6 tàu cá Trung Quốc hành nghề trái phép ở vùng biển Việt Nam
Đình chỉ hoạt động kho pha chế sơn công ty TeaKang MTC Việt Nam
Trung Quốc ngang ngược nói giàn khoan hoạt động trong vùng biển của họ
Indonesia trao trả 18 ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép
21 ủy viên Trung ương được giới thiệu vào Chính phủ
Bà Phạm Chi Lan: “Phải có ai đó chịu trách nhiệm trước dân”
- Cập nhật : 08/04/2016
(Tin kinh te)
"Nhà nước phải có trách nhiệm giải trình. Có nghĩa là phải có ai đó, có tên tuổi, có đơn vị chịu trách nhiệm về quyết định của mình gây ra...”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Tại Diễn đàn "Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững" tổ chức ngày 7/4, bà Pratibh Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang đứng trước áp lực lớn. Mặc dù Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc xóa đói giảm nghèo nhưng vẫn còn đến 66% dân số là người nghèo và cận nghèo, làm việc trong khu vực phi chính thức. Theo bà, khi Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế quốc tế, sẽ tác động lớn đến những đối tượng này.
Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, 30 năm vừa qua Việt Nam đã cố gắng rất nhiều, có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chỉ đủ để ra khỏi ngưỡng nghèo và bước vào ngưỡng trung bình thấp.
"Phải nhớ rằng chúng ta xuất phát thấp nên tăng trưởng 1-2% là dễ dàng. Với các nước công nghiệp hóa cao thì 1% của họ bằng mấy chục phần trăm của mình. So với các nước xung quanh như Thái Lan, Việt Nam phải tăng trưởng 2% mới tương đương với 1 % tăng trưởng của họ”, bà Lan nêu.
Bà cũng cho biết, nhìn lại có thể thấy xuất nhập khẩu và FDI là 2 động lực tăng trưởng chính của Việt Nam chứ chưa phải là khu vực kinh tế trong nước. Việt Nam đang dựa nhiều vào xuất khẩu như một động lực quan trọng của tăng trưởng. Xuất nhập khẩu cộng lại tương đương 170% GDP.
Một động lực phát triển khác là giáo dục. Những năm gần đây, giáo dục là một đại vấn đề, bức xúc của các công dân Việt Nam. Nhưng nếu nhìn thành tựu của giáo dục, theo chỉ số đánh giá thì Việt Nam ở mức gần như tương đương với trung bình của các nước tiên tiến trên thế giới, cao hơn Indonesia, Brazil. Thậm chí theo chỉ số, Việt Nam cao hơn Mỹ nhưng người Việt Nam lại đang khao khát sang Mỹ tìm kiếm nền giáo dục.
“Chúng ta tự hào vì đổi mới mang lại cho Việt Nam thành nước có mức thu nhập trung bình nhưng là trung bình thấp, cùng một thời gian 30 năm nhưng Hàn Quốc đã từ một nước nghèo thành một nước giàu. Họ chỉ cần đến 30 năm đã làm được điều đó”, bà cho hay.
Năng suất lao động suốt từ 2001- 2013 năng suất đi theo chiều ngang hoặc xuống, ở thời đại công nghệ nhưng năng suất Việt Nam lại như vậy, đây là vấn đề ở cấp độ doanh nghiệp, ngành phải xem lại.
Chúng ta tự hào xuất khẩu nhiều, nền kinh tế mở, nhưng chỉ có 36% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị. Liên kết ngược xuôi giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn còn thấp.
Trước những vấn đề đó, bà cho biết “Việt Nam 2035 khát vọng hướng tới sự thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”.
Để đạt được mục tiêu đó cần dựa trên 3 trụ cột chính là thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường.
Theo bà, mô hình phát triển của Việt Nam trong những năm vừa qua dựa nhiều vào vốn, quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, doanh nghiệp nhà nước là động lực chính cho sự phát triển thì không thể có sự phát triển cao và bền vững được.
“Hệ quả 30 năm qua là đất nước với một môi trường suy thoái, tài nguyên đào bới gần hết để xuất khẩu thô. Khi Việt Nam có nhà máy lọc dầu Dung Quất thì cũng là lúc dầu thô cạn kiệt, bây giờ phải nhập khẩu từ bên ngoài”, bà nêu.
Công bằng và hòa nhập là trụ cột thứ hai. Theo bà, mặc dù thời gian qua Việt Nam được biểu dương thực hiện khá tốt 8 mục tiêu thiên niên kỷ, có tốc độ xóa đói giảm nghèo nhanh nhưng 66% dân số vẫn cận nghèo. Hơn nữa, xóa đói ở Việt Nam, năm nay ra khỏi nghèo, năm sau lại vào. Có những nơi chia nhau để năm này gia đình này được hưởng, năm sau lại đến lượt gia đình khác. Nếu không có sự công bằng sẽ có sự phân hóa giàu nghèo, vùng miền ngày càng lớn.
Trụ cột thứ 3 là nhà nước có trách nhiệm và năng lực giải trình.
“Suy cho cùng muốn đạt được những điều trên phải cải cách thể chế. Trong thể chế chúng tôi nhấn mạnh đến năng lực dễ dẫn dắt đất nước phát triển lên. Nhà nước phải có trách nhiệm giải trình trước dân. Có nghĩa là phải có ai đó, có tên tuổi, có đơn vị chịu trách nhiệm về quyết định của mình gây ra những vấn đề cho đất nước. 30 năm vừa qua có rất nhiều vấn đề, ví dụ như môi trường, ai chịu trách nhiệm đây? Bộ Tài nguyên Môi trường ư? Đây là một khái niệm chung chung. Hay cả những vụ tham nhũng nhưng ai là người chịu trách nhiệm, phần nhiều xử lý chỉ ở cấp thấp nhưng những vấn đề nghiêm trọng phải xử lý ở cấp cao hơn...”, bà Lan nói.
Chính vì thế bà cho rằng cần phải tạo năng lực cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân bằng cách tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực, chính sách so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Theo Infonet