Quý I/2016, TP.HCM cần 65.000 lao động
Khánh Hòa chưa đồng ý xây bến tàu Sông Cái
Tây nguyên mất gần 34.000ha rừng/năm
Sẽ kiểm tra dự án lấp vịnh Nha Trang
Đổ do trời, hành khách phản ứng hãng JetstarPacific
Tin trong nước đọc nhanh 20-12-2015
- Cập nhật : 20/12/2015
Nhiều cán bộ bị điều tra sau vụ dân đưa quan tài lên đường cao tốc
Ngày 19/12, Công an TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết đã vào cuộc điều tra về việc đền bù giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua xã Tam Ngọc. Sau khi nhận đơn tố cáo của người dân, một số cán bộ làm công tác đền bù thuộc Trung tâm phát triển quỹ đất và xã Tam Ngọc bị triệu tập để điều tra.Một nguồn tin cho hay bước đầu xác định một số cán bộ có hành vi kê khống tài sản cho người dân nhằm hưởng hoa hồng. "Sau khi nhận đơn của người dân, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra. Có hộ vườn không có tường rào nhưng cán bộ bồi thường vẫn lập khống bờ rào dài 150 m, cao gần 2 m nhằm giúp dân nhận hàng chục triệu tiền đền bù rồi hưởng hoa hồng", nguồn tin này nói và cho hay có ít nhất 20 hộ dân được cán bộ giúp kê khống tài sản.
Bức xúc vì chính chuyền không chịu giải quyết, anh Tịnh mang áo tang cùng hàng chục hộ dân kéo quan tài lên cao tốc phản ứng, tố cáo nhiều khuất tất của đơn vị bồi thường. Ảnh: Tiến Hùng.
Trước đó ngày 10/11, anh Đoàn Văn Tịnh (41 tuổi) mặc áo tang cùng hàng chục người dân xã Tam Ngọc mang quan tài lên đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đang thi công để phản ứng chuyện đền bù. Tại đây, người dân tố cáo các cán bộ bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều khuất tất như áp giá đền bù thấp; không chịu chi trả 500 triệu đồng tiền thưởng vì bàn giao đất sớm cho người dân; hồ sơ đền bù không có dấu đỏ: đền bù cho dân nhưng trả giá "như đi chợ"...
Riêng trường hợp anh Tịnh, mặc dù xã Tam Ngọc đã xác nhận hơn 2.000 m2 đất thuộc sở hữu của anh và nằm trong diện được đền bù, tuy nhiên suốt thời gian dài, đơn vị bồi thường vẫn không chịu chi trả cho gia đình. "Tôi đã hàng trăm lần gõ cửa cơ quan công quyền nhưng họ hứa lần này đến lần khác. Cùng cực lắm mới phải dùng cách này", người mang áo tang, kéo quan tài lên cao tốc nói.
Nhà chức trách Tam Kỳ sau đó đã tổ chức đối thoại, thừa nhận có nhiều sai sót trước người dân đồng thời hứa chi trả tiền đền bù, tiền thưởng gấp. Tuy nhiên, hơn một tháng sau, hộ anh Tịnh vẫn chưa nhận được tiền. Bức xúc, người này tiếp tục gửi hàng chục lá đơn kêu cứu.
Tại buổi đối thoại với anh Tịnh ngày 5/12, ông Bùi Ngọc Ảnh, Phó chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, lý giải chưa đền bù cho anh Tịnh là do có 4 hộ khác mới đây nhận thửa đất này thuộc sở hữu của họ nên xảy ra tranh chấp. Ông Ảnh cho rằng xã Tam Ngọc đã làm sai quy trình khi đo đạc cấp chứng nhận sử dụng đất cho anh Tịnh và nói sẽ kiểm điểm các cán bộ này.
Nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc vì lao động bỏ trốn
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố 15 địa phương có số lao động bỏ trốn nhiều tại Hàn Quốc. Dẫn đầu là Nghệ An với hơn 1.450 người, Hà Nội 940, Hải Dương 850, Thanh Hóa 820 người... Địa phương thấp nhất là Hải Phòng với 245 người. Bộ đề nghị các tỉnh thành tuyên truyền, vận động người lao động đang cư trú bất hợp pháp nhanh chóng về nước.Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay, 15 địa phương này chiếm đến 85% lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc. Trong số 15 nước phái cử lao động làm việc tại đây, Việt Nam đang dẫn đầu về tỷ lệ bỏ trốn với trên 32%, các nước bình quân 15-17%.
Hiện, phía Hàn Quốc yêu cầu Việt Nam có biện pháp để giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn xuống dưới 30%, về lâu dài bằng các nước ở xung quanh. Tháng 4/2016, hiệp định lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ hết hiệu lực. Đây là điều kiện quan trọng để tiến tới ký Biên bản ghi nhớ bình thường về hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
"Hiện ta và họ chưa đàm phán lại, nhưng nếu không giảm được tỷ lệ lao động bỏ trốn thì sẽ rất khó ký tiếp hiệp định", ông Diệp nói và thông tin, Bộ Lao động dự kiến trình Chính phủ những tỉnh thành có đông lao động bất hợp pháp sẽ không tham gia chương trình nếu nối lại thỏa thuận. Hoặc các tỉnh có thể tham gia nhưng huyện nào có đông lao động ở lại bất hợp pháp thì không được đi nữa.
"Việc này nhằm tăng cường trách nhiệm của các địa phương, cũng là liên quan đến thể diện quốc gia. Lao động các nước khác tuân thủ luật pháp tốt, ít bỏ trốn, còn chúng ta thì quá nhiều", ông thông tin.
Ông Diệp phân tích, lao động không chịu về nước chủ yếu là mức lương ở bên kia khá cao, bình quân thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng, có người lên đến 40 triệu đồng. "Lao động về nước thì kinh tế khó khăn hơn, khó có chỗ nào đảm bảo được tiền lương như thế. Nhưng vì số lao động bỏ trốn quá cao mà trong 3 năm trở lại đây có khoảng 35.000-40.000 người mất cơ hội đi Hàn Quốc. Người ở bên đó cũng phải chia sẻ cơ hội với những người khác", ông nói.
Để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn, cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, như thí điểm ký quỹ áp dụng từ tháng 11/2013. Lao động trước khi xuất cảnh phải ký quỹ 100 triệu đồng (tương đương 5.000 USD) tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Người lao động tuân thủ các quy định của pháp luật Hàn Quốc khi về nước sẽ được nhận lại số tiền này cả gốc và lãi. Nếu không về nước đúng thời hạn hoặc bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp thì tiền này sẽ bị phong tỏa và chuyển vào Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm của địa phương.
Chính sách này đặt ra kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc ngăn ngừa lao động cư trú bất hợp pháp sau thời điểm tháng 11/2016 đối với người lao động hết thời hạn làm việc 3 năm; sau thời điểm 9/2018 đối với những người lao động hết thời hạn 4 năm 10 tháng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Nghị định xử phạt hành chính 80-100 triệu đồng đối với lao động vi phạm không về nước, đã áp dụng đối với 1.225 trường hợp hết hạn không về nước đúng thời hạn. Mới đây, Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết 62 nêu rõ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước từ ngày 1/9 đến 31/12/2015 sẽ không bị phạt tiền.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam. Lao động Việt Nam làm việc tại đây có mức thu nhập mỗi tháng 1.000 đôla trở lên. Năm 2012, Hàn Quốc ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam do có quá nhiều người bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, hoặc hết hợp động mà không về nước. Năm 2013, Hàn Quốc tiếp nhận lại lao động Việt Nam nhưng ở mức hạn chế, cho đến tháng 4/2015 mới tiếp nhận lại với mức lớn hơn.
Hàng trăm biệt thự cũ ở Hà Nội bị phá dỡ
Ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) vừa công bố Báo cáo giám sát, trong đó có việc thực hiện Kết luận thanh tra xác định 312 biệt thự không thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội.
Theo kết quả giám sát: 63 biệt thự tự phá dỡ, xây mới cơ quan quản lý không có hồ sơ, không xác định được thời điểm xây dựng; 19 biệt thự báo cáo là biến dạng hoàn toàn và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có hồ sơ đánh giá, thẩm định chất lượng; 2 biệt thự báo cáo là không tìm thấy nhưng thực tế đã tìm thấy; 48 biệt thự báo cáo đã phá dỡ, xây mới nhưng trên thực tế vẫn còn là biệt thự (16 biệt thự vẫn còn; 35 biệt thự chỉ sửa chữa, cơi nới, nâng tầng); 45 nhà (biệt thự) báo cáo không phải là biệt thự thì thực tế có 8 nhà là biệt thự…
Bên cạnh đó, mặc dù Thủ tướng, UBND thành phố có chỉ đạo dừng việc cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự song Sở Xây dựng, UBND một số quận không thực hiện nghiêm túc, đã cấp phép để phá dỡ và xây dựng công trình mới ở 25 biệt thự cũ.
312 biệt thự trên bị thanh tra sau khi các đại biểu HĐND thành phố chất vấn gay gắt tại các kỳ họp năm 2014. Trong kỳ họp HĐND vào tháng 7/2014, khi UBND TP có Tờ trình về đề án quản lý quỹ biệt thự và đưa số biệt thự trên nằm ngoài danh mục quản lý theo quy chế. Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam cho rằng “có sự dối trá của cơ quan quản lý" và đề nghị quy trách trách nhiệm các đơn vị liên quan.
Cũng tại kỳ họp, Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực đã đưa ra những bằng chứng cụ thể để chứng minh báo cáo của UBND TP về một số biệt thự không chính xác. Các đại biểu tiếp tục chất vấn lãnh đạo thành phố Hà Nội về nội dung trên tại phiên họp HĐND cuối năm 2014.
Ngày 25/4/2015, thanh tra thành phố đã có kết luận thanh tra 312 biệt thự. Tuy nhiên, kết luận trên đã không được UBND TP Hà Nội công khai.
Hơn một tấn nầm lợn thối nhập lậu qua biên giới
Khoảng 14h ngày 17/12, tại đường Trần Quang Khải (TP Lạng Sơn), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang ôtô vận chuyển nội tạng nhập lậu. Tang vật thu giữ gồm 6 bao nầm lợn tổng trọng lượng 450 kg không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Lái xe Lương Văn Thanh (35 tuổi, trú TP Lạng Sơn) khai, số nầm lợn này nhập từ Trung Quốc thông qua nhiều con đường mòn biên giới. Thanh nhận vận chuyển từ biên giới thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) về nội địa cho một chủ hàng.
Khoảng 22h cùng ngày, tại xã Hoàng Đồng (TP Lạng Sơn), nhà chức trách thu giữ 12 bao nầm lợn vô chủ, trọng lượng 600 kg.
Hơn một tấn nầm lợn bị thu giữ trên đều được tẩm hóa chất bảo quản, đông đá nhưng đã lên mốc xanh và bốc mùi thối nồng nặc. Nhà chức trách đã tiêu hủy và đang làm rõ những người liên quan.
TP HCM muốn xây thêm nghĩa trang 90 hecta
UBND TP HCM vừa chấp thuận đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và huyện Bình Chánh về địa điểm quy hoạch xây dựng khu nghĩa trang của thành phố tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh để đáp ứng nhu cầu chôn cất cho người dân thành phố.
Tuy nhiên, đối với đề xuất diện tích 90 hecta của nghĩa trang, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị này xác định lại quy mô dựa trên số liệu dự báo, định hướng của ngành, phân bổ phát triển không gian, phân bổ quy mô dân số theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố.
Chính quyền thành phố giao Viện Quy hoạch Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng nghiên cứu lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 tại khu vực này. Sau khi quy hoạch được duyệt sẽ mời gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực tham gia xây dựng.
Trên địa bàn huyện Bình Chánh hiện có nghĩa trang Đa Phước với diện tích gần 70 hecta được đưa vào sử dụng năm 2006. Đây là nghĩa trang được thành phố quy hoạch để giảm nạn chôn cất tràn lan và nhận các mộ cải táng từ những nơi khác, trong đó có nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) - nghĩa trang lớn nhất TP HCM đang được giải tỏa.
Đối với đề nghị xây dựng khu hỏa táng hơn 9 hecta tại tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, lãnh đạo thành phố đánh giá điều này không phù hợp với quy hoạch chung được duyệt, quá gần với khu dân cư và khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Do đó, UBND huyện Bình Chánh được yêu cầu nghiên cứu bố trí tập trung khu hỏa táng về khu nghĩa trang tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh.
Về lâu dài, UBND TP HCM giao Viện Quy hoạch Xây dựng (Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố) với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nghiên cứu lập quy hoạch địa điểm xây dựng nghĩa trang trên địa bàn định hướng đến năm 2050.