Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Mỹ có tiếng nói mạnh mẽ, hành động thiết thực hơn để chấm dứt mọi hành động thay đổi nguyên trạng Biển Đông, trong cuộc họp với Tổng thống Barack Obama.
Tin trong nước đọc nhanh chiều 15-02-2016
- Cập nhật : 15/02/2016
Xảy ra ùn tắc, trạm thu phí giao thông phải mở cửa miễn phí
Trong tình huống bị ùn tắc, trạm thu phí phải mở tất cả các cửa và không thu phí để giải tỏa ách tắc.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa ban hành văn bản chỉ đạo số 1607 ngày 12/2 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT trong các ngày cao điểm còn lại của Tết Nguyên Đán Bính Thân và mùa Lễ hội xuân 2016.
Theo đó, trong tình huống bị ùn tắc, trạm thu phí phải mở tất cả các cửa và không thu phí để giải tỏa ách tắc.
Cụ thể, Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển và QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long, các nhà đầu tư dự án BOT có trách nhiệm bố trí đủ lực lượng tại các trạm thu phí để không xảy ra ùn tắc kéo dài tại các trạm thu phí trong những ngày phương tiện tăng cao. Nếu xảy ra ùn tắc thì mở tất cả các cửa, không thu phí để giải tỏa ách tắc.
Các đơn vị trên cũng bố trí lực lượng phối hợp với thanh tra giao thông để ngăn chặn, không để xe máy, xe đạp đi vào đường cao tốc và phương tiện dừng đỗ, đón trả khách trên cao tốc.
Đồng thời, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, Thanh tra Bộ và Sở GTVT các địa phương tập trung thực thiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT những ngày cuối của đợt nghỉ Tết và lễ hội xuân 2016.
Trước đó, theo phản ánh của VOV.VN, nhiều tuyến đường có trạm thu phí xảy ra ùn tắc hàng km vào những ngày trước và trong Tết nguyên đán 2016. Cụ thể, tại trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra nghiêm trọng, ô tô đỗ kéo dài hàng km. Tuy nhiên, đến chiều 13/2, dù trên đoạn đường này xảy ra tai nạn liên hoàn 5 xe ô tô đâm nhau gây ách tắc gần như toàn bộ tuyến đường và việc thu phí vẫn diễn ra bình thường./.
Giả danh cán bộ Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ
Nguyễn Thị Quế (36 tuổi, trú tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) không có nghề nghiệp giả danh là cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường để hứa hẹn xin việc làm, lừa đảo hơn 5,7 tỷ đồng.
Nguyễn Thị Quế (36 tuổi, trú tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) không có nghề nghiệp. Nhưng với mục đích kiếm tiền bất chính nên Quế đã giả danh là cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để hứa hẹn xin việc làm, xin thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”), làm giả các hợp đồng mua bán biệt thự, chung cư đểchiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại với tổng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
Giúp sức cho Quế thực hiện hành vi phạm tội là Nguyễn Phi Long (56 tuổi, trú tại phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) là lao động tự do. Giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này.
Một trong những nạn nhân của Quế là bà Ngô Thị Phái (ở phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội). Bà Phái có nhu cầu làm “sổ đỏ” cho ba lô đất nông nghiệp, có diện tích từ 170m2 đến hơn 310m2 ở xã Đông Dư, huyện Gia Lâm.
Tháng 5-2013, qua giới thiệu của Long, bà Phái đã nhờ Quế làm “sổ đỏ” cho ba lô đất trên. Sau khi bà Phái dẫn đi xem khu đất, Quế yêu cầu bà đưa 310 triệu đồng “làm phí”. Bà Phái đã đưa cho Quế số tiền trên.
Thấy bà Phái cả tin, Quế nói sẽ làm thủ tục đề nghị UBND TP Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm thu hồi cả khu đất có diện tích gần 4.500m2, trong đó có ba lô đất của bà Phái để làm “Dự án doanh nghiệp” cho bà. Một tuần sau, Quế hẹn bà Phái xuống địa điểm lô đất. Khi đến, bà Phái thấy Quế đi cùng sáu người nữa. Quế giới thiệu với bà Phái, sáu người này đều trong thành phần “Dự án doanh nghiệp” đến để kiểm tra thực tế lô đất này.
Ngày 11-6-2013, Quế yêu cầu bà Phái phải nộp thuế đất gần 750 triệu đồng cho dự án này tại UBND huyện Gia Lâm. Bà Phái mang tiền đến UBND huyện Gia Lâm để nộp thì Quế ở sẵn đó và nhận nộp hộ. Sau đó, Quế đưa cho bà Phái một bản photocopy giấy nộp số tiền trên vào Kho bạc Nhà nước, có chữ ký của Quế. Hai tháng sau, theo yêu cầu của Quế, bà Phái nhiều lần đưa thêm cho Quế tổng số gần 1,9 tỷ đồng để tiếp tục nộp tiền thuế đất.
Đầu tháng 9-2013, Quế nói với bà Phái là “Dự án doanh nghiệp” đã được TP Hà Nội phê duyệt và yêu cầu bà Phái phải đưa khoản tiền từ 5-6 tỷ đồng để “bồi dưỡng” các cán bộ. Bà Phái nói đã hết tiền thì Quế lại hứa hẹn làm “sổ đỏ” cho ba lô đất nông nghiệp của bà để thế chấp ngân hàng lấy tiền lo dự án. Quế yêu cầu bà Phái đưa hơn 900 triệu đồng.
Nhận tiền được vài ngày, Quế đưa cho bà Phái “sổ đỏ” photocopy của hai lô đất, lô còn lại Quế yêu cầu bà Phái phải đưa thêm tiền thì mới lấy được. Bà Phái yêu cầu Quế phải đưa “sổ đỏ” bản gốc hai lô đất thì Quế hẹn sẽ đưa sau. Sau đó, bà Phái nhiều lần yêu cầu Quế thông tin cụ thể về việc thực hiện “Dự án doanh nghiệp” nhưng không được đáp ứng, nên yêu cầu Quế trả lại toàn bộ số tiền bà đã đưa.
Do bà Phái thúc giục nhiều lần nên Quế đưa cho bà Phái một bộ “Hợp đồng mua bán căn biệt thự sinh thái Vincom Village, ở quận Long Biên” do Quế ký với Công ty TNHH Kinh doanh BĐS Phú Gia để làm tin. Ít ngày sau, Quế và Long nói với bà Phái là đang cần 500 triệu đồng để tiếp tục làm “Dự án doanh nghiệp” và sẽ đặt hai bộ hợp đồng mua bán căn biệt thự sinh thái khác ở Khu đô thị Việt Hưng do Quế ký với Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt. Bà Phái đồng ý rồi giao cho Long và Quế 500 triệu đồng.
Quá trình chờ đợi thông tin không thấy có kết quả, bà Phái nghi ngờ việc làm của Quế và Long nên tự đi tìm hiểu và phát hiện ra các hợp đồng mua bán căn biệt thự sinh thái ở hai khu đô thị mà Quế và Long đưa đều là giả. Vì thế bà Phái đã yêu cầu Quế và Long phải hoàn trả toàn bộ số tiền gần 3,3 tỷ đồng mà bà đã nhiều lần đưa, nhưng không được nên đã tới cơ quan Công an tố cáo sự việc này. Trước khi gây ra vụ án này, năm 2009, Quế đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt 20 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lần phạm tội này của Quế được xác định là tái phạm nguy hiểm.
Tại phiên xử, bị cáo Quế thừa nhận hành vi phạm tội như trên. HĐXX xác định, trong vụ án này, bị cáo Quế đã lừa đảo bốn người để chiếm đoạt hơn 5,3 tỷ đồng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của một người 300 triệu đồng. Ngoài ra, Quế còn cùng với Long lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một người 100 triệu đồng.
“Việc Quế làm giả hợp đồng mua bán biệt thự ở hai khu đô thị, rồi ký tên, đóng dấu Công ty TNHH Kinh doanh BĐS Phú Gia và Công ty cổ phần Phát triển Đất Việt, sau đó đưa cho bà Phái với mục đích cầm cố tài sản đã phạm vào tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, HĐXX khẳng định.
Sau khi phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của hai bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt Quế 26 năm tù về ba tội: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Long bị phạt 30 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc hai bị cáo có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại theo luật định.
Đầu xuân trên công trường cầu vượt biển dài nhất Việt Nam
Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện nối quận Hải An và huyện Cát Hải, TP Hải Phòng khởi công tháng 2-2014, là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam. Thủ tướng phát lệnh khởi công dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện
Đây là một trong những cây cầu vượt biển lớn nhất Đông Nam Á. Đây là một trong hai hợp phần chính của Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện. Trong tương lai, nơi này là cảng chung chuyển quốc tế đầu tiên của miền Bắc.
Dự án kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL5, QL18, đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long tạo thành mạng lưới giao thông vận tải hàng hóa của Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Dự án kết nối và phát triển kinh tế ven biển của TP Hải Phòng, khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, du lịch quần đảo Cát Bà, giảm chi phí và thời gian đi lại, giảm rủi ro vận chuyển bằng sà lan và phà, giảm tai nạn và tắc nghẽn giao thông hàng hải tại luồng Nam Triệu.
Theo ông Lê Minh Giang, cán bộ Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phần chính tuyến và phần công trình tạm, phụ trợ cơ bản hoàn thành và đã bàn giao cho nhà thầu liên danh quản lý, sử dụng. Công tác GPMB các công trình tạm, phụ trợ: UBND TP Hải Phòng (Sở TNMT) đang tiến hành thẩm định đơn giá thuê đất làm cơ sở để các nhà thầu ký kết hợp đồng thuê đất và thanh toán chi phí.
Hiện nay, UBND TP Hải Phòng giao UBND quận Hải An làm chủ đầu tư tiểu Dự án GPMB, theo kế hoạch quận Hải An dự kiến xây dựng phương án bến tạm trong 6 tháng. Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công cầu tạm theo hướng nâng cao độ tĩnh không từ +3,62 lên khoảng +5,62, kéo dài từ 05 nhịp lên thành 9 nhịp; sử dụng các kết cấu cũ, gia cố lại và sử dụng các kết cấu định hình, sẵn có,… để đảm bảo giao thông toàn tuyến và tiến độ thi công các hạng mục công trình: xây dựng cầu chính, đắp nền đường…
Tình hình triển khai xây dựng khu tái định cư xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải: Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng khu tái định cư (TĐC) xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải do UBND huyện làm chủ đầu tư với mức đầu tư là 198,34 tỷ đồng đang được UBND TP Hải Phòng chỉ đạo huyện Cát Hải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành khu TĐC và báo cáo Bộ GTVT, nhà tài trợ (JICA) theo nội dung và tiến độ cam kết.
Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Tổng mức đầu tư của Dự án là 11.849 tỷ đồng, do Ban quản lý dự án 2, Bộ GTVT làm đại diện chủ đầu tư. Theo thiết kế, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện có tổng chiều dài toàn tuyến là 15,63km, phần cầu vượt biển dài 5,44km phần đường dẫn cầu dài 10,19km, với quy mô đường cấp 3 đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h. Chiều ngang đường rộng 29,5m gồm 4 làn xe chạy. Sau khi hoàn thành, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện sẽ là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và là một trong những cây cầu vượt biển lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đến nay, liên danh nhà thầu thi công được 60,7% tổng khối lượng, giá trị dự án (vượt 7% so với kế hoạch). Theo ông Nguyễn Anh Chi, đại diện liên doanh nhà thầu: Để thi công dự án này, các nhà thầu sử dụng 3 công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, góp phần giảm thời gian, chi phí và công sức, nâng cao hiệu quả thi công. Cụ thể, công nghệ đầu tiên là sử dụng ống vải địa kỹ thuật. Ống vải được bơm cát vào tạo thành bờ ngăn giữa biển, sau đó đổ cát, san nền tạo cốt đường để phục vụ thi công. Những ống vải địa kỹ thuật được bơm cát xếp chống lên nhau dài hàng km như những con trăn khổng lồ trên mặt biển. Công nghệ thứ 2 được sử dụng là công nghệ cọc ống thép. Trước khi được đóng xuống biển, cọc ống thép được sơn một lớp sơn chống ma sát âm, chia cắt sự tương tác nếu xảy ra sụt lún lớp bùn đất xung quanh, tốc độ thi công nhanh.
Trên công trường, các chuyên gia, cán bộ, kỹ sư, công nhân đang tích cực làm việc, đẩy nhanh tiến độ dự án. Đáng chú ý, công trình này sử dụng công nghệ lao lắp dầm cùng lúc. Đơn vị thi công đúc các đốt dầm (rộng 3,2m, dài 16m, cao 3,2m, mỗi đốt dầm nặng 80 tấn). Tổng chiều dài cầu gồm 75 nhịp, mỗi nhịp dài 60m, sử dụng công nghệ lao lắp cùng lúc 19 đốt dầm.
Sau khi được đúc xong, đốt dầm được các xe đầu kéo siêu trường, siêu trọng vận chuyển đến công trường tiến hành lắp ghép. Tại đây, các kỹ sư công nhân dùng giàn lao lắp dầm cùng lúc nhấc 19 đột dầm/nhịp, tổng trọng lượng gần 1.400 tấn, chiều dài 60m/nhịp. Theo đánh giá, đây là một trong những nhịp dài nhất trên thế giới hiện nay. Ưu điểm của các công nghệ này là bảo vệ môi trường, hạn chế tác động của việc bồi lắng, gây lún nứt công trình, dễ dàng thi công, vận chuyển đến công trình, giảm thời gian đúc. Những trụ cầu đang sừng sững giữa biển, chờ lao lắp dầm cầu.
Hiện, các nhà thầu đang tập trung triển khai thi công các hạng mục công trình chính của Dự án. Phần đường đang hoàn thành thi công đắp gia tải giai đoạn I, phần cầu đang tập trung thi công bệ, thân trụ cầu dẫn, bệ thân trụ cầu chính, tiến hành đúc và lao lắp dầm SBS. Với tiến độ thi công như hiện nay, dự kiến tháng 5-2017, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đồng Nai: Chính quyền sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong “cuộc chơi” mới
Với một địa bàn có trên 10 ngàn DN, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái cho rằng, Đồng Nai cũng sẽ nhận được những ảnh hưởng sâu sắc nhất trong “cuộc chơi” hội nhập sắp tới. Và chính quyền sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trong “cuộc chơi” này.
– Năm 2015 đánh dấu 2 sự kiện quan trọng là TPP hoàn tất đàm phán và thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC). Suy nghĩ của ông về việc này như thế nào khi lãnh đạo một địa phương với trên 10.000 DN?
Tôi vui mừng, và dĩ nhiên có một chút lo lắng vì hầu hết những ngành sản xuất chịu ảnh hưởng lớn từ TPP hay AEC đều là những ngành thế mạnh của Đồng Nai, như: da giày, dệt may, nông sản, chăn nuôi… Tuy nhiên, đến nay cũng đã tương đối rõ vì TPP đã công bố toàn văn, những ngành nào bị ảnh hưởng, lộ trình cắt giảm thuế thế nào và chúng ta có bao lâu để chuẩn bị cho một cuộc chơi thật sự, chúng ta đều đã biết nên tôi nghĩ mọi việc sẽ ổn.
Da giày, may mặc hưởng lợi ngay; riêng chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng lớn nhưng chưa phải bây giờ mà có gần 10 năm để chuẩn bị nếu TPP được thông qua vào năm 2016. Đó là một khoảng thời gian tương đối dài để ngành chăn nuôi chuẩn bị, kịp thời chấn chỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ở vị trí lãnh đạo một địa phương có nhiều DN đóng chân, dĩ nhiên chúng tôi rất quan tâm đến tiến trình tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam. Nhiều luồng ý kiến lạc quan xen lẫn lo lắng, nhưng tôi cho rằng bất kể tham gia hội nhập ở khía cạnh nào thì nội lực của DN vẫn là điều cốt lõi.
– Ông có tin tưởng vào nội lực của DN Đồng Nai trước những cơ hội lẫn khó khăn, thách thức mà hội nhập đặt ra?
Tôi không thể khẳng định nội lực của tất cả DN Đồng Nai đều vững vàng, song qua nhiều cuộc trò chuyện và tiếp xúc với hàng trăm DN FDI, vốn nhà nước và tư nhân trên địa bàn thì tôi tin vào nội lực của nhiều DN Đồng Nai.
Mặt khác, Chính phủ khi quyết định tham gia vào một FTA nào thì đều có nghiên cứu và xem xét lợi ích tổng thể và có sự phân tích rất chi tiết từng ngành: dệt may lợi chỗ nào, da giày có thiệt hại gì không… và cân nhắc giữa được – mất và sẽ chọn lựa những FTA tốt nhất có thể. Do đó, tôi tin tưởng cơ hội sẽ nhiều hơn, và tôi nghĩ “được” hay “mất” nói cho cùng nằm ở sự chuẩn bị chu đáo của DN, càng chu đáo càng “được” nhiều hơn mất.
Tôi cũng cho rằng cạnh tranh là điều cần thiết để DN học cách lớn mạnh và tồn tại, và quan trọng nhất là cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho điều đó.
– Đồng Nai đã ghi dấu ấn sâu sắc khi là địa phương đầu tiên được công nhận huyện nông thôn mới cho thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc vào đầu năm 2015, tiếp tục là Thống Nhất và các huyện khác cũng sẽ đạt được điều này. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi: sau nông thôn mới là gì và chúng ta cần làm gì để tiếp tục cải thiện đời sống nông dân?
Nói cho cùng, mục tiêu cao nhất của nông thôn mới là nâng cao đời sống và chất lượng sống của người dân nông thôn. Nếu không đạt được điều đó thì mọi thành tích đều là vô nghĩa. Đồng Nai đã nỗ lực rất nhiều trong quá trình xây dựng nông thôn mới, thậm chí chúng ta “đi trước một bước” bằng Nghị quyết 26 về tam nông từ trước khi Chính phủ phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, bởi lãnh đạo tỉnh luôn mong muốn hướng về nông thôn để giúp nông dân có đời sống tốt hơn.
Còn sau nông thôn mới là gì thì tỉnh đã cụ thể hóa bằng bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nhưng cũng không ngoài mục tiêu tiếp tục nâng cao mức sống, thu nhập, chất lượng sống của người dân. Tôi nghĩ, tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất, tính cạnh tranh của nông sản là hướng đi đúng đắn. Hiện tại, công nghệ từ châu Âu, Nhật Bản, Israel… cũng đã tiếp cận nông dân Đồng Nai thông qua các chương trình hợp tác, ký kết. Tôi mong muốn trong tương lai, sản phẩm nông nghiệp có thể đứng vững trên sân nhà và xuất khẩu vào các thị trường lớn, bền vững từ những gì Đồng Nai xây dựng hôm nay.
Sẽ nỗ lực hết sức để cải thiện PCI
Mới đây, trao đổi với báo chí về chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định chính quyền địa phương này sẽ làm tất cả để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong thời gian tới, trong đó sẽ sớm chấn chỉnh các vấn đề như tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng và chi phí không chính thức. Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc Đồng Nai có chỉ số PCI xếp hạng thứ 42 cả nước là thấp, trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành các địa phương là tìm cách nâng cao chỉ số này. Riêng chỉ số tiếp cận đất đai giảm do trong vài năm gần đây, tỉnh Đồng Nai xác định chỉ tập trung thu hút đầu tư vào các KCN có hệ thống xử lý nước thải, không để đầu tư các nhà máy, xí nghiệp xen kẽ trong các khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
“Năm nay chúng tôi sẽ phấn đấu, có thể thứ hạng chỉ số PCI không được nâng lên nhưng điểm số các chỉ tiêu phải được cải thiện. Và điều quan trọng nhất đối với Đồng Nai vẫn là kết quả về mức độ hài lòng của người dân, DN với các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước của tỉnh cũng như kết quả thu hút đầu tư của tỉnh và tạo ra được bao nhiều việc làm mới cho người lao động” – ông Vĩnh nhấn mạnh.
Hàng ngàn nông dân Tiền Giang bỏ tết lo cứu lúa
Trong lúc mọi người thong thả du xuân thì từ sáng sớm mùng 1 tết, hàng ngàn nông dân ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) phải ra đồng cứu lúa.
30.000ha lúa đông xuân vùng này đang bị nước mặn bao vây, gần 700ha đã chết trụi. Những ngày này, lãnh đạo từ tỉnh và các huyện, xã cũng xuống địa bàn cùng nông dân cứu lúa.
Xót xa lúa chết
Tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, trưa mùng 1 tết trời nắng như thiêu đốt. Hai bên con đường nhỏ dẫn vào ấp 2 và ấp 3 là những thửa ruộng vàng quạch lúa chết khô.
Một vài căn nhà đóng kín cửa. Ông Lê Văn Hưởng (chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) và ông Nguyễn Thiện Pháp (chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - phòng chống lụt bão) đứng dưới một đám ruộng khô nứt nẻ. Lúa chừng hơn 30 ngày tuổi đã chết gần hết.
Ông Pháp nhổ một nắm lúa còn xanh xem kỹ: “Lúa này chết do bịnhiễm mặn và phèn. Bây giờ có bơm nước lên cũng không cứu được. Đây là vụ đông xuân, tức là vụ lúa chính trong năm của nông dân. Lúa chết thế này coi như họ mất tết rồi”.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Khanh ở ấp 2 ngồi canh bơm nước từ kênh Tư Bửu vào đám ruộng gần 1ha lúa đã chết loang lổ.
Con kênh rộng chừng 6-7m lúc này đã cạn gần sát đáy, chỉ còn 20cm nước. Một số chiếc ghe nhỏ dùng để đặt máy bơm đang bị mắc cạn không thể kéo đi được.
Nhìn đám ruộng như da beo, ông Khanh thở dài: “Tiền vốn đầu tư từ đầu vụ tới giờ hơn 30 triệu đồng rồi. Thấy lúa còn xanh nên cố gắng canh nước để bơm, hi vọng có lúa để ăn. Lúa cần nước khoảng một tháng nữa nhưng nước dưới kênh cạn kiệt thế này thì rất khó cứu được”.
Gần đó, ông Nguyễn Văn Láng ở ấp 3 hì hục lắp máy bơm. Ông nói mấy bữa trước kênh này không có nước, nay nước về được một ít nên ráng bơm vét. Ông có hai đám ruộng, nhưng đám 1ha ở xa kênh đã chết từ trước tết.
Đám còn lại 0,9ha được 45 ngày tuổi thì đang cạn khô. Nếu không kịp bơm nước lên thì vài bữa nữa lúa cũng thành rơm.
Ông Nguyễn Thế Hùng góp chuyện: “Đám ruộng 2ha của tôi chết sạch không còn một bụi. Năm nay mới xuống giống thì bên ngoài nước mặn, trong kênh chẳng có nước nên cầm cự được một tháng thì buông tay. Nhìn lúa chết tiếc đứt ruột mà chẳng biết làm sao mà cứu”.
Ông Nguyễn Văn Đàng, chủ tịch UBND xã Tân Phước, cho biết toàn xã có 1.076ha xuống giống vụ đông xuân, nhưng đến thời điểm này đã có gần 250ha lúa bị chết do nhiễm mặn và phèn.
Hiện nước trên các tuyến kênh lại khan hiếm nên diện tích lúa chết trong thời gian tới dự báo sẽ còn tăng. Mặc dù đang là tết nhưng những hộ nào chưa bị thiệt hại hoặc thiệt hại ít đều ra đồng canh bơm nước cứu lúa hết. Họ không có tâm trí nào mà ở nhà ăn tết.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Gò Công Đông, hiện có gần 700ha lúa đông xuân của 1.000 hộ nông dân bị chết. Nặng nhất là hai xã Tân Phước và Tân Thành với hơn 520ha của hơn 800 hộ.
Các xã khác trong huyện như Kiểng Phước, Tân Điền, Phước Trung, Tân Đông, Bình Nghị, Bình Ân cũng đã ghi nhận tình trạng lúa chết do khô hạn và nhiễm mặn.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, ở thị xã Gò Công và huyện Gò Công Tây đã có hơn 10ha lúa bị chết. Ngành nông nghiệp tính toán lúa ở vùng ngọt hóa Gò Công cần nước khoảng 30 ngày nữa.
Tuy nhiên nước mặn hiện đã vượt qua khỏi vùng ngọt hóa, tức là 30.000ha lúa vùng này đang bị mặn bao vây. Nước trong các kênh nội đồng có nơi chỉ còn 0,5m.
Nếu nông dân cùng đặt máy bơm lên ruộng một lúc thì chỉ trong thời gian ngắn các con kênh sẽ cạn khô.
Nước mặn cũng phải lấy
Theo ông Pháp, năm nay nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng sớm hơn năm trước tới hai tháng, trong khi vụ đông xuân xuống giống trễ (do vụ trước thu hoạch muộn) nên khi lúa chỉ mới hơn 30 ngày thì các cống lấy nước từ sông Tiền vào vùng ngọt hóa Gò Công phải đóng.
Thiếu nước ngọt, nhiều nơi còn bị nhiễm phèn nặng nên lúa chết la liệt trong sự bất lực của con người.
Do không còn nước ngọt nên trước tết UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo lấy luôn nước mặn dưới 2 g/lít hòa vào nguồn nước ngọt còn lại trên hệ thống kênh nội đồng để tăng hi vọng cứu 30.000ha lúa đông xuân ở vùng ngọt hóa Gò Công.
Theo ông Pháp, nước mặn dưới 2 g/lít thì lúa không chết. Tuy nhiên hiện chỉ còn duy nhất cống Xuân Hòa tại huyện Chợ Gạo có thể lấy được nước mặn khoảng 1,4 g/lít trở xuống ở vài thời điểm trong ngày.
Đó là khi nước ròng chảy ngược ra biển thì nước ngọt từ thượng nguồn chảy theo làm độ mặn giảm xuống.
Với quyết tâm cứu 30.000ha lúa của 75.000 hộ dân các huyện phía đông, UBND tỉnh còn quyết định chi hàng tỉ đồng mua 32 máy bơm để bơm nước từ sông Tiền vào cống Xuân Hòa khi mực nước bên ngoài xuống thấp.
Ngoài ra, còn huy động gần 1.000 máy bơm công suất lớn bố trí tại 354 điểm để bơm cấp 1 từ kênh trục chính vào kênh nội đồng.
Toàn bộ máy bơm này hoạt động 24/24 giờ. Chi phí xăng dầu, nhân công do ngân sách tỉnh chi trả. Nông dân chỉ bơm một cấp từ kênh vào ruộng. Nhờ vậy, nhiều diện tích lúa tưởng đã chết khô lại được cứu thành công.
Ông Nguyễn Hữu Lợi (chủ tịch UBND thị xã Gò Công) cho biết thị xã có 4.000ha lúa đông xuân có nguy cơ chết trắng hồi trước tết.
Tuy nhiên nhờ tỉnh bố trí 72 điểm bơm với 120 máy bơm chuyền cấp 1 hoạt động liên tục nửa tháng qua nên hiện giờ lúa ở xã Bình Đông, Bình Xuân đã xanh trở lại.
“Nếu các kênh trục chính còn nước để bơm một tháng nữa thì chắc chắn sẽ cứu được toàn bộ diện tích lúa của nông dân” - ông Lợi nói.
Chiều tối mùng 1 tết tại cống Xuân Hòa, ông Trần Minh Quan - chủ tịch kiêm giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang - cũng có mặt chỉ đạo công nhân thử độ mặn tại khu vực cống trở ra sông Tiền vài cây số.
Ông Quan nói trong ngày đã lấy nước được bốn tiếng, dự báo sẽ lấy nước được 2-3 tiếng nữa. Ông Quan nói hi vọng còn lấy nước được một tháng nữa nếu sau tết không có gió chướng.
Tại cửa cống, nhân viên kỹ thuật Phan Tuấn Đức đo độ mặn khu vực sông Tiền. Máy báo độ mặn là 2,32 g/lít.
Anh Tuấn nói: “Nước mặn thế này không thể lấy nước được. Lúa sẽ chết hết. Cứ 15-20 phút phải đo độ mặn một lần. Khi phát hiện độ mặn vượt quá 1,5 g/lít thì bắt đầu đóng cống liền vì nếu trễ thì nước mặn sẽ lọt vào rất nguy hiểm”.
Lượng nước lấy tại cống Xuân Hòa không nhiều trong khi quãng đường dẫn đến các xã đang cần nước cứu lúa ở huyện Gò Công Đông lên tới 50km.
Dọc đường, nông dân ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và thị xã Gò Công cũng đang túc trực bơm nước 24/24 giờ nên 11.000ha lúa của huyện Gò Công Đông thật sự rất nguy cấp. Những đám ruộng đang bị chết “da beo” sẽ khó lòng cứu được.
Mùng 5 tết, chúng tôi trở lại vùng Gò Công. Tiếng máy bơm “tạch tạch” trên khắp các cánh đồng. Mọi người tranh nhau bơm nước lên ruộng cầm cự thêm ngày nào hay ngày nấy.
Tin vui đầu năm với nông dân vùng này là cống Xuân Hòa vẫn còn lấy được nước mặn dưới 2 g/lít vài tiếng/ngày. Nhưng ngày mai, ngày kia thì chưa biết...
Phê bình chủ tịch UBND huyện tại ruộng
Sau khi đi kiểm tra thực tế tại các điểm nóng, cuối giờ chiều mùng 1 tết, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã gọi chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông tới phê bình ngay tại ruộng có lúa chết ở xã Tân Phước.
“UBND tỉnh đã chỉ đạo phải bơm nước từ kênh trục chính 24/24 giờ để trên kênh nội đồng luôn có nước cho nông dân bơm vào ruộng thì trong mùng 1 tết nhiều điểm bơm cấp 1 ở đây lại… nghỉ tết. Hàng trăm hecta lúa của dân đã chết vì thiếu nước. Nhiều con kênh cạn, dân lấy gì mà bơm cứu lúa?”.
Rồi ông yêu cầu chủ tịch huyện Gò Công Đông gọi điện mời tất cả chủ tịch xã về UBND huyện họp khẩn vào mùng 2 tết.
Trước khi rời đi, ông Hưởng nói thêm: “Các anh để lúa chết thế này là có tội với dân. Dân khổ mà các anh ăn tết được thì cũng hay!”.
Sẽ chở nước ngọt cứu khát cho dân
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, hiện nay có gần 7.000 hộ với 35.000 người ở các xã ven biển, ven sông Cửa Tiểu, ngoài đê… thiếu nước ngọt sử dụng.
Tỉnh đã chỉ đạo lắp 122 vòi nước công cộng để người dân đến lấy nước ngọt miễn phí trong mùa khô này.
Riêng tại huyện cù lao Tân Phú Đông, nhà máy nước phải cấp nước theo giờ vì lượng nước ngọt trong ao chứa không còn nhiều.
UBND tỉnh đã chuẩn bị phương án dùng sà lan chở nước ngọt từ TP Mỹ Tho và huyện Châu Thành về cứu “khát” cho người dân ở đây trong thời gian tới.