Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mỹ và các nước ASEAN thành lập trung tâm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham dự hội nghị tại Sunnylands.
Tin trong nước đọc nhanh 16-02-2016
- Cập nhật : 16/02/2016
Ông Võ Văn Thưởng nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ
Ngày 15-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nêu rõ quyết định phân công ông Võ Văn Thưởng làm Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Sáng 15-2 (mùng 8 Tết Bính Thân), tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Chính trị phân công Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Võ Văn Thưởng (giữa) cùng Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh (trái) và ông Phạm Minh Chính (trái) tại lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị
Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.
Theo Quyết định của Bộ Chính trị, ông Võ Văn Thưởng sẽ thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM; thôi giữ chức Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM để giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cho biết Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp và bầu đủ một lần 19 Ủy viên Bộ Chính trị theo đúng phương hướng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Vừa qua, Bộ Chính trị đã họp, thảo luận, cân nhắc kỹ nhiều mặt và thống nhất rất cao phân công ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhiệm kỳ 2016-2020.
Theo Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh, ông Võ Văn Thưởng là cán bộ trẻ, nhiều triển vọng, có năng lực, được đào tạo cơ bản, từng đảm nhiệm cương vị Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, được quy hoạch làm Bí thư Thành ủy TP HCM. Ông là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII.
Vừa qua, ông Võ Văn Thưởng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bầu vào Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, kỹ lưỡng và quyết định phân công ông Võ Văn Thưởng giữ cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Trân trọng cảm ơn Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã tin cậy phân công giữ nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Võ Văn Thưởng cho biết luôn ý thức sâu sắc đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, một vinh dự đặc biệt, đòi hỏi sự nỗ lực lớn với tinh thần trách nhiệm cao, nhất là đối với cá nhân đồng chí khi tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều...
Ông Võ Văn Thưởng khẳng định nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo, dặn dò của đồng chí Đinh Thế Huynh và hứa sẽ nỗ lực tối đa không ngừng rèn luyện để nâng cao đạo đức và năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Văn Nên làm Chánh Văn phòng Trung ương
Ngày 15-2, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016-2020
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Văn Nên đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng
Chiều ngày 15-2, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, và ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, thay mặt Bộ Chính trị công bố Quyết định phân công ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, đảm nhiệm cương vị Chánh Văn phòng Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016-2020.
Buổi lễ diễn ra tại Văn phòng Trung ương Đảng cùng với sự tham dự của ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và các lãnh đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính công bố Quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Nguyễn Văn Nên đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã họp và bầu 4 người vào Ban Bí thư theo đúng phương hướng nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Bộ Chính trị đã họp, thảo luận và thống nhất rất cao việc phân công ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng đảm nhiệm cương vị Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Thường trực Ban Bí thư đánh giá đồng chí Nguyễn Văn Nên là cán bộ lãnh đạo trưởng thành từ cơ sở, có năng lực, giàu kinh nghiệm khi từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Nên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và XII.
Thay mặt Bộ Chính trị, ông Đinh Thế Huynh bày tỏ tin tưởng ông Nguyễn Văn Nên sớm nắm bắt nhiệm vụ, tình hình công tác của Văn phòng Trung ương Đảng, tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm và sự năng động, sáng tạo để cùng các lãnh đạo và tập thể cán bộ, đảng viên, công chức Văn phòng Trung ương Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Các lãnh đạo Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chính phủ cùng ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2016- 2020
Ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ lời cảm ơn Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đã tín nhiệm giao giữ chức vụ Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Ông Nguyễn Văn Nên khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình, cùng với tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức của Văn phòng Trung ương Đảng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tiểu sử và quá trình công tác của ông Nguyễn Văn Nên
Ông Nguyễn Văn Nên sinh ngày 14-7-1957; quê quán: Tây Ninh; Học vị: Cử nhân Luật.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII.
Tháng 4-1975 – 9-1985: Chiến sỹ Cảnh sát hình sự; Đội trưởng hình sự Công an huyện Gò Dầu.
Tháng 10-1985 – 12-1987: Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ, Phó trưởng Công an huyện Gò Dầu.
Tháng 1-1988 – 2-1989: Quyền Trưởng Công an huyện Gò Dầu.
Tháng 3-1989 – 12-1991: Ủy viên Thường vụ, Trưởng Công an huyện Gò Dầu.
Tháng 1-1992 – 4-1996: Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gò Dầu.
Tháng 4-1996 – 8-1999: Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gò Dầu.
Tháng 8-1999 – 1-2001: Tỉnh ủy viên, Trưởng ban, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Tây Ninh.
Tháng 2-2001 – 5-2004: Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh.
Tháng 6-2004 – 1-2005: Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh, kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe.
Tháng 2-2005 – 3-2006: Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tây Ninh.
Tháng 3-2006 – 8-2010: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh.
Tháng 9-2010 – 7-2011: Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh.
Tháng 7-2011 – 2-2013: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Từ tháng 3-2013: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Ngày 14-11-2013, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6, phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Du lịch ĐBSCL thắng lớn
Nghỉ Tết dài ngày, khí hậu ấm áp nên ĐBSCL thắng lớn về du lịch trong dịp Tết Bính Thân
Đã nhiều năm rồi, du lịch ĐBSCL mới có dịp đón lượng du khách quá tải đến nỗi những người làm công tác du lịch cũng bất ngờ. Chỉ trong vòng 7 ngày Tết Nguyên đán đã có hàng trăm ngàn lượt du khách đến các khu du lịch ở tỉnh An Giang.
Theo bà Trần Thị Tuyết Em - Trưởng Ban Quản lý BQL Khu Di tích Văn hóa, Lịch sử và Du lịch núi Sam (tỉnh An Giang) - ước tính đến hết ngày 14-2 đã có hơn 350.000 lượt khách (tăng hơn 100.000 lượt so với dịp Tết Nguyên đán năm 2015) đến các điểm du lịch tâm linh như: chùa Tây An, chùa Hang, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam… Ngày 11-2, số lượng du khách tăng đột biến với hơn 72.000 lượt nên xảy ra ùn ứ trên các tuyến đường dẫn vào những khu du lịch.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), cho biết ngay từ đầu năm, TP đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm lập lại trật tự ở Khu Du lịch núi Sam. Các đối tượng cò mồi, chèo kéo, gây phiền hà cho du khách đều được đưa vào “danh sách đen” để theo dõi hoặc cho làm cam kết không vi phạm, nếu vi phạm sẽ xử lý rất nặng.
Rất đông du khách đổ về những điểm du lịch tâm linh ở tỉnh An Giang trong dịp Tết khiến nhiều tuyến đường xảy ra ùn ứẢnh: Thốt Nốt
Ông Phạm Văn Dũng, Trưởng BQL Khu Du lịch núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), cho biết từ ngày 8 đến 10-2, số khách hành hương đến núi Cấm có phần giảm so với cùng dịp của năm trước nhưng từ ngày 11-2 thì tăng mạnh cho đến hết ngày 13-2, với hơn 175.000 lượt khách, trong đó có 114.000 khách đi ô tô, xe máy và 61.000 khách đi cáp treo lên núi Cấm.
Tại TP Cần Thơ, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (huyện Phong Điền) quá tải do quá đông du khách cả trong và ngoài nước.
Theo nhiều du khách, sở dĩ họ chọn ĐBSCL làm điểm đến trong dịp Tết này vì khí hậu không lạnh rét như miền Bắc và miền Trung.
Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), cho biết: “Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ trong 8 ngày Tết, du khách đến tham quan Đất Mũi khoảng trên 40.000 người, thực tế có thể nhiều hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng sau khi đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi thông xe. Con số này cao hơn 4 lần so với những năm trước. Cụ thể, năm 2015, du khách đến Đất Mũi trong những ngày Tết chỉ khoảng 10.000 người”.
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ ngày 8 đến 14-2, lượng khách đến tỉnh này tăng cao với khoảng 300.000 lượt. Hai địa điểm được du khách đến nhiều nhất là làng hoa Sa Đéc và Khu Di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại TP Cao Lãnh.
Kỳ vọng và hành động
Đón mùa Xuân mới, mọi người đều kỳ vọng những điều tốt đẹp nhất cho đất nước, gia đình và những người thân yêu của mình.
Thế giới năm 2016 đầy biến động khó lường: Trung Quốc với những đòi hỏi lãnh thổ trái với luật pháp quốc tế làm nhiều nước lo ngại và bất bình nhưng vì lợi ích kinh tế, nhiều nước vẫn coi trọng hợp tác với Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh gây lo ngại toàn cầu. Giá dầu thô giảm sâu, giá nông sản và nguyên liệu cũng sa sút nghiêm trọng làm nhiều nền kinh tế lao đao. Khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, nước nào mạnh về lĩnh vực này sẽ thắng thế.
Sống trong thế giới như vậy phải năng động điều chỉnh chính sách, cái đúng trong quá khứ có thể trở thành không đúng trước những đảo lộn sâu sắc ngày nay. Cuộc sống sinh động này mạnh hơn các giáo điều xưa cũ, ta phải thích nghi và tự đổi mới để vươn lên, chậm là tự sát. Chúng ta đã trả giá quá cao, quá lâu về những bài học tự mãn, tự bốc thơm mình lên mây, tiêu phí tiền vốn, sức lực vào những dự án khổng lồ, kỹ thuật lạc hậu. Phát hiện cái mới, tự đổi mới để tạo ra sự khác biệt là điều cần thiết. Ý kiến khác nhau nhằm tìm ra những con đường, phương pháp mới để xây dựng đất nước phồn vinh, tìm ra những giải pháp để tạo lập một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh không phải là chống lại nhau mà bổ sung cho nhau. Khoan dung, lắng nghe, đối thoại phải thay thế cách suy nghĩ chụp mũ, áp đặt, độc quyền chân lý.
Kinh tế - xã hội nước ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn với những bước hội nhập sâu. Để tranh thủ được cơ hội xuất khẩu to lớn đang mở rộng, nước ta phải tái cơ cấu kinh tế, chuyển sang những nấc thang cao hơn của công nghiệp và dịch vụ với hàm lượng trí tuệ lớn hơn, giá trị gia tăng cao hơn. Lợi thế nhân công giá rẻ trong gia công dệt - may, da giày, điện thoại thông minh của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoàn toàn không bền vững, sẽ nhanh chóng bị xói mòn bởi quá trình tự động hóa và bị thách thức bởi các đối thủ cạnh tranh khác.
Để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, kết bạn với doanh nghiệp của các nền kinh tế phát triển hơn, doanh nghiệp nước ta phải “biết người, biết mình”, thực hiện nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tạo được niềm tin ở các đối tác.
Cải cách thể chế trở thành yêu cầu cấp bách không thể thoái thác với những cam kết về công khai, minh bạch, chống tham nhũng, cam kết về thuận lợi hóa thương mại, về giải quyết tranh chấp. Bất kỳ sự vi phạm cam kết nào như cạnh tranh không bình đẳng, ban hành quy định không tham vấn ý kiến của đối tượng thực hiện, che giấu thông tin… cũng có thể bị phát hiện và dẫn đến các vụ kiện cáo tốn kém, phiền toái.
Mặc dù đã đạt được một số tiến bộ nhất định nhưng năng lực cạnh tranh toàn cầu của nước ta còn thấp với xếp hạng 56/140 nền kinh tế, trong khi về thể chế chỉ xếp khoảng 90, chi phí về đút lót và chi phí không chính thức xếp dưới 100, tức thuộc nhóm nước thấp nhất. Chỉ cần so sánh yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 giảm thời gian thông quan xuống còn 10 ngày với yêu cầu của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương năm 2018 phải thông quan trong 48 giờ, ta có thể thấy sức ép đổi mới lớn đến dường nào.
Dân tộc ta bao giờ cũng vùng lên mãnh liệt trước những thử thách. Mọi người hãy chung tay đóng góp cho một mùa Xuân đổi mới mạnh mẽ trên đất nước chúng ta.(Lê Đăng Doanh -NLĐ)
Người Nghệ An chen chúc làm thủ tục xuất ngoại
Sáng 15/2, hàng trăm người dân đã đến trụ sở Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an Nghệ An) làm thủ tục cấp đổi hộ chiếu, giấy thông hành. Anh Nguyễn Đức Cảnh (trú huyện Quế Phong, Nghệ An) cho biết, cùng nhóm bạn ở quê bắt xe xuống Vinh từ lúc 4h sáng để làm giấy thông hành sang Lào làm việc. Do về Tết quá muộn, không xin cấp đổi được nên anh phải hối hả đi làm ngay sau Tết.
Đa số người đến làm thủ tục xuất nhập cảnh là lao động phổ thông làm việc tại Lào, Thái Lan… Để tránh tình trạng người dân bị “cò” chặt chém, năm nay Phòng tổ chức chụp ảnh hồ sơ lấy số, quét hồ sơ lưu trữ vào máy, nhưng nhiều người vẫn bị “cò” lừa với giá cao hơn rất nhiều lần.Chen chân mãi mới vào được nơi viết hồ sơ làm hộ chiếu thì anh Trần Văn Hạnh (trú huyện Yên Thành, Nghệ An) mới biết 4 chiếc ảnh vừa chụp ở ngoài không hợp lệ mà phải quay sang chụp ảnh lại ở trong đơn vị. “Vừa xuống chưa biết gì thì tôi nghe mấy người kéo vào bảo vào đây chụp ảnh cho nhanh. Chụp 4 cái ảnh thẻ mà bị lấy tới 80.000 đồng, photo cái chứng mình cũng 10.000 đồng mà giờ lại không sử dụng được”, anh Hạnh bức xúc.
Thượng tá Tô Hữu Trí, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an Nghệ An) cho biết, số người làm hộ chiếu, giấy thông hành sang Lào ngày đầu năm nào cũng căng thẳng do nhu cầu quá lớn. Do số người đến làm thủ tục tăng gấp 5 lần ngày thường, Phòng đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ làm việc thêm giờ, mượn thêm trụ sở Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Nghệ An để mở điểm tiếp nhận. Tuy nhiên, tình trạng chen lấn, xô đẩy vẫn xảy ra.
Theo thượng tá Trí, đợt làm thủ tục cấp hộ chiếu, giấy thông hành lần này dự kiến kéo dài khoảng 20 ngày.