Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Có thể chấm dứt dự án Formosa nếu không khắc phục hậu quả về môi trường
Năm 2019, ngân sách sẽ mất hàng chục nghìn tỷ thuế bảo vệ môi trường xăng dầu
Chi phí dự phòng và nợ xấu tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận ngân hàng
Vay 7.000 tỷ làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: "Trung Quốc rất quan tâm..."
Quy hoạch Lý Sơn: Đừng chủ quan!
- Cập nhật : 22/09/2015
(Tin kinh te)
Dù tỉnh Quảng Ngãi mới nghe CPG thuộc Tập đoàn CAG của Trung Quốc trình bày quy hoạch đảo Lý Sơn nhưng dư luận trong nước đã rất lo lắng
Theo ông Lê Minh Huấn, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau hội thảo quốc gia Định hướng phát triển và cơ chế đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển Lý Sơn. UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND huyệnđảo Lý Sơn lập đề cương quy hoạch toàn bộ huyện Lý Sơn, trình tỉnh xem xét. Trên cơ sở đó lựa chọn, thuê đơn vị tư vấn có uy tín của nước ngoài để lập quy hoạch phát triển Lý Sơn.
Tập đoàn CPG đã được một công ty tư vấn trong nước liên kết và giới thiệu về tỉnh Quảng Ngãi. “Cần phải nói rõ, hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ nghe họ giới thiệu về đồ án quy hoạch Lý Sơn. Tỉnh Quảng Ngãi chưa có bất kỳ một quyết định thuê hoặc đặt vấn đề thuê họ gì cả. Việc này chẳng có gì cả” - ông Huấn nói.
Qua theo dõi trên báo chí, UBND tỉnh nhận thấy CPG không phải của Singapore nên đang tìm hiểu, nghiên cứu. Trước khi quyết định, tỉnh phải tìm hiểu kỹ càng. Còn việc CPG đến trình bày ý tưởng, tỉnh đều tiếp nhận. Sau này, đơn vị nào được thuê để lập quy hoạch phải trải qua nhiều khâu, xem xét hồ sơ, đấu thầu theo Luật Đấu thầu của nhà nước.
Trước buổi làm việc với Tập đoàn CPG, ông Huấn cho hay chưa có đơn vị nào trình bày ý tưởng và muốn trở thành đơn vị tư vấn về đồ án quy hoạch Lý Sơn.
“UBND tỉnh chỉ đạo lập quy hoạch phát triển Lý Sơn và phải làm khẩn trương nhưng việc này chậm quá! Sau này, tỉnh có chỉ đạo đồng ý cho công ty trong nước lập quy hoạch, có liên kết với nước ngoài là Singapore. Việc liên kết này bảo đảm phải có đơn vị tốt nhất để quy hoạch Lý Sơn” - ông Huấn nhấn mạnh.
“Không có gì phải băn khoăn” (!)
Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho biết không có gì phải băn khoăn. “Nếu họ (Tập đoàn CPG - PV) thực sự là đơn vị tư vấn giúp đỡ cho chúng tôi được thì vẫn chấp nhận họ phối hợp với trong nước làm. Quan điểm của tôi không phân biệt tập đoàn đó thuộc quốc gia nào, tất cả đều có quan hệ với nhau hết, kể cả những nhà đầu tư Trung Quốc. Địa bàn của chúng tôi cũng có rất nhiều nhà đầu tư của Trung Quốc đang triển khai các dự án” - ông Chữ nói.
Không nên hợp tác!
Trong cuộc họp nghe Tập đoàn CPG trình bày ý tưởng, huyện đảo Lý Sơn cũng tham dự với tư cách đơn vị được mời. Quan điểm của địa phương nếu CPG thực sự của Trung Quốc thì không nên hợp tác vì đảo Lý Sơn rất nhạy cảm. Kể cả nếu giao cho đơn vị Singapore cũng phải có quy định, cam kết không được bàn giao cho đơn vị khác nếu chưa được đồng ý của chủ đầu tư thì mới quản lý họ được chứ sau này họ nhận danh nghĩa đó rồi, họ bàn giao cho đơn vị Trung Quốc cũng khó!
Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn
Công ty nước ngoài không được tư vấn cho Lý Sơn
Chúng tôi đã nắm sơ bộ vụ việc. Hiện đơn vị đang theo dõi, nắm kỹ hơn vấn đề này. Khi UBND tỉnh chính thức chọn công ty tư vấn, tỉnh Quảng Ngãi phải có trách nhiệm báo cáo cụ thể với Quân khu 5 và phải xin ý kiến Quân khu 5 về vấn đề quốc phòng, an ninh. Việc để công ty nước ngoài lập tư vấn, quy hoạch phát triển huyện đảo Lý Sơn là không thể vì nó liên quan đến thông tin quốc phòng - an ninh. Tôi nghĩ lãnh đạo Quân khu 5 cũng không bao giờ đồng ý để các công ty nước ngoài lập quy hoạch phát triển các đảo gần bờ.
Một đại tá ở Quân khu 5
Lợi ích chủ quyền trên hết
Không thể chỉ xem đây là một công ty nước ngoài thuần túy. Mặc dù quy định pháp luật không phân biệt công ty thuộc quốc gia này, quốc gia khác nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi phải đủ hiểu biết, bản lĩnh, nhạy cảm chính trị khi quyết định chọn một công ty lập quy hoạch Lý Sơn để có lợi nhất cho địa phương và đất nước. Không chỉ đảo Lý Sơn mà các đảo, biên giới, vị trí trọng yếu khác về quốc phòng - an ninh khác cũng cần được lãnh đạo các địa phương đặt vấn đề lợi ích quốc gia, chủ quyền, quốc phòng - an ninh lên trên lợi ích kinh tế - xã hội đơn thuần.
TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp
(Ủy ban Thường vụ Quốc hội)
Tối kỵ
Những đảo chưa được phép của Chính phủ tuyệt đối không được cho nhà đầu tư, đơn vị nước ngoài đầu tư, lập quy hoạch hay các hoạt động khác có liên quan đến quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, Lý Sơn là đảo gần bờ nằm trên đường cơ sở - là bất khả xâm phạm thì tuyệt đối cấm việc thuê, cho phép công ty nước ngoài đầu tư cũng như thuê đất, lập dự án... nếu không được cấp có thẩm quyền cho phép. Với vị trí của mình, Lý Sơn được xem như một căn cứ quân sự, hậu cần, chi viện bảo vệ các đảo, quần đảo xa cũng như bảo vệ bờ biển đất nước, kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nếu để một tập đoàn Trung Quốc tham gia lập quy hoạch cho đảo là điều tối kỵ. Hơn nữa, Lý Sơn không chỉ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh mà còn có giá trị về lịch sử, khẳng định chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
T.Trực - Q.Châu - T.Dũngghi
Theo Người Lao động