tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 10-08-2016

  • Cập nhật : 10/08/2016

Không chi ngân sách để làm thương hiệu gạo quốc gia

Đây là đề nghị của Bộ Tài Chính đối với hoạt động chi và sử dụng ngân sách trong dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2030 mà Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan.

Cụ thể, theo thông tin văn bản phản hồi của Bộ Tài Chính, Bộ này không nhất trí với việc tiếp tục cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ xúc tiến thương hiệu gạo quốc gia bởi đã có nguồn ngân sách của Nhà nước chi trả cho các cơ quan thuộc Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh rồi. Bộ Tài Chính kiến nghị loại bỏ đề xuất trên.

Văn bản của Bộ Tài Chính nêu rõ: Trong dự thảo Quyết định trên, Bộ Công Thương đưa quan điểm Ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên cho các hoạt động hỗ trợ các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến phát triển các thương hiệu gạo quốc gia tới thị trường quốc tế. Quan điểm của Bộ Tài Chính cần bỏ nội dung này.

Lý do được Bộ Tài Chính là: "Hiện các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về hoạt động xúc tiến thương mại như Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương đang được hưởng ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động".

Ngoài cơ quan Nhà nước, hoạt động của nhiều Hội, đoàn thể trong vai trò xúc tiến thương mại theo quy định của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ đều phải tự đảm bảo kinh phí để duy trì hoạt động. Không có ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động này.

Bên cạnh đó, theo đề nghị của Bộ Tài Chính đối với chiến lược phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam thì hàng năm, ngân sách Nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (Trong đó có kinh phí cho chương trình xúc tiến thương hiệu gạo), do đó không thể chi thêm tiền ngân sách hỗ trợ hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

Ngoài đề nghị loại bỏ hỗ trợ kinh phí cho xây dựng thương hiệu gạo, Bộ Tài Chính đề nghị Bộ Công Thương bỏ nội dung hỗ trợ kinh phí cho DN bị tổn thất khi mua gạo nhưng chịu ảnh hưởng biến động giá.

Theo ý kiến của Bộ Công Thương tại dự thảo trên, Bộ này đề xuất xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tổn thất khi mua thóc, gạo của nông dân tham gia vào mô hình liên kết sản xuất gạo hàng hóa xuất khẩu với giá trị cao hơn giá thị trường. Xây dựng cơ chế hỗ trợ chi phí sản xuất phục vụ xuất khẩu bền vững các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao, gạo đặc sản địa phương...

Tuy nhiên, phía Bộ Tài Chính khẳng định: "Bỏ nội dung này vì đây là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, không phù hợp với cơ chế thị trường và các cam kết hội nhập và cạnh tranh mà Việt Nam tham gia ký kết. Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu các giải pháp gián tiếp thông qua các cơ chế thông thoáng và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi DN", văn bản Bộ Tài Chính cho hay.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 706/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đưa hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu và thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia... Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Để đạt được mục tiêu trên hai cơ quan chủ trì thực hiện là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm chủ trì xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác chung giữa các cơ quan xúc tiến thương mại với doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, chất lượng gạo Việt Nam trên thị trường thế giới; Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác quốc tế về xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam.


Khai thác tài nguyên nước phải trả phí

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đề xuất mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tại dự thảo Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Theo dự thảo, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được quy định theo mục đích khai thác nước có giá trị từ 0,1% - 2%.

Cụ thể, thủy điện mức thu là 2%; kinh doanh, dịch vụ bao gồm nước thiên nhiên tinh lọc đóng chai, đóng hộp mức thu 2%; sản xuất phi nông nghiệp 1,5%; tưới cây công nghiệp 0,2%; chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản 0,1%.

Theo dự thảo, chế độ thu, nộp tại kho bạc nhà nước địa phương nơi chủ giấy phép đăng ký kinh doanh và được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và được phân bổ như sau:

50% cho ngân sách Trung ương và 50% cho ngân sách địa phương đối với trường hợp có giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

100% cho ngân sách địa phương nơi có công trình đối với trường hợp có giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp.

Đối với trường hợp tiền cấp quyền khai thác nước cho thủy điện do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép/phê duyệt, phần nộp cho ngân sách địa phương được phân bổ cho các địa phương theo tỷ lệ diện tích thuộc phạm vi lưu vực của hồ chứa thủy điện.

Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được ưu tiên sử dụng một phần để bảo đảm cho hoạt động cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước và các hoạt động bảo vệ tài nguyên nước.(NDH)


Sẽ có nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị quyết Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

se co nghi quyet cua quoc hoi ve thao go kho khan cho doanh nghiep. anh: hoang nguyen-ttxvn

Sẽ có nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Nguyên-TTXVN

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị quyết Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó có nội dung xóa, khoanh nợ gần 15.000 tỷ đồng tiền nợ thuế. Nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ đề xuất này và cho rằng, đây là một giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay. 
Theo ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách củaQuốc hội, để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì việc xóa nợ thuế, tiền chậm nộp thuế là rất cần thiết. Vì có những khoản nợ thuế mà doanh nghiệp đã ngưng hoạt động 10-15 năm thì không thể thu được thuế. Trong khi đó doanh nghiệp không thể làm thủ tục phá sản nên số nợ thuế treo và tiền phạt chậm nộp vẫn tăng dần lên trên hệ thống sổ sách của ngành thuế. 
Ông Đinh Văn Nhã cũng cho biết, đề xuất xóa nợ cho một số doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính có ý kiến từ năm 2014 và 2015 có đề xuất lên Quốc hội xong chưa được thông qua vì tiêu chí xóa nợ chưa rõ ràng. 
Với đề nghị xóa nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt những doanh nghiệp mất tích hàng chục năm nay, ông Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, có những doanh nghiệp số tiền phạt chậm nộp thuế lớn gấp 5-7 lần số tiền nợ thuế. Bởi doanh nghiệp đã “mất tích” cả chục năm nay, tiền phạt tiếp tục bị cộng dồn. Do đó, để minh bạch hệ thống thuế thì phải xóa tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế bỏ trốn, mất tích, ngưng hoạt động. 
Với đề xuất xóa tiền phạt chậm nộp cho doanh nghiệp khó khăn do nhà nước nợ tiền xây dựng cơ bản, ông Đinh Văn Nhã cho rằng rất hợp tình, hợp lý. Bởi có hàng chục nghìn doanh nghiệp khó khăn, sống lay lắt do chưa được địa phương, bộ ngành thanh toán tiền nợ đọng xây dựng cơ bản. 
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số tiền nợ đọng xây dựng trên cả nước lên đến vài chục nghìn tỷ đồng. Nhà nước nợ doanh nghiệp dù công trình đưa vào khai thác đã vài ba năm khiến doanh nghiệp này nợ doanh nghiệp kia. Trong khi doanh nghiệp nợ nhà nước thì doanh nghiệp bị phạt chậm nộp, bị cưỡng chế, còn nhà nước nợ doanh nghiệp thì lại không có chế tài. Như vậy dẫn tới không công bằng với doanh nghiệp 
Cho rằng việc xóa nợ, khoanh nợ thuế cho doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh là rất cần thiết nhưng ông Đinh Văn Nhã cũng lưu ý cần phải quy trách nhiệm cho ngành thuế để chính sách triển khai hỗ trợ đúng đối tượng. “Quốc hội sẽ xem xét quyết định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Nhưng Chính phủ mà trực tiếp là ngành tài chính sẽ chịu trách nhiệm chính về từng đối tượng được xóa nợ, khoanh nợ thuế có đúng và công tâm hay không,” ông Nhã nhấn mạnh. 
Đồng tình với việc quy trách nhiệm cho cán bộ thuế về việc xóa, khoanh nợ thuế cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cán bộ thuế là người trực tiếp theo dõi hoạt động của doanh nghiệp. Nên việc doanh nghiệp khó khăn do nguyên nhân khách quan hay chủ quan cán bộ thuế đều nắm được. Nếu xóa và khoanh nợ thuế sai thì cán bộ thuế, ngành thuế chịu trách nhiệm. 
Ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý tiêu chí xóa, khoanh nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải rõ ràng, chặt chẽ để tránh việc cán bộ thuế lợi dụng việc xóa nợ, khoanh nợ thuế, tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp này mà lại không thực hiện cho doanh nghiệp kia gây mất công bằng trong chính sách. 
Theo tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết dự kiến sẽ xóa tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp chưa được nhà nước thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đó số tiền chậm nộp đề nghị xóa tính đến hết năm 2015 là 542,5 tỷ đồng. 
Bộ Tài chính cũng đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014 là hơn 7.420 tỷ đồng. Trong số đó, tiền thuế của doanh nghiệp trên 6.430 tỷ đồng và của hộ, cá nhân kinh doanh là 989 tỷ đồng. 
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị khoanh số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do người nộp thuế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trong 2 năm 2014-2015 là khoảng 6.730 tỷ đồng; trong đó, của doanh nghiệp, tổ chức là 5.716 tỷ đồng và hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh là khoảng 1.015 tỷ đồng. 
Bộ Tài chính cho biết, trong những năm gần đây cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Hàng năm, có khoảng 10% doanh nghiệp giải thể, phá sản, mất khả năng thanh toán nhưng không thực hiện thủ tục phá sản. Tuy nhiên, để đảm bảo hạn chế thấp nhất việc một số trường hợp chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật giải thể doanh nghiệp này lại lập doanh nghiệp khác nhằm trốn thuế, thì sau 2 năm, cơ quan quản lý mới cấp mã số kinh doanh cho những cá nhân này


Gia tăng áp lực lên lãi suất

Theo chuyên gia dự báo, việc dư thừa thanh khoản thời điểm này chỉ mang tính chất ngắn hạn do dự đoán tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn (ước tính trên 10%) cùng với rủi ro lạm phát tăng nhanh trở lại (dự kiến 4-5% cả năm nay) sẽ gây áp lực lên lãi suất.

Theo báo cáo vừa công bố của CTCK Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên ngân hàng tuần qua tăng đồng loạt tại cả ba kỳ hạn nhưng nhìn chung vẫn giữ ở mặt bằng thấp tương đối.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm và một tuần tăng nhẹ 0,13% và 0,09% lần lượt lên mức 1,7% và 1,48%/năm. Lãi suất kỳ hạn 2 tuần tăng mạnh hơn 0,2% lên mức 1,84%/năm.

Tuy nhiên, cả ba kỳ hạn đều giữ mức lãi suất dưới 2%/năm – tiếp tục xu hướng mặt bằng tương đối thấp liên tiếp nhiều tuần qua.

Đây được cho là một dấu hiệu thể hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện vẫn khá dồi dào. Yếu tố chính giúp duy trì trạng thái dồi dào thanh khoản của hệ thống ngân hàng là trạng thái tiền đồng dư thừa ngoài thị trường và tăng trưởng huy động vốn nửa đầu năm 2016 tăng cao.

"Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng việc dư thừa thanh khoản thời điểm này chỉ mang tính chất ngắn hạn do dự đoán tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn (ước tính trên 10%) cùng với rủi ro lạm phát tăng nhanh trở lại (dự kiến 4-5% cả năm nay) sẽ gây áp lực lên lãi suất", chuyên viên phân tích của BVSC nhận định.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục