Cùng với đà lao dốc của giá dầu thế giới, giá xăng trong nước đã giảm 2 lần liên tiếp vào ngày 3/12 và ngày 18/12 khiến cho chỉ số giá nhóm hàng giao thông giảm, đóng góp vào mức giảm chung của chỉ số giá tiêu dùng TP Hà Nội tháng này.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 21-12-2015
- Cập nhật : 21/12/2015
Việt-Trung khảo sát khu vực thỏa thuận vùng ngoài cửa vịnh Bắc Bộ
Hàng loạt dân nghèo “sập bẫy” lừa đi XKLĐ của một công chức xã
Tin tưởng vào lời "chào mời" của một công chức xã có thể kết nối đưa người đi XKLĐ sang Singapore với mức lương cao, công việc nhẹ nhàng, rất nhiều người nghèo ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã "dính bẫy" với số tiền hơn 4 tỉ đồng. Sau khi ôm tiền, đối tượng môi giới đã bỏ trốn.
"Sập bẫy" cay đắng
Ông Đường Văn Thái (55 tuổi, trú thôn Long Hải, xã Thạch Kim, Lộc Hà) bức xúc kể, tháng 5.2014, ông đến UBND xã Thạch Kim xin xác nhận giấy tờ cho con thì được ông Nguyễn Văn Hồng (46 tuổi, cán bộ văn phòng thống kê xã, trú thôn Giang Hà, xã Thạch Kim) giới thiệu có thể kết nối đưa người đi XKLĐ sang Singapore với chi phí 8.000USD/người (khoảng 170 triệu đồng). Người lao động được bao ăn ở, nhận lương 1.500 USD/tháng, làm việc nhẹ nhàng trong khách sạn và gia hạn visa hàng năm.
Tin tưởng, ông Thái về vay ngân hàng, thế chấp tài sản để có tiền cho con trai là Đường Văn Thái và con gái Phạm Thị Linh cùng đi. Biết chuyện, 9 người cháu là con dì, cô, cậu... cũng nhờ ông Thái đăng ký giùm. Sau khi đăng ký, ông Hồng yêu cầu đặt cọc trước 5.000USD/người và cam kết sau 2 tháng thu tiền sẽ đưa người lao động sang làm việc. Nếu không, sẽ trả lại tiền đầy đủ. Trước hứa hẹn đó, 11 người đã nộp 55.000USD tiền cọc cho ông Hồng.
Quá hạn cam kết 2 tháng, ông Hồng vẫn chưa đưa được người đi. Nhiều người lo lắng, hỏi han thì được trấn an, chịu khó chờ đợi thêm thời gian nữa. Đến tháng 11.2014, ông Hồng thông báo đã có lịch bay, lao động nộp thêm 3.000USD/người. Lúc này, 2 người đã nộp tiền cọc bắt đầu nghi ngờ nên không nộp nữa. 9 người vẫn nộp thêm 27.000 USD cho ông Hồng.
"Theo thông báo của ông Hồng, ngày 21.12.2014, 9 người đã nộp đủ tiền đi vào Sài Gòn để chuẩn bị bay, nhưng chờ mãi vẫn không đi được. Cuối cùng, ông Hồng nói, đơn hàng Singapore giờ không đi được nữa. Mọi người bức xúc trở về quê và đòi rút lại tiền thì ông ta nói, tiền đã nộp cho đối tác ở nước ngoài, chưa rút được. Sau đó, ông Hồng giới thiệu, giờ có mối đi Hàn Quốc hợp pháp với chi phí 15.000 USD, làm việc thời hạn 2 năm, những người đã nộp tiền mà không đi được Singapore nếu đăng ký sang Hàn Quốc khi sang tới nơi sẽ nộp thêm 7.000USD/người. Có 2 người chấp nhận bay sang Malaysia, nhưng mãi không sang được Hàn Quốc, họ đành về nước. Sau sự việc, mọi người quá bức xúc đến đòi rút lại tiền thì ông Hồng hứa hẹn hết lần này đến lần khác nên chúng tôi đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của ông ta lên công an", ông Thái cay đắng kể lại.
Theo ông Thái, gia đình ông phải trả lãi đến 5 triệu đồng/tháng. Không đòi lại được tiền thì chỉ trả lãi thôi cũng đã chết chứ chưa nói gì đến trả tiền gốc. Bà Trần Thị Mai (51 tuổi, xã Thạch Kim) có người thân là nạn nhân của ông Hồng, bức xúc: “Mỗi tháng tôi nướng cá thuê cũng chỉ kiếm được hơn 1 triệu đồng. Vậy mà phải trả lãi gần 3 triệu đồng/tháng. Thế này thì chịu chi nổi”.
Một trong số những giấy tờ mà ông Hồng nhận tiền cọc của lao động rồi không đưa được người đi (ảnh trái). Đơn tố cáo về hành vi lừa đảo của ông Hồng.
Bỏ trốn khỏi địa phương
Ngày 15.12, ông Đinh Ngọc Hùng - Trưởng Công an xã Thạch Kim - cho biết, vụ việc ông Hồng bị tố lừa nhận tiền nhưng không đưa người XKLĐ sang Singapore đã được chuyển hồ sơ cho Công an huyện Lộc Hà điều tra, xử lý. Cũng theo ông Hùng, sau khi bị tố cáo, từ tháng 3.2015, ông Hồng đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Ông Trần Đình Hưng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Kim - cho biết, sau sự việc, ông Hồng đã bị Huyện ủy Lộc Hà ra quyết định cách chức đảng ủy viên, UBND huyện cũng đã có quyết định buộc thôi việc.
Ông Nguyễn Văn Quyết - Viện trưởng VKSND huyện Lộc Hà - cho biết, qua điều tra ban đầu, số nạn nhân đã đưa tiền cho ông Hồng là 19 người, với tổng số tiền trên 4 tỉ đồng. Cũng theo ông Quyết, kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, ông Hồng chỉ là người môi giới XKLĐ cho Cty TNHH MTV Tư vấn Giáo dục Du lịch Toàn cầu (trụ sở tại quận Phú Nhuận, TPHCM) do bà Nguyễn Thị Hồng Oanh làm Giám đốc. Thực tế, Cty của bà Oanh chỉ được Sở KHĐT TPHCM cấp phép chức năng là tư vấn dịch vụ du học và du lịch.
Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của ông Thái, ngày 20.10, Công an huyện Lộc Hà đã có thông báo trả lời "hành vi của ông Nguyễn Văn Hồng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nên đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Ông Thái cho rằng thông báo này không thỏa đáng. Bởi ông Hồng đã lợi dụng là cán bộ xã được nhân dân tin tưởng nên hứa hẹn, gom tiền tỉ, nhưng thực tế không đưa được người đi lao động như cam kết. Khi người dân đòi lại tiền thì không chịu trả mà tắt điện thoại, bỏ trốn khỏi địa phương. "Chúng tôi kính đề nghị các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là Công an huyện Lộc Hà xem xét lại vụ việc để xử lý nghiêm kẻ lừa đảo", ông Thái nói.
Cà Mau từ chối tiếp người tự xưng nhân viên Tân Hiệp Phát
Ngày 19/12, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau xác nhận, một ngày trước, cán bộ của đơn vị tiếp xúc với 2 thanh niên tự xưng là nhân viên của Công ty Tân Hiệp Phát ở Bình Dương.
Họ đăng ký làm việc với lãnh đạo Chi cục nhưng hai người lạ này không chứng minh được danh tính, chức trách được Công ty Tân Hiệp Phát ủy quyền. Vì vậy, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau không làm việc với hai thanh niên này.
Hiện, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau tiếp tục thông báo và chỉ đạo Ban chỉ đạo liên ngành, Phòng y tế, Trung tâm y tế các huyện, thành phố trên địa bàn Cà Mau kiểm tra, xử lý trà thảo mộc Dr. Thanh có vật lạ, lợn cợn.
"Các đơn vị chức năng tuyến huyện và cơ sở vẫn chưa có báo cáo kết quả kiểm tra trà thảo mộc Dr. Thanh", ông Trần Bé Ngoan, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau nói.
Bốn ngày trước, một phụ nữ đã phát hiện bên trong chai trà thảo mộc Dr. Thanh còn nguyên nắp tại quán cà phê sân vườn Đất Mũi (TP Cà Mau) có vật lạ như men giấm. Người này không dám uống và trình báo cơ quan chức năng.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau sau đó đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra các đại lý bán trà Dr. Thanh. Kết quả phát hiện 79 chai trà thảo mộc Dr. Thanh (loại 350 ml/chai) có cặn lơ lửng, trắng đục.
Những sản phẩm trên được sản xuất ngày 7/7, 10/7, 11/7, 7/11 và có hạn sử dụng một năm. Các chai trà này có dòng chữ: “Xé nhãn liền tay trúng ngay tiền tỷ”.
Theo công văn của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau, nơi đây yêu cầu cơ quan chức năng của các huyện, thành phố phải có biện pháp rà soát, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh tự kiểm tra, không được bán các sản phẩm có biểu hiện như trên ra thị trường. Người tiêu dùng cũng không được sử dụng sản phẩm bị cặn tương tự.
"Nếu phát hiện thì xử lý theo quy định của pháp luật và báo về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Cà Mau", công văn nêu.
Tại TP Cà Mau, cơ quan chức năng đã kiểm tra tại nhà phân phối Việt Loan (phường 8, TP Cà Mau) nhưng chủ cơ sở vắng mặt.
Kết quả, trong kho của nhà phân phối này có 147 thùng (24 chai/thùng) trà thảo mộc nhãn hiệu Dr. Thanh của Tân Hiệp Phát. Trong đó có hai thùng bên trong chai xuất hiện vật lợn cợn, cặn lơ lửng, trắng đục.
Sau khi niêm phong hai thùng trà thảo mộc tại nhà phân phối Việt Loan, đoàn kiểm tra liên ngành yêu cầu chủ cơ sở không được vận chuyển, mua bán, tiêu thụ sản phẩm Dr. Thanh chứa vật lạ.
Thấy gì từ sau động thái quyết liệt cải cách của Chính phủ?
Tại phiên họp Chính phủ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu tiếp tục đà cải cách trên nền những kết quả đã đạt được của năm 2015 như giảm thời gian nộp thuế, tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh.
Theo đó, từ đầu tháng 12 đến nay, một loạt chính sách được đưa ra nhằm đẩy mạnh cải cách như tinh giảm biên chế; Cắt giảm thủ tục hành chính với các chỉ tiêu cụ thể về thời gian nộp thuế, giảm thủ tục xuất nhập khẩu; đẩy mạnh Đề án Chính phủ điện tử…
Cải cách không chung chung mà phải bằng mục tiêu cụ thể
Theo đó, số lượng biên chế công chức trong các bộ, ngành và địa phương năm 2016 giảm 4.139 so với năm 2015, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm giao biên chế công chức đối với từng đơn vị bộ ngành và địa phương, các hội có tính đặc thù.
Đối với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng còn đặt ra những chỉ tiêu cụ thể như đến năm 2020, thủ tục xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ còn 5 ngày; năm 2016 dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu và dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu; đến năm 2020 còn dưới 5 ngày đối với hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu.
Đặc biệt, trong cuộc họp thường kỳ tháng 11, Thủ tướng đặc biệt lưu ý giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong bối cảnh Việt Nam có tới 45 triệu người sử dụng Internet và cơ chế, chính sách cũng đã khá đầy đủ. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36A về Chính phủ điện tử, đặt ra các mục tiêu cũng khá cụ thể.
“Chẳng hạn trong ngành Thuế, cuối năm nay phấn đấu 90% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử thì người dân sẽ không phải xách xe, xách tiền đi nộp nữa, nếu làm được thì cải cách rất lớn, rất thuận tiện. Các nước làm được thì không có lý do gì ta lại không làm được?”, Thủ tướng đặt vấn đề và nhắc lại “không có cách nào khác” là phải triển khai quyết liệt giải pháp này.
Đánh giá cao những nỗ lực cải cách mà Chính phủ đã đưa ra, ông Ray Mallon, cố vấn cấp cao Dự án hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam (RCV) cho rằng trong bối cảnh nhiều chuyên gia quan ngại việc cải cách diễn ra còn chậm thì những chỉ thị, yêu cầu rất cụ thể của Thủ tướng Chính phủ đưa ra là “điểm nhấn” giúp cho hoạt động tái cơ cấu thành công.
“Nghị quyết 19 là nội dung thể hiện tái cơ cấu nhiều nhất và đạt được kết quả nhất. Bài học đạt được từ Nghị quyết 19 là phải hết sức rõ ràng về mục tiêu đề ra, phải chỉ ra được kết quả là thế nào, thời gian đạt được là bao nhiêu chứ còn chung chung thì không thể đạt được kết quả.” - Ray Mallon đánh giá.
Chính phủ sẵn sàng đồng hành cùng DN: kỳ vọng có thay đổi lớn
Việc Thủ tướng đưa ra những yêu cầu cải cách với các chỉ tiêu cụ thể được TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, sẽ tạo nên những áp lực lớn đặt lên vai các Bộ trưởng. Hàng loạt các chính sách được ban hành, đi kèm với yêu cầu phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các vấn đề, thậm chí là quy trách nhiệm rõ ràng cho các vị trí lãnh đạo là một sự đổi mới trong tư duy điều hành theo đánh giá của TS. Phong.
Đồng tình quan điểm trên, TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cũng cho rằng những động thái trên rõ ràng thể hiện sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện tốt Nghị quyết 19.
Dẫn ra thông điệp của Thủ tướng tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015 là coi nhân dân là người quyết định thành công hay thất bại của nền kinh tế và sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, TS. Anh cho rằng con số GDP hay những báo cáo trên giấy cũng không phản ánh được đầy đủ nếu không cải thiện được mức sống người dân, người dân không có cơ hội tìm kiếm việc làm và cải thiện thu nhập.
“Tôi nghĩ đó là tín hiệu rất là tốt đối với nền kinh tế, cho thấy Chính phủ sẵn sàng đồng hành với DN, sẵn sàng lắng nghe DN để thực hiện những việc này. Nhưng để chúng ta làm đến đâu, giảm được giờ khai nộp thuế hay giảm thủ tục hành chính, thì cần phải làm tốt hơn và có thay đổi, đột phá nhiều hơn nữa trong thời gian sau.” – TS. Tú Anh nói.
Những nỗ lực cải cách để kiến tạo, tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng đã được các DN nhìn nhận với một sự kỳ vọng lớn. Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho rằng những động thái mà Chính phủ đưa ra là rất đúng hướng, giải tỏa “cơn khát” cho DN khi vẫn còn những bức xúc trong việc triển khai ở các cấp dưới.
“Những chỉ thị, yêu cầu mạnh mẽ được người đứng đầu Chính phủ đưa ra hy vọng sẽ mang lại nhiều cải cách hơn nữa trong thời gian tới, giúp tạo lập môi trường thuận lợi cho DN. Tuy nhiên để DN và người dân thực sự được hưởng lợi từ những cải cách mạnh mẽ này thì những Bộ ngành và các đơn vị cấp dưới triển khai thực hiện cũng phải có sự quyết liệt trong cải cách thì mới mang lại lợi ích cho nền kinh tế.” – đại diện doanh nghiệp này khuyến nghị.
Phạt gần 230 xe đò rước khách trong nội thành TP.HCM
Chỉ trong một tuần giữa tháng 12-2015 đã xử phạt 432 triệu đồng đối với 229 xe khách tuyến cố định chạy sai lịch trình vào nội thành TP.HCM rước khách.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết thông tin trên. Trong đó, nhiều xe đón trả khách không đúng nơi qui định, rước khách chạy sai tuyến đường, sai lịch trình, kê thêm ghế, giường để tăng sức chở khách…
Trong khi đó, bến xe miền Đông cho biết trong 5 năm qua, hơn 1.000 xe bỏ bến vào hoạt động trong nội đô dưới hình thức “bến cóc, xe dù” và giảm khoảng 4.000-5.000 khách đến bến xe.
Còn bến xe miền Tây cho biết nhiều xe hoạt động kiểu “chân trong, chân ngoài” như đưa khoảng 40% xe vào bến rước khách, còn lại 60 % rước khách ở các điểm trên đường phố trong nội thành TP để thu hút người dân giảm chi phí từ nhà đến bến xe.