Theo TS Huỳnh Thế Du, bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra những vấn đề hết sức quan trọng đúng thời điểm, khi khả năng cao Việt Nam sẽ đạt GDP bình quân đầu người theo ngang bằng sức mua khoảng 10.000 - 15.000 USD trong 5-10 năm tới.
Tin trong nước đọc nhanh trưa 17-11-2015
- Cập nhật : 17/11/2015
Đà Nẵng đồng ý cho 300 lao động Trung Quốc vào làm việc
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn An, phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội TP Đà Nẵng xác nhận với Tuổi Trẻ chiều 16-11.
Theo ông An, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý cho nhà thầu là công ty TNHH Sichuan Hua Shi được phép sử dụng lao động là người nước ngoài trên cơ sở điều chuyền nội bộ từ công ty mẹ (có trụ sở ở Tứ Xuyên, Trung Quốc) sang làm việc tại Đà Nẵng.
Cụ thể, 300 lao động kỹ thuật sẽ làm việc tại công trình khách sạn 5 sao JW Marriott tại lô 8, đường Võ Nguyên Giáp (P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Silver Shores đầu tư.
Tuy nhiên, 300 lao động Trung Quốc này sẽ không sang cùng một lúc, mà sang từng đợt tùy theo nhu cầu xây dựng công trình.
“Quan điểm của sở và UBND TP tạo điều kiện cho lao động Trung Quốc làm việc, miễn sao đúng pháp luật Việt Nam. Việc lao động Trung Quốc sang lúc nào, bao nhiêu cơ quan chức năng sẽ nắm rõ từ khâu xác minh hồ sơ đến cấp giấy phép lao động”, ông An nói.
Trước đó, giữa tháng 10-2015, công ty TNHH Sichuan Hua Shi đã có văn bản trình UBND TP Đà Nẵng xin sử dụng cán bộ kỹ thuật nước ngoài để hỗ trợ hoàn thành khách sạn JW Marriott, kịp thời phục vụ cho sự kiện APEC 2017 diễn ra tại Đà Nẵng.
Công ty này cho rằng đến thời điểm trên tiến độ bị trì trệ bởi các nguyên nhân như bất đồng ngôn ngữ giữa quản lý và thiết kế người nước ngoài với người bản địa; quy mô công trình lớn, kỹ thuật phức tạp, phần lớn lao động bản địa không thích ứng dẫn đến hiệu quả công việc thấp; lao động bản địa bận việc đồng án, nghỉ phép trì hoãn quá nhiều, số lượng lao động không ổn định.
Trước đó cũng tại công trình này, các lực lượng chức năng Đà Nẵng đã phát hiện, xử phạt hành chính và trục xuất 64 trường hợp lao động Trung Quốc trái phép. Những lao động này núp bóng trá hình dưới hình thức khách du lịch.
Người dân được chọn doanh nghiệp xây dựng lại chung cư
Trung tá Lê Hoàng Ngân, 33 tuổi làm Phó giám đốc Công an Đồng Nai
Thiếu tướng Nguyễn Thành Nam trao quyết định bổ nhiệm cho tân Phó giám đốc Công an Đồng Nai. Ảnh: Báo Đồng Nai
Ngày 16/11, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, thiếu tướng Nguyễn Thành Nam - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân - trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho trung tá Lê Hoàng Ngân.
Trung tá Lê Hoàng Ngân, 33 tuổi, quê Bình Dương và là con của Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân. Trước khi được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, ông Ngân giữ chức Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Trường Đại học An ninh Nhân dân.
Với việc bổ nhiệm thêm trung tá Ngân, Công an Đồng Nai hiện có 4 phó giám đốc, trong đó ông Ngân là người trẻ nhất. Hai tháng trước, Bộ Công an đã trao quyết định bổ nhiệm đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai thay thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh.
Hai Phó ban Nội chính giữ nhiệm vụ mới ở Quốc hội
Ông Nguyễn Doãn Khánh và Hà Ngọc Chiến (từ trái qua phải) được phê chuẩn nhận nhiệm vụ mới ở Quốc hội. Ảnh: Noichinh.vn
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành các nghị quyết phê chuẩn nhân sự. Theo đó, ông Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Nội chính Trung ương được phê chuẩn làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Nội chính Trung ương làm Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc.
Bắt đầu từ ngày 15/11, hai ông Nguyễn Doãn Khánh và Hà Ngọc Chiến sẽ làm việc tại cơ quan mới. Quốc hội khóa 13 đã đi gần hết nhiệm kỳ, hiện chỉ còn một kỳ họp vào đầu năm 2016.
Trước đó vào tháng 10, Bộ Chính trị điều động ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy và ông Nguyễn Văn Thông, Ủy viên Trung ương Đảng, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên nhiệm kỳ 2010-2015, để giữ chức Phó ban Nội chính Trung ương.
Sẽ tăng dân ở Trường Sa khi hạ tầng nâng lên
“Khi điều kiện hạ tầng các đảo được nâng lên, Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa quy hoạch tăng thêm số lượng dân sinh sống trên các đảo”.
Đây là trả lời của Bộ Quốc phòng với cử tri Bắc Giang, Lâm Đồng, Hà Nam, Thái Bình và TP.HCM, khi cử tri các địa phương này đề nghị tăng số lượng dân, chú trọng đời sống cán bộ, chiến sĩ trên đảo, nghiên cứu khai thác tour du lịch đến Trường Sa.
Trong kiến nghị này, cử tri các nơi trên nêu: “Nhà nước cần tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc như quan tâm đầu tư hơn nữa cơ sở hạ tầng tại các đảo, nhất là quần đảo Trường Sa. Đồng thời, đẩy mạnh thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu sâu về chủ quyền biển đảo, tạo sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè thế giới”.
Cử tri các tỉnh này cho rằng dù Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng đã xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo, ngang ngược uy hiếp ngư dân Việt Nam và có các hành động đáng nghi ngại khác trên vùng biển của nước ta.
Trước các đề nghị này của cử tri, thông qua công văn số 7829/BQP-TM, Bộ Quốc phòng cho biết trong những năm qua, Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước phát triển các cơ sở hỗ trợ ngư dân làm ăn trên biển như xây dựng các âu tàu, các trạm bảo đảm hậu cần, kỹ thuật nghề cá trên các đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Đá Tây, Song Tử Tây, Sinh Tồn...
Xây dựng các công trình dân sinh kết họp quốc phòng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Thổ Chu... như đường giao thông, cầu cảng, trạm phát điện, cung cấp nước ngọt, phủ sóng thông tin liên lạc, trường học, bệnh xá... để ngư dân ổn định đòi sống, yên tâm bám biển sản xuất.
Đối với các đảo thuộc huyện Trường Sa, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân chủng Hải quân phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai nhiều dự án đầu tư để nâng cao đời sống cho quân dân trên các đảo. Đặc biệt là các dự án kè đảo chống sóng, trồng cây phủ xanh đảo, năng lượng sạch và nước ngọt... góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của ta.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Quốc phòng, các đảo trên quần đảo Trường Sa phần lớn là đảo nhỏ, đỉều kiện tự nhiên khắc nghiệt, do vậy với số lượng dân và quân trên các đảo như hiện nay cơ bản phù hợp, đáp ứng được đời sống và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Khi điều kiện hạ tầng các đảo được nâng lên, Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa quy hoạch tăng thêm số lượng dân sinh sống trên các đảo.