Cần 75.000 tỷ phát triển giao thông và hệ thống logistic ĐBSCL
Ưu tiên vốn cho dự án giao thông kết nối vùng ĐBSCL
Tiền Giang: Mở rộng trồng thanh long trên đất lúa
Bắt quả tang lượng lớn tôm đang bơm tạp chất tại Công ty Quốc Ái
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 19-08-2016
- Cập nhật : 19/08/2016
Tổng cục Hải quan: Nhiều mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chỉ để đối phó
Trong khi nhân lực, tài chính, máy móc để kiểm tra chuyên ngành với các mặt hàng xuất nhập khẩu còn hạn chế thì danh mục các mặt hàng phải kiểm tra lại quá lớn.
Danh mục này phình ra theo đánh giá một phần bởi phải "ôm" cả những mặt hàng kiểm tra trong nhiều năm nhưng chẳng mấy khi phát hiện sai phạm.
Kiểm tra ở cửa khẩu chỉ để... lấy mẫu
Đánh giá trong buổi họp báo về hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu tổ chức chiều 16/8 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng Giám quản hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan nêu lên thực tế, tại hầu hết cửa khẩu quốc tế, đường bộ, biển hay hàng không đều chưa có đại diện các cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa.
Việc kiểm tra hàng hóa theo ông được được các đơn vị kiểm tra theo mẫu hàng từ cửa khẩu gửi về nội địa dẫn tới kéo dài thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.
Theo ông Sơn, từ năm 2015 tới nay, phía hải quan cùng các đơn vị chức năng thuộc các bộ có tổ chức 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại một số cửa khẩu tại Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn,... nhưng chính những điểm này cũng không đủ trang thiết bị máy móc.
Những điểm mới được khai trương này theo ông chủ yếu vẫn chỉ để lấy mẫu kiểm tra mà chưa giải quyết được vấn đề căn bản là phân tích và trả kết quả ngay cho doanh nghiệp.
Với ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục hải quan, ông thậm chí còn thẳng thắn: "Nhiều chi cục phản ánh việc kiểm tra chuyên ngành nhiều mặt hàng liên quan tới an toàn thực phẩm mang tính chất đối phó."
Theo ông, điều này một phần vì quá trình kiểm tra với một số mặt hàng vẫn chủ yếu được làm thủ công trong điều kiện thiếu thốn máy móc, trang thiết bị. Qua đó, ông Hải kiến nghị việc ủy quyền để các đơn vị xã hội hóa tham gia vào quá trình kiểm tra chuyên ngành.
Kiểm tra nhiều, kết quả chẳng bao nhiêu
Ở hướng khác, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan cho hay, theo nghị quyết của Chính phủ, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sẽ phải giảm từ mức 30-35% hiện tại xuống còn 15% cuối năm nay.
Chưa đánh giá có thể đạt được mục tiêu này hay không nhưng theo ông, nhiều mặt hàng nên đưa ra khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.
Ông chỉ ra, nhiều mặt hàng kiểm tra nhiều lần trong nhiều năm nhưng phát hiện sai phạm rất ít.
"Năm 2014 và năm 2015, khi làm việc với Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, có mặt hàng hàng năm có khoảng 8.000 lô hàng thuộc diện kiểm tra an toàn khi qua sân bay nhưng số phát hiện chỉ 6 trường hợp. Tỷ lệ như vậy là quá ít," ông Hải nói.
Từ đó, ông đặt ra câu hỏi, có cần thiết tốn nhiều thời gian, chi phí với những mặt hàng như vậy?
Ông cũng kiến nghị với các bộ, ngành, những danh mục hàng hóa không rõ ràng phải đưa ra khỏi diện kiểm tra chuyên ngành. Ông Hải chỉ ra thực tế, phạm vi kiểm tra được cơ quan chức năng nêu rất rộng nhưng cụ thể là mặt hàng nào phải kiểm tra thì lại không rõ ràng.
Theo ông, phía hải quan đã tham mưu lập lập tổ công tác liên ngành để triển khai các nhiệm vụ liên quan trong đó có đề xuất sự tham gia của 14 đầu mối các bộ, ngành. Dự thảo quy chế làm việc của tổ này theo ông là đã có nhưng một số bộ, ngành vẫn chưa cử người tham gia.
"Nếu không có chuyển biến căn bản về quy định pháp luật, trước hết không có đột phá cải cách thể chế thì kiểm tra chuyên ngành khó thực hiện được theo đúng mục tiêu đề ra," đại diện ngành hải quan lên tiếng./.
Nghị quyết 19-2016/NQ-CP đặt mục tiêu thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa trong năm nay từ 13-14 ngày còn 10-12 ngày. Nghị quyết cũng yêu cầu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành từ 30 - 35% hiện nay xuống còn 15% đến hết năm 2016.(Vietnam+)
Hàng 'made in Thailand' đội lốt nước mắm Phú Quốc, mì gói Việt
Nước mắm Thái Lan xuất khẩu dưới nhãn mác “nước mắm Phú Quốc”, mì gói, phở khô, kẹo dừa Bến Tre... khi xuất sang châu Âu, Mỹ.
Chủ một doanh nghiệp chuyên phân phối mặt hàng nông sản kể, trong những chuyến công du nước ngoài ông rất ngạc nhiên khi bắt gặp sản phẩm nước mắm Phú Quốc lại ghi là sản xuất tại Thái Lan. Và khi tìm hiểu ra thì vỡ lẽ đó là hàng Thái Lan nhưng lại “mượn danh”, dán mác nước mắm Phú Quốc của Việt Nam để tiêu thụ.
Câu chuyện mà lãnh đạo doanh nghiệp trên kể không có gì mới, bởi thời gian qua không chỉ nước mắm, mà các sản phẩm nông sản khác như mì khô, bún khô… cũng bị các doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc “mượn tên” để chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Đáng buồn hơn, sản phẩm, hàng hoá của những thương hiệu Việt có tiếng tại địa phương không chỉ bị doanh nghiệp ngoại lợi dụng, mà doanh nghiệp trong nước cũng “ăn theo nhãn hàng”.
Chia sẻ với VnExpress, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhìn nhận, những đặc sản gắn liền với chỉ dẫn địa lý của các địa phương như xoài cát Hoà Lộc, bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc, bún bò Huế... là những đối tượng dễ bị xâm hại thương hiệu nhiều nhất. “Những thương hiệu gắn liền với địa phương, quốc gia nhưng lại chưa được bảo hộ đúng mức ở thị trường nước ngoài nên dễ bị mượn danh, lợi dụng”, vị Cục trưởng chia sẻ.
Đơn cử nước mắm Phú Quốc, ông Sơn cho biết, sản phẩm này đã được công nhận xuất xứ tại 28 nước thành viên liên minh châu Âu, đã có 450.000 lít với tên gọi “nước mắm Phú Quốc” được bán ra tại thị trường này.
Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý phải trải qua một quá trình sản xuất rất khắt khe, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào là cá cơm, phương pháp, dụng cụ ủ chượp… Tất cả các khâu này đều được kiểm soát nghiêm ngặt bởi nhà sản xuất, bởi Hội nước mắm Phú Quốc và Ban kiểm soát thuộc Hội.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, trong số ít các sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý như nước mắm Phú Quốc, hay gần đây nhất là bún bò Huế thì việc bảo hộ cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Nói về chuyện nước mắm Phú Quốc dù đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn bị “mượn danh”, bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc trầm ngâm cho biết “con đường 'đi tìm lại tên cho em' cho nước mắm Phú Quốc quả thật gian nan”.
Chưa kể tới thị trường nước ngoài thì ngay tại thị trường trong nước, trong số vô vàn doanh nghiệp “tự xưng sản xuất nước mắm Phú Quốc thứ thiệt” thì chỉ có 11 doanh nghiệp đang được sử dụng tem kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nước mắm Phú Quốc đang lưu thông trên thị trường, nghĩa là nước mắm “xịn”, có xuất xứ và đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo hộ chỉ dẫn địa lý của sản phẩm.
“Những sản phẩm nước mắm trên nhãn ghi 'Nước mắm cốt cá cơm Phú Quốc' hoặc 'nước mắm nhĩ cá cơm Phú Quốc', hay nước mắm của Thái Lan sản xuất nhưng lại có tên Phú Quốc trên nhãn... khiến người tiêu dùng ngộ nhận sản phẩm này xuất xứ từ Phú Quốc, song thực tế là những doanh nghiệp đó chỉ mượn tên”, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc giãi bày.
Việc một sản phẩm mang thương hiệu quốc gia như nước mắm Phú Quốc bị “mượn danh”, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty CP tư vấn phát triển & thương mại Phúc Lâm (đơn vị phân phối sản phẩm nước mắm Phú Quốc) cho rằng đã ảnh hưởng trực tiếp tới những sản phẩm nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ, dẫn tới sự hiểu lầm khi lựa chọn sản phẩm trên thị trường.
Dẫn kết quả cuộc khảo sát nhỏ với 200 người tiêu dùng, ông Thành buồn rầu khi gần 100% số người được hỏi không nhận diện đúng nước nắm được bảo hộ, nên đã chọn mua nhầm sản phẩm “mang danh” Phú Quốc. “Vì thế hầu hết người tiêu dùng đã phải bỏ tiền mua sản phẩm không đúng chất lượng, tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra”, Giám đốc Công ty Phúc Lâm nói.
Với những sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý ông Bùi Huy Sơn nhấn mạnh, doanh nghiệp không thể đơn giản là ngồi chờ khách hàng đến, mà phải chủ động tìm tới khách hàng.
“Doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa tiếp thị, quảng bá hình ảnh và chất lượng sản phẩm; chủ động tham gia vào hệ thống phân phối của thị trường rộng lớn như châu Âu, có đòi hỏi yêu cầu rất cao. Có như thế mới có thể cạnh tranh với những sản phẩm 'mang danh' và 'đánh bật' số sản phẩm này ra khỏi kệ, quầy hàng các siêu thị nước ngoài”, ông Sơn nhấn mạnh.(Vnexpress)
Chặn kháng sinh trong thủy sản
Với sự đầu tư bài bản của các DN, nhiều chuyên gia khuyến cáo nếu không liên kết với DN theo mô hình nuôi gia công hoặc cho thuê ao, người dân sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ khi tự nuôi bởi DN sẽ từ chối mua do lo ngại rủi ro.
Xét nghiệm mỗi ngày
8g sáng, kỹ sư Phạm Thị Thanh Thúy (trại cá tra Cồn Linh B, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) đích thân đi lấy mẫu nước ở gần chục ao nuôi cá tra trong trại để phân tích. Công nhân phụ trách cho cá ăn giúp chị bắt cá ngẫu nhiên ở tất cả các ao trong trại để làm xét nghiệm.
“Công ty quy định phải lấy mẫu xét nghiệm mỗi ngày để kịp thời phát hiện bất thường nhằm có biện pháp ngăn chặn, đặc biệt là dịch bệnh và kháng sinh” - chị Thúy giải thích.
Đây không phải là trường hợp cá biệt, nhiều DN xuất khẩu cá tra lớn tại ĐBSCL hiện đều tự tổ chức vùng nuôi riêng và đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại, tuyển đội ngũ kỹ sư thủy sản, kỹ thuật viên xét nghiệm hùng hậu.
Mục tiêu chính là nhằm đảm bảo sản phẩm xuất khẩu không có dư lượng kháng sinh.
Ông Đặng Hiền Bến (phó phòng nuôi trồng Công ty CP Gò Đàng) cho biết hiện công ty có gần 200ha mặt nước nuôi cá tra, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm, đủ cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Ngoài ra, công ty cũng tự ương cá giống, xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn cho cá chứ không mua bên ngoài.
Theo ông Bến, mỗi trại có 2-3 kỹ sư thủy sản trực tiếp nuôi cá và làm các xét nghiệm hằng ngày. Ngoài ra, cứ vài ngày sẽ có một nhóm kỹ thuật viên phòng xét nghiệm tại công ty đến lấy mẫu ngẫu nhiên về làm các xét nghiệm sâu hơn.
Tất cả nguyên liệu đầu vào đều được xét nghiệm kỹ nhằm chắc chắn không để lọt kháng sinh vào nhà máy.
Ngay cả thuốc thú y cũng xét nghiệm trước khi sử dụng cho cá, bởi thực tế công ty đã phát hiện nhà sản xuất trộn kháng sinh bị cấm trong thuốc thú y được phép sử dụng.
“Nuôi cá tra bây giờ rất khó. Nguy cơ nhiễm kháng sinh từ cá giống, hóa chất xử lý nước, thuốc thú y, thức ăn, nguồn nước... rất lớn. Chúng tôi phải canh giữ ao, kiểm tra, xét nghiệm hằng ngày rất vất vả” - ông Bến nói.
Ông Phan Hữu Hội, chi cục phó Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cho biết trên địa bàn hiện chỉ còn 37ha cá tra của nông dân tự nuôi, còn lại khoảng 100ha của DN xuất khẩu được đầu tư rất bài bản. Với nông dân, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp chứng nhận.
“Nuôi cá tra không thể tránh được dịch bệnh và dùng kháng sinh. Trước khi thu hoạch chúng tôi còn lấy mẫu xét nghiệm. Nếu phát hiện dư lượng kháng sinh sẽ không cho họ thu hoạch, chờ khi nào xét nghiệm lại thấy không còn mới được bán” - ông Hội nói.
Dẹp kiểu làm ănchụp giật
Ông Dương Nghĩa Quốc, chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, nói việc phát hiện dư lượng kháng sinh tại ao nuôi cá tra thường gặp ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng tiêu chuẩn quan trọng như VietGAP, GlobalGAP, ASC.
Việc quản lý thuốc thú y, thức ăn cho cá, hóa chất xử lý môi trường tại những hộ này rất khó. Một số lô hàng “dính” kháng sinh hoặc chất cấm sử dụng bị nước ngoài phát hiện trả về phần lớn có nguồn gốc từ những ao nuôi kiểu này.
“Yêu cầu tối thượng với những hộ nuôi lẻ là nông dân phải tự giác không sử dụng hoặc sử dụng hạn chế kháng sinh. Tuyệt đối không dùng thuốc ngoài danh mục của Bộ NN&PTNT, không mua thuốc trôi nổi từ những nhân viên tiếp thị tận ao nuôi.
Sở NN&PTNT địa phương cần quản lý chặt chẽ các nội dung quảng cáo, tiếp thị thuốc thú y và thức ăn thủy sản để giúp nông dân tránh rủi ro khi cá bị dính chất cấm ngoài ý muốn” - ông Quốc nói.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp), nhiều nông dân cho biết nuôi cá tra bây giờ rất dễ bệnh. Và mỗi khi cá bị bệnh lại phải dùng kháng sinh để trị bởi mỗi ao cá có vốn đầu tư hàng tỉ đồng, đâu có ai dám liều đến mức không dùng thuốc kháng sinh. Cá hết bệnh, tới lứa thì kêu bán.
“Trái bóng rủi ro lúc này được đá cho DN, phải chịu rủi ro nếu hàng bị trả về do có tồn dư kháng sinh. Muốn chấm dứt tình trạng này phải dẹp ngay kiểu làm ăn chụp giật. DN và người nuôi phải liên kết, cộng đồng trách nhiệm với nhau” - ông Xuân nói.
Ông Phan Hữu Hội cũng đồng tình giải pháp kéo DN và nông dân đứng chung một “chiến hào”.
Trong tương lai, mô hình nông dân tự nuôi tự bán sẽ ngày càng khó bởi DN có xu hướng tự nuôi để tránh rủi ro cho nên nông dân cần chủ động liên kết với DN bằng các hình thức như cho DN thuê ao hoặc nuôi gia công cho họ.
DN mới có đủ lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng hiện đại, ít bị ô nhiễm, cá ít bị bệnh. Chỉ như vậy mới hạn chế được thuốc thú y và giám sát được những nguy cơ lây nhiễm kháng sinh, chất cấm.
“Muốn liên kết được, chính quyền phải làm cầu nối. phiếu có chế tài đủ mạnh để bắt buộc hai bên phải tự giác thực hiện. Trước đây họ cũng liên kết rồi, nhưng mau chóng tan rã vì hợp đồng có cũng như không” - ông Hội nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo (tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng), chỉ khi nào DN tự nuôi và quản lý chặt chẽ con cá từ khi ương đến khi đưa vào băng chuyền nhà máy thì mới yên tâm.
Do đó, giải pháp duy nhất hiệu quả là DN có vùng nuôi riêng. Khi đó nông dân cho thuê ao hoặc góp vốn bằng ao rồi trở thành cổ đông của DN. Làm được điều này thì cả hai bên đều có lợi.(NDH)
Nông dân cũng tự kiểm soát
Ông Nguyễn Văn Đời (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), chủ 18ha nuôi cá tra với các ao nuôi đều được chứng nhận VietGAP, cho biết kinh nghiệm nói “không” với thuốc kháng sinh là giảm mật độ nuôi, xử lý cho nước ao nuôi thật sạch trước, trong và sau khi thả nuôi.
Ngoài ra, ông Đời cũng đề nghị Chi cục Thủy sản Tiền Giang đến lấy mẫu cá xét nghiệm thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh hoặc dư lượng kháng sinh ngoài ý muốn (do nguồn nước và thuốc xử lý nước) để xử lý.
“Thỉnh thoảng có trình dược viên của các công ty thuốc thú y tới tiếp thị thuốc cho cá tra nhưng tôi đều từ chối.
Làm sao biết được trong thuốc đó có kháng sinh bị cấm hay không. Tiền tỉ bỏ xuống ao, không xài thuốc hay thức ăn lung tung được. Nhưng bây giờ kháng sinh có ở khắp nơi, tôi chỉ lo mình ngăn không xuể” - ông Đời nói.
Theo Hiệp hội Cá tra VN, 6 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu cá tra VN đạt 718 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích cá tra thả nuôi mới ở các tỉnh ĐBSCL là 1.705ha (giảm 23% so với cùng kỳ 2015), diện tích thu hoạch 1.821ha (giảm 10% so với cùng kỳ 2015), sản lượng đạt gần 570.000 tấn.
Tuy nhiên giá cá tra nguyên liệu hiện nay ở mức rất thấp, dưới 19.000 đồng/kg. Với giá này không có người nuôi lẻ nào có lãi, mà bị lỗ vài ngàn đồng/kg, tùy ao. Các DN chủ động nguồn con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi... thì huề vốn.
Thiếu gỗ đóng tàu cá
Trong vòng 3 tháng qua, các loại gỗ nguyên liệu dùng để đóng tàu cá tại tỉnh Bình Định trở nên khan hiếm và tăng giá rất nhanh khiến ngư dân gặp khó khăn.
Theo các chủ cơ sở đóng tàu tại H.Hoài Nhơn (Bình Định), trên thị trường hiện không thiếu gỗ nhưng gỗ đúng quy cách để đóng tàu thì rất ít. Gỗ sao và gỗ sến là loại chủ lực trong đóng mới tàu cá vỏ gỗ của ngư dân, chiếm đến 40% tổng lượng gỗ cần sử dụng. Loại gỗ này có mủ tiết ra mùi đặc trưng khiến hàu không bám vào được. Ngoài ra, khi đóng tàu còn phải dùng các loại gỗ có sức chống chịu tốt như: trâm, sao cát, dẻ, sầm ná… Những loại gỗ này thường được các thương lái mua từ Lào nhưng thời gian gần đây các loại gỗ từ Lào nhập về đều bị xẻ nhỏ nên không đủ quy cách để đóng tàu.
Trước đây 3 tháng, gỗ sao có giá 12 - 13 triệu đồng/m3 nhưng hiện đã tăng đến 17 - 18 triệu đồng/m3, gỗ sến mủ tăng từ 15 triệu đồng lên đến 20 triệu đồng/m3. Các loại gỗ khác tăng từ 8 triệu đồng lên 10 - 11 triệu đồng/m3. Trong khi đó, để đóng một tàu đánh bắt cá ngừ đại dương có chiều dài khoảng 17 - 18 m phải tốn khoảng 80 m3 gỗ, còn đóng tàu hành nghề lưới vây dài 21 - 23 m tốn đến 120 m3 gỗ.
“Khi đóng tàu cá, cần thanh gỗ rất dài để làm “long cốt”, được xem như xương sống của con tàu. Nếu không có thanh gỗ này thì chúng tôi không thể đóng các loại tàu cá to được. Gỗ nguyên liệu đóng tàu đắt đỏ và khan hiếm nên nhiều khi có tiền cũng không mua được. Hiện giá thành khi đóng xong con tàu vỏ gỗ tăng cao khiến ngư dân và các cơ sở đóng tàu gặp khó khăn”, ông Bùi Thanh Ninh, chủ một cơ sở đóng tàu ở xã Tam Quan Bắc (H.Hoài Nhơn), giải thích.
Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (H.Hoài Nhơn), cho biết đơn vị nhận được rất nhiều đơn đặt hàng đóng tàu nhưng số lượng gỗ làm “long cốt” trong kho chỉ còn đủ dùng trong quý 3. Nếu nguyên liệu gỗ đóng tàu tiếp tục khan hiếm, các tàu đóng mới sau này phải dùng đến biện pháp ghép nối “long cốt”. Tuy nhiên, đa số ngư dân đều cho rằng “long cốt” ghép nối sẽ khiến con tàu không thể chịu nổi tác động của sóng gió.
“Tình trạng khan hiếm gỗ nguyên liệu đóng tàu cá như hiện nay đã được lãnh đạo H.Hoài Nhơn lường từ trước. Chúng tôi đã có quy hoạch xây dựng xưởng đóng tàu vỏ sắt và tuyên truyền ngư dân đóng tàu vỏ sắt thay thế cho tàu vỏ gỗ. Trong năm nay, một xưởng đóng tàu vỏ sắt sẽ được khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích 4,4 ha tại cửa biển Tam Quan”, ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND H.Hoài Nhơn, cho biết.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, số lượng tàu vỏ gỗ đóng mới ở địa phương liên tục tăng trong những năm gần đây. Năm 2012, ngư dân Bình Định đóng mới được 158 tàu, đến năm 2013 đóng 275 tàu, năm 2015 đóng mới 250 tàu cá. Từ đầu năm 2016 đến nay, chỉ riêng Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan đã đóng mới gần 150 chiếc tàu vỏ gỗ. Mỗi năm, ngư dân trong tỉnh đầu tư khoảng 500 tỉ đồng để đóng mới tàu cá công suất lớn từ 400 đến 1.000 CV để tham gia đánh bắt xa bờ. Hiện 10 cơ sở ở Bình Định được Bộ NN-PTNT cấp phép đóng tàu cá theo Nghị định 67 và nhiều cơ sở đóng tàu khác ở địa phương đều quá tải vì nhu cầu đóng mới tàu vỏ gỗ của ngư dân tăng quá nhanh.