tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 30-07-2016

  • Cập nhật : 30/07/2016

Tăng khai thác dầu thô cũng không làm tăng được GDP!

Trong bối cảnh dư thừa cung lớn trên phạm vi toàn cầu, giá dầu bấp bênh ở mức thấp thì ngành khai thác dầu khí tuyệt đối không phải là cái phao cứu sinh cho nền kinh tế.

Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 5,52%, giảm tốc so với mức tăng 6,1% cùng kỳ năm 2015. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay là 6,7% như mức mục tiêu được Quốc hội đề ra cho Chính phủ thì tăng trưởng 6 tháng còn lại của năm phải đạt 7,6%.

Trong bối cảnh khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng, đã có một số đề xuất tăng sản lượng khai thác dầu thô để vực tăng trưởng của nền kinh tế trong các tháng còn lại.

Ý tưởng này thực tế là một ý tưởng không khả thi, không chỉ vì nó làm đậm thêm hình ảnh trong sự hình dung của nhiều người về một nền kinh tế nặng về “đào, xúc, múc”, trong khi trữ lượng dầu mỏ của Việt Nam không có nhiều, mà còn không tính đến thực tế rằng giá dầu thô đang ở mức rất thấp, thậm chí thấp hơn cả giá thành khai thác. Nếu cứ nhắm mắt mà khai thác thì không những GDP không tăng lên được mà, ngược lại, còn bị giảm tốc thêm vì các doanh nghiệp khai thác dầu thô sẽ bị lỗ và giảm phần đóng góp cho ngân sách trong các tháng kế tiếp.

Để minh họa rõ hơn về chuyện này, hãy xem xét cụ thể tình hình thực tế trong ngành khai thác dầu thô hiện nay ở Việt Nam.

Theo thống kê, sản lượng khai thác dầu thô 6 tháng đầu năm của PVN đạt 8,92 triệu tấn, bằng 55,6% kế hoạch năm. Tuy nhiên, các đơn vị thành viên chủ lực của PVN như Vietsovpetro, PVEP, Rusvietpetro… đều không hoàn thành chỉ tiêu doanh thu, nộp ngân sách và lợi nhuận theo kế hoạch đề ra, thậm chí còn bị giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Lý do đơn giản là giá dầu giảm mạnh, thậm chí có giai đoạn chỉ đạt 26,5 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ năm 2003. Theo báo cáo của PVN, kể cả khi giá dầu dự kiến cả năm là 44 USD/thùng, thì doanh thu ước tính của tập đoàn cũng chỉ đạt 33.080 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch năm. Nhưng với giá dầu này thì tập đoàn sẽ lỗ 500 tỷ đồng, nộp ngân sách chỉ đạt 9.176 tỷ đồng, bằng 73% kế hoạch năm.

Với giá dầu thô tiếp tục biến động mạnh ở trong vùng giá thấp và ít có khả năng phục hồi do nguồn dư cung quá lớn trực chờ cầu tăng để tung ra thị trường, khả năng cao là các doanh nghiệp khai thác dầu khí sẽ tiếp tục đối mặt với rủi ro thua lỗ. Kể cả có tăng sản lượng khai thác thì sẽ chỉ dẫn đến kết quả tuy là doanh thu tăng nhưng lợi nhuận càng âm sâu.

Quay trở lại với chuyện đóng góp của ngành khai thác dầu khí vào GDP. Dường như cách hiểu của nhiều người về phương pháp tính tốc độ gia tăng GDP ở Việt Nam là dựa trên mức gia tăng sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà không tính đến biến động hiện tại của giá hàng hóa và dịch vụ, vì đã cố định giá hàng hóa và dịch vụ ở mức tham chiếu của năm cơ sở, là năm 2010.

Vì thế, giả sử năm trước khai thác được 10 triệu tấn dầu thô, quy theo giá cố định năm 2010 là, ví dụ, 2 triệu đồng/tấn thì thu được 20 nghìn tỷ đồng. Nếu năm nay tăng sản lượng khai thác lên 15 triệu tấn với giá cố định trên thì sẽ thu được 30 nghìn tỷ đồng. Tức là GDP sẽ tăng lên được thêm 10 nghìn tỷ đồng theo giá cố định nhờ tăng sản lượng khai thác dầu khí. Nếu cứ tiếp tục gia tăng mạnh sản lượng khai thác dầu thô theo cách này thì đúng là chuyện “đẩy” tăng trưởng GDP lên thêm vài điểm phần trăm không phải là chuyện khó.

Nhưng nếu xét đến bản chất GDP của một nền kinh tế là tổng giá trị thặng dư tạo ra từ các hoạt động kinh tế thì rõ ràng hành động tăng sản lượng khai thác dầu thô trong bối cảnh giá bán dầu thô đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm như nói trên không những không tạo ra thêm giá trị thặng dư mà thậm chí sẽ làm hao hụt nó đi. Điều này cũng tương tự như một người thất nghiệp, tự ra đào bới một mảnh đất dù không ai thuê mướn. Người này đúng là đang lao động, nhưng hoàn toàn không có một chút giá trị nào, không có đồng tiền nào được làm ra cho bản thân và gia đình anh ta. Ngược lại, vì đào bới mệt nhọc như vậy nên anh ta phải tốn thêm tiền mua nước uống và thức ăn để phục hồi sức lực, nên càng thâm hụt thêm ngân quỹ của anh ta.

Do vậy, để thúc đẩy tăng trưởng GDP thì không những chỉ thúc đẩy các hoạt động kinh tế nói chung, mà còn phải lựa chọn, tập trung nguồn lực khan hiếm, hữu hạn vào thúc đẩy những ngành có khả năng mang lại nhiều giá trị gia tăng nhất. Trong bối cảnh dư thừa cung lớn trên phạm vi toàn cầu, giá dầu bấp bênh ở mức thấp thì ngành khai thác dầu khí tuyệt đối không phải là cái phao cứu sinh cho nền kinh tế.(Trí thức trẻ)

Triển khai thu mua muối tạm trữ cho diêm dân

Chương trình thu mua muối của diêm dân được triển khai từ ngày 26/7 - 30/9 tại 4 tỉnh có lượng muối tồn kho lớn nhất nước là Ninh Thuận, TP.HCM, Bến Tre, Bạc Liêu.

Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc thu mua muối tạm trữ cho diêm dân, mới đây, Tổng Công ty lương thực miền Bắc đã được chỉ định là đơn vị tổ chức triển khai kế hoạch thu mua muối tạm trữ. Sau quá trình khảo sát làm việc với các địa phương, hiện đơn vị này đã hoàn thành phương án thu mua tạm trữ muối.

Chương trình thu mua muối của diêm dân được triển khai từ ngày 26/7 đến hết ngày 30/9 tại 4 tỉnh có lượng muối tồn kho lớn nhất nước là Ninh Thuận, TP.HCM, Bến Tre và Bạc Liêu. Sản lượng thu mua sẽ không giới hạn. Giá muối được ổn định ở mức 600 đồng/kg cao hơn giá thị trường khoảng gần 100 đồng/kg.

Với việc tổ chức thu mua đồng loạt tại nhiều điểm nóng, chính sách thu mua muối tạm trữ của Chính phủ được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực tới giá muối trên thị trường, giúp diêm dân thuận lợi hơn trong tiêu thụ muối tồn kho và có thu nhập ổn định cuộc sống.(VTV)

Chính phủ công bố chi tiết thiệt hại do Formosa gây ra

 Đó là nội dung trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về vụ hải sản chết hàng loạt ở Miền Trung do việc xả thải của công ty Formosa.

Báo cáo của Chính phủ cũng tiết lộ thêm Formosa đã không xây bể lọc trong trạm xử lý nước thải sinh hóa như cam kết.

Theo báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền Thủ tướng ký, hải sản chết bất thường bắt đầu ở  Hà Tĩnh từ ngày 6-4-2016.

Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ ngành đã nhanh chóng vào cuộc, thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có tiến hành biện pháp pháp lý buộc Formosa thừa nhận trách nhiệm, công khai xin lỗi và cam kết bồi thường cả cho xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường ở 4 tỉnh miền Trung.

Formosa không xây bể lọc trong trạm xử lý nước thải sinh hóa

Báo cáo nhắc lại nguyên nhân cá chết đã công bố với báo chí (do nguồn thải ở khu vực Vũng Áng - Hà Tĩnh chứa keo sắt dưới dạng mixel hấp phụ các chất như Phenol, Xyanua… di chuyển theo dòng hải lưu), nêu rõ một đoàn kiểm tra liên ngành gồm tới 72 người đã được thành lập để đi kiểm tra các cơ sở nghi vấn.

Những cơ sở bị kiểm tra gồm: Formosa, Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh, Trung tâm dịch vụ hạ tầng Khu kinh tế Hà Tĩnh.

Đoàn kiểm tra chia làm 6 tổ, kết quả đã phát hiện Formosa vi phạm nhiều quy định hành chính về bảo vệ môi trường và cuối cùng xác định chỉ nguồn thải của Formosa mới có Phenol và Xyanua.

Chính phủ cũng báo cáo chi tiết về quá trình buộc Formosa thừa nhận sai phạm.

Theo đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công an, Bộ Khoa học Công nghệ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh… cùng đấu tranh, với yêu cầu cao nhất là phải đảm bảo quyền lợi của hàng triệu người dân miền Trung nhưng cũng đảm bảo lợi ích các bên, đảm bảo Thỏa thuận về xúc tiến và bảo hộ đầu tư giữa VN và Đài Loan.

Kết quả, Formosa đã phải thừa nhận 53 sai phạm, trong đó có sai phạm lớn như tự ý chuyển đổi công nghệ luyện cốc từ dập cốc khô (dùng khí trơ) sang thải ướt (dùng nước).

Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ tiết lộ thêm: Formosa đã không xây lắp bể lọc cho trạm xử lý nước thải sinh hóa như cam kết họ đã chấp nhận trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Mặc dù ngày 30-6 mới công bố nguyên nhân cá chết nhưng Chính phủ thực tế quá trình đàm phán đã kết thúc vào lúc 18g ngày 28-6. Vào thời điểm đó, Formosa đã ký thỏa thuận trước sự chứng kiến của Trưởng Văn phòng đại diện kinh tế văn hóa Đài Bắc tại VN.

“Chính quyền Đài Loan cũng thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Chính phủ VN xử lý vi phạm của Formosa Hà Tĩnh” - báo cáo của Chính phủ nêu.

Hậu quả sự cố là nặng nề

Trong báo cáo, Chính phủ cũng thẳng thắn công bố chi tiết những thiệt hại cả kinh tế và xã hội việc hải sản chết hàng loạt. Về kinh tế, riêng số hải sản chết dạt vào bờ được đánh giá khoảng 100 tấn.

Tuy nhiên, lâu dài, do các rạn san hô, phù du sinh vật cũng chết nên có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn biển, khiến suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản khu vực, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của dân.

“Hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - thừa nhận thực tế trên, Chính phủ xác định có tới trên 17.600 tàu cá và gần 41.000 người đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 176.000 người phụ thuộc bị ảnh hưởng theo.

Do không thể đánh bắt trong phạm vi từ bờ đến 20 hải lý, có tới 90% tàu lắp máy công suất thấp và gần 4.000 tàu không lắp máy đã phải nằm bờ. Sản lượng khai thác ven bờ thiệt hại khoảng  1.600 tấn/tháng.

Với hoạt động nuôi trồng thủy sản, có 9 triệu tôm giống bị chết, hàng ngàn lồng nuôi cá cũng bị thiệt hại.

Hoạt động du lịch thì không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp ở 4 tỉnh miền Trung vì theo Chính phủ, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội và TP.HCM cũng bị thiệt hại khi khách dự định đến 4 tỉnh miền Trung hủy tour, khiến công suất sử dụng phòng tại bốn tỉnh trên mất 40-50%.

Riêng Hà Tĩnh sau sự cố, công suất phòng khách sạn chỉ còn 10-20%.

Về xã hội, Chính phủ thừa nhận sự việc đã khiến giảm lòng tin của các tầng lớp nhân dân. Người dân nghi vấn về quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư; giảm cả lòng tin về khả năng của các cơ quan chức năng trong ứng phó các tình huống khẩn cấp về môi trường.

Một bộ phận không còn tin vào sự an toàn của cá biển và các sản phẩm liên quan như nước mắm, rong tảo…

Sự việc còn tiềm ẩn nguy cơ an ninh khi nhân dân lo lắng về sinh kế, thất nghiệp, thậm chí nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được hải sản.

Về giải pháp, Chính phủ nêu đã xuất cấp trên 4.000 tấn gạo cho dân. Đặc biệt, Chính phủ nêu sẽ cố gắng đến tháng 8-2016 sẽ đưa tiền đền bù đến cho người dân.

Chính phủ khẳng định cũng đã chỉ đạo đánh giá lại quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải, quan trắc môi trường, kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.(Tuoitre)

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Vay ODA thì không phân biệt tiền đến từ đâu mà quan trọng hơn là hiệu quả

Chúng ta phải nâng cao trách nhiệm đội ngũ đi đàm phán vay vốn và đội ngũ tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn ODA.

ong nguyen duc kien

Ông Nguyễn Đức Kiên

Xung quanh việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất vay gần 7.000 tỷ đồng của Ngân hàng Trung Quốc để thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vay ODA thì không phân biệt tiền đến từ đâu mà quan trọng hơn là chúng ta phải xử lý, quản lý, sử dụng nguồn vốn này cho hiệu quả để có lợi nhất cho đất nước, tránh trường hợp như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông hay dự án xe buýt nhanh Hà Nội.

Nhưng nhiều ý kiến lo ngại vay ODA có những điều kiện đi kèm như nước cho vay có quyền chỉ định nhà thầu của họ, mang người của họ sang triển khai dự án…?

Điều này phải do cơ quan tiếp nhận vốn ODA đàm phán với đối tác trong hợp đồng. Khi đàm phán hợp đồng phải rất cụ thể, chẳng hạn nước cho vay ODA chỉ định thầu nhưng nhà thầu phụ ra sao, nếu tôi vay như vậy có phải EPC không, nếu vay theo EPC thì lãi suất là bao nhiêu, hay mình vay rồi về mình cấp vốn lại… tất cả phải được thể hiện trên hợp đồng.

Nghĩa là ông ủng hộ đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

Quan điểm của tôi là vay vốn ODA của Trung Quốc hay của nước nào cũng được, miễn là chúng ta phải tính toán kỹ về hiệu quả. Nếu lãi suất thấp nhưng thời gian giải ngân, triển khai vốn mà điều kiện lại khắt khe hơn, so sánh với vay thương mại trong nước không có lợi hơn thì cần xác định lại. Chúng ta phải nâng cao trách nhiệm đội ngũ đi đàm phán vay vốn và đội ngũ tiếp nhận, sử dụng nguồn vốn đó.

Ngoài nguồn vốn vay ODA Trung Quốc, chúng ta còn lựa chọn nào khác hay không, thưa ông?

Theo tôi biết đến thời điểm này chưa có nhà đầu tư nào khác ngoài nhà đầu tư Trung Quốc cho Việt Nam vay vốn ODA. Tuy nhiên chúng ta cũng còn có các phương án lựa chọn khác, lựa chọn vay vốn ODA Trung Quốc chỉ là 1 trong 3 lựa chọn. Khả năng huy động vốn trong nước hiện rất hạn hẹp, dư địa để làm là có giới hạn thế nên phải cân đối lại các khả năng đó. Cũng có thể chúng ta lùi, giãn tiến độ triển khai dự án, hoặc cũng có thể chúng ta đi vay một khoản của Ngân hàng Thế giới hay ADB… có nhiều phương án song tất cả phải nghiên cứu, cân nhắc để đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn được phương án có lợi nhất cho đất nước.

Khi quyết định chọn vốn vay ODA của quốc tế, yếu tố lãi suất thấp là quan trọng nhưng không phải là quyết định vì nó còn phụ thuộc vào yếu tố công nghệ, thời điểm.(TBNH)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục