Dự án sân bay Long Thành: Mỗi hộ dân được cấp 100-250 m2 đất
Khởi tố nguyên Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng
Office-tel sẽ ảnh hưởng đến thị trường văn phòng truyền thống
"Ngoài cắt cỏ, cần xem Hà Nội còn lãng phí gì nữa không?"
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 11-04-2016
- Cập nhật : 11/04/2016
KCN Tân Đức phải đăng ký lại phí quản lý hạ tầng
Theo đó, liên quan đến việc đăng ký mức phí quản lý hạ tầng sắp tới, KCN Tân Đức cần xem xét, điều chỉnh mức phí theo mặt bằng chung của các khu công nghiệp của tỉnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu KCN Tân Đức phải chấm dứt hành động đổ đất, dựng rào chắn cổng doanh nghiệp để giải quyết tranh chấp.
Tân Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Không chấp nhận cửa quyền, mặc cả
Ngay sau khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn vào vị trí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng (Bí thư tỉnh ủy Hà Nam) đã có cuộc trao đổi với báo chí.
- Cảm xúc của ông khi được bầu vào vị trí mới?
- Đó là vinh dự cho cá nhân tôi lẫn địa phương khi được Đảng, Quốc hội, Nhà nước giao cho trọng trách mới, nhiệm vụ mới.Khi còn làm địa phương tôi không có nhiều điều kiện để tiếp xúc thường xuyên với báo chí. Bây giờ là Bộ trưởng và cũng là người phát ngôn của Chính phủ nên rất muốn được trao đổi với báo giới nhiều hơn để làm sao những chính sách, chỉ đạo điều hành của Chính phủ được minh bạch, đến được với người dân một cách chủ động, nhanh nhất, nhằm tạo sự đồng thuận, tránh những cách hiểu sai lệch.
- Từ địa phương với cách lãnh đạo tập thể lên trung ương làm "tư lệnh" ngành tức là phải chịu trách nhiệm cá nhân rất lớn, ông có suy nghĩ gì?
- Ai nhận nhiệm vụ mới mà không có thách thức, khó khăn. Nhưng nhận diện được nó và quyết tâm thì sẽ vượt qua được thôi. Tôi có niềm tin tập thể bộ máy sẽ giúp tôi hoàn thành công việc.
Trước khi làm Bí thư tôi cũng đã đứng đầu cơ quan hành chính ở tỉnh (Chủ tịch) nên hiểu được phần nào. Tất nhiên ở địa phương thì phạm vị nhỏ hơn.
- Chương trình hành động của ông khi nhậm chức là gì?
- Mình là cơ quan giúp việc cho Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ nên hành động của mình là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ. Khi Thủ tướng đưa ra thông điệp thì mình làm sao giúp cho Chính phủ thực hiện thông điệp ấy được tốt, nên mình không thể đưa ra thông điệp hay chương trình được. Mình chỉ hướng đến tin thần làm việc chuyên nghiệp, tận tâm, làm đúng pháp luật.
Tôi sẽ cùng tập thể Văn phòng Chính phủ xây dựng một bộ máy hành chính mang tính chuyên nghiệp, gắn với công nghệ thông tin, cải cách hành chính để đảm bảo các điều kiện cho Chính phủ điều hành được tốt nhất.
Hồi ở địa phương và bây giờ cũng vậy, tôi nói với anh em rằng đừng để người ta chê mình thiếu trách nhiệm.
Nếu năng lực hạn chế, chỗ này chỗ kia chưa biết tường tận thì có thể rèn luyện, lắng nghe góp ý… Có năng lực song lại đánh võng, cửa quyền, mặc cả là không được. Thủ tướng đã có tinh thần rất rõ ràng rồi, dứt khoát phải đoàn kết nhất trí, hành động quyết liệt, lấy hiệu quả điều hành làm gốc.
- Văn phòng Chính phủ luôn được coi là một "siêu bộ", ông nghĩ sao?
- Đấy là mình nói cửa miệng thôi chứ thật ra không phải siêu bộ. Cũng như ở địa phương, Văn phòng Ủy ban tỉnh không phải là siêu sở. Ai nói như vậy vì người ta hiểu chưa hết chức năng của Văn phòng thôi. Văn phòng Chính phủ là cơ quan giúp việc để Thủ tướng, Chính phủ điều hành, chỉ đạo.
Khi các đề án, chính sách mà các bộ ngành trình lên, mình có trách nhiệm thẩm định lại, kết nối để xử lý các đề án ấy, làm sao khi ban hành thì đến được địa phương, người dân một cách hiệu quả nhất.
Khi Chính phủ ban ra chính sách gì thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội, nhìn rộng ra, mang tầm vĩ mô chứ không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, doanh nghiệp nào đó. Nhận thức như thế nên khi giải quyết thì phải cẩn trọng. Đó có thể là nguyên nhân khiến địa phương, doanh nghiệp thấy chậm. Chứ thật ra, mọi việc đều được xử lý theo quy trình hết, không làm tắt được.
- Vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa mong muốn của người đứng đầu với cán bộ thực thi, Bộ trưởng làm gì để giúp hồ sơ giải quyết công việc không bị ách tắc?
- Cái đó rất quan trọng. Tôi nghĩ cần có một quy trình mà tốt nhất là thông qua công nghệ thông tin để kiểm soát, để mọi thứ minh bạch hơn từ đó đánh giá công việc của cán bộ ở các khâu.
Thủ tướng đã chỉ đạo phải xây dựng một nền hành chính hiện đại, gắn với công nghệ thông tin để kiểm soát quy trình được nhanh nhất, tốt nhất. Đề án Chính phủ điện tử đang triển khai cũng đặt ra những yêu cầu này.
Ở địa phương tôi là Hà Nam, giờ rất nhiều loại văn bản, thư mời không dùng bản giấy nữa mà gửi file qua mạng hết. Chúng tôi đi thuê công nghệ thông tin trọn gói hết, rất hiệu quả mà tiết kiệm.
- Ưu tiên trước mắt cho công việc của ông trên cương vị mới?
- Bây giờ còn hơi sớm để nói được cụ thể. Song những vấn đề tôi quan tâm là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính bằng công nghệ thông tin để đáp ứng mong mỏi của người dân.
Ngoài ra là làm sao đổi mới cách tuyên truyền, thiết lập nên nhiều kênh thông tin lắng nghe nhiều chiều hơn từ người dân, dư luận.
Tôi nghĩ rằng việc truyền thông tin từ Chính phủ đến người dân đã rất tốt rồi song ở chiều ngược lại vẫn có thể làm tốt hơn nữa.
- Tại Việt Nam, nguyên thủ tham gia mạng xã hội rất hiếm trong khi nước ngoài khá phổ biến và hiệu quả, ông giải thích thế nào?
- Tôi cũng biết nhiều nguyên thủ các nước tham gia mạng xã hội, có Facbook.
Theo tôi thấy thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có tư duy rất cởi mở. Thủ tướng luôn mong muốn làm sao để tốt cho dân, thuận tiện cho dân. Tuy nhiên lãnh đạo tham gia mạng xã hội cũng có hai mặt nên cần cân nhắc. Chúng tôi ghi nhận ý kiến này để suy nghĩ thêm.
- Thách thức của Chính phủ khóa mới là gì, thưa ông?
- Cân đối ngân sách trong bối cảnh thu khó, giá dầu tiếp tục sụt giảm trong khi nợ công cao sẽ là áp lực lớn.
Việc chúng ta hội nhập sâu, như tham gia TPP trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất như nông nghiệp còn lạc hậu, chưa có nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao cũng là một khó khăn không nhỏ khi cạnh tranh. Hay câu chuyện nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt hàng doanh nghiệp nội một số chi tiết để tham gia vào chuỗi sản xuất của họ nhưng ta chưa làm được, tức công nghiệp hỗ trợ còn yếu cũng là vấn đề.
Động đất 3,2 độ richter ở Quảng Nam
Vị trí tâm chấn trận động đất tại Bắc Trà My, Quảng Nam
Thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu cho biết vào 22 giờ 12 phút 50 giây ngày 9-4, một trận động đất có cường độ 3,2 độ richter đã xảy ra vị trí có tọa độ (độ vĩ Bắc 15.363, 108.126 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 7 km.
Động đất xảy ra tại khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Người dân địa phương cho hay trận động đất xảy ra có kèm theo tiếng nổ và rung lắc khoảng năm giây. Tuy nhiên, trận động đất này không gây ra thiệt hại về người, tài sản.
Người dân Bắc Trà My sống trong tâm trạng hoang mang vì động đất. Ảnh: LÊ PHI
Trước đó, tại khu vực Bắc Trà My sau khi thủy điện Sông Tranh 2 đi vào hoạt động thì đã dấy lên lo ngại cho người dân. Bên cạnh việc động đất liên tục uy hiếp thì sự cố rò rỉ nước tại thân đập cũng khiến người dân hoang mang.
Sau khi phát hiện rò rỉ nước mà các nhà khoa học cho là khe nhiệt thì cường độ các trận động đất diễn ra nhiều hơn. Thậm chí có những trận động đất lớn từ 3,2 đến 3,7 độ richter thường xuyên xảy ra tại khu vực này.
Ông Huỳnh Văn Nén yêu cầu bồi thường 18 tỷ đồng
Nhóm luật sư hỗ trợ pháp lý cho ông Huỳnh Văn Nén cho biết, ngày 8-4, ông Nén đã gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại cho 2 vụ án oan sai đối với ông Nén với tổng số tiền là 18 tỷ đồng.
Đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đã được gửi đến Cục Bồi thường nhà nước. Ngày mai, 11-4, ông Nén sẽ đến TAND tỉnh Bình Thuận để nộp đơn trực tiếp.
Ông Nguyễn Thận, người trực tiếp kêu oan cho ông Nén và cũng là người được ông Nén ủy quyền cho việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho biết, bản thân Huỳnh Văn Nén không muốn có 2 bản án oan trong suốt chục năm qua. Và những mất mát đối với Nén và gia đình là không gì có thể bù đắp được. “Đó là những mất mát vô hình và cả hữu hình đối với Nén và gia đình, hậu quả ấy hiện con cái của Nén và những người thân của Nén đang gánh chịu. Đó cũng là khoảng thời gian Nén sống tuyệt vọng trong tăm tối, Nén không thể kể hết được những thiệt hại mất mát trong thời gian đó”. Ông Thận nói.
Tuy không nêu cụ thể từng số tiền yêu cầu bồi thường, nhưng ông Thận cho biết, đó là con số chốt lại sau khi gia đình Huỳnh Văn Nén cùng các luật sư hỗ trợ đã tư vấn, bàn bạc.
Trước đó, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã kết thúc những ngày làm việc với ông Huỳnh Văn Nén về nội dung ông tố cáo bị bức cung và nhục hình trong quá trình điều tra 2 vụ án giết người.
Ông Huỳnh Văn Nén (53 tuổi, ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) được xác định là người bị các cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận tuyên án oan trong hai vụ án giết người. Đó là mức án 5 năm tù cho tội không tố giác tội phạm trong vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (vụ án Vườn điều) và mức chung thân cho vụ án giết bà Lê Thị Bông.
Qua đấu tranh truy xét, cơ quan tố tụng xác định ông Nén là hung thủ duy nhất giết bà Lê Thị Bông, một người cùng xã với ông.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Huỳnh Văn Nén nhận tội, nhưng đến phiên phúc thẩm ông phản cung, nói toàn bộ lời khai của mình trước đây là do bị bức cung, nhục hình nên phải nhận tội.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nén đã cởi áo của mình cho hội đồng xét xử (HĐXX) và những người tham dự phiên tòa xem. Tuy nhiên, những lời tố cáo của ông không được HĐXX chấp nhận, do đó, bản án chung thân là bản án có hiệu lực mà ông Nén phải thi hành.
Trong suốt thời gian thi hành án ở trại cải tạo, vào mỗi quý xếp hạng hạnh kiểm đối với các phạm nhân, ở phần cuối ông Nén luôn viết: Tôi không có tội. Do đó, ông Nén không được xem xét ân xá hay đặc xá.
Sau nhiều nỗ lực của các cá nhân, luật sư và đại biểu Quốc hội, ông Nén đã được đình chỉ điều tra. Tuy nhiên, sau 17 năm ở tù, ông Nén được trở về nhà với thân thể nhiều bệnh tật, tinh thần không tốt.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Vì một xã hội thông tin lành mạnh
Tân bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông cho biết sẽ "ưu tiên một chương trình hành động “Vì một xã hội thông tin lành mạnh” trong thời gian tới. Rất khó khăn, nhưng tôi tin sẽ khắc phục được".
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn - từng làm vụ trưởng, trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo trung ương tại Đà Nẵng; phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương; thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn đã được Quốc hội phê chuẩn chức danh bộ trưởng với số phiếu 85,83%.
* Xin chúc mừng bộ trưởng. Ông có suy nghĩ gì khi trở thành người đứng đầu ngành thông tin - truyền thông?
- Tôi thấy mình quá nhỏ bé trước chặng đường sắp tới, nhiệm vụ sắp tới. Tôi rất xúc động khi được giao phó trọng trách của một lĩnh vực quan trọng này.
Hôm nay, chúng ta đang sống giữa một thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin phát triển mang lại những giá trị thật to lớn cho xã hội, nhưng nó cũng sẽ làm thay đổi những giá trị thuộc về con người. Đó là một thách thức có thật không phải giải quyết chỉ trong một thời gian ngắn.
Nền tảng công nghệ thông tin là trụ cột quan trọng của ngành truyền thông. Ở một mức độ nào đó chúng ta đã bắt kịp xu hướng mới, nhưng trong tương lai chúng ta phải nỗ lực liên tục để không rơi vào tình trạng lạc hậu.
Tôi thừa nhận thực trạng mà chúng tôi chưa tìm ra được giải pháp là việc quản lý mạng xã hội. Đây không chỉ là khó khăn của Việt Nam, mà các quốc gia khác cũng vậy.
Tìm kiếm một giải pháp hợp lý quản lý mạng xã hội để biến thành một công cụ hữu ích là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ của tôi. Tôi cũng ưu tiên một chương trình hành động “Vì một xã hội thông tin lành mạnh” trong thời gian tới. Rất khó khăn, nhưng tôi tin sẽ khắc phục được.
* Bộ trưởng có thể cho biết những mục tiêu trước mắt mà ông sẽ tập trung thực hiện?
- Tôi sẽ tiếp tục những nhiệm vụ và chiến lược ngành thông tin - truyền thông đã đề ra của lãnh đạo ngành. Đó là các đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020; đào tạo - phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020; quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020.
Đặc biệt, tôi quan tâm đến hai mục tiêu quan trọng khác là:
Một, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để Luật báo chí (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sớm được đi vào đời sống. Bên cạnh đó nghiên cứu để xây dựng Luật quản lý mạng xã hội dựa trên tinh thần nghị định 72.
Hai, khuyến khích, xây dựng và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam.
Công việc khá nhiều và khá khó khăn nhưng với tinh thần cống hiến vì mục tiêu chung của quốc gia, tôi sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ với mong mỏi nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ và dư luận trong thời gian tới.