"Đầu tư của người Trung Quốc vẫn trong kiểm soát"
Chào năm 2016 giá gas giảm 31.000 đồng/bình
Phó chủ tịch Quảng Ninh nói du lịch Việt kém Lào, Campuchia
TP.HCM thu được 7.000 tỉ đồng nợ thuế
Phát hiện gần 50.000 sản phẩm quần áo giả mạo
Tin trong nước đọc nhanh chiều 30-12-2015
- Cập nhật : 30/12/2015
Việt Nam tiếp xúc với Trung Quốc 22 lần về vấn đề Biển Đông
Năm 2015, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 22 lần tiếp xúc với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội liên quan việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu dự hội nghị lần thứ 7 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN - Ảnh: HOÀNG LONG
Báo cáo tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và kết quả giải quyết của các cơ quan chức năng trong năm 2015 được Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN cung cấp ngày 29-12, cho thấy quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Báo cáo cho biết trong năm 2015 nhân dân bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng trái pháp luật quốc tế các công trình tại các đảo chìm, bãi đá thuộc chủ quyền VN trên Biển Đông.
Nhiều lần gửi công hàm phản đối Trung Quốc
Theo văn bản trả lời của Bộ Ngoại giao, từ tháng 9-2014 đến nay, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng quy mô lớn trên các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp tại Trường Sa.
Những hoạt động này của Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, phá vỡ nguyên trạng Biển Đông, đe dọa đến hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, vi phạm chủ quyền VN và đi ngược lại nhận thức của lãnh đạo hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển VN - Trung Quốc năm 2011.
Bộ NGoại giao cho hay: Trước những hoạt động nêu trên của Trung Quốc, chúng ta đã và đang tiến hành các biện pháp đấu tranh kiên quyết ở nhiều cấp, kể cả cấp cao, thông qua nhiều hình thức (giao thiệp trực tiếp, phát biểu của lãnh đạo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao…) và tại nhiều diễn đàn (trong hội đàm, đàm phán với Trung Quốc và tại các diễn đàn đa phương).
Từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Ngoại giao đã có 22 lần tiếp xúc, trao đổi với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trong đó có 7 lần giao thiệp và trao 9 công hàm phản đối việc làm của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tại các diễn đàn đa phương, ta trực tiếp đề cập đến những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, phê phán cụ thể hoạt động xây dựng, lấn biển quy mô lớn của Trung Quốc, đồng thời giải thích làm rõ các hoạt động duy trì, sữa chữa và cải tạo các công trình cũ của VN tại Trường Sa là việc làm bình thường, hợp pháp, không vi phạm luật pháp và cam kết quốc tế.
Trang bị quân đội đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền
Báo cáo của Bộ Quốc phòng khẳng định: Mặc dù điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, song Nhà nước đã quan tâm đầu tư xây dựng về mọi mặt, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, chính sách và trang bị cho quân đội nói chung, cho quân chủng Hải quân, lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng, Kiểm ngư nói riêng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.
Nhất là bảo vệ vững chắc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, bảo vệ hoạt động dầu khí, hoạt động nghề cá, thực hiện nhiệ vụ cứu hộ cứu nạn, thực thi pháp luật trên biển và tham gia các hoạt động kinh tế biển.
Trên hướng biển, cơ sở hạ tầng các vùng biển, đảo nhất là quần đảo Trường Sa, các đảo xa bờ và các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam từng bước được đầu tư xây dựng tương đối cơ bản. Khả năng quan sát phát hiện, quản lý, bảo vệ vùng biển vùng trời được tăng cường.
Tăng thêm số dân sinh sống ở Trường Sa khi có điều kiện
Đối với các đảo thuộc huyện Trường Sa, Bộ Quốc phòng chỉ đạo cho Quân chủng Hải quân phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều dự án đầu tư để nâng cao đời sống cho quân dân trên các đảo, đặc biệt là các dự án kè đảo chống sóng, trồng cây phủ xanh đảo, năng lượng sạch và nước ngọt.
Đến nay, đời sống quân dân trên các đảo đã được cải thiện đáng kể, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác, thu hút ngày càng nhiều ngư dân đến khai thác hải sản với thời gian dài ngày hơn.
Các đảo trên quần đảo Trường Sa phần lớn là đảo nhỏ, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Do vậy, với số lượng dân và quân trên các đảo hiện nay cơ bản là phù hợp, đáp ứng được đời sống và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, khi hạ tầng các đảo được nâng lên, Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa quy hoạch tăng thêm số lượng dân sinh sống trên các đảo.(TT)
TP HCM đặt mục tiêu thu ngân sách gần 300.000 tỷ đồng năm tới
Theo kế hoạch thu ngân sách địa phương vừa được UBND thành phố ban hành, trong tổng chỉ tiêu thu ngân sách năm 2016 của TP HCM, phần thu nội địa dự kiến đạt 177.600 tỷ đồng, từ dầu thô 18.200 tỷ đồng, từ hoạt động xuất nhập khẩu 102.500 tỷ đồng.Ngoài ra, một số khoản thu khác trong năm tới cũng góp thêm 2.500 tỷ đồng vào phần thu ngân sách thành phố là thu từ xổ số kiến thiết 2.150 tỷ đồng, thu từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải 350 tỷ đồng.
Nếu phân chia theo ngành thì Cục Thuế thành phố sẽ đảm nhận thu 195.800 tỷ, trong khi Cục Hải quan thu 102.500 tỷ. Về dự toán thu của các quận huyện, thành phố giao chỉ tiêu phải đạt được hơn 43.460 tỷ đồng. Trong đó quận 1 được giao chỉ tiêu lớn nhất với hơn 8.500 tỷ, tiếp theo là Bình Thạnh hơn 3.300 tỷ, quận 3 hơn 3.170 tỷ, Tân Bình gần 2.900 tỷ, quận 7 hơn 2.600 tỷ... Thấp nhất là huyện Cần Giờ với 77 tỷ.
Trong khi đó, kế hoạch chi ngân sách của thành phố trong năm tới vào khoảng 63.800 tỷ đồng với hơn một nửa là chi thường xuyên.
Theo báo cáo của UBND TP HCM, GDP thành phố năm 2015 đạt mức tăng 9,85% và là mức tăng cao nhất trong 4 năm liên tiếp kể từ năm 2012.
Kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt hơn 30,5 tỷ USD, nhập khẩu hơn 33,7 USD. Ngoài ra, thành phố cũng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu ngân sách, đạt hơn 278.000 tỷ đồng, vượt 47% so với dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 117% dự toán.
Cũng theo UBND thành phố, năm 2015 này không còn là giai đoạn phục hồi nữa mà kinh tế thành phố đã bước vào tăng trưởng ổn định, tốc độ được duy trì quý sau luôn tăng cao hơn quý trước.
Thứ trưởng Lao động: 'Lương hưu tăng, chi phí doanh nghiệp cũng tăng'
Chiều 28/12, tại Hội nghị cung cấp thông tin về triển khai Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (BHXH), Thứ trưởng Lao động Phạm Minh Huân nhận định, 2016-2020 là giai đoạn cải cách BHXH khi nhà nước tìm mọi biện pháp mở rộng đối tượng tham gia để "làm dày" mạng lưới an sinh xã hội.
Trước nhiều nghi ngại về mức đóng BHXH mới dựa trên lương và phụ cấp ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập người lao động, ông cho rằng "thay đổi mức đóng BHXH là cuộc cách mạng quan trọng giúp người lao động về già được hưởng lương hưu cao, đòi hỏi đồng thuận lớn của người tham gia và cộng đồng doanh nghiệp".Hiện nay, 80% lực lượng lao động có thu nhập thấp, khiến mạng lưới an sinh mỏng manh. Khu vực không có quan hệ lao động, hầu như không đóng BHXH. Khi gặp sự cố, nhiều người không còn thu nhập, không có lương hưu, hết nguồn sống. Thứ trưởng Lao động thừa nhận rất xấu hổ khi ra nước ngoài nhận được câu hỏi "Hệ thống an sinh mỏng manh như vậy thì người dân Việt Nam sống và suy nghĩ thế nào?". Đây là trăn trở của người làm chính sách, ông khẳng định.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân thông tin, 80% lực lượng lao động có thu nhập thấp, người trong khu vực không có quan hệ lao động thì hầu như không đóng BHXH. Ảnh: Phương Hòa.
Theo Thứ trưởng Huân, mức phụ cấp được dùng để đóng BHXH trong quy định mới hầu như ít biến động, phụ thuộc vào: độ phức tạp công việc, điều kiện lao động, khuyến khích về điều kiện sinh hoạt và vốn. Theo lẽ thường, lương phải chiếm khoảng 70%, phụ cấp 30% nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp đảo ngược hai phần trên. Do đó, quy định mới cân nhắc tách một số khoản phụ cấp dùng đóng BHXH chứ không phải tính tất cả.
Ông cũng thừa nhận, mức đóng tăng lên, người lao động hưởng lương hưu nhiều hơn nhưng chi phí doanh nghiệp cũng tăng. Bộ Lao động sẽ lắng nghe thêm để biết lộ trình năm 2018 tiến tới đóng dựa trên tổng thu nhập liệu có khả thi không. Nếu còn khó khăn thì phải tính toán tiếp. Theo ông, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng cần đổi mới phương cách làm việc trong thực hiện thu, chi, đơn giản thủ tục hành chính lẫn thái độ phục vụ, đưa công nghệ vào phục vụ việc đóng BHXH, thuận tiện cho cả người dân và doanh nghiệp."Cũng có thể, hệ thống văn bản hướng dẫn cách đóng mới không ra trước ngày 1/1/2016. Trong quý I, có thể tạm thời thu trên nền cũ nhưng mức đóng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng. Khi nào có hướng dẫn, Bộ sẽ tính toán lại khoản tạm thu, chênh bao nhiêu thì trả lại cho doanh nghiệp", ông thông tin.
Đồng tình với thứ trưởng Huân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quan điểm của Quốc hội là xây dựng luật pháp phải đảm bảo công bằng lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, lợi ích của người lao động được ưu tiên hàng đầu.
"Chính sách mới đi sớm, đi nhanh bao giờ cũng gặp áp lực và có sự phản ứng, người lao động phản ứng với Điều 60 là minh chứng rõ ràng", ông nói và cho rằng, tiền lương phải chiếm tỷ trọng cao hơn các khoản phụ cấp. Nhiều doanh nghiệp đảo ngược tỷ trọng đó là không được. Vì vậy, việc điều chỉnh lại mức đóng để người lao động được hưởng quyền lợi sau này là nên làm. Lộ trình thu BHXH theo hai bước đi từ 1/1/2016 đến hết 2017 đóng BHXH trên nền lương và phụ cấp; từ 2018 trở đi đóng trên lương, phụ cấp cùng các khoản bổ sung là hoàn toàn phù hợp.
Hiện Bộ Lao động còn "nợ" 5 nghị định và nhiều thông tư hướng dẫn. Do vậy, ông Lợi đề nghị Bộ cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này. Những chính sách nào chưa ra được văn bản hướng dẫn thì phải thông tin cho doanh nghiệp và người lao động biết áp dụng theo mô hình nào để họ chủ động thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra niêm yết cước tàu, xe dịp Tết
Các địa phương kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định, không để xảy ra tình trạng thu giá vé không đúng quy định
Thủ tướng vừa có chỉ thị yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng lập kế hoạch cụ thể và có biện pháp tổ chức vận chuyển bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo; không để xảy ra tình trạng người dân không kịp đón tết cùng gia đình do thiếu phương tiện vận chuyển.
Đồng thời giao. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định, không để xảy ra tình trạng thu giá vé không đúng quy định; tiếp tục cải tiến phương thức bán vé; xử lý nghiêm các hành vi chèn ép, đầu cơ vé tầu, vé xe.
* Ông Bùi Công Trùng - chủ tịch hội đồng thành viên Công ty tàu Vina Express, dịp tết 2016 hãng tàu cao tốc chạy tuyến TP HCM - Vũng Tàu không tăng giá vé trong những ngày tết.
Theo đó giá vé người lớn là 250.000 đồng/người, trẻ em 120.000 đồng/người. Theo kế hoạch trong những ngày tết hai hãng tàu Vina Express và Petro Express sẽ tăng từ 10 chuyến/ngày lên 12 đến 16 chuyến/ngày.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách , hai công ty đã triển khai việc bán vé trên mạng.
Theo đó, hành khách có thể dễ dàng mua vé bằng điện thoại , ipad hoặc máy tính cá nhân nếu có thẻ tín dụng hoặc thẻ ATM có đăng ký i- banking.
Trường hợp không có thẻ trả trực tiếp, hành khách vẫn có thể đặt vé giữ chỗ trên mạng và trả tiền sau tại quầy vé.
Đặc biệt nếu khách mua vé trên mạng còn có thể mua được vé rẻ chỉ có 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng. do các hãng tàu khuyến mãi.
Bỗng dưng mắc nợ ngân hàng tiền tỷ
Anh Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) gần đây có nhu cầu vay bù đắp mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng đã tìm đến ngân hàng. Sau khi gần hoàn tất hồ sơ vay vốn, cán bộ tín dụng ngân hàng kiểm tra trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) đã thông báo, anh đang có khoản vay gần 2 tỷ đồng tại một ngân hàng cổ phần. Khoản vay này đã quá hạn gần 2 năm và đã được nhà băng đó chuyển sang nhóm "Nợ có khả năng mất vốn".
Chia sẻ với VnExpress, anh Ngọc khẳng định chưa từng vay tiền từ tổ chức tín dụng nào, cũng chưa từng ký bất cứ một khế ước nhận nợ nào. Theo thông tin có được, khoản vay mà ngân hàng gán cho anh có từ vài năm trước đây. “Ai đó đã lấy thông tin trên chứng minh thư của tôi để lập hồ sơ vay khống này. Chữ ký tại hồ sơ vay vốn hoàn toàn là giả mạo. Hơn nữa nếu tôi có nợ xấu, tại sao không hề nhận được thông báo nào đòi nợ của ngân hàng trong suốt thời gian qua”, anh cho biết. Nguồn tin củaVnExpress cho biết, ngoài anh Ngọc, còn có gần chục trường hợp khác "bỗng dưng" trở thành con nợ của các ngân hàng khác nhau.
Hiện vụ việc của anh Ngọc đã được chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ do có liên quan tới đường dây lừa đảo của một công ty chứng khoán và có dấu hiệu vi phạm hình sự. Tuy nhiên, trước mắt, vì vướng khoản nợ từ trên trời rơi xuống mà người vay lỡ dở kế hoạch mua được căn nhà mơ ước. Với dư nợ này, hầu hết tất cả các nhà băng đều từ chối không cho anh vay tiền.
Chị Hải (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) cũng gặp tình cảnh gần tương tự anh Ngọc nhưng may mắn hơn, “dư nợ” của chị chỉ là khoản vay thẻ tín dụng 100 triệu đồng. Khi có nhu cầu vay tiền ngân hàng, chị mới tìm đến nhà băng và lúc này mới được thông báo chị là chủ một thẻ tín dụng có hạn mức 100 triệu. Thực tế, chị Hải đã có thẻ tín dụng nhưng hạn mức chỉ bằng một phần năm số này và do nhà băng khác phát hành. “May mắn cho tôi là sau khi biết sự việc, đến ngân hàng mở hạn mức thẻ tín dụng 100 triệu đồng này trình báo đã được giải quyết. Vì chạy chỉ tiêu mở thẻ trong tháng mà một cán bộ đã lấy thông tin của tôi để tự ý mở. Sau đó, nhân viên này quên không đóng thẻ lại”, chị Hải kể.
Thực tế, những trường hợp nhân viên ngân hàng tự ý mở thẻ cho khách để đạt doanh số rồi sau đó đóng lại khi hết thời hạn không phải hiếm. Áp lực phát triển thẻ được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhân viên trong ngành này làm liều. Tuy nhiên, kiểm soát viên của một ngân hàng cổ phần chia sẻ: "Chuyện một phòng giao dịch yêu cầu các nhân viên và cùng lắm là người nhà của họ mở thẻ tín dụng để đạt doanh số có xảy ra ở một số nơi nhưng hầu hết đều được sự đồng ý của chủ thẻ. Trường hợp cán bộ ngân hàng tự ý mở thẻ ảo rồi đóng lại như trường hợp này ít gặp hơn".
Hiện nay, các dữ liệu thông tin tín dụng của khách hàng trên CIC được xem là thông tin đầu vào quan trọng, được tất cả các ngân hàng tham khảo trước khi đưa ra quyết định vay vốn đối với cá nhân hay doanh nghiệp. Nhưng hầu hết các trường hợp chỉ biết mình là con nợ khi lần đầu hỏi vay tiền ngân hàng và kiểm tra trên CIC.
Tại một hội thảo về thông tin tín dụng với doanh nghiêp nhỏ và vừa gần đây, một lãnh đạo của CIC cũng nêu đây là một trong những bất cập. Ông kể, nhiều người bị lấy bí mật thông tin cá nhân để vay ở nhiều nơi. Có doanh nghiệp đến khi đi vay mới ngỡ ngàng bị dư nợ. Do đó, đại diện CIC cho biết, để mỗi cá nhân, doanh nghiệp có thể theo dõi được tình trạng tín dụng của mình, CIC sẽ cung cấp dữ liệu này tới từng khách hàng thay vì chỉ phục vụ các tổ chức tín dụng như trước đây.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo CIC, dự kiến đến năm 2016, cơ quan này mới áp dụng công nghệ cho phép xem trực tuyến qua mạng. Hiện tại, khách hàng vẫn phải đến tận CIC và xuất trình các giấy tờ cần thiết như CMND, giấy đăng ký kinh doanh... để được tra cứu.
Hiện cơ sở dữ liệu của CIC có thông tin của 15 triệu khách hàng vay có dư nợ với ngân hàng, trong đó có khoảng 110.000 doanh nghiệp vay tín dụng mỗi năm. Đồng thời, CIC cũng lưu giữ 3 triệu hồ sơ tài sản đảm bảo, 2 triệu thẻ tín dụng và 70.000 báo cáo tài chính của doanh nghiệp hàng năm.