Ở Việt Nam, theo nhiều chuyên gia, giới nhà giàu chẳng phải rầu lòng như người giàu thế giới, thậm chí thoải mái “khoe tiền” vì khung quy định chưa chặt chẽ.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 10-08-2016
- Cập nhật : 10/08/2016
Bất lực với kẻ chây ì: Ngân sách mất trắng 15.000 tỷ?
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có việc xóa, khoanh gần 15.000 tỷ đồng nợ thuế cho DN.
Liệu chủ trương này có thực sự góp phần tháo gỡ được khó khăn cho DN, hay chỉ góp phần làm “sạch đẹp” các loại báo cáo, thậm chí tạo ra tâm lý chây ì nghĩa vụ thuế của DN.
Xóa 8.000 tỷ nợ thuế, khoanh 6.700 tỷ
Nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội chủ trương xóa, khoanh nợ thuế theo hai phương án.
Một là xóa nợ tiền chậm nộp thuế đối với DN cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn chi từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được nhà nước thanh toán. Tổng số tiền ước tính xóa là hơn 542 tỷ đồng.
Hai là xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước năm 2014. Và khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp tương tự phát sinh từ năm 2014 đến hết 2015.
Như vậy, theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có gần 15.000 tỷ đồng nợ thuế được đề xuất xóa, khoanh nợ. Trong đó, các khoản được xóa là gần 8.000 tỷ đồng và nợ thuế được khoanh là trên 6.700 tỷ đồng.
Bộ Tài chính khẳng định: Nguyên tắc xử lý xóa nợ, khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên BCH Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: Việc xóa tiền nợ thuế cho các DN bị ngân sách Nhà nước chậm trả là đúng với đạo lý và phù hợp với thực tiễn. Bởi vì chẳng mấy khi DN kiện được nhà nước chuyện thanh toán chậm”.
Đối với trường hợp DN bị tuyên phá sản mà không có khả năng nộp thuế thì đương nhiên nhà nước phải xóa nợ thuế. Bởi vì nợ thuế cũng là khoản nợ không có đảm bảo nên việc thu hồi được số thuế bao nhiêu, hay không thu hồi được nợ thuế phụ thuộc vào quyết định giải quyết phá sản của tòa.
Vì vậy nếu DN phá sản mà không thu được thuế thì cần phải xóa nợ thuế để phản ánh đúng thực trạng tài chính của đất nước.
Cứu DN đang sống thay vì cứu DN đã chết
Nhiều chuyên gia về thuế tỏ ra băn khoăn về trường hợp xóa nợ thuế cho DN giải thể, bỏ kinh doanh. Bởi vì một DN muốn giải thể được phải thực hiện nghĩa vụ thuế xong mới được giải thể.
“Vậy tại sao DN đã giải thể rồi mà chưa thu được tiền thuế?”, ông Nguyễn Văn Được thắc mắc.
Vì thế, ông Được đề nghị cần làm rõ các trường hợp nào giải thể không thu hồi được nợ thuế mà được xóa nợ thuế để đảm bảo bình đẳng giữa các DN; tránh tình trạng chây ỳ, bỏ trốn, không nộp tiền thuế để được xóa, khoanh nợ thuế gây bức xúc trong dư luận. Hệ lụy là không khuyến khích DN thực hiện tốt chính sách pháp luật.
Tuy nhiên nếu thực sự không thể thu hồi được sau khi áp dụng các biện pháp và quy trách nhiệm của người có liên quan thì cũng nên xóa nợ thuế cho giảm bớt chi phí theo dõi, quản lý…
“Nhưng trong tương lai tôi nghĩ rằng ngành thuế cần chú trọng hơn trong công tác thu nộp thuế để tránh tình trạng chây ỳ và bỏ trốn không nộp tiền thuế”, ông Được đề nghị.
Không mấy lạc quan vào tác động của việc xóa, khoanh nợ thuế với cộng đồng DN, ông Chung Thành Tiến, Trưởng đại diện phía Nam Hội kế toán hành nghề Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ kế toán Đồng Hưng cho rằng: Thực ra việc xóa, khoanh nợ thuế chẳng tác động gì cho DN nói chung cả. Chủ trương này chủ yếu hướng đến DN có vốn nhà nước.
“Còn nói xóa nợ thuế cho DN đã bỏ trốn, tôi nói thật DN nào mà bỏ trốn được cơ quan thuế. DN nào nợ thuế mà thoát được cơ quan thuế đâu, trừ khi DN đó chết rồi tuyên bố mãi mãi không kinh doanh nữa”, ông Chung Thành Tiến khẳng định.
Ở góc độ khác, ông Tiến cho rằng việc xóa nợ cho những DN đã giải thể, phá sản không có tác dụng gì ngoài việc “làm sạch đẹp” các loại báo cáo.
“Đáng ra phải chú ý đến những DN còn sống, họ đang yếu thì giúp họ khỏe lên. Những DN đã chết rồi thì giúp làm gì nữa. Những DN đang làm việc, mà gặp khó khăn thì chính sách phải mở ra cho người ta làm”, ông Tiến thẳng thắn.
Nhắc đến việc dự thảo Nghị quyết tính toán giảm thuế thu nhập DN nhỏ và vừa xuống 17%, ông Tiến cho rằng “không quan trọng”.
Thay vào đó, ông Tiến đề xuất: Những khoản chi hợp lý của DN phải được đưa vào chi phí được trừ cho phù hợp, từ đó giảm khoản thuế phải nộp của DN xuống. Đó mới là điều có lợi cho DN.
“Tôi quan tâm nhất là mọi chính sách đưa ra phải minh bạch, áp dụng cho các thành phần kinh tế phải như nhau”, ông Tiến nhấn mạnh.
Chốt lại vấn đề nợ thuế, ông Nguyễn Văn Được cho rằng: Tương lai chúng ta nên sòng phẳng với nhau. Nếu nhà nước chậm thanh toán cho DN thì nhà nước phải chịu phạt, thậm chí phải bồi thường thiệt hại. Còn DN chậm nộp tiền thuế thì vẫn phải thực hiện theo quy định của pháp luật thuế để đảm bảo công bằng, minh bạch giữa các DN và nhà nước.(Vietnamnet)
Gỡ “nút thắt” kinh doanh lĩnh vực hàng không
Nghị định số 92/2016/NĐ-CP mang tính đột phá lớn, cởi bỏ các nút thắt, thúc đẩy XHH đầu tư trong lĩnh vực hàng không.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng với nhiều quy định mang tính đột phá lớn, cởi bỏ các nút thắt, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này.
Gỡ rào cản về vốn nhà nước cho doanh nghiệp
Một trong những điểm đáng lưu ý nhất tại Nghị định 92 mới được Chính phủ ban hành là việc những rào cản về vốn Nhà nước và tỷ lệ vốn góp của hãng hàng không trong DN kinh doanh CHK đã được tháo gỡ.
Cụ thể, Nghị định 92 đã gỡ bỏ điều kiện vốn với DN kinh doanh CHK là ”tỷ lệ vốn Nhà nước không được thấp hơn 65% vốn điều lệ” như quy định cũ tại Nghị định 102, tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng CHK.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư tư nhân đang đầu tư xây dựng CHK Quảng Ninh, Lào Cai... khi đáp ứng được các điều kiện về vốn, về phương án kinh doanh và chiến lược phát triển, tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài (chiếm không quá 30% vốn điều lệ để đảm bảo các yếu tố về quốc phòng, an ninh) được phép thành lập DN để kinh doanh CHK, thu hồi nguồn vốn đã đầu tư xây dựng.
Tương tự, quy định về tỷ lệ vốn Nhà nước đối với DN cung cấp dịch vụ khai thác khu bay cũng đã được tháo gỡ để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh khai thác CHK, sân bay.
Bỏ quy định tỷ lệ vốn tham gia của hãng hàng không trong DN cảng
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh CHK, tạo thành một chu trình dịch vụ khép kín, mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, Nghị định 92 cũng đã bỏ quy định về tỷ lệ vốn tham gia của các hãng hàng không trong DN cảng.
Cần phải nhắc lại rằng, trước đây, nhằm ngăn ngừa việc các hãng hàng không lạm dụng lợi thế trong việc sở hữu CHK, tạo sự bất bình đẳng đối với hoạt động khai thác của các hãng hàng không khác nên các VBQPPL đã quy định tỷ lệ vốn góp của hãng hàng không vào DN kinh doanh CHK tối đa không quá 30% vốn điều lệ. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, xem xét Chính phủ thấy rằng việc kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của các hãng hàng không sẽ được điều tiết theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và các quy định về quản lý khai thác CHK, sân bay.
Đơn giản hóa thủ tục cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không
Nghị định 92 cũng tạo ra bước đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch hơn trong quá trình cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và kinh doanh hàng không chung. Theo đó, từ quy trình thủ tục phức tạp với thời gian cấp phép kéo dài gần 263 ngày quy định tại Nghị định 30/2010, thủ tục cấp giấy phép theo Nghị định 92 đã cắt giảm 72% thời gian làm thủ tục xuống còn 60 ngày; Thủ tục cấp lại giấy phép cũng đã giảm từ 37 ngày xuống còn 18 ngày đối với trường hợp cấp lại do thay đổi nội dung và còn 5 ngày đối với trường hợp cấp lại do mất, rách.
Đặc biệt, đối với việc chuyển nhượng cổ phần nhà đầu tư nước ngoài, tại Nghị định 92, Chính phủ đã giao thẩm quyền xem xét chấp thuận nội dung chuyển nhượng vốn đầu tư cho nước ngoài của DN không có vốn đầu tư nước ngoài cho Bộ trưởng Bộ GTVT để tạo tính chủ động cho Bộ chuyên ngành, rút ngắn thời gian xem xét chấp thuận hoặc không chấp thuận cho DN chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài xuống còn 10 ngày để DN không bị mất chi phí cơ hội trong việc thu hút vốn đầu tư do phải kéo dài thủ tục hành chính.
Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung cho DN sử dụng tàu bay để đào tạo, huấn luyện, bay hiệu chuẩn theo quy định tại Nghị định này cũng đã được gỡ bỏ, tạo sức hút DN đầu tư vào lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước, đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không dân dụng Việt Nam. Theo đó, DN kinh doanh trong lĩnh vực này chỉ phải đáp ứng các quy định về kinh doanh dịch vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không mà không đồng thời phải đáp ứng các quy định về kinh doanh vận tải hàng không.(Baogiaothong)
Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý 7 sai phạm của Tập đoàn Than - Khoáng sản VN
Kiểm toán Nhà nước vừa đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) phải tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến 7 sai phạm trong năm 2015.
Dựa trên kết quả kiểm toán năm 2015, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố kiến nghị về xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm được phát hiện, trong đó có sai phạm của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Theo đó, KTNN đề nghị Vinacomin kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến 7 sai sót, tồn tại trong năm 2015.
Cụ thể, sai phạm thứ nhất là thực hiện thăm dò khi chưa có giấy phép, thăm dò vượt chiều sâu cho phép. Điển hình như khoan vượt giấy phép tại 2 đề án của Công ty Than Hạ Long, 2 đề án của Công ty Than Uông Bí, 1 đề án của Công ty Than Dương Huy, 1 đề án của Công ty Than Mạo Khê…; khoan thăm dò ngoài phạm vi được phép quản lý tại TCT Công nghiệp mỏ Việt Bắc.
Thứ hai, sai phạm về thẩm định, phê duyệt đề án khi chưa được sự cho phép của cơ quan cấp phép thăm dò. Bên cạnh đó, các đề án thăm dò ở nước ngoài không thuộc phạm vi được chi từ nguồn Quỹ.
Thứ ba, sai sót trong việc thực hiện chỉ định thầu cho các đơn vị vừa lập đề án, vừa thi công không đúng quy định.
Thứ tư, sai phạm trong thực hiện chỉ đạo, điều chỉnh hệ số đơn giá các đề án khoan thăm dò không đúng thẩm quyền.
Thứ năm, sai phạm về ký kết phụ lục phiếu ngoài thời gian hiệu lực của hợp đồng gốc. Chưa phân định rõ trách nhiệm của từng bên trong việc chậm tiến độ hợp đồng, không xử phạt chậm tiến độ do lỗi của đơn vị thi công.
Thứ sáu, sai sót trong quản lý và hạch toán chi phí thực hiện đầu tư vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Dự án Xử lý chống sạt lở mái ta luy đường nối Quốc lộ 18A và Mỏ than Ngã Hai tại Công ty Than Quang Hanh.
Cuối cùng, sai phạm về quản lý và quyết toán Quỹ Thăm dò và Quỹ Môi trường hàng năm. Cụ thể, Vinacomin đã sai sót trong quyết toán sai đơn giá được ban hành, chi phí thẩm định, xét duyệt sai đối tượng được hưởng, các giá trị không đủ điều kiện quyết toán.
Được biết, sai phạm nổi bật của Vinacomin được KTNN phát hiện là việc trích lập Quỹ Thăm dò và Quỹ Môi trường than - khoáng sản hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Cụ thể, Vinacomin chỉ xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường trung và dài hạn từ tháng 6.2013, nhưng lại trích vượt Quỹ môi trường năm 2012 là 113,74 tỉ đồng; Sử dụng Quỹ để đầu tư cho các dự án, đề án không đúng quy định từ năm 2010-2014 là 238,68 tỉ đồng, trong đó, Quỹ Thăm dò là 191,06 tỉ đồng, Quỹ Môi trường là 47,62 tỉ đồng.
Ngoài ra, Vinacomin còn sử dụng Quỹ Thăm dò để đầu tư cho hoạt động khai thác khoáng sản ngoài than lớn hơn số trích lập 371,1 tỉ đồng. Trong đó, Tập đoàn này sử dụng Quỹ Thăm dò tới 529,4 tỉ đồng trên số được trích lập chỉ là 158,3 tỉ đồng.(Motthegioi)
Thả nổi nhập xe, ảnh hưởng đến thu thuế nội địa
Lượng xe nhập khẩu tăng sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, dẫn đến ảnh hưởng nguồn thu thuế nội địa và ảnh hưởng đến việc làm, phúc lợi xã hội.
Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tài chính vừa có văn bản đưa ra quan điểm, đánh giá về các khó khăn vướng mắc của Thông tư 20/2011/TT-BTC: Quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống.
Theo đó, vụ này cho rằng một số quan điểm nêu việc bãi bỏ thông tư sẽ dẫn đến lượng nhập khẩu ô tô tăng, làm tăng thu ngân sách là không đúng.
Ngược lại, lượng xe nhập khẩu tăng sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, dẫn đến ảnh hưởng nguồn thu thuế nội địa và ảnh hưởng đến việc làm, phúc lợi xã hội.
Vụ Hợp tác quốc tế cũng đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong xây dựng các quy định về quản lý chuyên ngành đối với mặt hàng ô tô. Đặc biệt, bộ cần có công cụ hiệu quả để bảo vệ nền sản xuất trong nước trong giai đoạn khó khăn này.