Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Không chỉ là hô hào”
Gói 30.000 tỉ đồng trầy trật về đích
Đầu tư, “đắp chiếu” rồi... chuyển giao
Xăng dầu “kìm chân”, CPI cả nước tháng giáp Tết "không nhúc nhích"
Ai lợi, ai thiệt từ yêu cầu cắt giảm nhiệt điện than?
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 18-08-2016
- Cập nhật : 18/08/2016
Bác điều chỉnh quy hoạch dự án 4 tỷ USD Thủ Thiêm
Theo nguồn tin mà ĐTTC có được, chính quyền TP đã bác đề xuất điều chỉnh quy hoạch dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 4 tỷ USD tại phân khu tại khu chức năng số 1 (khu lõi trung tâm, đô thị mới Thủ Thiêm).
Mặc dù hoan nghênh nhóm các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm tham gia đầu tư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tuy nhiên chính quyền TP cho rằng nhà đầu tư phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy hoạch 1/2000 đã được duyệt. Theo đó, TP khẳng định không đồng ý điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được duyệt, đồng thời giao BQL Thủ Thiêm thông báo đến nhóm các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nhà đầu tư quan tâm khác để tham gia đầu tư đúng quy định.
Trước đó, ông Howard Lutnick (Chủ tịch tập đoàn kiêm tổng giám đốc tài chính Cantor Fitzgerald (Hoa Kỳ), đại diện của nhóm nhà đầu tư Hoa Kỳ từng có đề xuất đầu tư xây dựng một khu phức hợp, trung tâm tài chính tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) trị giá 4 tỷ USD. Dự án có quy mô khoảng 11ha, gồm có tòa tháp văn phòng kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính, chứng khoán của khu vực khu vực Đông Nam Á.
Đến cuối tháng 5-2016, đại diện nhóm nhà đầu tư này cho biết đã thu xếp xong nguồn vốn, nhưng đang chờ giấy phép đầu tư và mong muốn thay đổi một vài chi tiết quy hoạch. Cụ thể, ý đồ của nhà đầu tư là đầu tư một tòa nhà cao 70 tầng, trong khi BQL khu đô thị Thủ Thiêm cho rằng do quy hoạch khu đất đã được phê duyệt nên nhà đầu tư phải xây dựng những cao ốc thấp tầng hơn.(ĐTTC)
4 yếu tố để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
10 vấn đề nổi cộm
Theo ông Đạt, ngành du lịch có tiềm năng nhưng vẫn phát triển chưa tương xứng và vẫn nằm trong ngưỡng “dễ tụt hậu” so với các nước trong khu vực.
Nguyên nhân của tình trạng này là do vẫn tồn tại 10 vấn đề nổi cộm. Cụ thể, thứ nhất, tệ nạn đeo bám, chèo kéo, gian lận, ép giá, lừa đảo, xâm phạm tài sản, tính mạng của du khách chưa được kiểm soát; các phương tiện giao thông chưa được quản lý chặt. Thứ hai, cảnh quan, quy hoạch du lịch bị phá vỡ. Thứ ba, sản phẩm du lịch nghèo nàn. Thứ tư, quảng bá du lịch nhiều hạn chế. Thứ năm, chính sách visa cho khách du lịch nước ngoài thắt chặt nhất so với khu vực và thế giới. Thứ sáu, phát triển về lượng hơn chất. Thứ bảy, du khách Việt kém văn minh, vi phạm luật pháp quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường du lịch và hình ảnh con người, đất nước. Thứ tám, hướng dẫn viên còn yếu và thiếu. Thứ chín, một số công ty du lịch kinh doanh chộp giật, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu liên kết. Và cuối cùng, quản lý Nhà nước về du lịch còn yếu.
Để ngành du lịch Việt phát triển bền vững trong thời gian tới, ông Đạt cho rằng cần sự vào cuộc của các ban ngành, địa phương trong vấn đề này. Trong đó về phương diện Nhà nước, có thể tác động vào du lịch theo 4 mặt: Định hướng, chính sách, thực thi và giám sát.
“Theo tôi, việc định hướng và chính sách về du lịch đã khá đúng và đầy đủ, song việc thực thi và giám sát chưa tốt. Trong quyết định của các cấp Trung ương và địa phương còn nặng về thỏa hiệp với các nhân tố gây phá hủy môi trường và sự phát triển bền vững của du lịch. Do vậy, trong Luật Du lịch sửa đổi và các văn bản dưới luật, cần chú trọng vào những nội dung để có thể cải thiện những điểm yếu này” – ông Đạt kiến nghị.
Tăng quyền cho thanh tra du lịch
Góp ý vào Dự thảo lần 2 Luật Du lịch (sửa đổi), Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet cho rằng, trong Dự thảo lần 2 nên tăng quyền cho thanh tra du lịch. Ở một số địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng… nên thí điểm mô hình cảnh sát du lịch nhằm góp phần giải quyết các tồn tại.
Trong bối cảnh lực lượng thanh tra du lịch còn thiếu, cần bổ sung nghĩa vụ của khách du lịch như: Có trách nhiệm ứng xử văn minh và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch; thực hiện các quy định, cảnh báo về an toàn du lịch; khách đi du lịch nước ngoài không được trốn ở lại bất hợp pháp tại nước ngoài; khách du lịch tới Việt Nam không được trốn ở lại bất hợp pháp tại Việt Nam; nếu khách du lịch vi phạm sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, vấn đề quản lý khu du lịch cần bổ sung địa bàn (khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch trọng điểm du lịch) có lượng khách du lịch trên 1 triệu người/năm cần thành lập trung tâm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng, xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý phản hồi của khách du lịch.
Đối với công ty kinh doanh lữ hành, ông Đạt cho rằng nên bổ sung điều khoản: Nếu công ty du lịch không phổ biến để khách thực hiện văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch dẫn tới hậu quả nghiêm trọng thì công ty cũng bị phạt.
“Trong dự luật mới có thay đổi điều kiện cấp thẻ hướng dẫn nội địa và quốc tế theo hướng đơn giản hơn. Tuy nhiên, cũng không nên buông lỏng việc đào tạo và cấp thẻ hướng dẫn viên vì chất lượng hướng dẫn viên hiện đang ở mức thấp. Trong khi, hướng dẫn viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng hành vi của khách, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến du khách”. – ông Đạt nhấn mạnh.(DDDN)
Đồng ý hàng loạt cơ chế đặc thù cho sân bay Long Thành
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về đề án xây dựng cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định cơ chế đặc thù về công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã kiến nghị Chính phủ cho áp dụng hàng loạt chính sách đặc thù đối với dự án này. Trong đó nhấn mạnh đến việc cho phép tiến hành xây dựng ngay khung chính sách, tiến hành giải phóng mặt bằng trước khi dự án được phê duyệt.
Tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai đầu tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, đối với dự án này, “nhất thiết phải có cơ chế đặc thù”.
Bởi theo báo cáo của các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai, nếu thực hiện theo các thủ tục bình thường, sớm nhất cũng phải đến năm 2021 mới có thể khởi công được dự án, như vậy chắc chắn sẽ không thể đáp ứng yêu cầu của Quốc hội là đưa sân bay Long Thành vào sử dụng năm 2025.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã kiến nghị Chính phủ cho áp dụng hàng loạt chính sách đặc thù đối với dự án này. Trong đó nhấn mạnh đến việc cho phép tiến hành xây dựng ngay khung chính sách, tiến hành giải phóng mặt bằng trước khi dự án được phê duyệt.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích đất thu hồi 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha. Vị trí thực hiện dự án nằm trên địa bàn 6 xã: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn (huyện Long Thành). Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành cách trung tâm Tp HCM 40 km, cách Biên Hoà 30 km.
Sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương hồi tháng 6/2015, đến nay tỉnh Đồng Nai đã lập quy hoạch chi tiết 1/500 của hai khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn (282 ha) để bố trí các hộ gia đình, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các trụ sở cơ quan và trường học phải di dời, giải toả khi thực hiện dự án.
Toàn dự án có hơn 4.700 hộ bị ảnh hưởng, riêng giai đoạn 1 có gần 1.900 hộ. Phần lớn diện tích đất giải tỏa khoảng trên 1.800 ha là đất trồng cao su do các doanh nghiệp quốc doanh quản lý.
Liên quan đến việc tổ chức thi tuyển thiết kế cho dự án sân bay Long Thành, mới đây Bộ Giao thông Vận tải cũng đã quyết định lập hội đồng đánh giá xếp hạng phương án thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách của dự án, với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa làm chủ tịch hội đồng thẩm định và quyết định phương án được chọn.(Vneconomy)
Miền Tây có nguy cơ biến mất vì không còn lũ
Đồng bằng sông Cửu Long có gần 20 triệu dân. Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng đất này chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, miền Tây đang mất dần vai trò dẫn đầu về nông nghiệp, an ninh lương thực bị đe dọa khi lũ đổ về ngày càng ít.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, miền Tây hình thành nhờ lũ và nó cũng chính là phần quan trọng của hệ sinh thái ở vùng đất này. Khoảng 4.000 - 6.000 năm trước lũ đem phù sa, chất dinh dưỡng… bồi đắp dần theo thời gian mà miền Tây thành vựa lúa, tôm cá, trái cây trù phú. Mất lũ, đồng bằng này không hiện hữu.
"Lũ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành, tồn tại của miền Tây. Hay nói một cách khoa học, nó tham gia kiến tạo vùng đất này", tiến sĩ Tuấn nói và cho rằng, theo quy luật, không có phù sa bồi đắp nữa, đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng nặng nề; nguồn lợi tôm cá sụt giảm mạnh. Đặc biệt, đồng bằng sẽ bị lún sụp, sạt lở và tan rã dần, dẫn đến xóa sổ có thể trong vài trăm năm, nhanh hơn quá trình hình thành.
Tiến sĩ Tuấn dẫn chứng, trước đây, mũi Cà Mau mỗi năm đều lấn ra biển nhiều mét do nhờ lượng bùn, cát, sỏi từ thượng nguồn sông Mekong đổ về bồi đắp. Nhưng giờ thì ngược lại vì lũ ít rồi. Bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào Cà Mau khoảng 15 m, có nơi đến 50 m; hàng trăm hecta rừng phòng hộ bị cuốn ra biển...
Ông Tuấn cho rằng trước đây mình còn khai thác cát bán cho Singapore xây dựng đảo nhân tạo vì còn thượng nguồn đưa về bù đắp lại nhưng giờ hết rồi. Hiện, các địa phương đang gánh hậu quả sạt lở; sông Tiền, sông Hậu mỗi năm sâu hơn vì nước đói (thiếu phù sa) nên nó phải ăn hai bên bờ và dưới đáy.
"Việc lún gần như không thể khắc phục được, chỉ tìm cách làm chậm lại quá trình mà thôi", tiến sĩ Tuấn nói và cho rằng, trước mắt phải giảm bớt khai thác cát trên các sông rạch, không làm bừa bãi nữa. Cần nhiều biện pháp chống sạt lở công trình và phi công trình. Mặt khác, đấu tranh với các nước thượng nguồn để hạn chế xây dựng các đập thủy điện...
Theo tính toán của Ủy ban sông Mekong, bình quân mỗi năm, dòng sông này chuyển tải về miền Tây 160 triệu tấn phù sa, chủ yếu là những tháng mùa lũ. Hiện nay, các đập thủy điện vùng đầu nguồn giữ lại xấp xỉ 50%. Nguy cơ, khi 11 đập thủy điện trên sông Mekong ở Lào và Campuchia hoàn thiện, đi vào hoạt động, sẽ giữ lại 90% lượng phù sa rót về miền Tây.
Trong khi đó, theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long), miền Tây đang bị thiệt hại kép, khi đợt thiên tai hạn mặn lịch sử vừa đi qua thì lại đối mặt với tình trạng lũ không về."Nước về nhiều tuy gây ngập lụt nhưng có tác dụng rất lớn trong việc tháo chua, rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh, vệ sinh đồng ruộng; đặc biệt là bồi đắp phù sa. Năm nào lũ cao, chắc chắn mùa vụ Đông Xuân của nông dân miền Tây trúng đậm", tiến sĩ Bảnh khẳng định.
Theo tiến sĩ Bảnh, việc nước về ít và trễ, cơ cấu mùa vụ sẽ đảo lộn; chuột bọ, côn trùng gây hại sinh đẻ nhiều và phá hoại mùa màng nặng nề hơn; chi phí sản xuất tăng cao; năng suất chất lượng sụt giảm. Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên không phát huy được vai trò là túi trữ nước điều tiết cho miền Tây, sử dụng phục vụ sản xuất tưới tiêu và góp phần đẩy nước mặn lùi xa.
Còn tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam khuyến cáo, để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi không có còn phù sa, nông dân trồng cây ăn quả cần chú trọng thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững. Nhất thiết phải hạn chế việc bón phân vô cơ quá nhiều làm cho đất bị chay, thiếu vi sinh, thiếu oxy. Thay vào đó, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thường xuyên cày xới đất, áp dụng quy trình sản xuất sạch…(Vnexpress)