao động sẽ thu hẹp hơn trong năm nay bởi dân số trong độ tuổi lao động của quốc gia này đang giảm nhanh.
Điều này khiến họ đưa ra dự báo rằng mức lương sẽ tăng trung bình 7,7% trong năm 2016, thấp hơn mức 7,8% của năm 2015 và 8,1% của năm 2014. Trong bối cảnh nền kinh tế giảm tốc, các nhà sản xuất dự báo rằng lợi nhuận của họ sẽ giảm khoảng 6,1% trong năm nay, mạnh hơn rất nhiều so với mức 0,4% cách đây 1 năm.
Với tình hình này, 30% số doanh nghiệp được hỏi cho biết họ muốn chuyển cơ sở sản xuất ra địa điểm khác.
Các nhà sản xuất vẫn ưu tiên việc chuyển cơ sở sang các vùng khác thuộc Trung Quốc nhưng chỉ 17% cho rằng điều này sẽ giúp cải thiện tình hình, giảm 3% so với số liệu năm 2015 và giảm 11% so với năm 2014. Tuy nhiên, số doanh nghiệp ưu tiên chuyển cơ sở hạ tầng sang các quốc gia khác tăng từ 9% trong năm 2013 lên 13% trong năm nay.
Đặc biệt, đa phần các doanh nghiệp chỉ ra rằng nguồn cung lao động tốt hơn và những lợi ích của việc nằm trong các thỏa thuận thương mại tự do khác nhau là những lý do khiến họ tìm kiếm các địa chỉ ở ngoài Trung Quốc.
Với những công ty đang có kế hoạch chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài, Việt Nam đã nổi lên là một điểm đến yêu thích của họ, tiếp theo đó là Campuchia. Trong khi đó, triển vọng của các quốc gia trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á khác lại không được hấp dẫn như vậy.
Các nhà sản xuất Trung Quốc thường mong đợi sẽ cắt giảm chi phí sản xuất khoảng 20-25% khi chuyển cơ sở vật chất sang quốc gia khác.
Tuy nhiên, Việt Nam, và ở mức độ nào đó thấp hơn một chút là Campuchia, lại vượt trội hoàn toàn so với các đối thủ khác trong việc thừa hưởng miếng bánh từ Trung Quốc nếu xét trên các phương diện cung ứng lao động, chi phí kinh doanh không lương, triển vọng kinh tế, vị trí địa lý và lợi ích từ các hiệp định thương mại.
Nhà kinh tế Chidu Narayanan của StanChart nhận định rằng Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm sản xuất chế tạo tiếp theo của thế giới khi Trung Quốc tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế theo định hướng dịch vụ.
Bên cạnh những lợi ích rõ ràng từ giá lao động rẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu tăng nhanh tại khu vực Đông Nam Á sẽ mang tới cho các nhà sản xuất cơ hội để tiếp cận với thị trường dùng rộng lớn và đang phát triển.
Ông Narayanan tin rằng Việt Nam sẽ là điểm đến ưa thích và hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này bởi họ có lực lượng lao động giá rẻ và có giáo dục, dân số ở độ tuổi lao động lớn và tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có.
StanChart cho rằng, để tận dụng được hết những cơ hội này, các quốc gia Đông Nam Á cần cải thiện cơ sở hạ tầng và khuyến khích các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tuy nhiên, con đường của họ sẽ không thể dễ dàng như vậy bởi sự nổi lên của việc sử dụng người máy trong sản xuất đang đe dọa các lao động bằng xương bằng thịt.
Theo ông Narayanan, công nghệ đang là thách thức lớn nhất của khu vực Đông Nam Á trong quá trình trở thành trung tâm sản xuất chế tạo của thế giới. Những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp và sự lặp đi lặp lại đang có xu hướng chuyển sang các nước trong khu vực này nhưng lại hoàn toàn có thể thay thế bằng các máy móc lập trình và tiến bộ kỹ thuật.(NĐH)
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng
Điều này cho thấy, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức dồi dào. Song để duy trì việc giảm mặt bằng lãi suất, hệ thống ngân hàng cần phải chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu để giảm trích lập dự phòng.
Báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố nhận định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong tháng 7 vẫn ở mức dồi dào. Trong đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng qua đêm tính đến 18/7 là 1,11%, giảm 0,14 điểm % so với tháng 6. Đây là mức lãi suất qua đêm thấp nhất trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, trong khoảng 3 tuần từ 1-22/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Uỷ ban, nguyên nhân thanh khoản khá dồi dào do huy động tăng cao so với cùng kỳ (tính đến cuối tháng 6 tăng 10,2% so với đầu năm; cùng kỳ 2015 tăng 6%), trong khi tín dụng chỉ tăng ở mức tương đương. Tính đến 30/6, tăng trưởng tín dụng đạt 8,16% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm 2015 là 7,86%.
Bên cạnh đó, cung tiền tăng khá mạnh (tính đến 31/5, M2 tăng 6,77% so với cuối năm 2015; cùng kỳ 2015 tăng 3,8%) do NHNN đã bơm vào hệ thống khoảng 180.000 tỷ đồng thông qua việc mua ngoại tệ, trong khi tính đến 22/7 hút ròng khoảng 116.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì được sự ổn định. Trong tháng 6, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Cụ thể, tính đến 24/6, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tăng 4,98%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,53%; lĩnh vực công nghiệp ưu tiên tăng 2,37%; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 1,45%; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,62%.
Theo UBGSTCQG, việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong những tháng cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp có sơ sở thực hiện do thanh khoản hệ thống đang khá dồi dào, có thể đảm bảo được nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế trong năm 2016. Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng đang chuyển dịch tập trung cho 5 lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với chủ trương của Chính phủ; lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn.
“Việc phát hành trái phiếu Chính phủ đã đạt 85% kế hoạch năm (phát hành 250 nghìn tỷ đồng) sẽ giảm thiểu gây áp lực tăng lãi suất; Lạm phát tăng so với năm trước nhưng dự báo cả năm vẫn ở mức thấp (3,5-4%); Tỷ giá và thị trường ngoại hối từ đầu năm vẫn khá ổn định”, Uỷ ban cho hay.
Cũng theo Uỷ ban, tỷ giá cuối năm chỉ dao động trong khoảng kỳ vọng (3%). Dự báo của Uỷ ban cho hay, tỷ giá những tháng cuối năm nay sẽ dao động trong khoảng kỳ vọng, song vẫn còn một số yếu tố bất định cần được theo dõi, trong đó những diễn biến khó lường của thị trường tài chính quốc tế sẽ là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất tới tỷ giá USD/VND bởi tác động ngắn hạn từ Brexit sẽ có thể dẫn đến sự biến động của các đồng tiền chủ chốt như EUR, GBP và NDT.
“Đồng USD sẽ tăng giá khiến cho đồng nội tệ các nước mới nổi châu Á tiếp tục mất giá. Đặc biệt, trong trường hợp Trung Quốc giảm giá đồng nội tệ để tăng sức cạnh tranh sang thị trường châu Âu, sẽ tạo áp lực lớn lên tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, yếu tố trong nước như nhu cầu thanh toán ngoại tệ tăng cao vào cuối năm cũng sẽ tác động nhất định lên tỷ giá”, báo cáo nhấn mạnh.
Đề cập tới sức khoẻ các ngân hang, báo cáo cho hay, lợi nhuận 6 tháng đầu năm các ngân hang thương mại tương đối khả quan, tạo dư địa cho việc xử lý nợ xấu và tiết giảm chi phí hoạt động của hệ thống.
Như vậy, “các điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất đang có nhiều yếu tố thuận lợi, song để duy trì việc giảm mặt bằng lãi suất, hệ thống ngân hàng cần phải chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu để giảm trích lập dự phòng”, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhắn nhủ.
Sẽ tái cấp thủ tục lưu hành cho các sản phẩm thức ăn thủy sản được “cấp khống” giấy phép lưu hành
Đó là thông tin được bà Phan Thị Huệ - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Pháp chế Thanh tra (Tổng cục Thủy sản – Bộ NNPTNT) khẳng định với chúng tôi chiều 5.8.2016.
Chưa thể thu hồi hết các sản phẩm vi phạm
Về trường hợp 347/802 sản phẩm đã được sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam để lưu hành , bà Phan Thị Huệ cho biết: Các sản phẩm nhập khẩu thì không đáng ngại, vì theo quy định, trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, các sản phẩm này sẽ phải được kiểm tra, kiểm định kỹ từng lô, nếu đạt tiêu chuẩn mới được thông quan nhập khẩu vào nước ta, những lô hàng không đạt yêu cầu sẽ bị trả lại. Còn các sản phẩm sản xuất trong nước, các DN sản xuất sẽ phải tự chịu trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm đã được chính DN sản xuất ra sản phẩm công bố.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Huệ đã không trả lời được câu hỏi của PV về số lượng sản phẩm được cấp khống trái quy định đã được thu hồi? Còn lại bao nhiêu tấn sản phẩm đang trôi nổi trên thị trường? “Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục tổng hợp số liệu từ các địa phương. Đến thời điểm này chúng tôi chưa thể công bố vì chưa có số liệu chính xác. Công việc thanh tra, th hồi và niêm phong sản phẩm vẫn đang tiếp tục được thực hiện” – Bà Phan Thị Huệ cho biết.
Trong khi đó, ngoài 347 sản phẩm trái quy định đã được lưu thông trên thị trường, 157 sản phẩm mới tiến hành sản xuất thử, chưa bán ra thị trường, 210 sản phẩm chưa sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam, thì vẫn có 88 sản phẩm đến ngày 5.8.2016 chưa xác định được tình trạng lưu hành do các Cty có các sản phẩm vi phạm không còn hoạt động hoặc thay đổi địa chỉ. Điều này đồng nghĩa với việc 88 sản phẩm này sẽ bị lọt lưới, khó có khả năng bị thu hồi.
“Cấp khống” giấy phép để lưu hành sản phẩm kém chất lượng?
Người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi đó, khi có tới 802 sản phẩm thức ăn nuôi trồng thủy sản được các cán bộ bất chấp pháp luật, liều mạng tiếp tay cho 72 đơn vị sản xuất. Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phải chăng 802 sản phẩm này “có vấn đề”, được sản xuất không đảm bảo chất lượng, không đủ hàm lượng, hoặc có chứa chất cấm?
Bà Phan Thị Huệ cho rằng, một số sản phẩm đã được mang đi phân tích, xét nghiệm, kết quả ban đầu cho thấy sản phẩm đạt chất lượng, chưa phát hiện ra chất cấm. “Đối với những sản phẩm đạt chất lượng, nhưng thủ tục cấp phép sai quy trình, Tổng cục Thủy sản sẽ yêu cầu DN thực hiện mọi thủ tục để cấp phép lại theo đúng quy định”.
Dư luận thật sự kinh ngạc, khi các sản phẩm đã được cấp phép khống – tang vật của sự vi phạm không những không bị tịch thu, tiêu hủy, mà còn sẽ được Tổng cục Thủy sản “hợp thức hóa” bằng việc cấp lại giấy phép.
“Cho đến thời điểm này, xác minh cho thấy các sản phẩm chỉ sai ở chỗ đã được cấp khống giấy phép để lưu hành, tức là chỉ sai về thủ tục hành chính. Chúng tôi chưa phát hiện sản phẩm nào vi phạm quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh” – Bà Phan Thị Huệ khẳng định.
Tuy nhiên, tuyên bố đó của bà Phan Thị Huệ có vội vàng không, khi vẫn còn 88 nhãn sản phẩm chưa thể xác minh được tình trạng lưu hành, hàng chục, hàng trăm, thậm chí nhiều tấn sản phẩm đã được sản xuất ra từ 347 mặt hàng vẫn chưa được thu hồi và kiểm định đầy đủ.(Laodong)
Phó thủ tướng nêu lý do 70% du khách không quay lại Việt Nam
Du khách quốc tế có 7 nỗi sợ mỗi lần đến Việt Nam cho dù chúng ta được đánh giá là đất nước có an ninh tốt, nhiều thắng cảnh đẹp...
Phát biểu tại hội nghị về ngành du lịch ngày 9/8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng du lịch Việt Nam phát triển nhanh, tuy nhiên, nguy cơ tụt hậu của du lịch Việt Nam đang rất lớn.
Theo Phó thủ tướng, 70% khách đến Việt Nam không quay trở lại vì 7 nỗi sợ: Sợ cướp giật, sợ trộm cắp, sợ kẹt xe, sợ tai nạn giao thông, sợ thái độ phục vụ và sự trân trọng du khách, sợ nhà vệ sinh mất vệ sinh, sợ ô nhiễm môi trường.
“Du lịch Việt Nam nhiều tiềm năng, nhưng thiếu khả năng, thiếu dịch vụ, thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng là 3 điểm yếu cốt tử của du lịch Việt Nam”, Phó thủ tướng nêu ý kiến.
Để du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo Phó thủ tướng, quan trọng nhất là phải thay đổi lại tư duy, coi du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, ứng xử với ngành này theo các quy luật của kinh tế thị trường, chứ không phải chỉ đơn thuần là ngành vui chơi giải trí, mang nặng tính bao cấp.
Đồng thời phải coi trọng việc nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng du lịch, giao thông và lưu trú, tập trung vào các vùng du lịch trọng điểm các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và các đô thị du lịch, không đầu tư dàn trải.
“Cần có quan điểm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước nhưng không nhất thiết tỉnh nào cũng coi du lịch là mũi nhọn”, Phó thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị phải nhận thức ngành du lịch là ngành kinh tế có dấu ấn văn hóa sâu sắc, có tính tổng hợp, liên kết vùng, liên kết ngành rõ nét. Phải coi trọng tính cộng đồng trong kinh doanh du lịch mà vai trò trực tiếp ở đây là doanh nghiệp và người dân.
“Cơ quan quản lý ngành du lịch không sở hữu các dịch vụ du lịch, không làm thay vai trò doanh nghiệp, cộng đồng. Cơ quan nhà nước sẽ tập trung làm chính sách về phát triển hạ tầng, bảo đảm môi trường du lịch, các chính sách về tài chính, thuế, giá, phí visa”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Đối với việc quảng bá và xúc tiến du lịch, theo Phó thủ tướng, vấn đề không phải là do thiếu tiền mà quan trọng là thiếu ý tưởng. Việc Tổng cục Du lịch mới đây làm một video dài 7 phút quay bằng flycam với 9 thứ tiếng đã tác động rất mạnh mẽ tới cộng đồng quốc tế.
Cũng tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu một số ý kiến mà ngành du lịch và cả những quan chức đáng phải suy ngẫm.
Theo đó, ông cho rằng, tất cả phải làm du lịch với tinh thần “không cần com lê, cà vạt, xắn tay ngay vào làm”. Tư tưởng này phải được quán triệt đến từng bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, điểm đến.
Điểm lại các nhóm kiến nghị, tâm tư của doanh nghiệp, địa phương, Phó thủ tướng cho biết những kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương không chỉ được ghi nhận đơn thuần mà sau hội nghị, Thủ tướng sẽ chỉ đạo ngay những việc cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy du lịch phát triển.
“Ví dụ vấn đề visa điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao Bộ Công an triển khai để đầu năm 2017 có thể thực hiện trước hết là ở các thị trường trọng điểm”, Phó thủ tướng thông tin và mong muốn sau hội nghị này, các doanh nghiệp, địa phương, bộ ngành một lòng quyết tâm, nỗ lực để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm.
“Thế giới có 3 chỉ số đo mức độ văn minh xã hội dễ thấy nhất là trật tự an toàn xã hội, điển hình là trật tự giao thông; thứ hai là giá cả ở chợ, nếu ở đâu đều niêm yết giá, không phải mặc cả, chứng tỏ nơi đó đạo đức kinh doanh trung thực được tôn vinh; thứ ba là vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.(VnEconomy)