Việt Nam hưởng lợi khi Trung Quốc nâng cấp chuỗi giá trị
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng hơn 26.000 tỷ đồng
Sẽ tái cấp thủ tục lưu hành cho các sản phẩm thức ăn thủy sản được “cấp khống” giấy phép lưu hành
Phó thủ tướng nêu lý do 70% du khách không quay lại Việt Nam
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 10-08-2016
- Cập nhật : 10/08/2016
Những yếu tố gây sức ép làm tăng giá cả tháng 8
Nhu cầu mua sắm, thời tiết mưa bão... sẽ là những yếu tố dự kiến sẽ tác động, gây sức ép tăng nhẹ lên mặt bằng giá tháng 8 này.
Theo thông tin Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) công bố, trong tháng 8 dự báo một số yếu tố sẽ tác động, gây sức ép tăng nhẹ lên mặt bằng giá là: nhu cầu mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017 có thể tăng cao trong tháng 9 tới. Từ đó sẽ đẩy giá một số mặt hàng như: đồ dùng học tập, quần áo, giầy dép, mũ nón, dịch vụ may mặc... tăng.
Ngoài ra, nhóm thực phẩm cũng được dự báo sẽ tăng giá do tác động từ yếu tố thời tiết. Bởi vì, theo quy luật hàng năm, tháng 8 thường xảy ra mưa bão gây tăng giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tại những địa phương bị ảnh hưởng. Trong tháng 8 này, giá trứng có thể tăng do các doanh nghiệp tăng thu mua để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất bánh Trung Thu. Ngoài ra, trong trường hợp thời tiết còn nắng nóng sẽ tiếp tục làm tăng giá điện sinh hoạt lũy tiến, nước sinh hoạt lũy tiến.
Vì vậy, để bình ổn thị trường giá cả trong tháng 8, Cục Quản lý giá kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-C ngày 7.1.2016 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo có liên quan; chương trình bình ổn thị trường phục vụ mùa khai trường 2016-2017 được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương....Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường để kịp thời có biện pháp quản lý điều hành, bình ổn giá sao cho phù hợp.
Đánh giá về tình hình giá cả thị trường tháng 7 vừa qua, Cục Quản lý giá cho biết, trong tháng 7, giá một số mặt hàng thiết yếu tại thị trường trong nước chủ yếu có xu hướng ổn định hoặc giảm so với tháng 6.
Cụ thể, giá các loại thực phẩm tươi sống có diễn biến giảm nhẹ và ổn định (tùy mặt hàng). Giá thịt lợn hơi giảm nhẹ, tại miền Bắc, giá khoảng 45.000-50.000 đồng/kg (giảm 1.000 đồng/kg), tại Miền Nam, giá khoảng 43.000-48.000 (giảm 1.000-2.000 đồng/kg). Giá thịt bò tương đối ổn định do nhu cầu thị trường không có nhiều biến động, giá phổ biến khoảng 260.000-275.000 đồng/kg. Giá thịt gia cầm cũng diễn biến ổn định, cụ thể: Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch giá ở mức 115.000-125.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 57.000-60.000 đồng/kg.
Giá các mặt hàng thủy hải sản trong tháng 7 cũng không có biến động so với tháng 6. Cụ thể: Cá chép phổ biến 73.000-80.000 đồng/kg, tôm sú phổ biến 187.000-190.000 đồng/kg, cá quả phổ biến 125.000-127.000 đồng/kg. Giá một số loại rau củ quả tương đối ổn định trong tháng, ví dụ như: Bắp cải phổ biến 15.000-17.000 đồng/kg, khoai tây phổ biến 17.000-20.000 đồng/kg, cà chua phổ biến 17.000-20.000 đồng/kg.
Về mặt hàng lúa gạo, cơ quan này cho biết, tại miền Bắc giá thóc, gạo tẻ tháng 7 ổn định hơn so với tháng trước, cụ thể: Giá thóc tẻ thường dao động ở mức 6.500-7.500 đồng/kg, giá một số loại thóc chất lượng cao hơn ở mức 8.000-9.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động ở mức 8.500-14.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại miền Nam, thị trường thóc gạo lại tiếp tục trầm lắng, giá thóc gạo tháng 7 có xu hướng giảm, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ yếu, trong khi nguồn cung lại dồi dào sau vụ thu hoạch lúa Đông Xuân và Hè Thu.
Giá gạo xuất khẩu cũng giảm còn do sức ép gia tăng từ các cuộc đấu thầu bán gạo của Chính phủ Thái Lan, cụ thể: giá thóc tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 4.700-5.000 đồng/kg (giảm 100 đồng/kg), giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì giao tại mạn tàu khoảng 7.400-7.500 đồng/kg (giảm 100-200 đồng/kg), gạo 25% tấm khoảng 7.200-7.300 đồng/kg (giảm 100 đồng/kg).(Motthegioi)
Xử lý nợ xấu chưa có hiệu quả thực chất
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kết quả kiểm toán năm 2015 tại Ngân hàng Nhà nước và 13 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và Chuyên đề việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015.
Theo đó, rất nhiều bất cập được chỉ ra, dù 10/11 tổ chức được kiểm toán có kết quả kinh doanh lãi. Tỷ lệ nợ xấu được Tổng Công ty Mua bán nợ (VAMC) thực chất xử lý chỉ chiếm con số cực kỳ nhỏ: 0,65% trong số tổng nợ xấu mua về.
Tại báo cáo kiểm toán, các đơn vị đứng đầu trong 10 đơn vị kinh doanh có lãi bao gồm BIDV là 6.316 tỷ đồng, VCB 5.843 tỷ đồng, Vietinbank 7.303 tỷ đồng..., riêng Công ty Chứng khoán MHB (MHBS) thua lỗ 167 tỷ đồng. Bên cạnh kết quả kinh doanh tốt của một số đơn vị thì hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và còn tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý.
Tổng nợ xấu toàn hệ thống tại 31-12-2014 (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng) là 145,2 nghìn tỷ đồng (tăng 28,7 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 24,6% so với cuối năm 2013), chiếm 3,25% tổng dư nợ (giảm 0,36% so với năm 2013). Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống theo đánh giá của NHNN là 4,83%.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cao và tăng nhanh (tại 31-12-2014 là 11,05%, tăng 68% so với năm 2013).
Việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC: bán 79,61 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 1 nửa trong tổng số 143,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý trong năm 2014, nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Năm 2014 VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ đồng nợ xấu đã mua, chỉ chiếm tỷ lệ cực kỳ khiêm tốn 0,65%.
Các tổ chức tín dụng được đánh giá là phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng, cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ (Vietinbank 20,5 tỷ đồng, BIDV 36,5 tỷ đồng, VCB 41,3 tỷ đồng).
VDB cân đối giữa huy động và sử dụng vốn chưa phù hợp, dẫn đến tồn đọng vốn lớn (số dư tiền gửi có kỳ hạn bình quân năm 2014 tại các tổ chức tín dụng là 13.226 tỷ đồng), làm gia tăng cấp bù chênh lệch lãi suất từ NSNN.
Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiều khoản nợ đến hạn phải xin gia hạn hoặc chuyển nợ quá hạn. Agriseco thực hiện lệnh mua chứng khoán cho khách hàng khi tài khoản của khách hàng không đủ tiền.
Công ty Chứng khoán MHB vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, dẫn đến nợ tồn đọng nhiều, khó có khả năng thu hồi (cho khách hàng nợ tiền mua chứng khoán 282,72 tỷ đồng; cho vay mua chứng khoán thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư 53,16 tỷ đồng, thông qua hợp đồng uỷ thác đầu tư 70,4 tỷ đồng); kinh doanh thua lỗ không có nguồn để trả trái phiếu đến hạn 400 tỷ đồng, không quản lý tách biệt tiền và chứng khoán của nhà đầu tư và của công ty chứng khoán, gia hạn hợp đồng mua bán lại chứng khoán có kỳ hạn không đúng hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết: Một số đơn vị quản lý tiền mặt, tiền gửi chưa chặt chẽ; tỷ lệ nợ phải thu khó đòi cao (BIC tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu bảo hiểm gốc là 21,9%; VBI tỷ lệ nợ phải thu khó đòi/tổng nợ phải thu là 26,57%); một số khoản phải thu tồn đọng từ nhiều năm chưa có biện pháp thu hồi và xử lý dứt điểm, đơn cử Vietinbank còn khoản thu nhập từ cổ tức năm 2012 của Ngân hàng TNHH Indovina 83,31 tỷ đồng, năm 2013 là 115,7 tỷ đồng; MHBS còn khoản cho khách hàng nợ, vay để mua chứng khoán không đúng quy định 406,28 tỷ đồng từ năm 2010.
Các đơn vị cũng được đánh giá là hạch toán, ghi nhận tài sản cố định chưa kịp thời, đúng quy định. Một số dự án đầu tư xây dựng phải tạm dừng; một số khoản đầu tư, góp vốn hiệu quả thấp, suy giảm giá trị, như: BIDV đầu tư vào chứng khoán vốn sẵn sàng để bán 611 tỷ đồng, giá trị suy giảm 34%;
Vietinbank đầu tư vào cổ phiếu Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên 101 tỷ đồng, giá trị suy giảm 69,3%; Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa 22,29 tỷ đồng, giá trị suy giảm 51,9%; Công ty Xi măng Hà Tiên 1 là 21,74 tỷ đồng, giá trị suy giảm 33,7%;
BIC đầu tư vào cổ phiếu Công ty cổ phần Phát triển Đông Dương Xanh 26,09 tỷ đồng từ năm 2009 nhưng phải trích dự phòng giảm giá đầu tư tại 31-12-2014 là 16,55 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán VCB đầu tư vào các công ty chưa niêm yết vượt 20% vốn chủ sở hữu 84,49 tỷ đồng; VCB có 28 lô đất với diện tích 3,8ha chưa sử dụng. Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng hầu hết các đơn vị xác định doanh thu, chi phí chưa đúng quy định, khiến cơ quan này phải điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế 17,28 tỷ đồng, giảm lợi nhuận sau thuế 219,59 tỷ đồng.
Về thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, Kiểm toán Nhà nước đánh giá là quá trình triển khai và thực hiện còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, như việc tăng vốn điều lệ; một số quy định trong việc bán nợ cho VAMC;
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phải thực hiện chính sách về cho vay nông nghiệp nông thôn, trong khi vẫn phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN; việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém có chất lượng tín dụng không tốt, tạo áp lực lớn trong việc đảm bảo mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và đảm bảo các mục tiêu hiệu quả hoạt động như cam kết tại Phương án cơ cấu lại; quy định tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần trên 5% tại các tổ chức tín dụng khác phải thoái vốn trong thời gian 1 năm sẽ ảnh hưởng đến giá bán, lợi ích của tổ chức tín dụng.(CAND)
Dồn dập mua xe trước tháng ngâu, hơn 28 nghìn xe ô tô tiêu thụ trong một tháng qua
Tháng 7 âm lịch (tức tháng 8 dương lịch) hay còn gọi là tháng ngâu người Việt có tâm lý ngại mua xe nên doanh số bán ô tô tháng 7 cao đột biến, hơn 28 nghìn xe đã được tiêu thụ trong một tháng.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 7, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 28.004 xe, tăng 15% so với tháng 6/2016 và tăng 38% so với tháng 7/2015.
Thị trường ô tô Việt Nam đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng sau khi liên tục đảo chiều do những thay đổi về chính sách thuế.
Trong số 28.004 xe mà thị trường tiêu thụ có 17.514 xe du lịch; 9.334 xe thương mại và 1.156 xe chuyên dụng.Với con số này, doanh số xe du lịch tăng 36%; xe thương mại giảm 10% và xe chuyên dụng giảm 2% so với tháng trước .
Lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) và xe lắp ráp trong nước cũng bắt đầu tăng trưởng cân bằng hơn. Cụ thể, trong tháng 7, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 20.726 xe, tăng 15% so với tháng trước. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là xe, 7.728 tăng 14% so với tháng trước.
Như vậy, tính tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 7/2016 đã đạt đến con số 163.867 chiếc, tăng 32% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 28%; xe thương mại tăng 36% và xe chuyên dụng tăng 49% so với cùng kì năm ngoái.
Tính tổng 7 tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 35% trong khi xe nhập khẩu tăng 24% so với cùng kì năm ngoái.
Trong số các thành viên VAMA, Thaco tiếp tục là đơn vị dẫn đầu thị trường khi bán ra 10,170 chiếc xe, chiếm 42.1% thị phần.
Với doanh số này, Thaco tăng tới 10% so với tháng trước. Năm nay, doanh số của Thaco cũng tăng trưởng mạnh so với năm ngoái khi tăng trưởng tới trên 49% về doanh số bán ra và tăng cả về thị phần trên thị trường (38.6%).
Toyota tiếp tục đứng vị trí thứ 2 với 5.170 xe bán ra trong tháng 7, chiếm 21.4% thị phần (trong đó không tính doanh số của Lexus).
Ford đứng thứ 3 thị trường với 2.704 bán ra và nắm giữ 11.2% thị phần.
Tháng 8 dương lịch trùng với tháng ngâu ở Việt Nam nên dự báo số lượng ô tô tiêu thụ sẽ sụt giảm mạnh bởi tâm lý người dân ngại mua xe vào tháng này, tháng được cho là có nhiều rủi ro.(NDH)
Rau, quả Trung Quốc ùn ùn vào Việt Nam
Hàng Thái Lan cũng không chắc an toàn
Từ năm 2014, Thái Lan đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước cung cấp nhiều rau quả nhất cho VN. Sở dĩ rau quả Thái chiếm được vị trí "quán quân" tại thị trường nước ta là nhờ vào sự tin tưởng của người tiêu dùng. Nhưng hồi tháng 5 vừa rồi, Thai-PAN, tên viết tắt của Hệ thống cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan, cho biết có đến 57,1% các loại rau quả được Văn phòng Quốc gia về sản phẩm nông nghiệp và tiêu chuẩn thực phẩm dán nhãn “Q” công nhận sản phẩm đạt chất lượng bị phát hiện chứa chất độc hại vượt mức an toàn.
Gần đây nhất là câu chuyện xoài Trung Quốc. Loại xoài này trái nhỏ, chất lượng thấp, giá bán lẻ 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) mỗi ngày có hàng trăm tấn nhập vào thị trường nội địa và mỗi năm lên tới 2.000 - 2.500 tấn. Không chỉ các chuyên gia nông nghiệp, các lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền mà ngay cả những người chuyên buôn bán xoài cũng "ngã ngửa" khi nghe thông tin này.
Chị Hiếu, chủ một vựa xoài ở tỉnh Đồng Tháp, cho biết hơn chục năm qua chị chuyên thu mua xoài xuất đi Trung Quốc. Dân Trung Quốc rất thích xoài VN vì trái to, chất lượng thơm ngon. Vào vụ, trung bình mỗi tuần chị Hiếu xuất vài trăm tấn sang nước này. Chỉ mới gần đây nghe rộ lên thông tin “xoài giả”, chị mới biết có chuyện Trung Quốc xuất ngược xoài sang VN. “Thấy lạ, tôi cũng tìm mua ăn thử thì từ chất lượng đến hình dáng đều thua xa xoài VN nhưng không hiểu sao họ “chở củi về rừng” và vẫn bán được. Không lẽ nào chỉ vừa hết mùa xoài mà nhu cầu ăn xoài của người Việt mình lại cao đến vậy?”, chị Hiếu tự hỏi.
“Xoài cát Hòa Lộc của VN thuộc loại ngon nhất thế giới. Tôi cũng không hiểu vì sao xoài Trung Quốc chất lượng thấp và giá không hề rẻ như vậy lại có thể thâm nhập vào thị trường của chúng ta. Chỉ có thể là do hình dáng lạ mắt”, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, lý giải.
Nói về chất lượng xoài VN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsak, trong chuyến thăm VN gần đây, cũng nhiều lần khen ngợi và nhấn mạnh rằng đây là một trong những mặt hàng mà Mỹ có thể nhập khẩu và sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nghịch lý xoài VN hiện xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hàn Quốc, Úc, Canada, New Zealand… vậy mà ngay trên sân nhà lại bị "đè" bởi sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc làm đau đầu không ít người. Nhưng một đầu nậu đánh hàng từ Trung Quốc về VN lý giải, sở dĩ loại xoài này vẫn sống được vì khi bán hầu hết tiểu thương đều “đánh tráo” nguồn gốc, nói là xoài miền Tây. Thấy bán được, rất nhiều người, nhiều doanh nghiệp đã tìm giống về trồng. Lãnh đạo Cục Trồng trọt thừa nhận: “Giống xoài này chưa được kiểm soát về dịch hại nhưng đã tăng nhanh diện tích một cách bất thường trong mấy năm gần đây, đặc biệt ở các tỉnh Nam bộ”.
Theo các nhà khoa học, việc trồng một giống cây không rõ nguồn gốc, chất lượng sẽ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng xấu đến các giống bản địa. Đó chính là lý do nhiều nước trên thế giới quản lý khâu này rất chặt chẽ.
Mới đây, đôi vợ chồng nổi tiếng của Hollywood là Johnny Depp và Amber Heard đã phải ra tòa trình diện với cáo buộc đưa hai con chó cưng nhập cảnh trái phép vào Úc. Còn ở VN, do quản lý không tốt các loài sinh vật ngoại lai ngày càng nhiều mà bài học đắt giá như: ốc bươu vàng, cây mai dương…
Đến củ tỏi, mớ rau
“Phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc một cách trung thực, khách quan và công bố thông tin rộng rãi để người tiêu dùng biết lựa chọn”.
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM
Lý giải về việc hàng Trung Quốc vẫn sống khỏe tại thị trường VN dù thời gian qua đã có tâm lý sợ hàng từ nước này vì chất lượng kém và độc hại,
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, phân tích: Tâm lý sợ, tránh hàng Trung Quốc trong một bộ phận người dân hiện nay là có. Tuy nhiên ở các chợ truyền thống, chợ bình dân, chợ tự phát gần các khu công nghiệp, nông thôn, nơi mức sống của người dân còn thấp thì điều quan trọng hơn với họ là giá cả. Rau quả Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã bắt mắt nên vẫn bán được. Yếu tố thứ hai hết sức đau lòng hiện nay là “rau quả VN cũng chưa chắc đã an toàn hơn” nên với nhiều người, mua cái rẻ có lợi. Hai yếu tố trên cho thấy về mặt khách quan nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc là do nhu cầu có thật.
Theo TS Ngãi, là một nước nông nghiệp, để giảm nhập khẩu từ Trung Quốc chúng ta chỉ cần tăng sản lượng cung ứng cho thị trường. Cũng cần lưu ý là hàng hóa của chúng ta phải theo các tiêu chuẩn an toàn chất lượng để người tiêu dùng an tâm lựa chọn. Còn kiểu sản xuất mù mờ như chúng ta hiện nay thì rất khó để đánh bại hàng Trung Quốc.
"Phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng nông sản nhập khẩu của Trung Quốc một cách trung thực, khách quan và công bố thông tin rộng rãi để người tiêu dùng biết lựa chọn. Nếu chúng ta làm được như vậy thì hàng rau quả Trung Quốc sẽ mất dần đất sống", TS Ngãi nói.(XL)