Chính phủ cần đưa ra các chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tin trong nước đọc nhanh 16-11-2015
- Cập nhật : 16/11/2015
Cảnh sát cơ động được hóa trang khi tuần tra kiểm soát
Lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang được thực hiện trong trường hợp phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm khi có yêu cầu hoặc khi có diễn biến phức tạp về an ninh trật tự.
Đó là quy định được nêu tại thông tư quy định tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng CSCĐ.
Theo đó, Tư lệnh CSCĐ, giám đốc công an cấp tỉnh quyết định việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang. Việc thực hiện phải có kế hoạch, phương án tuần tra được Tư lệnh CSCĐ hoặc giám đốc công an cấp tỉnh phê duyệt.
Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí cán bộ hóa trang (mặc thường phục) để nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi khu vực, mục tiêu, tuyến, địa bàn được phân công.
Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng theo quy định tại thông tư này, CSCĐ khi thực hiện tuần tra, kiểm soát được kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu theo quy định của pháp luật; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo thẩm quyền; áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật; yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật, động vật nghiệp vụ phục vụ hoạt động tuần tra, kiểm soát theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
Đà Nẵng: Hơn 3.500 tỷ đồng xây dựng nhà ga sân bay mới
Sáng 15-11, tại TP Đà Nẵng, Bộ Giao thông vận tải cùng TP Đà Nẵng đã động thổ khởi công xây dựng dự án nhà ga hành khách quốc tế thuộc Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Theo đó, dự án (tổng trị giá hơn 3.500 tỷ đồng) bao gồm 3 hạng mục chính là nhà ga hành khách quốc tế (21.000 m2), cầu vượt trước nhà ga và sân đổ ô tô (chứa 436 ô tô các loại).
Theo thiết kế, hạng mục nhà ga quốc tế gồm 2 cao trình đi và đến, 40 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy xuất cảnh, 22 quầy nhập cảnh, 10 cửa ra tàu bay, 6 đảo xử lý hành lý đi và đến. Đặc biệt nhà ga mới còn được thiết kế 1 tầng riêng biệt để phục vụ thương mại và các dịch vụ phi hàng không.
Sau khi đưa vào khai thác dự án nhà ga hành khách quốc tế sẽ hoàn toàn độc lập với nhà ga quốc nội hiện có với công suất từ 4-6 triệu hành khách/năm.
Theo công ty cổ phần đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (chủ đầu tư dự án), dự án sẽ được thi công trong vòng 16 tháng và sẽ hoàn tất đảm bảo kịp tiến độ phục vụ Hội nghị APEC năm 2017 diễn ra tại TP Đà Nẵng.
Thanh toán thừa cho nhà thầu hơn 788 triệu đồng
Ngày 14-11, thông tin từ Thanh tra tỉnh Hậu Giang cho biết vừa có kết luận thanh tra thu chi, mua sắm tài sản tại Công ty CP Cấp thoát nước - công trình đô thị Hậu Giang.
Theo đó, công ty này đã thanh toán thừa khối lượng cho nhà thầu hơn 788 triệu đồng tại ba công trình.
Cụ thể, công trình mở rộng mạng lưới cấp nước từ thị xã Ngã Bảy đến xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A) thanh toán thừa khối lượng với số tiền gần 331 triệu đồng; công trình cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác Long Mỹ (huyện Long Mỹ) thanh toán thừa khối lượng với số tiền 230.481.259 đồng; công trình cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường tại bãi rác Hỏa Tiến (TP Vị Thanh) thanh toán thừa khối lượng với số tiền 227.214.893 đồng.
Chánh Thanh tra tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu công ty này giảm trừ số tiền thanh toán thừa còn lại cho các nhà thầu khi quyết toán, đồng thời tổng giám đốc công ty có trách nhiệm kiểm điểm, rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân có liên quan.
Chê chủ tịch UBND tỉnh trên facebook, bị phạt tiền và kỷ luật
Tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Long Xuyên (TP Long Xuyên) bị phạt 5 triệu đồng vì chê chủ tịch UBND tỉnh "nhìn cái mặt kênh kiệu" trên facebook.
Chiều 14-11, ông Trương Minh Thuần, giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh An Giang cho biết sở này đã ra quyết định xử phạt bà Lê Thị Thùy Trang, tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ văn Trường THPT Long Xuyên (TP Long Xuyên) và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc, nhân viên Điện lực An Giang mỗi người 5 triệu đồng, do cả 2 vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác.
Còn bà Phan Thị Kim Nga, phó văn phòng Sở Công thương được nhắc nhở, không bị xử phạt.
Trước đó, sau khi đọc báo nội dung Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm chủ tịch tỉnh UBND tỉnh An Giang, bà Trang tải lại thông tin này lên facebook cá nhân rồi vào bình luận chê chủ tịch UBND tỉnh: nhìn cái mặt kênh kiệu… Từ đó nhiều người, trong đó có ông Phúc vào comment (bình luận), like trên facebook của bà Trang.
Ông Thuần cho biết bà Nga không trực tiếp sử dụng tài khoản của mình, mà sử dụng tài khoản của chồng mình là ông Phúc sử dụng để câu like theo nên không bị phạt tiền.
Ông Phúc bị xử phạt hành chính và bị Điện lực An Giang phê bình trong toàn đơn vị. “Hành vi của bà Trang và ông Phúc vi phạm truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác.
Căn cứ Nghị định 66/NĐCP ban hành ngày 13.11.2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính tần số viễn thông công nghệ thông tin và tần số vô tuyến, mỗi người bị phạt hành chính 5 triệu đồng là đúng quy định. Đây là mức xử phạt đầu khung, có tính nhắc nhở”, ông Thuần nói.
Ngoài bị xử phạt hành chính, cả ba cá nhân trên còn bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền. Ông Lý Thanh Tú, phó giám đốc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh, cho biết ban giám hiệu Trường THPT Long Xuyên vừa kỷ luật bà Trang hình thức khiển trách về hành chính, căn cứ theo Luật Viên chức và Nghị định 27/2012 ngày 6.4.2015 của Chính phủ.
“Việc kỷ luật này sở có đề nghị trường xem xét, sau đó sở xét lại thấy mức kỷ luật này là đúng, bởi cô Trang có vi phạm”, ông Tú nói.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, giám đốc Sở Công thương An Giang cho hay bà Nga vừa bị Đảng ủy và ban giám đốc sở xử lý kỷ luật hình thức cảnh cáo về Đảng và chính quyền, cho điều chuyển làm công tác khác, căn cứ quy định 181-QĐTW của Bộ Chính trị và Luật Cán bộ công chức theo Nghị định số 34/2011 của Chính phủ.
Việc xử phạt, kỷ luật này dư luận ở An Giang hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Phần lớn cho rằng việc xử lý căn cứ vào quy định pháp luật như Luật Viên chức, quy định về Đảng là có cơ sở. Tuy nhiên nếu xét về tình và cân nhắc xem xét kỹ thì mức độ vi phạm của ba cán bộ trên chưa đáng bị xử lý nặng như thế, vô tình tạo thêm dư luận không tốt.(TT)
Triển khai cấp mã số cho vùng trồng xoài Cao Lãnh
Đây là hoạt động tiếp theo sau khi trái xoài cát chu Đồng Tháp chính thức có mặt tại hệ thống các siêu thị tại Nhật Bản đầu tháng này.
Ông Lê Văn Chấn, phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Đồng Tháp cho biết đơn vị đang triển khai thực hiện quy trình cấp mã vùng cho diện tích xoài khu vực TP. Cao Lãnh. Sau đó thông tin sẽ được trình để Cục BVTV cấp mã số giúp trái xoài Đồng Tháp dễ dàng xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Đây là hoạt động tiếp theo sau khi trái xoài cát chu Đồng Tháp chính thức có mặt tại hệ thống các siêu thị tại Nhật Bản đầu tháng này.
Theo đó để được cấp mã số, vùng trồng xoài phải canh tác theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, có ghi chép nhật ký phun xịt, chăm sóc, có biện pháp quản lý dịch hại và đặc biệt phải tuân thủ danh sách các loại hóa chất bảo vệ thực vật mà phía đối tác đưa ra.
Việc cấp mã vùng cho cây ăn trái nhằm giám sát chặt chẽ dịch hại và phòng trừ kịp thời, đúng kỹ thuật, để sản phẩm được nhập khẩu vào các nước trên thế giới.
Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có hơn 9.300ha đất trồng xoài, trong đó diện tích đang cho trái khoảng hơn 8.300ha, sản lượng bình quân hơn 87.000 tấn/năm. Giống chủ lực là xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh