Phải làm sao để khi nghĩ tới TP.HCM, nhà đầu tư sẽ nghĩ đến một thành phố thông thoáng, cởi mở, chân thành.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 02-01-2016
- Cập nhật : 02/01/2016
Ngày đầu năm, tàu cá ngư dân Việt bị đâm chìm
Tàu cá mang số hiệu QNg 98495 của ông Huỳnh Họp (69 tuổi, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ) bị đâm chìm ở tọa độ cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) chỉ khoảng 70 hải lý.
Ông Sinh, chủ tịch UBND xã Phổ Quang (bên phải) cùng với phó chủ tịch UBND xã đang cố gắng liên lạc với tàu cá gặp nạn - Ảnh: CTV
21g30 tối 1-1, ông Võ Văn Sinh, chủ tịch UBND xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) xác nhận thông tin từ các ngư dân báo về thì tàu cá mang số hiệu QNg 98495 do ông Huỳnh Họp (69 tuổi, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ) làm chủ tàu, giao cho ông Huỳnh Thạch (43 tuổi, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ) làm thuyền trưởng bị đâm chìm ở tọa độ 17 độ 07’ bắc, 108 độ 21’ đông, cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị khoảng 70 hải lý).
Theo đó, tàu cá trên xuất bến tại cảng Đà Nẵng vào tối 31-12-2015 ra Vịnh Bắc Bộ hành nghề lưới rê. Lúc 12g15 ngày 1-1, khi các ngư dân đến vị trí trên thì bị một tàu cá mang số hiệu 00098880 (giống tàu đánh lưới của nước ngoài) đâm mạnh.
“Các ngư dân kể lại qua bộ đàm là lúc đó đang ngủ trưa nghe tiếng đâm rất mạnh khiến ai cũng hoảng hồn. Khi ra ngoài xem thì thấy tàu mang số hiệu trên tiếp tục đâm nhiều lần làm tàu bị phá nước và chìm dần”, ông Sinh cho biết.
Cũng theo chủ tịch UBND xã Phổ Quang, sau khi bị đâm, tàu cá của thuyền trưởng Thạch chưa chìm hẳn nên các ngư dân dùng bộ đàm liên lạc với 6 tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt gần đó đến ứng cứu và liên lạc về nhà.
Đến khoảng 13g30 cùng ngày thì tàu bị chìm hẳn toàn bộ ngư lưới cụ đều mất hết, ước tính thiệt hại khoảng 3,5 tỉ đồng.
Hiện tại 10 ngư dân trên tàu QNg 98495 đã an toàn. “Lần gần nhất chúng tôi liên lạc được với các ngư dân là khoảng 20g. Hiện tại dù đang cố gắng nhưng vẫn không liên lạc được. Gia đình của các thuyền viên trên tàu cá đang rất lo lắng.
Hiện tại tôi đang có mặt tại gia đình thuyền trưởng Thạch để động viên tinh thần, đồng thời chỉ đạo các ban ngành tiếp tục sử dụng máy icom, bộ đàm để liên lạc với các ngư dân và các lực lượng để ứng cứ các ngư dân gặp nạn”, ông Sinh nói.
Ngoài ra ông Sinh còn cho biết thêm, theo thông tin từ đồn Biên phòng xã Phổ Quang vào chiều cùng ngày, bộ tư lệnh Vùng 2 Cảnh sát biển (đóng ở cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành, Quảng Nam) đã cử một tàu Cảnh sát biển ra ứng cứu các ngư dân và tàu cá nói trên.
Nhiều người nhập viện sau khi xe bồn chở khí amoniac đi qua
Xe bồn chở khí amoniac bị rò rỉ, khói bốc lên mù mịt. Khi xe chạy qua quốc lộ 54 vào cảng Bình Minh, Vĩnh Long, nhiều người bị ngạt, phải nhập viện.
Ngày 1-1, ông Bùi Minh Chánh, trưởng phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết phòng Tài nguyên và môi trường cùng công an thị xã Bình Minh đã lập biên bản, tạm giữ xe bồn chở khí amoniac khiến một số hộ dân bị ngạt phải nhập viện.
Sự việc xảy ra tối 31-12, tại xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, đoạn từ quốc lộ 54 đi cảng Bình Minh, khu công nghiệp Bình Minh, Vĩnh Long.
Theo các hộ dân ở ấp Đông Hậu, xã Đông Bình, khoảng 19g tối 31-12, một chiếc xe container lớn chở theo một bồn khí chạy qua, phía sau có khói đen mịt mù. Sau khi xe đi qua thì mọi người bị ngạt, khó thở và nôn ói, không thể ở trong nhà được. Một số người phải nhập viện cấp cứu.
Sáng 1-1, tại khu vực nhà các hộ dân này, nhiều cây cối bị ảnh hưởng. Những hàng cây trứng cá bên đường bị héo lá, những cây mai cũng bị úa vàng.
Anh Trần Thiện Khiêm cho biết anh và bốn người cùng ngồi ăn uống trước cửa nhà, thấy xe đi tới thì tưởng xe bị cháy vì có khói đen kịt phía sau. Nhưng sau đó mọi người đều ngã ra vì ngạt thở, chóng mặt.
Theo ông Chánh, trưởng phòng Tài nguyên và môi trường thị xã Bình Minh, qua làm việc tài xế, được biết xe đầu kéo kéo theo rơmooc của công ty Vận tải Hà Lợi.
Tài xế lái xe chở khoảng 3m3 khí amoniac và một kiện hàng phía sau, chạy hướng từ Vĩnh Long sang thành phố Cần Thơ.
Khi đến Cần Thơ thì phát hiện sự cố rò rỉ khí nên gọi điện thoại nhờ kỹ thuật hỗ trợ nhưng không được, tài xế lái xe về khu công nghiệp Bình Minh, Vĩnh Long vì ở đây có bãi đất trống để xử lý.
Trên đường di chuyển từ Cần Thơ vào khu công nghiệp Bình Minh, đặc biệt từ quốc lộ 54 vào cảng Bình Minh thuộc khu vực ấp Đông Hậu thì lượng khí rò rỉ ra càng nhiều khiến người dân bị ngạt.
Ông Chánh cho biết khi xe vào khu công nghiệp, lực lượng chức năng nhận được tin báo nên đến xử lý, lúc này lực lượng bảo vệ cổng khu công nghiệp cũng đóng cổng để giữ xe lại.
“Lực lượng chức năng đã điều xe chở nước đến súc bồn, giải quyết tình trạng khí thải rò rỉ ra khiến người dân khu vực bị ảnh hưởng sức khỏe. Hiện tại đã tạm giữ xe tại trụ sở công an thị xã Bình Minh. Dự kiến sau ngày nghĩ lễ sẽ mời đại diện công ty đến làm việc và xử lý theo quy định”-ông Chánh nói.
Năm 2016, miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục thiếu nước
Thời gian tới hiện tượng El nino tiếp tục ảnh hưởng mạnh, nhất là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vì vậy dòng chảy đến các hồ còn tiếp tục suy giảm mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Thái Lai vừa đề nghị UBND các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên và Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, dòng chảy đến các hồ để kịp thời điều chỉnh lưu lượng xả nước, đảm bảo sử dụng nguồn nước của các hồ tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Bộ Tài nguyên-Môi trường, trong cả mùa lũ 2015, hầu hết các lưu vực sông ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều không xuất hiện lũ, cộng với ảnh hưởng của El nino, nhiều hồ chứa không tích đủ lượng nước tối thiểu để điều tiết cấp nước cho hạ du trong suốt mùa cạn.
Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết, chỉ tính riêng các hồ A Vương, sông Bung 4, sông Ba Hạ, KaNak, Sê San… trong năm 2015 đã thiếu hơn 500 triệu m3nước so với lượng nước tối thiểu của quy trình vận hành do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đáng lo nhất là hiện nay dòng chảy về nhiều hồ còn rất nhỏ. Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết, theo nhận định xu thế thời tiết, thủy văn của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới hiện tượng El nino sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng mạnh, nhất là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vì vậy dòng chảy đến các hồ còn tiếp tục suy giảm mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về mối lo các hồ ở miền Trung và Tây Nguyên không tích đủ lượng nước tối thiểu để điều tiết cấp nước cho hạ du, ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN-MT) cho biết Bộ này đã phải yêu cầu các địa phương thực hiện những giải pháp cấp bách.
Bộ Tài nguyên-Môi trường đã thống nhất với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực VN về việc điều chỉnh giảm lưu lượng, thời gian xả nước của một số hồ chứa không tích đủ nước theo quy định nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cân đối nguồn nước từ nay đến hết mùa cạn năm 2016.
Trước mắt, Bộ này đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát yêu cầu sử dụng nước dưới hạ du các hồ, có phương án điều chỉnh giảm lưu lượng, thời gian xả nước của các hồ, nhất là các hồ chứa không tích đủ nước và chỉ đạo việc vận hành các hồ, phấn đấu đến ngày 1-2-2016 đưa mực nước các hồ này đạt giá trị mực nước tối thiểu theo quy định.
Hà Nội thu ngân sách năm 2015 vượt hơn 15.000 tỉ đồng
Ông Hà Minh Hải, cục trưởng Cục thuế Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố nguồn thu ngân sách toàn thành phố đến ngày cuối năm 2015 đạt gần 155.760 tỉ đồng.
Theo ông Hải, số thu ngân sách năm 2015 đạt gần 155.760 tỉ đồng là kết quả đáng mừng, vượt gần 10% so với dự toán và vượt hơn 15.000 tỉ đồng so với kế hoạch giao năm 2015.
Đáng nói, số thu ngân sách được cục trưởng Cục thuế Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo đến ngày cuối năm 2015 cho thấy kết quả thu khác xa so với số thu ông Hải đã báo cáo HĐND thành phố trong kỳ họp đầu tháng 12-2015.
Cụ thể, tại kỳ họp HĐND thành phố diễn ra vào đầu tháng 12-2015, cục trưởng Cục thuế Hà Nội Hà Minh Hải đã báo cáo tổng thu ngân sách trên địa bàn thành phố ước đạt khoảng 146.585 tỉ đồng, đạt 103,5% dự toán.
Tuy nhiên, kết quả thu đến 12g ngày 31-12-2015 cho thấy số thu ngân sách đạt gần 155.760 tỉ đồng, bằng 109,93% dự toán năm 2015.
Trước mắt, theo yêu cầu từ lãnh đạo thành phố Hà Nội, năm 2016, cục thuế Hà Nội phải tiếp tục thực hiện các giải pháp chống thất thu ngân sách, chú trọng công tác đôn đốc thu nợ thuế ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2016.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Cục thuế chủ động tham mưu cho UBND TP triển khai thực hiện hiệu quả những chính sách mới trong lĩnh vực thuế, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính thuế, hiện đại hóa quản lý thuế, tạo môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế.
Năm 2016 sẽ thực hiện quy hoạch báo chí
“Chuẩn bị sửa Luật báo chí và thực hiện quy hoạch báo chí đến năm 2025 nhằm phát triển báo chí” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ Thông tin và truyền thông.
Theo Phó thủ tướng, trong năm 2015, các cơ quan báo chí đã làm tốt việc tiếp nhận phản hồi của dư luận xã hội, góp phần xây dựng chủ trương, chính sách của các cơ quan quản lý. Đây là ưu điểm mà báo chí cần tiếp tục phát huy trong năm tới.
Đánh giá về lĩnh vực viễn thông, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng “đã đến lúc cần đặt nặng hơn quyền lợi riêng tư của người dân, bảo vệ hơn quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ”.
Theo ông Đam, “đến giờ phút này, thị trường viễn thông nước ta vẫn do mấy doanh nghiệp nhà nước lớn khai thác.
Vì thế, cần phải đặt ra những câu hỏi cho chính mình về chất lượng dịch vụ, nhất là khi cạnh tranh cởi mở với các thành phần kinh tế khác, khi các hội nghề nghiệp phát triển”. Ông Đam cũng ủng hộ chủ trương tiếp tục siết chặt quản lý đối với thuê bao SIM rác.
Xem việc triển khai quy hoạch báo chí đến năm 2025 là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đánh giá: “Quy hoạch được các cấp có thẩm quyền như Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ đã có nghị quyết triển khai”.
Ông Nguyễn Bắc Son còn nhấn mạnh: “Việc tổ chức triển khai quy hoạch trong năm 2016 là việc khó, phức tạp, nhạy cảm nhưng cấp bách, tác động đến nhiều đối tượng, nhiều cá nhân và tổ chức trong toàn xã hội, cần làm thận trọng, chắc chắn, dễ làm trước, khó làm sau, nghiêm túc, đúng tiến độ”.
Bộ trưởng Son cũng lưu ý về nhiệm vụ lớn năm 2016 là hoàn thiện để Quốc hội thông qua Luật báo chí sửa đổi, “một luật lớn, nhạy cảm, phức tạp”.
Phát biểu tại hội nghị, tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông có lộ trình tắt 2G để giải phóng tần số 4G.
Theo ông Hùng là “nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa mạng viễn thông Việt Nam trong bối cảnh tài nguyên tần số đang rất cạn kiệt”.
Về triển vọng triển khai 4G, ông Hùng cho biết lãnh đạo Viettel đề xuất bộ đẩy nhanh việc cấp phép chính thức cho các nhà mạng triển khai 4G trong thời gian sớm nhất vào đầu năm 2016.