tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thông điệp quan trọng đúng thời điểm của Thủ tướng

  • Cập nhật : 23/02/2016

(Yeu nhan)

Theo TS Huỳnh Thế Du, bài viết của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra những vấn đề hết sức quan trọng đúng thời điểm, khi khả năng cao Việt Nam sẽ đạt GDP bình quân đầu người theo ngang bằng sức mua khoảng 10.000 - 15.000 USD trong 5-10 năm tới.

Dưới đây là ý kiến của TS Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright – một góc nhìn về bài viết “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức- Hành động của chúng ta” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Bính Thân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết hết sức quan trọng về những việc Việt Nam cần phải làm để có thể khai thác được những cơ hội và vượt qua những thách thức trong hội nhập - một tiến trình tất yếu trên con đường đi đến thịnh vượng của Việt Nam.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong bài viết của Người đứng đầu Chính phủ là “phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội”. Cụ thể là vai trò và mối quan hệ của ba trụ cột, gồm Nhà nước, thị trường và xã hội.

Nhìn bối cảnh quốc tế hiện nay, những gì đã xảy ra trong lịch sử và những khả năng sắp tới ở Việt Nam, việc đặt ra vấn đề nêu trên là hết sức quan trọng.

Những bài học lịch sử

Thủ tướng nhận xét rằng thế giới đang bước vào làn sóng công nghiệp lần thứ tư. Quả vậy, không phải ngẫu nhiên mà tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thuỵ Sỹ vào tháng 01/2016 vừa qua, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được chọn làm chủ đề chính.

Sự thay đổi như vũ bão của tiến bộ công nghệ cũng như những cách thức phân bổ nguồn lực và tạo giá trị toàn cầu đang tạo ra những cục diện mới mà chúng thay đổi hàng ngày.

Những thay đổi nhanh chóng nêu trên đang tạo ra vô số cơ hội cho những ai sẵn sàng đương đầu với thử thách, khai thác những lợi thế của mình để hạn chế những điểm yếu.

Nhìn vào lịch sử thì đây là những đối tượng được hưởng lợi từ sự thay đổi và tiến bộ của xã hội. Nhìn theo quốc gia hay nền kinh tế thì những nơi nào chủ động mở cửa và hội nhập sẽ giành được lợi thế.

Trái lại, những cá nhân, tập thể, quốc gia nào e ngại cái mới, chỉ vì những biến động trước mắt do tác động của cái mới mà quay trở lại hay gia cố “vùng an toàn” của mình thì thường là người thua thiệt và trở nên tụt hậu hơn. Việt Nam, cũng như nhiều nước khác, từng gặp phải điều này trong lịch sử.

Vào thế kỷ thứ 19, văn minh phương Tây đã bắt đầu xâm nhập vào phương Đông, sự tương phản và các kết quả trái ngược đã xảy ra.

Lo sợ văn minh phương Tây, triều đình nhà Nguyễn đã có những hành động cấm đoán việc truyền bá các tư tưởng và việc giao thương với phương Tây. Nhà Nguyễn cũng ra sức củng cố các cấu trúc thể chế và kinh tế hiện hữu và vẫn đặt lòng tin vào vai trò và sự hỗ trợ của nhà Thanh ở Trung Quốc.

Như Trần Trọng Kim đã viết trong “Việt Nam sử lược”, khi kinh thành Huế sắp thất thủ và lúc đó nhà Thanh đã hết sức rệu rã đang tiến đến giai đoạn cáo chung nhưng triều đình nhà Nguyễn vẫn cử người sang Trung Quốc cầu viện giúp đỡ.

Hậu quả của chính sách nêu trên là Việt Nam đã trở thành thuộc địa và chịu chiến tranh triền miên trong hơn một thế kỷ.

Bản thân Trung Quốc cũng đã gặp phải những vấn đề tương tự do chính sách đóng cửa của mình. Thời nhà Thanh không phải là trường hợp đầu tiên.

Nhìn ngược lại lịch sử, Trung Quốc thời nhà Minh đã có chiến hạm đi khắp thế giới nhưng họ đã không tận dụng lợi thế đó mà chọn con đường đóng cửa chỉ biết mình. Xa hơn nữa là thời hoàng kim của con đường tơ lụa, nước này cũng không tận dụng được.

Không chỉ Việt Nam hay Trung Quốc mà nhiều nước phương Đông khác cũng gặp tình cảnh tương tự ở thời điểm đó.

Trái lại, cùng thời điểm đó, nước Nhật dưới sự lãnh đạo của Thiên hoàng Minh Trị đã chủ động mở cửa tiếp nhận văn minh và cùng làm ăn buôn bán với người phương Tây. Kết quả là Nhật đã trở nên phát triển hơn bao giờ hết.

Cho dù có bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thế giới thứ II do chính sách hiếu chiến của Nhật lúc đó, nhưng nước này vẫn tiếp tục phát triển và dẫu cho có phải trải qua gần ba thập niên mất mát, Nhật vẫn thuộc nhóm nước phát triển nhất thế giới hiện nay.

Thời điểm quan trọng đến gần

Nhìn vào lịch sử hiện đại, ở ngưỡng thu nhập bình quân đầu người tính theo ngang bằng sức mua từ 10-15 nghìn USD, các xã hội thường có sự chuyển biến rất lớn do sự bùng nổ trong nhu cầu về đời sống vật chất cũng như nhu cầu tham gia vào đời sống chính trị của người dân.

Hàn Quốc và Đài Loan là những trường hợp thành công khi mà các quyết sách hợp lý được đưa ra để  sự tham gia của người dân mang lại tác động tích cực cho quá trình phát triển. Những cơ chế phát huy sự tham gia của người dân, dựa trên ba trụ cột cơ bản nói trên, được tạo ra để đa phần người dân được mưu cầu hạnh phúc và thể hiện tiếng nói của mình.

Ngược lại, với Ai Cập, khi sự phát triển kinh tế có tính bao trùm không cao, Nhà nước đã không chuẩn bị và đón nhận sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong đời sống chính trị đã dẫn đến cuộc cách mạng hoa nhài gây ra những hậu quả hết sức nặng nề. Nhiều nước cũng đang ở ngã ba đường với những chuyển biến mạnh mẽ đang xảy ra.

Ở Việt Nam, trong 3 thập kỷ của thời kỳ Đổi mới, những chỉ tiêu cơ bản như tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, tăng chỉ số phát triển con người và thay đổi an sinh xã hội đều nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới.

Kết quả, Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp với GDP bình quân đầu người năm 2015 tính theo ngang bằng sức mua chạm mức 6.000 USD. Khả năng cao, con số này sẽ trong khoảng 10.000 - 15.000 USD trong 5-10 năm tới. Đây sẽ là giai đoạn rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá trong 5 năm tới, “thời cơ, vận hội phát triển mở ra rộng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới…”

Nghị quyết của Đảng cũng nhấn mạnh rằng “dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”, đồng thời yêu cầu nền kinh tế phải vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Trong bài viết của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Chúng ta đang sống trong một thời đại vận động và phát triển rất nhanh, thế giới đang bước vào làn sóng công nghiệp lần thứ tư, tiến trình công nghiệp hóa ngày càng được rút ngắn. Nếu có quyết tâm cao và ý chí vươn lên mạnh mẽ, tinh thần sáng tạo và chiến lược tăng trưởng đúng đắn, không ngừng nâng cao sức mạnh nội sinh, nước đi sau có thể đuổi kịp và vượt quốc gia đã có trình độ phát triển cao hơn và những doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ có thể nhanh chóng trở thành những doanh nghiệp lớn”.

Với những phân tích nêu trên, việc có các chính sách chủ động để phát huy vai trò của ba trụ cột trong nền kinh tế để có thể chủ động trong hội nhập và đón đầu các xu hướng có thể xảy ra trong xã hội Việt Nam trong vòng một thập kỷ tới là hết sức quan trọng. Do vậy, những vấn đề được nêu trong bài viết của Người đứng đầu Chính phủ là rất quan trọng và đúng thời điểm.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục