Bất chấp khuyến cáo, nông dân Đăk Lăk ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu
Xuất khẩu gạo: Đích còn xa
Thượng tướng Tô Lâm được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 31-07-2016
- Cập nhật : 31/07/2016
Cấp bách "vực dậy" nền nông nghiệp tăng trưởng âm
Trong các phát biểu của Đại biểu quốc hội tại Hội trường chiều nay 29/7, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Quốc hội cần quan tâm nhiều hơn đến sự giảm sút trong lĩnh vực nông nghiệp khi 6 tháng đầu năm nay. Tán thành với báo cáo của Chính phủ về những nguyên nhân khách quan khiến sản xuất nông nghiệp 6 tháng qua lần đầu tiên bị tăng trưởng âm, song Đại biểu cũng khẳng định, có nguyên nhân chủ quan đã lâu chưa được xem xét, giải quyết căn cơ như: việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa tương xứng với tăng trưởng của GDP; còn thiếu những cây, con giống đáp ứng yêu cầu của thị trường, giá vật tư phân bón, chi phí đầu vào còn cao, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại trên thị trường gây thiệt hại cho nông dân.
Đặc biệt, sai phạm của cán bộ liên quan lĩnh vực này, chẳng hạn cấp phép khống cho trên 800 sản phẩm trong lĩnh vực thủy sản không qua kiểm định chất lượng vẫn được phép lưu hành gây bức xúc lớn cho nhân dân. Rất nhiều tồn tại bấy lâu của ngành nông nghiệp đã được nhiều Đại biểu Quốc hội Khóa XIII chỉ ra, lặp đi lặp lại nhưng chưa có giải pháp khắc phục.
Theo đại biểu Hoa Ry, nền nông nghiệp chúng ta chưa đủ mạnh để ứng phó với các điều kiện thời tiết không thuận lợi; chưa kể đến những khó khăn gặp phải khi đất nước hội nhập sâu rộng. Chính vì vậy, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Cần thiết, tổ chức giám sát chuyên đề về lĩnh vực này để nắm được bức tranh tổng thể nền nông nghiệp, có giải pháp thiết thực, khung khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp với thời kỳ hội nhập, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con. Cùng với đó là, tăng cường đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, có cơ cấu phân bổ hợp lý, tương xứng với các nhóm đối tượng thụ hưởng.
"Mặc dù Chính phủ đã có chương trình tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn nhưng trên thực tế, người nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn khó khăn. Việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp còn gặp khó, Chính phủ cần rà soát, tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực này. Quan tâm đầu tư cho các viện, trung tâm nghiên cứu để đủ sức nghiên cứu ra các cây trồng vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền và gắn với công nghiệp chế biến.
Quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu nông sản có chất lượng và thị trường tiêu thụ để nâng cao chất lượng nông sản. Cần có cơ chế chính sách phát triển cho nhóm nông dân khởi nghiệp, hợp tác tự nguyện hình thành các Hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa", Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị
Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Cao Bằng) cũng cho rằng, nông nghiệp là “giảm shock” của nền kinh tế nhưng việc đầu tư cho nông nghiệp vừa qua vẫn chủ yếu theo chiều rộng, giá trị kinh tế thấp, phát triển không bền vững. Vì thế, Đại biểu này đề nghị, Chính phủ cần phân tích sâu hơn nguyên nhân của tình trạng này và đề ra một số giải pháp đồng bộ để phát triển nông nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, hiệu quả hơn, kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong phát triển mở rộng thị trường.
Ghi nhận ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về những việc cần phải làm đối với nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, nông nghiệp đang đứng trước những thách rất lớn.
Đó là nền nông nghiệp về tổng thể vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ với 12 triệu hộ nông dân, bình quân 1 hộ là 0,3 ha đất sản xuất. Chính điều này dẫn tới năng suất lao động, năng suất kinh tế rất thấp. Thu nhập của người nông dân không chỉ thấp hơn các nước xung quanh mà thấp hơn cả trong các khu vực khác của nền kinh tế nước ta.
"Đây là nguyên nhân căn bản để chúng ta phải tái cơ cấu nền nông nghiệp", Bộ trưởng Cường khẳng định.
Mặt khác, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và khắc nghiệt hơn so với kịch bản đã dự báo năm 2012. Khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng đã diễn ra khốc liệt suốt từ đầu năm ở hầu hết các vùng của đất nước, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Nông nghiệp nước ta cần hội nhập sâu rộng đi cùng với yêu cầu thị trường mở rộng cả hai chiều.
Ở chiều xuất khẩu, yêu cầu hàng hóa tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, giá cả cạnh tranh và liên tục đổi mới. Ở chiều ngược lại, áp lực cạnh tranh với hàng ngoại tràn vào, trong khi tính cạnh tranh của chúng ta về nguồn tài nguyên, về khoa học, về trình độ công nghiệp hóa đang là bất lợi. Đây là ba thách thức rất lớn, mang tính sống còn, đòi hỏi chúng ta phải tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị bền vững.
Về tái cơ cấu nông nghiệp, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp vào tháng 6/2013. Các ngành, các địa phương đều xây dựng chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của mình và qua 3 năm thực hiện đã xuất hiện được những mô hình, điển hình ở quy mô, ngành hàng khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các sản phẩm chính của nông nghiệp vẫn được sản xuất nhỏ lẻ, cho giá trị thấp, bấp bênh về mặt tiêu thụ, giá trị gia tăng thấp, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hơn, đặc biệt là vùng trọng điểm đang bị tác động kép của biến đổi khí hậu như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, ĐBSCL.
"Tới đây, Bộ và các tỉnh sẽ phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát huy sản phẩm lợi thế vùng gắn biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường. Trên cơ sở đó, đề xuất đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một cách căn cơ theo yêu cầu của sản xuất mới. Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào các lĩnh vực còn dư địa để thực hiện", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.(BĐT)
Hơn 5.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào thị xã Đông Triều, Quảng Ninh
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thị xã Đông Triều đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (do Tập đoàn Boston - BCG lập) và quy hoạch chung thị xã Đông Triều đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030 (do công ty Nikken Sekkei lập) thì Đông Triều sẽ được xây dựng trờ thành đô thị nông nghiệp mới, với 3 định hướng phát triển không gian chính. Đó là, xây dựng trung tâm hành chính mới, xây dựng đô thị nông nghiệp mới và xây dựng mạng lưới du lịch.
Dự kiến, đến trước năm 2020, Đông Triều sẽ đạt tiêu chuẩn đô thị loại III và trở thành đô thị loại II vào năm 2030.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Văn Học, Bí thư thị Ủy Đông Triều đã khẳng định: “Đông Triều sẽ tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng để góp phần tạo động lực thu hút đầu tư từ cộng đồng và doanh nghiệp. Cùng với đó, là xây dựng chính quyền điện tử, nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và môi trường đầu tư minh bạch, an toàn, thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh của thị xã”.
Trong thời gian qua, Đông Triều đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược vào những lịch vực mà thì xã đang tập trung phát triển. Đầu tiên phải kể đến là Tập đoàn Vingroup. Tập đoàn này đã tiến hành đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây và xã Hoàng Quế. Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Vinacomin đã thực hiện dự án đầu tư ga cáp treo và khu dịch vụ nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa nhà Trần ở Đông Triều (đã hoàn thiện tuyến cáp treo số 1 với chiều dài 2,5km).
Nhiều dự án đầu tư khác trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét nung, vật liệu không nung, cơ khí, chế biến, chăn nuôi tập trung, các khu đô thị mới cũng đã được thực hiện… Trong đó, phải kể đến những dự án rất thành công của nhà đầu tư Công ty cổ phần Gốm Đất Việt, Tập đoàn Hoàng Hà,…
“Những dự án tham gia đầu tư đã bước đầu thúc đẩy kinh tế - xã hội của Đông Triều phát triển, góp phần thay đổi diện mạo đô thị của thị xã theo hướng tích cực”, ông Hà Hải Dương, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều khẳng định.
Theo ông Hà Hải Dương thì, từ năm 2014 - 2020, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển là khoảng 47.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 11% (5.000 tỷ đồng). Với nguồn vốn hạn hẹp này, Đông Triều sẽ tập trung đầu tư cho các công trình hạ tầng để góp phần tạo động lực thu hút đầu tư từ cộng đồng và doanh nghiệp.
Tại hội nghị này, UBND thị xã Đông Triều đã trao 4 quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư 318 tỷ đồng. Đó là dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty TNHH Viễn Đông; Dự án Trạm trung chuyển khách, bãi đỗ xe buýt và bến xe khách công cộng của Công ty TNHH Phúc Xuyên; Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty VinEco và Dự án nhóm nhà ở cán bộ công nhân viên của Công ty cổ phần gạch Clinker Viglacera.
Chủ đầu tư của 10 dự án khác với tổng vốn đầu tư trên 4.744 tỷ đồng cũng đã ký ghi nhớ hợp tác đầu tư vào Đông Triều. Các dự án này tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực như hạ tầng khu - cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch, thương mại và du lịch; hạ tầng đô thị, giáo dục, giao thông, nông nghiệp công nghệ cao...
“Chắc chắn trong tương lai không xa, Đông Triều sẽ trở thành đô thị phát triển năng động ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, đóng vai trò kết nối tỉnh Quảng Ninh với vùng thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng duyên hải Bắc Bộ. Thị xã sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch, công nghiệp khai khoáng, sản xuất điện năng và vật liệu xây dựng, là khu vực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trở thành trọng điểm sản xuất chế biến nông nghiệp lớn của tỉnh Quảng Ninh, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Quốc gia”, đó là khẳng định và cũng là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại Hội nghị.(BĐT)
Không được công nhận tiến sĩ, Phó Bí thư Tỉnh ủy phải trả lại tiền học?
“Nếu bằng TS của ông Lê Kim Toàn không được công nhận, đương nhiên phải xem xét việc thu hồi kinh phí ngân sách đã cấp cho ông Toàn đi học”, ông Trần Kim Hùng, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Định nói.
Tiến sĩ du lịch cuối tuần
“Tiến sĩ du lịch cuối tuần” là từ được dư luận ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định) dùng, để nói về việc ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 có bằng TS Quản lý giáo dục.
Trong danh sách đề cử ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2015-2020 được trình trước Đại hội lần thứ 19, Đảng bộ tỉnh Bình Định vào tháng 10/2015, ông Lê Kim Toàn có trình độ chuyên môn là TS Quản lý giáo dục.
Nhưng tháng 4/2016, trong hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Lê Kim Toàn lại khai trình độ chuyên môn chỉ là ThS Quản lý giáo dục. Một số cán bộ lão thành của tỉnh Bình Định gửi đơn đến các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, kiến nghị làm rõ thực sự ông Toàn có trình độ TS hay ThS, nếu có trình độ TS thì ông học ở đâu, học như thế nào?
Ông Trần Kim Hùng, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Bình Định xác nhận, theo hồ sơ lý lịch cán bộ, ông Lê Kim Toàn khai học vị cao nhất là TS Quản lý giáo dục, hình thức đào tạo chính quy tại trường Đại học Bulacan State (Philippines).
Theo thông báo kết luận ngày 7/9/2011 của Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, ông Toàn được cử dự lớp nghiên cứu sinh về khoa học quản lý giáo dục do trường ĐH Đại Nam (Hà Nội) và trường ĐH Bulacan State tổ chức trong thời gian từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2013, hình thức đào tạo là bán du học, quá trình học và hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu được thực hiện tại Hà Nội mỗi tháng bốn ngày, bảo vệ đề tài tại Philippines trong 10 ngày.
“Sở Tài chính đã chi 3 trăm mấy chục triệu đồng (386 triệu đồng) cho anh Toàn đi học, trong đó học phí là 10.800 đô. Chúng tôi thấy hàng tháng anh ấy có đi nước ngoài, chi phí đi lại hình như là gia đình chi”, ông Trần Kim Hùng nói.
Bản sao văn bằng tiến sĩ do trường ĐH Bulacan State cấp cho ông Toàn ngày 7/12/2013 chỉ ghi là “Bằng tiến sĩ về quản lý giáo dục”, không thể hiện hình thức đào tạo là chính quy.
Trước đó, từ tháng 1/2015 báo chí đã dẫn lời ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, cho biết có một số trường ĐH tại Việt Nam tổ chức các chương trình học ThS, TS của trường ĐH Bulacan State, thực chất chỉ là những chuyến du học ngắn ngày.
Bộ GD&ĐT không công nhận văn bằng với hình thức du học ngắn ngày như vậy. Phải chăng ông Toàn khai man bằng cấp? “Không phải khai man, chỉ là chọn chương trình không đúng”, ông Trần Kim Hùng trả lời.
“Đúng quy trình”, nhưng không đúng quy định?
Theo ý của ông Trần Kim Hùng, việc ông Lê Kim Toàn được cử đi học TS tại trường ĐH Bulacan State là đúng quy trình, theo chính sách đào tạo nguồn nhân lực cao của tỉnh Bình Định.
Theo Quy định một số chính sách đào tạo cán bộ khoa học - công nghệ trình độ cao do UBND tỉnh Bình Định ban hành ngày 17/12/2007, một trong các điều kiện đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài là tuổi đời không quá 30. Nhưng năm 2011 ông Toàn đã 46 tuổi, không phù hợp điều kiện trên, tại sao vẫn được cho đi học?
Được biết, ông Lê Kim Toàn đã giải trình với Vụ 5, UBKT Trung ương Đảng, nhận sai việc đi học chương trình chưa chính thống, chưa được Bộ GD&ĐT công nhận mà vẫn khai là có học vị TS.
“Anh Toàn rút lại học vị TS, chỉ khai là ThS vì đọc được thông tin trả lời báo chí của lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, chứ chưa chủ động hỏi lại Bộ GD&ĐT về xác nhận văn bằng”, ông Trần Kim Hùng nói.
Theo ông Hùng, sau khi Bộ GĐ&ĐT chính thức không công nhận bằng TS của ông Toàn, việc thu hồi kinh phí đào tạo của ông Toàn sẽ được xem xét.(TP)
Theo đơn của một số cán bộ lão thành tỉnh Bình Định, thời gian gần đây nhiều người thân của ông Lê Kim Toàn được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo. Trong vòng 3 năm, vợ ông Toàn là bà Lê Thị Điển đã từ một giáo viên bình thường được bổ nhiệm làm hiệu phó, hiệu trưởng rồi làm Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định.
Chị ruột ông Toàn là bà Lê Thị Kim Mai dù chỉ 3 năm nữa đến tuổi phải nghỉ hưu vẫn được cử làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh. Em ruột ông Toàn là bà Lê Thị Vinh Hương làm Trưởng một phòng của Sở KH&CN chưa được 1 năm thì được điều sang làm Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH…
Theo ông Trần Kim Hùng, trường hợp bà Lê Thị Điển được bổ nhiệm chức Phó GĐ Sở GD&ĐT là đúng quy trình. Tuy nhiên, trong đó “có chút tế nhị”, vì ông Trần Đức Minh (anh rể ông Toàn, chồng bà Lê Thị Kim Mai) là Giám đốc Sở GD&ĐT từ tháng 5/2012 đến tháng 5/2016.
Hà Nội: Bát nháo “cò” bệnh viện
Tại nhiều bệnh viện lớn của Hà Nội, “cò” hoạt động hết sức nhộn nhịp, “cò” mặc cả, ngã giá, trắng trợn thu tiền của người bệnh…
Bốn trăm nghìn/lần khám nhanh
9h30 sáng ngày 29/7, nhóm PV có mặt tại phòng khám 56 Hai Bà Trưng. Dòng người xếp hàng chật kín, đa phần là phụ nữ mang bầu ánh mắt mệt mỏi, chống cằm ngồi chờ.
Trong vai một người đi khám bệnh, sau khi mua sổ y bạ và lấy phiếu khám, tôi đang lơ ngơ thì một ông xe ôm đứng ngay trước cửa tiến lại hất hàm: “Có muốn khám luôn không”.
Lập tức, ông này tiến về phía tôi và chỉ tay vào một người phụ nữ trẻ tóc ngắn phía trái. Người phụ nữ nhanh nhảu: “Chị dẫn đến gặp bác sĩ luôn, không phải đợi. Chỉ hết 500.000 đồng thôi. Trong đó, có 300.000 đồng tiền khám của em rồi”.
Thấy tôi do dự, lập tức hai người phụ nữ bên cạnh cùng ông xe ôm tấn công: “Có 500.000đ thôi, tiết kiệm được thời gian. Để thời gian đó về làm việc khác. Giờ em mà khám có mà đợi đến chiều tối”. Nhận 500.000đ, người phụ nữ lập tức rút điện thoại. “Cò” cho hay, người thứ nhất mà người phụ nữ này gọi điện từ chối, người thứ hai tên Linh nhận lời. “Đấy, nhờ cho em có phải dễ đâu” – “cò” phân trần.
Thống nhất xong, chị ta đưa lại cho tôi 100.000đ bảo vào mua phiếu và băng băng bước đi vào phòng khám, tôi lũi cũi theo sau. Người phụ nữ cho biết mình tên Thanh. Đi qua tất cả các phòng tại địa chỉ 56 Hai Bà Trưng, người phụ nữ tiến vào sân trong của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bảo tôi dừng lại rồi dặn: “Lát có thằng em ra đón, em cứ đi theo nó. Đưa sổ y bạ đây, vào kia mua sổ khác. Vào cửa số 11, bảo em người nhà chị L. tài vụ nhé”!
Lát sau, một thanh niên đến, chị Thanh bàn giao tôi cho cậu thanh niên này. Kiên, người vừa nhận bàn giao dẫn tôi vào nhà A của Bệnh viện Phụ sản TW và chỉ cho tôi chỗ mua y bạ. Sau đó, hướng dẫn tôi đến cửa 11 và dặn nhớ bảo là người nhà của chị L. tài vụ.
Lấy số xong, Kiên dẫn tôi lên phòng số 19B rồi bảo tôi vào. Khi bước vào phòng khám tôi đã thấy có một số người ngồi đợi phía ngoài. Nhưng khi đưa sổ, bác sĩ chỉ định khám luôn. Như vậy, từ lúc vào nộp tiền cho đến khi khám xong, tôi chỉ mất 15 phút. Và không phải xếp hàng ở bất cứ khâu nào!
Trước đó, PV đã nhiều lần trong vai người đi khám thâm nhập vào phòng khám 56 Hai Bà Trưng. Tại đây có hai người phụ nữ, một già, một trẻ thường xuyên xuất hiện chào mời kèm theo nhóm xe ôm hỗ trợ.
Không chỉ tại BV Phụ sản Trung ương, ngay cửa BV U bướu Trung ương (Bệnh viện K), PV Tiền Phong cũng được hai “cò” gạ gẫm khá nhiệt tình. Sau khi bày tỏ nguyện vọng với một tài xế xe ôm đứng trên vỉa hè phố Quán Sứ -Tràng Thi, PV được một chị “cò” chừng ngoài ba mươi tuổi, môi tô son đỏ chót săn đón nhiệt tình. “Anh ghi số điện của em vào để gọi nhé. Khám nhanh, mời bác sỹ giỏi, em xử lý hết”, chị “cò” cam kết.
Vì sao “cò” có đất sống?
Trao đổi với PV , ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương thừa nhận tình trạng “cò” đang hoạt động tại khu vực phòng khám 56 Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, ông Quyết cho biết đến nay vẫn chưa phát hiện được sự móc nối giữa “cò” với nhân viên y tế.
“Tôi rất mong hợp tác với báo để làm rõ. Bệnh viện nào cũng có “cò” nhưng cứ bắt xong hôm trước, phạt vài trăm nghìn rồi hôm sau lại tái diễn nạn “cò”.
Cò thường mượn danh cán bộ của bệnh viện để thu tiền bệnh nhân. Lực lượng của bệnh viện chỉ kiểm soát được bên trong, bên ngoài phải là chính quyền, công an”, ông Quyết nói. Ông Quyết cam kết nếu phát hiện nhân viên y tế tiếp tay cho “cò” thì sẽ đuổi việc ngay.
Còn tại Bệnh viện K, ông Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc khẳng định bệnh viện này đã phát hiện có tình trạng bác sỹ tiếp tay cho “cò”! Cụ thể là vào tháng 4/2016 vừa qua, nhờ sự tố giác của bệnh nhân, Bệnh viện K đã phát hiện và xử lý một bác sỹ của Khoa chẩn đoán hình ảnh móc nối với “cò” thu tiền bệnh nhân.
Cũng theo ông Thuấn, “cò” thường moi tiền của bệnh nhân qua hình thức như bán sổ y bạ với giá cao, giới thiệu với người bệnh cơ sở khám bệnh bên ngoài bệnh viện. “Cò thường thu của người bệnh từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, hứa hẹn gặp bác sỹ này bác sỹ kia.
Nguyên nhân là trước đây bệnh viện tại Quán Sứ bị quá tải nghiêm trọng, mỗi ngày lên tới 1.500 lượt người đến khám. Hiện nay đã giảm tải nhiều do đưa cơ sở mới vào hoạt động tại Tân Triều”, ông Thuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) cho hay trên địa bàn phường có tới 4 bệnh viện trung ương và tình trạng “cò” bệnh viện đang diễn ra hết sức phức tạp. Ông Thành khẳng định, sở dĩ “cò” có đất sống là vì nguyên nhân từ chính quy trình khám chữa bệnh của các bệnh viện.
Qua khai thác các đối tượng bị tạm giữ, công an phường cho biết các đối tượng này lợi dụng sự lỏng lẻo, đã vào phòng khám từ sáng sớm lấy nhiều vé khám rồi sau đó bán lại cho người đến sau. Trong khi đó, mức xử lý đối với “cò” quá nhẹ, thường là phạt hành chính từ 100 đến 300 nghìn đồng/1 lần vi phạm nên không đủ sức răn đe.(TP)
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2016 đến nay, công an phường Hàng Bông đã xử phạt hành chính 40 đối tượng là “cò” hoạt động tại các bệnh viện.