Nga là nước đứng thứ 20 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 31-12-2015
- Cập nhật : 31/12/2015
Sân bay Long Thành: Đang hoàn thiện chính sách đền bù
Liên quan dự án sân bay Long Thành người dân hỏi khi nào làm dự án? Giá đền bù ra sao, rồi tái định cư cho dân có tốt hơn nơi ở cũ không và chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào?
Đoàn đại biểu Quốc hội thị sát khu vực làm dự án sân bay Long Thành và nghe kế hoạch làm tái định cư cho dân ngày 29-12 - Ảnh: Hà Mi
Ngày 29-12, đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Đồng Nai đã gặp gỡ và đối thoại với người dân trong vùng dự án cảng hàng không sân bay quốc tế Long Thành.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Hoa (ngụ xã Bàu Cạn, Long Thành) đặt câu hỏi: “Khi nào sân bay mới làm và bao giờ có quyết định thu hồi đất? Nhiều hộ với nhiều thế hệ chung sống bị thu hồi 5-7ha đất sẽ được bao nhiêu lô tái định cư?”.
Theo ông Đặng Kim Phụng (nguyên phó chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Long Thành), đa số người dân đều đồng tình làm dự án sân bay, nhưng làm sao đừng để dân thiệt thòi, bức xúc. “Vấn đề người dân muốn đặt ra là khi nào làm dự án? Giá đền bù ra sao, rồi tái định cư cho dân có tốt hơn nơi ở cũ không và chuyển đổi nghề nghiệp như thế nào?”.
Trước các vấn đề người dân đặt ra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Nghị quyết của Quốc hội khi thông qua chủ trương này đã giao Chính phủ thu hồi đất phải quan tâm đến bồi thường, tái định cư cho dân và phải đảm bảo được đời sống của người dân nên bà con yên tâm”.
Ông Phúc cũng yêu cầu tỉnh Đồng Nai phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin giá đền bù đất đai cho dân, công khai thông tin quy hoạch tái định cư. Riêng ông Võ Văn Chánh - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho hay: “Dự án dự kiến khởi công vào năm 2018.
Tỉnh đang hoàn thiện khung chính sách đền bù trình Chính phủ và kiến nghị Quốc hội có ý kiến để Đồng Nai tách riêng dự án tái định cư nhằm ổn định đời sống của dân”.
Cơ quan tố tụng nhiều tỉnh cùng nợ tiền một bệnh viện
Ngày 30-12, bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết đã có công văn gởi Sở Y tế, Sở Tài chính và UBND TP Đà Nẵng đề nghị hỗ trợ chi phí điều trị đối tượng bắt buộc chữa bệnh năm 2014.
Bác sĩ Lê Văn Nguyên, phó khoa Cai nghiện chất & điều trị bắt buộc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng khám cho một bệnh nhân tâm thần gây án tại tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Theo công văn này, các đối tượng bắt buộc chữa bệnh là đối tượng vi phạm pháp luật đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được các cơ quan tố tụng tại Đà Nẵng và các tỉnh đưa đến bệnh viện chữa trị.
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay bệnh viện do chưa có quy định cụ thể về đối tượng chi trả tài chính cho đối tượng bắt buộc chữa bệnh nên bệnh viện chỉ thu được chi phí điều trị vài trường hợp, còn lại đa số phải “ghi nợ”.
“Nghị định 64/2011 do Chính phủ ban hành quy định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, theo đó Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Trung- Tây Nguyên.
Từ khi nghị định ra đời đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm người bị bắt buộc chữa bệnh, trong đó có những bệnh nhân tâm thần gây án điều trị tại đây nhiều năm trời nhưng do không có thông tư hướng dẫn việc chi trả chi phí điều trị nên bệnh viện lúng túng, không có căn cứ thu tiền các đơn vị đưa người đến điều trị, họ cũng không có căn cứ để chi trả.
Trong năm 2014, bệnh viện điều trị cho 36 người bị bắt buộc chữa bệnh với kinh phí điều trị là 384 triệu đồng. Trong năm 2015 bệnh cũng tiếp nhận thêm 22 người bị bắt buộc chữa bệnh”- bác sĩ Ngọc nói.
Theo bác sĩ Ngọc, việc đề nghị TP hỗ trợ chi phí điều trị đối tượng bắt buộc chữa bệnh cũng là biện pháp “chữa cháy” tạm thời. Vì TP Đà Nẵng không thể mãi chi ngân sách chi phí điều trị nhiều người bệnh bắt buộc do các cơ quan tố tụng ở ngoại tỉnh đưa tới.
Hàng trăm ký cá chết mỗi ngày, người nuôi cá bè thiệt hại nặng
Ngày 30-12, người dân nuôi cá bè dọc sông Đồng Nai đang hết sức hoang mang khi hàng tạ cá nuôi trong các bè tiếp tục nổi đầu, trồi lên mặt nước, ngửa bụng và chết.
Ông Lê Văn Khiên - một người dân nuôi cá bè (đoạn qua xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa), cho biết nhà ông có tất cả 22 vèo (lồng nuôi cá bằng lưới) nuôi cá nuôi trên sông, nhiều vèo đang đến độ thu hoạch nhưng khoảng một tuần nay cá chết rất nhiều khiến ông không khỏi lo lắng.
Từ hôm 25-12 đến này cá chết nhiều, mỗi ngày ông Khiên vớt từ 100-150kg cá chết đem bỏ, thiệt hại đến giờ này tính khoảng 80 triệu đồng, đó là chưa tính thiệt hại từ những con cá bệnh, cá còm do cá không chịu ăn.
Chỉ vào đống cám chất đống ở góc nhà, ông Khiên ngán ngẩm nói “đây là đống cám lấy từ tuần trước vẫn còn dư do cá không chịu ăn. Thường thì ngày nào cũng phải lấy cám”.
Tương tự, anh Hoàng Văn Dũng - một hộ nuôi cá ở đầu làng bè - cho biết anh nuôi gần chục vèo cá kiểng. Khoảng hai tuần nay cá nổi đầu, trồi lên mặt nước và chết gần 1 tấn. Mỗi con cá có trọng lượng khoảng 600-800g, với giá cá hiện nay là 120.000 đồng/kg, anh Dũng thiệt hại trên 100 triệu đồng.
Do đâu?
Ông Trần Văn Viết cho biết thời gian gần đây trẻ con tắm ở sông thường bị ngứa, nổi sẩn trên da như mề đay. “Theo kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm của tôi là do nguồn nước ô nhiễm, cứ mỗi cuối năm là bị vậy” - ông Viết khẳng định.
Theo các hộ dân nuôi cá tại đây, nguyên nhân khiến cá chết nghi do hóa chất các nhà máy xả ra sông khiến nước bị ô nhiễm. Nước ô nhiễm này lên theo từng luồng, chừng vài tiếng lại hết rồi bị lại.
Trả lời Tuổi Trẻ vấn đề này, ông Đỗ Chí Kiên - chuyên viên Phòng Kinh tế TP Biên Hòa (phụ trách thủy sản) - cho hay Chi cục Thủy sản đã xuống lấy mẫu nước và có văn bản gửi cho Phòng Kinh tế.
Nguyên nhân cá chết là do thiếu oxy vì dòng nước chảy quá yếu chứ không phải do ô nhiễm nguồn nước hoặc do hóa chất độc hại thải từ các nhà máy xuống sông.
Theo ông Kiên, vào năm 2014, làng cá bè Tân Mai cũng từng xảy ra tình trạng tương tự. Hiện phòng đã khuyến cáo các hộ dân tăng cường sục khí oxy, giảm cho ăn trong lúc đang diễn ra những đợt “triều cường đứng” nhằm giảm thiệt hại cho bà con.
Làng cá bè Tân Mai có tổng cộng 247 hộ, nuôi 271 bè dọc trên sông Cái, đoạn qua các phường Tân Mai, Thống Nhất, An Bình, Tam Hiệp và xã Hiệp Hòa.
Sau 10 năm thực hiện Dự án di dời làng cá bè phù hợp với cảnh quan, sinh thái trên sông Đồng Nai, đầu tháng 7-2015 đã hoàn tất di dời các hộ vào đúng vị trí đã được sắp xếp theo quy hoạch trên sông Đồng Nai tại xã Hiệp Hòa.
1.050 tỉ xây cầu An Hảo và tuyến nối Quốc lộ 1, 1K và 51
Lễ động thổ xây dựng dự án cầu An Hảo và tuyến nối Quốc lộ 1, Quốc lộ 11 và Quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) diễn ra sáng 30-12.
Ngày 30-12, Tổng công ty Xây dựng số 1 - TNHH một thành viên (CC1 - Bộ Xây dựng) và UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ động thổ công trình này.
Công trình xây dựng cầu An Hảo có tổng chiều dài 2.153,7 mét, trong đó cầu dài 475,5 mét và rộng 23 mét cho 6 làn xe lưu thông, phần còn lại là đường dẫn vào cầu.
Xây dựng hầm chui nút giao thông Vũng Tàu để cho chiều xe rẽ trái từ Quốc lộ 51 đi TP.HCM rộng 11 mét cho hai làn xe lưu thông; Cải tạo đoạn tuyến Quốc lộ 1 từ nút giao thông Amata đến nút giao Vũng Tàu có tổng chiều dài hơn 4, 6 km.
Theo ông Lê Hữu Việt Đức - tổng giám đốc CCI, công trình trên sẽ kết nối các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Bà Rịa Vũng Tàu, góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 51 và rút ngắn thời gian từ các tỉnh về TP.HCM.
Đồng thời, công trình xây dựng cầu An Hảo sẽ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thay vì đi phà An Hảo.
Ông Nguyễn Chung Khánh - tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 thay mặt Bộ Giao thông vận tải yêu cầu nhà đầu tư bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình và đảm bảo an toàn, mỹ thuật công trình.
Ông Đinh Quốc Thái - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai gửi lời cảm ơn đến người dân đã chấp hành quy định về giải tỏa để dự án thi công đúng tiến độ.
Được biết, tổng kinh phí đầu tư dự án là 1.050 tỉ đồng, dự kiến công trình hoàn thành vào tháng 6-2017.
Xe đò tăng giá vé 40-60% trong dịp tết
Bến xe Miền Tây tăng giá vé 40%. Bến xe An Sương và Ngã Tư Ga yêu cầu niêm yết công khai giá vé...
Bến xe Miền Tây vừa công bố kế hoạch phục vụ tết 2016, bến đề nghị các đơn vị vận tải áp dụng mức phụ thu giá vé xe đò ngày tết không quá 40% so với mức giá vé ngày thường.
Thời điểm thực hiện tăng giá vé xe đò tết trong 6 ngày (gồm 4 ngày trước tết và 2 ngày sau tết). Để tạo thuận lợi cho hành khách chủ động về quê trong những ngày trước tết, bến xe Miền Tây tổ chức bán vé trước trong thời gian từ ngày 19-1-2016 đến ngày 2-2-2016 cho hành khách mua vé cá nhân hoặc tập thể đi từ ngày 30-1-2016 (21-12 âm lịch) đến ngày 7-2-2016 (29 tết). Đồng thời bến tổ chức xe đưa đón khách tận nhà nếu mua vé tập thể cho 29 người trở lên.
Trong khi đó bến xe An Sương (Hóc Môn) có tuyến xe đò về Tây Ninh và bến xe Ngã Tư Ga (Q.12) có tuyến xe đò đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải và chủ phương tiện thực hiện niêm yết công khai giá vé ngày tết, không được phụ thu giá vé và hành lý vượt quá quy định.
Đồng thời quy định các bảng giá vé niêm yết phải được bến đóng dấu xác nhận, tránh tình trạng tự ý nâng giá vé.
Trước đó, bến xe miền Đông yêu cầu các đơn vị vận tải chỉ được tăng giá vé từ 20-60% trong những ngày phục vụ tết.