tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 10-08-2016

  • Cập nhật : 10/08/2016

Chính sách thuế làm khó con tôm

Hàng trăm doanh nghiệp (DN) sản xuất tôm giống đang đứng ngồi không yên trước quyết định tăng thuế nhập khẩu artemia (một loại thức ăn nuôi tôm giống chưa thay thế) từ 0% lên 5%.

Thay vì được xếp vào nhóm “thức ăn nuôi tôm” với thuế suất nhập khẩu là 0%, các loại artemia vừa được cơ quan hải quan đưa vào nhóm “sản phẩm từ động vật giáp xác, động vật thân mềm hoặc động vật thủy sinh không xương sống khác” và áp mức thuế nhập khẩu là 5%, đồng thời truy thu cho cả các lô hàng nhập khẩu từ năm 2016 trở về trước.

Bỗng dưng bị
 truy thu thuế

Những ngày qua ông Trương Hữu Thuận, giám đốc Công ty TNHH Anh Việt (Bình Thuận) phải chạy đi chạy lại giữa Bình Thuận và TP.HCM để giải trình và đóng thuế đối với các lô hàng artemia (động vật phù du) nhập về làm thức ăn cho tôm giống. Theo ông Thuận, sản phẩm này vừa bị Hải quan TP.HCM áp mức thuế nhập khẩu lên tới 5%, thay vì được hưởng thuế ưu đãi 0% như trước.

Đặc biệt, cơ quan hải quan còn yêu cầu các DN khai báo những lô hàng nhập khẩu từ năm 2016 trở về trước để truy thu thuế nhập khẩu. “Không chỉ phải đóng thuế mới, chúng tôi còn bị phạt và có nguy cơ bị khóa cửa hải quan, không thể nhập khẩu cả thức ăn lẫn tôm giống bố mẹ để sản xuất trong thời gian tới nữa” - ông Thuận cho biết.

Theo ông Thuận, việc áp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm artemia không khác gì việc “bỏ con tôm bắt con tép” vì thuế thu được không đáng bao nhiêu so với nguồn thu ngân sách, trong khi sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành sản xuất tôm giống và tôm thịt của VN thời gian tới. “Tăng thuế tức là giá bán cao hơn, người sản xuất và người dân sẽ chuyển sang dùng thức ăn thông thường thay vì artemia, chất lượng tôm giống giảm và dịch bệnh sẽ xảy ra nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Thuận cảnh báo.

Không chỉ riêng Công ty Anh Việt, hàng trăm công ty khác sản xuất tôm giống, cá giống cũng trong tình trạng tương tự bởi artemia là loại thức ăn chất lượng cao ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng con giống. Trong khi đó, artemia ở VN sản xuất chưa nhiều và chất lượng thấp, các DN buộc phải nhập khẩu từ nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Asean... với giá từ 2-3 triệu đồng/kg.

Ông Trương Hữu Thông, giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận (Tuy Phong, Bình Thuận), cho rằng việc truy thu thuế nhập khẩu đối với sản phẩm này sẽ làm khó cho các DN. Bởi với mức thuế 0% trước đây, DN đã làm giá bán và tính toán giá thành nuôi tôm giống trong những năm qua. Nếu bị truy thu thuế, DN phải tự móc tiền túi ra nộp vì không thể đòi khách hàng, chưa kể hoạt động sản xuất và kinh doanh tôm giống thời gian tới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do giá thành tăng.

Trước những phản ảnh của các DN sản xuất tôm giống, ngày 2-8 vừa qua, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét lại việc truy thu thuế nhập khẩu 5% với thức ăn tôm giống artemia vì đây là thức ăn dùng cho sản xuất giống thủy sản, đối tượng ưu đãi đầu tư sản xuất. Tổng cục Thủy sản cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, phê duyệt áp mã số thuế đối với sản phẩm trứng artemia thuế suất 0%.

Làm suy yếu khả năng cạnh tranh của tôm VN

Theo Bộ NN&PTNT, các DN sản xuất tôm giống là đối tượng được khuyến khích và hỗ trợ phát triển thông qua nhiều chính sách, trong đó có chính sách giảm thuế nhập khẩu đối với con giống và thức ăn nuôi thủy sản. Vì vậy, việc áp dụng thuế nhập khẩu 5% đối với mặt hàng artemia không đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách, mà sẽ gây tác động xấu đến chất lượng tôm giống do các DN có thể chuyển sang sử dụng thức ăn nhân tạo để tiết kiệm chi phí, gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành tôm.

Chưa hết, các quốc gia có ngành công nghiệp nuôi tôm phát triển đều áp thuế suất nhập khẩu sản phẩm này với mức thấp (Malaysia 0%, Hoa Kỳ 0-0,8%, Úc 0-2,5%...) nhằm hỗ trợ việc phát triển tôm giống chất lượng cao, hạn chế dịch bệnh trên tôm thịt.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh trứng artemia có vai trò rất quan trọng gần như chưa có sản phẩm thay thế hoàn toàn trong sản xuất giống thủy sản ở VN, đặc biệt trong sản xuất tôm giống nước lợ như nâng cao sức sinh trưởng, phát triển, tỉ lệ sống và tính ổn định của ấu trùng.

Một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết ngoài số lượng trứng artemia sản xuất trong nước, hằng năm VN vẫn phải nhập khẩu khoảng 160 tấn trứng artemia để phục vụ sản xuất 80 tỉ tôm giống nước lợ và một số đối tượng thủy sản khác.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch nhập khẩu artemia của VN trong năm 2015 hơn 30 triệu USD chủ yếu từ Asean (17,9 triệu USD), Mỹ (12,3 triệu USD). Nếu áp mức thuế 5% với sản phẩm này, số thuế nhập khẩu thực tế không đáng kể trong khi ngành tôm có giá trị xuất khẩu lên đến trên 3 tỉ USD mỗi năm.

Trong khi đó, artemia lại là nguồn thức ăn cực kỳ quan trọng giúp tôm giống phát triển nhanh, khỏe mạnh, ít dịch bệnh đã được chứng minh trong hai ba năm trở lại đây. VN hiện vẫn chưa sản xuất được artemia chất lượng cao nên các DN vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu.

Theo tính toán của ông Trương Hữu Thuận, việc tăng thuế từ 0% lên 5% sẽ làm giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng tăng từ 10-15%, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm VN. “Lẽ ra cần hỗ trợ để thúc đẩy gia tăng chất lượng nguồn giống thủy sản trong nước, giảm dịch bệnh và giá thành, thay vì tận thu một ít thuế mà làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm” - ông Thuận khuyến cáo.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị ban hành dòng thuế riêng với mặt hàng trứng artemia để hỗ trợ người sản xuất giống thủy sản.

Theo VASEP, với tình hình kinh tế đang có nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ phục vụ chế biến, việc sản xuất tôm giống để tự cung đang được khuyến khích nhằm giúp người nuôi và DN tự chủ về nguồn giống khỏe mạnh. Do đó, cần có chính sách phù hợp để tránh tăng thuế đối với mặt hàng artemia dùng làm thức ăn nuôi tôm của các DN trong nước.(CafeF)


Việt Nam: Thừa nông sản 'bẩn', thiếu nông sản sạch

Nguy cơ của ngành chăn nuôi vẫn còn rất lớn, cụ thể chính là vấn đề an toàn thực phẩm. Hiện chúng ta vẫn thừa nông sản mất vệ sinh, thiếu nông sản sạch nói chung và đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi.

Đó là thông tin ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhận định về thực trạng ngành chăn nuôi trong nước tại buổi họp báo giới thiệu Hội chợ triển lãm Vietstock năm 2016.

Theo ông Dương, lĩnh vực chăn nuôi thời gian qua đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng chăn nuôi bình quân đạt 4,5-5%/năm. Tổng sản lượng thịt của Việt Nam năm 2015 là 4,8 triệu tấn, tổng sản lượng sữa đạt 723,2 nghìn tấn, sản lượng trứng các loại đạt 8,87 tỷ quả. 

So với cùng kỳ năm 2015, 6 tháng đầu năm 2016, tổng sản lượng thịt của cả nước đạt gần 3,65 triệu tấn (tăng 5.3%), tổng sản lượng sữa tươi đạt 492,7 nghìn tấn (tăng 9%), sản lượng trứng các loại gần 6.62 tỷ quả (tăng 5,5%).

Còn về vấn đề quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi bước đầu đạt được kết quả quan trọng trong công tác kiểm soát chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, qua kiểm tra năm 2015, phát hiện có 2,5% mẫu thức ăn trong các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và 3,5% mẫu thức ăn chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi có chất cấm. Đến nay, qua kiểm tra không còn phát hiện mẫu thức ăn chăn nuôi nào có chứa chất cấm.

Đối với mẫu nước tiểu lợn tại các trang trại chăn nuôi và lò mổ: năm 2015 phát hiện 16,7% mẫu có dương tính với chất cấm; đến tháng 5/2016 còn 2,2% mẫu dương tính với chất cấm. đến tháng 6 và tháng 7/2016 không còn phát hiện mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm.

Ông Dương nhấn mạnh, trong năm 2016 cũng có những trọng tâm quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm. Trong đó, cao trào nhất là cách đây nửa năm nổi lên vấn đề chất cấm trong chăn nuôi. Nhưng khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng phát động thì các bộ ngành, chính quyền địa phương vào cuộc rất nhanh.

Sau 5-6 tháng về cơ bản chúng ta đã kiểm soát được vấn đề chất cấm trong chăn nuôi. Đây là kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn còn rất nhiều bởi vàng ô, salbutamol là chất dùng trong công nghiệp nên chỉ cần cơ quan chức năng không quyết liệt là dân lại tái sử dụng.

“Nếu chúng ta không có sản phẩm chăn nuôi sạch và an toàn thì nguy cơ sẽ mất đi thị trường trong nước. Còn với thị trường hội nhập, nếu sản phẩm vẫn còn chất cấm, kháng sinh thì chúng ta rất khó cạnh tranh”, ông Dương nhận định.

Cũng theo ông Dương, hội chợ triển lãm Vietstock năm 2016 với chủ đề “Nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi” diễn ra trong thời gian tới sẽ là nơi để các doanh nghiệp, hiệp hội giới thiệu những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của thế giới để phục vụ cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Bên cạnh đó, giải thưởng Vietstock sẽ tôn vinh, khích lệ những tổ chức có bước tiến vượt bậc cũng như đóng góp tích cực trong sự phát triển chung của ngành chăn nuôi Việt Nam.(Vietnamnet)


Lương thực thực phẩm chưa an toàn - khó cạnh tranh trong TPP

Xuất khẩu lương thực, thực phẩm cần coi trọng nguồn nguyên vật liệu có chất lượng ổn định về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Nếu sản phẩm lương thực, thực phẩm không được kiểm soát đầu vào, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các doanh nghiệp không thể cạnh tranh với các nước trong TPP”. Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – Cơ hội và thách thức đối với ngành chế biến lương thực thực phẩm” tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 8/8.

Theo đánh giá, TPP không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu các mặt hàng lương thực thực phẩm chủ lực của Việt Nam. Các mặt hàng có thể hưởng lợi từ giảm thuế nhập khẩu vào khối TPP bao gồm gạo, sắn, sản phẩm sữa, bánh kẹo.

Hiện nay, phần lớn các công ty xuất khẩu của Việt Nam muốn bán lương thực thực phẩm phải thông qua các nhà phân phối ở nước ngoài, cho nên, nếu thuế được gỡ bỏ hoặc giảm thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng chủ yếu bán được nhiều hàng hơn, khó có thể hưởng lợi trực tiếp.

Theo ông Dương Như Hùng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM, thách thức lớn nhất hiện nay trong xuất khẩu lương thực thực phẩm là kiểm soát đầu vào nguyên vật liệu, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng ổn định.

“Các doanh nghiệp phải hướng đến những mối quan hệ bền vững. Nhà nhập khẩu mua nguyên vật liệu của doanh nghiệp trong nước, nhưng họ kiểm soát đầu vào như quy trình nuôi, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng, thuốc bảo vệ thực vật… do đó, nếu doanh nghiệp, nhà sản xuất không kiểm soát đầu vào nghiêm ngăt, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó trụ vững không muốn nói là bị tác động ngược”, ông Hùng nêu ý kiến./.(VOV)


TP.HCM mua 105.000 tấn muối “cứu” diêm dân

UBND TP.HCM cho biết đã chấp thuận chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ tiêu thụ muối năm 2016 cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người làm muối trong vùng quy hoạch.

UBND TP.HCM cho biết đã chấp thuận chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ tiêu thụ muối năm 2016 cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ nhằm ổn định sản xuất và đời sống của người làm muối trong vùng quy hoạch.

Theo đó, giá sàn thu mua sẽ bao gồm giá thành sản xuất + 30% lãi trên giá thành sản xuất + chi phí vận chuyển thực tế từ ruộng muối của hộ dân đến các kho nhận hàng của đơn vị thu mua.

Trường hợp giá thu mua cao hơn giá thành sản xuất (nhưng vẫn thấp hơn giá sàn thu mua), ngân sách TP sẽ cấp bù cho người sản xuất muối phần chênh lệch này.

Trường hợp giá thu mua bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất, ngân sách TP hỗ trợ 30% lãi trên giá thành sản xuất và toàn bộ chi phí vận chuyển thực tế từ ruộng muối của các hộ dân đến các kho nhận hàng của đơn vị thu mua.

Không những vậy, các hộ dân đã bán muối cho Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (theo chương trình thu mua tạm trữ muối năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ) trước ngày 1/8/2016 vẫn được ngân sách TP hỗ trợ.

UBND TP cũng quyết định sản lượng muối được hỗ trợ tiêu thụ là 105.576 tấn. Việc thu mua được thực hiện từ ngày 1/8 đến 1/10/2016.

Trước đó, vào cuối tháng 7 vừa qua Tại Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, ông Phạm Thành Kiên – Giám đốc Sở Công Thương TP HCM đã phải “kêu gọi” các tỉnh thành phía Nam hỗ trợ tìm đầu ra cho lượng muối tồn đọng tại Cần Giờ.

Ông Kiên cho biết năm 2016 sản lượng muối tại đây đạt 140.000 tấn nhưng hiện chỉ tiêu thụ được 40.000 tấn.(Infonet)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục