"Nhà nước phải có trách nhiệm giải trình. Có nghĩa là phải có ai đó, có tên tuổi, có đơn vị chịu trách nhiệm về quyết định của mình gây ra...”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Cuộc sống phiêu bạt của người Việt ở miền Đông Ukraine
- Cập nhật : 07/04/2016
(Tin kinh te)
Xung đột tại miền Đông Ukraine đã tước đoạt của hàng triệu con người sống ở đây công ăn việc làm, buộc họ phải lang thang phiêu bạt các nơi.
Chiến tranh, xung đột tại miền Đông Ukraine đã tước đoạt của hàng triệu con người sống ở đây công ăn việc làm, buộc họ phải lang thang phiêu bạt các nơi, với hy vọng đang ngày càng xa vời, tình cảnh ngày càng khó khăn. Dưới đây là phản ánh của phóng viên TTXVN ở Ukraine.
Trong số nhiều người Việt bán hàng tại chợ Troeshina ở thủ đô Kiev, tôi chợt để ý tới quầy hàng của chị Lường Thị Minh, quê Thanh Hóa vì cùng bán hàng với chị còn có một phụ nữ Ukraine đã cao tuổi. Bà tên là Vera Aleksandrovna Diyachkova, 69 tuổi, đến từ thành phố Bryanka thuộc tỉnh Lugansk. Bà Vera cho biết mỗi ngày đi chợ bà nhận 50 hryvna (gần 2 USD) cùng 7% của số tiền hàng bà bán được.
Trao đổi với chúng tôi, bà Vera nói về hoàn cảnh của mình: "Hiện ở đó yên tĩnh, không có vụ bắn phá nào. Ở đó thường xuyên mất nước song ơn trời là không có bắn phá nữa. Hai năm chiến tranh là 2 năm chưa lần nào tôi đi qua giới tuyến về nhà. Tôi nhận được lương hưu nhưng trên thực tế vẫn phải làm việc. Con gái tôi cũng gửi tiền thêm bởi con trai tôi không thể, ở đó bưu điện không hoạt động. Nó cũng buôn bán nhỏ, trước đây bán cát-xét ngoài chợ, giờ thì còn ai cần tới đồ vật đó nữa nữa. Bởi vậy tôi cũng gửi lương hưu cho cháu chuyển về, còn tiến kiếm được ở đây tôi trả tiền thuê căn hộ và chi cho ăn uống".
Chị Lường Thị Minh thì tâm sự: "Thời buổi khó khăn này mọi người hầu như đều hạn chế người làm công vì không có khả năng chi trả. Nhưng tôi vẫn thuê 2 người vì thực ra bà già gắn bó với tôi đã 15 năm. Bà sắp 70 tuổi rồi, lại sinh ra ở vùng chiến tranh nên bà cũng chưa về đó được. Có về bà cũng không làm gì để sống được nên cũng để bà làm cùng với cô nhân viên ở đây. Nếu bỏ bà thì bà cũng không biết làm ở đâu cả".
Tới một căn hộ ở thành phố Kharkov, nơi tạm trú của gia đình chị Nguyễn Thị Phương - anh Nguyễn Văn Phức cùng 3 con, cậu út năm nay 10 tuổi. Trước đây gia đình anh chị sống ở thị trấn Shakhtarsk, trên con đường chiến lược nối 2 thành phố Donetsk và Lugansk, gần Debalsevo. Chính vì bom đạn khốc liệt buộc anh chị phải bỏ lại nhà cửa ở đó, di tản cư tới Kharkov đã gần 2 năm qua.
Chị Nguyễn Thị Phương, người Thái Bình, cho chúng tôi xem một loạt giấy tờ để có thể qua lại vùng chiến sự. Đặc biệt trong số này là cuốn hộ chiếu đóng các dấu ra vào cho thấy trên thực tế một đường biên giới đã được lập ra với vùng Donbass.
Chị Nguyễn Thị Phương kể: "Trước kia đi lấy hàng, lúc chợ chạy thì chủ nhật, hồi còn chợ bán sỉ chủ nhật đêm thì song buổi chợ đi lên lấy hàng đêm. Sáng thứ 2 về nghỉ, thứ 3 đi chợ. Nếu chợ chạy thứ 5 lại đi lấy hàng. Cứ như vậy cũng vui. Nhưng giờ đi sơ tán, không đi làm ngồi một chỗ cũng buồn. Con cái mỗi ngày một lớn. Không biết chiến tranh kéo dài đến bao giờ nữa. Thu nhập bây giờ coi như hết hẳn. Chợ búa không có người mua. Tiền dân không có. Điều quan trọng là ở Donetsk đang chiến tranh. Cứ bảo ngừng bắn nhưng mà nó cứ bắn ở đâu đó. Người dân nghe thấy bắn là không mua bán nữa trừ đồ ăn thức uống. Quần áo vải vóc người ta giờ chẳng cần mua, có cái gì thì mặc cái ấy. Chiến tranh, sáng thì không có nhưng đêm nó đến thì sao".
Nói về tâm trạng của gia đình, chị cho biết: "Anh thì chán hẳn cuộc sống bên này rồi bởi anh cũng lớn tuổi rồi. Anh sinh năm 1959, năm nay cũng 57-58 tuổi rồi. Anh bảo không thể sống được nữa rồi. Nếu không chiến tranh anh còn vui vẻ ở đây nuôi các con trưởng thành. Cũng nghĩ các cháu đến tuổi lấy vợ lấy chồng. Chúng nó lấy tây hay ta thì là quyền của các cháu. Nhưng thế này thì cũng phải động viên các cháu về nước. Thằng lớn không thích về. Con bé con thì bảo thế mẹ hai mấy năm nay có ở với bà ngoại đâu mà mẹ bắt con về với mẹ".
Đề cập đến thực trạng kinh tế hiện nay, chị Phương bày tỏ: "Người thì khuyên là đi lấy hàng rồi lên metro mà bán kiếm đồng ăn hàng ngày. Nhưng mình không ở đây, không biết đi bán loanh quanh có được không. Nhà có 5 khẩu ăn, ngoài ra còn mua sắm, học hành thứ này thứ khác, rồi lúc ốm lúc đau. Tiền mỗi ngày nó một vơi đi. Một, hai tháng thì không sao. Đây kéo dài đến tận 1-2 năm".
Những giọt nước mắt của chị Phương có thể nói thay cho tình cảnh của những người Việt hiện còn kẹt trong vùng chiến sự, hay đang mòn mỏi, với hy vọng tắt dần tại nơi tản cư khi mà cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo.
Theo Báo Tin Tức