"Với quan điểm phát triển doanh nghiệp là chìa khóa để phát triển quốc gia, đề nghị Quốc hội ghi nhận trong Nghị quyết của mình mục tiêu mà Chính phủ đề xuất: phấn đấu đến năm 2020, nước ta có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Quốc hội có nghị quyết để thúc đẩy, giám sát chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ", Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 01-01-2016
- Cập nhật : 01/01/2016
Chính phủ xin Bộ Chính trị ký TPP ngày 4/2
Thông tin trên được người đứng đầu Chính phủ thông báo tại Hội nghị Tổng kết ngành Công Thương ngày 31/12. Trước đó, Việt Nam và 11 quốc gia khác đã hoàn tất quá trình đàm phán vào ngày 5/10 và bước vào quá trình rà soát pháp lý tại mỗi nước, trước khi tổ chức ký kết với thời gian dự kiến không muộn hơn quý I/2016.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đại diện thương mại Mỹ - Michael Froman trong cuộc thảo luận về TPP hồi đầu năm 2015.
Tại hội nghị tổng kết, Thủ tướng cho rằng năm qua, một trong những điểm sáng của Việt Nam mà ngành Công Thương đã góp công lớn là vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế. Nổi bật trong số này là kết thúc đàm phán 2 hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên. Thủ tướng lưu ý rằng việc tận dụng cơ hội mở rộng thị trường để nâng cao xuất khẩu vẫn còn nhiều hạn chế và điều này đã được Chính phủ kiểm điểm trong báo cáo tổng kết điều hành. “Do vậy, phải tuyên truyền các cơ hội, thuận lợi và cả khó khăn khi tham gia các hiệp định này để người dân, doanh nghiệp nắm được. Người dân và doanh nghiệp Việt Nam một khi nắm rõ thì với tin thần sáng tạo sẽ tham gia, hợp tác thành công”, Thủ tướng nói.
TPP được lãnh đạo các nước tham gia tuyên bố kết thúc đàm phán hồi đầu tháng 10 sau hơn 5 năm thương lượng. Đây được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới gồm 12 quốc gia: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Sau khi hoàn tất, TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Các vấn đề được nêu ra gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp...
Các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế. Tuy nhiên, TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương.
Nguyên chủ tịch xã dùng súng bắn vợ vì ồn ào khó ngủ trưa
Ngày 30-12, TAND tỉnh Nghệ An xử sơ thẩm, tuyên phạt Xeo Phò Bún (51 tuổi, trú xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) ba năm sáu tháng tù về tội giết người và một năm tù về tội chế tạo, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Tổng hình phạt Bún phải chịu là bốn năm sáu tháng tù.
Theo cáo trạng, Bún làm chủ tịch UBND xã Bảo Thắng từ năm 2005 đến hết năm 2010, bị kỷ luật, mất chức. Trở về nhà, Bún tự chế súng để dùng đi săn bắn và phòng thân.
Chiều 16-3, Bún uống rượu xong rồi lên giường ngủ nhưng con cháu làm ồn khiến Bún khó ngủ. Bún xách súng đi xuống gian bếp nói với vợ là bà Phương: "Sao không bảo bọn trẻ con im lặng để ngủ?". Bà Phương trả lời: “Con cháu ồn ào thì tôi làm sao mà biết được. Sao ông không dạy dỗ con cháu ông đi, cái gì cũng đổ lên đầu tôi”. Ngay lập tức Bún cầm khẩu súng tự chế hướng vào vợ nói: “Nói mà cứ cãi thế à? Có biết anh đang cầm cái gì đây không?” rồi bóp cò bắn một phát vào bụng vợ khiến bà Phương bị thương nặng.
Qua giám định cho thấy khẩu súng tự chế của Bún có tính năng và độ sát thương tương tự vũ khí quân dụng.
Tại phiên tòa, Bún cho rằng chỉ tức giận mà đưa súng ra dọa vợ nhưng bị vợ cầm tay ở đầu nòng súng và giằng súng khiến Bún vô tình chạm vào cò súng dẫn đến súng nổ.
HĐXX sơ thẩm cũng đồng tình với đại diện VKSND tỉnh Nghệ An tại phiên tòa rằng riêng hành vi của Bún chĩa nòng súng vào bụng vợ trong khi súng đã được nạp đạn là đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người.
Phát điện tổ máy điện ngầm đầu tiên do Việt Nam thiết kế
Theo đó, tổng mức đầu tư của thủy điện Bản Chát 11.166 tỉ đồng, còn thủy điện Huội Quảng có tổng 14.400 tỉ đồng.
Thủy điện Huội Quảng dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2016. Đây công trình thủy điện ngầm lớn thứ ba của Việt Nam (sau thủy điện Hòa Bình và Ialy). Đây là lần đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế, quản lý giám sát và thi công với hai hầm dẫn nước ngầm trong lòng núi, máy phát điện được đặt ngầm trong núi.
Công trình thủy điện Bản Chát và thủy điện Huội Quảng là các dự án nhóm A được xây dựng trên sông Nậm Mu, thuộc địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và huyện Mường La, tỉnh Sơn La với tổng công suất 740 MW.
Khi đi vào vận hành, hằng năm hai công trình sẽ cung cấp cho hệ thống tổng sản lượng điện 3 tỉ kWh. Không chỉ giải quyết nhu cầu cấp thiết về điện năng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho khu vực Tây Bắc. Công trình thủy điện Bản Chát và Huội Quảng còn tham gia trị thủy, điều tiết lưu lượng nước cho vùng hạ lưu sông Hồng, cung cấp nước vào mùa kiệt, hạn chế lũ lụt vào mùa mưa.
Phát buổi tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu EVN phối hợp chặt chẽ với tổng thầu, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát sớm thực hiện công tác quyết toán công trình thủy điện Bản Chát theo đúng quy định. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thủy điện Huội Quảng, đảm bảo mốc phát điện tổ máy số 2 theo tiến độ đã được duyệt, đưa công trình vào vận hành toàn bộ trong năm 2016, đảm bảo an toàn, chất lượng đúng quy định.
1.000 vụ án hình sự trong năm, Đà Nẵng chưa bình an
Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết như vậy tại cuộc họp báo tình hình kinh tế xã hội TP Đà Nẵng trong quý 4-2015 diễn ra sáng 31-12.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP trong thời gian qua đã được chấn chỉnh, Đà Nẵng vẫn được du khách ghi nhận là “thành phố đáng sống”.
Tuy nhiên trên thực tế tình hình an ninh trật tự của đô thị chưa đến 1 triệu dân này vẫn chưa thật sự bền vững bởi con số 1.000 vụ án hình sự được đưa ra xét xử ở các cấp trong năm 2015 cho thấy Đà Nẵng vẫn chưa thật sự bình an.
“Án hình sự như vậy là nhiều. Vị trí Đà Nẵng đứng thứ 28 trong cả nước là thấp, chúng ta cần phải nhanh chóng cải thiện vị trí để Đà Nẵng thật sự là đô thị bình yên của cả nước. Phải cải thiện môi trường an ninh - trật tự đô thị, nếu không Đà Nẵng sẽ mất đi hình ảnh vốn có của mình” - ông Xuân Anh nói.
Cũng tại cuộc họp báo, ông Xuân Anh cho biết sắp tới rất nhiều tuyến phố cùng 34 nút giao thông quan trọng sẽ được lắp đặt hệ thống camera an ninh.
“Tôi khẳng định rằng đây là hệ thống ghi hình thông minh và hiện đại nhất tại VN được lắp đặt tại Đà Nẵng nhằm giúp giám sát và lưu trữ mọi hoạt động trên đường phố, hỗ trợ cho các ngành chức năng trong việc đảm bảo an ninh trật tự đường phố” - bí thư thành ủy Đà Nẵng nói.
Hà Nội lập tổ thẩm định độc lập rà soát thủ tục hành chính
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa giao Sở Tư pháp Hà Nội thành lập tổ thẩm định độc lập rà soát thủ tục hành chính của các cơ quan đơn vị thuộc Hà Nội, thực hiện trong năm 2016.
Theo chỉ đạo của Phó chủ tịch TP Lê Hồng Sơn, tổ thẩm định độc lập có nhiệm vụ chủ trì rà soát, đánh giá thủ tục hành chính đang thực hiện, đồng thời mời cả đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Bộ Tư pháp và đại diện Văn phòng UBND TP Hà Nội cùng thực hiện nhiệm vụ.
Cũng theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, trong quá trình điều tra, khảo sát, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, tổ thẩm định độc lập được quyền trực tiếp thực hiện hoặc ký hợp đồng với các chuyên gia, đơn vị tư vấn để rà soát, đánh giá thủ tục hành chính độc lập với các đơn vị chủ trì.
Trong quá trình thực hiện, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu nếu phát hiện quy định, thủ tục hành chính nào đang thực hiện có mâu thuân, chồng chéo, có nhiều ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp, tổ thẩm định phải kịp thời báo cáo UBND thành phố.
Đồng thời tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá thủ tục hành chính và dự thảo phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính theo đúng mục tiêu kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định, thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp.