5 năm, bãi nhiệm 1.400 đại biểu hội đồng nhân dân
Ngày đầu xử phạt người đi bộ: Xử phạt 102 người vi phạm
Dỡ bỏ gần 1.800 biển báo dưới 50km/h
Người nghèo được vay tối đa 25 triệu đồng để làm nhà
Hà Nội yêu cầu xử lý vi phạm tại dự án Discovery Complex
Tin trong nước đọc nhanh tối 01-02-2016
- Cập nhật : 01/02/2016
Hàn Quốc truy bắt người Việt nhập cảnh trái phép
Chosun Ilbo cho hay nam thanh niên 25 tuổi từ Hà Nội đến Seoul vào lúc 5h sáng ngày 29/1 trên chuyến bay của hãng Korean Air. Anh này dự kiến bay tiếp đến sân bay quốc tế Narita của Nhật Bản vào lúc 10h10.
Hình ảnh từ camera giám sát cho thấy anh ta đứng đợi ở tầng hai gần cửa đến của sân bay, trong khi hầu hết các hành khách cùng chuyến đi Narita đều đợi ở tầng ba gần cửa khởi hành.
Anh này sau đó đã phá cổng nhập cảnh tự động ở tầng hai và chỉ mất khoảng hai phút để trốn thoát mà không gặp trở ngại nào. Chuông cảnh báo vang lên nhưng nhân viên trực cổng không có mặt vào lúc đó.
Tại 72 điểm nhập cảnh tự động của sân bay Incheon, cửa sẽ mở khi hệ thống xác nhận hộ chiếu và một số dữ liệu sinh trắc học của hành khách, trong đó có quét mặt và vân tay.
Giới chức sân bay chỉ phát hiện người Việt trên mất tích khi anh ta không có mặt trên chuyến bay tiếp theo và đã báo cho Cơ quan Di trú Hàn Quốc vào khoảng 25 phút sau đó. Dựa trên camera giám sát, giới chức xác định nghi phạm trốn khỏi sân bay vào khoảng 7h30.
Họ tin rằng một đồng hương tại đây hoặc một kẻ môi giới đã trợ giúp anh ta thực hiện kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng này.
Cảnh sát nghi ngờ người này tìm cách tị nạn tại Gimhae, tỉnh Nam Gyeongsang, nơi có một cộng đồng người Việt đông đảo đang sinh sống.
"Chúng tôi đã cử các nhà điều tra đến những khu vực có cộng đồng người Việt lớn để xác định nơi anh ta đang lẩn trốn", một quan chức Bộ Tư pháp cho biết.
Một chiếc túi được cho là do nghi phạm mang từ Hà Nội sang sau đó được phát hiện bên trong máy bay. Giới chức đã tìm thấy "một số liên lạc" trong túi và đang tìm thêm manh mối.
Korea Joongang Daily cho hay vụ việc diễn ra chỉ 8 ngày sau khi một đôi vợ chồng Trung Quốc cũng phá cửa sân bay Incheon và bỏ trốn. Cả hai đều đã bị bắt nhưng nghi phạm môi giới vẫn chưa được xác định.
Trước những vụ vi phạm an ninh nghiêm trọng tại Incheon, Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn hôm qua đã đến thị sát tại đây và khiển trách nặng nề giới chức của sân bay lớn nhất nước.
Ông cũng tổ chức họp khẩn với nội các để thảo luận các cách thức ngăn chặn tình trạng vi phạm. Ông Hwang nhấn mạnh rằng việc bảo vệ cửa ngõ chính của quốc gia là bảo vệ đất nước và thề áp đặt các biện pháp nhằm củng cố an ninh và chống khủng bố.
Cấp sổ đỏ sai, không chịu bồi thường
UBND quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng cấp sổ đỏ cho hộ dân này chồng lên đất của hộ dân khác. Dù đã thừa nhận sai nhưng suốt 6 năm qua không bồi thường cho dân.
Đó là trường hợp của bà Trương Thị Hạ - trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ.
Bà Hạ kể: “Năm 1996, vợ chồng tôi được UBND huyện Hòa Vang (cũ) cấp sổ đỏ diện tích đất ở và đất vườn là 1.277m 2 . Trong khi đó bà Đoàn Thị Môn (nhà cạnh bà Hạ) được cấp sổ đỏ với diện tích 1.568m 2 .
Tuy nhiên đến năm 2010 thửa đất của bà Môn được tách ra, sau đó chuyển nhượng cho hai người là ông Đoàn Văn Thảo và ông Đoàn Văn Tuấn.
Khi khu đất của bà Môn tách thửa, chuyển nhượng cho người khác gia đình tôi không đồng ý ký tứ cận. Nguyên nhân là do tôi thấy diện tích đất của gia đình mình bị lấn chiếm.
Tôi làm đơn khiếu nại nhưng chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ lúc đó vẫn ra quyết định cấp sổ đỏ cho hai hộ ông Đoàn Văn Tuấn và Đoàn Văn Thảo.
Quá bức xúc vì bị mất đất, tôi tiếp tục làm đơn kêu cứu. Sau đó, UBND quận Cẩm Lệ đã mời Trung tâm Đo đạc bản đồ TP Đà Nẵng đo đạc để xác định lại hiện trạng diện tích khu đất của tôi và bà Môn.
Qua kết quả đo đạc cho thấy hộ gia đình bà Đoàn Thị Môn có diện tích tăng 160m 2 và hộ gia đình tôi có diện tích giảm 100m2 so với sổ đỏ được cấp trước đây.
Theo giải thích của UBND quận Cẩm Lệ, việc hộ gia đình bà Môn có diện tích sử dụng đất theo hiện trạng lớn hơn khi được cấp sổ đỏ là do trong quá trình sử dụng đất, gia đình bà Môn đã khai hoang một thửa đất bên cạnh rồi ghép vào thửa đất của mình nên diện tích tăng lên.
Còn diện tích của gia đình tôi giảm thì UBND quận Cẩm Lệ giải thích rằng một phần do biến động trong quá trình sử dụng đất. Trong số đó có 14,3m 2 UBND quận Cẩm Lệ đã cấp nhầm cho gia đình ông Đoàn Văn Tuấn và ông Đoàn Văn Thảo chồng qua diện tích đất của gia đình tôi.
Tại quyết định trả lời khiếu nại cho gia đình tôi, ông Lê Văn Sơn, chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cho biết khi được giao thụ lý giải quyết hồ sơ này, ông Phạm Thế Vĩnh, cán bộ Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất quận Cẩm Lệ, đã không báo cáo về hiện trạng sử dụng đất với lãnh đạo dẫn đến sai sót, thực hiện sai quy trình giải quyết hồ sơ, cụ thể là không lập biên bản tứ cận của thửa đất.
Theo ông Sơn, việc khiếu nại của tôi là có cơ sở.
Tuy nhiên sau khi được cấp sổ đỏ, các hộ ông Đoàn Văn Tuấn và ông Đoàn Văn Thảo đã xây dựng nhà, do vậy nếu thực hiện việc tháo dỡ phần kiến trúc sẽ ảnh hưởng lớn đến cấu trúc, độ an toàn của ngôi nhà cũng như tình làng nghĩa xóm và an ninh trật tự tại địa phương nên UBND quận Cẩm Lệ không thể thu hồi sổ đỏ đã cấp cho ông Tuấn, ông Thảo.
Đồng thời để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, quận Cẩm Lệ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cá nhân liên quan đến vụ việc thỏa thuận phương án bồi thường thiệt hại cho tôi. Tuy nhiên, các cá nhân trên không đồng ý thỏa thuận phương án bồi thường”.
Đòi lại đất sẽ rất khó khăn
Ông Nguyễn Thành Quốc, giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Cẩm Lệ, cho biết trước đây vụ việc được giải quyết theo hướng các cán bộ làm sai sẽ góp tiền lại đền bù thiệt hại cho bà Hạ.
Tuy nhiên do bà Hạ đòi số tiền khá lớn, các cán bộ trên không có khả năng chi trả nên vụ việc kéo dài. Còn bây giờ bà Hạ đòi lại đất thì chắc chắn việc giải quyết sẽ rất khó khăn.
“Tôi không ra tòa”
Tại quyết định trả lời khiếu nại của ông Lê Văn Sơn, chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, cho rằng để đảm bảo quyền lợi của công dân và căn cứ theo nghị định 43 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật đất đai năm 2013, UBND quận Cẩm Lệ đề nghị bà Hạ khởi kiện ra tòa hành chính để được xem xét thụ lý giải quyết theo quy định.
Tuy nhiên bà Hạ nói: “Tôi không bao giờ ra tòa. Họ làm sai, cấp sổ đỏ chồng lên đất của gia đình tôi thì bây giờ phải chịu trách nhiệm trả lại. Họ làm sai thì họ phải sửa, chứ sao lại bắt tôi phải làm đơn khởi kiện ra tòa?”.
Giá vé xe Tết tại TP.HCM tăng gấp 3 lần
Nhiều nhà xe áp dụng mức phụ thu dao động từ 40%-60% khiến cho giá vé đội lên rất nhiều. Và để mua được tấm vé về quê đón Tết, người dân sẽ phải cần đến tiền triệu.
Vé xe Tết - câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ hết nóng khi mỗi dịp Tết đến, người dân lại chật vật để có thể mua được tấm vé về quê sum vầy cùng gia đình sau một năm làm ăn xa nhà. Nghịch lý xảy ra khi giá xăng thì giảm liên tiếp nhưng giá vé xe Tết thì cứ trên đà tăng.
Giá vé về Quảng Ngãi trong ngày 24 Tết của một số nhà xe tại Bến xe miền Đông, TP.HCM là 1,05 triệu đồng/giường tầng 1 và 1 triệu đồng/giường tầng 2. Theo khuyến cáo của nhà xe, đến ngày 25, 26, 27 âm lịch, giá vé sẽ còn tăng nữa. Mặc dù giá vé tăng cao như vậy nhưng vẫn cháy vé.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi bảng niêm yết giá ở Bến xe miền Đông chỉ là 592.000 đồng/vé (kể cả phụ thu), giá vé bán ngoài bến lên tới 1,2 triệu đồng/vé.
Rất có thể, việc các nhà xe ngoài bến này tăng giá vé liên quan đến việc không có người kiểm soát. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác của việc tăng vé là do quá nhiều người dân có nhu cầu mua vé về quê ăn Tết.
Nông dân Trà Vinh thu tiền tỷ từ thanh long ruột đỏ
Hiện tại, thanh long ruột đỏ tại Trà Vinh có giá từ 67.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, bình quân 1ha đất trồng cho lãi từ 1,7 đến 2 tỷ đồng.
Càng gần ngày Tết, thị trường nội địa tiêu thụ thanh long ruột đỏ càng mạnh, cộng thêm các đơn đặt hàng từ Mỹ và một số nước Châu Âu khiến giá loại trái cây này tăng cao kỷ lục.
Hiện tại thanh long ruột đỏ tại Trà Vinh có giá từ 67.000 đồng đến 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, bình quân 1ha đất trồng thanh long ruột đỏ đạt năng suất 30 tấn, nông dân thu lãi từ 1,7 đến 2 tỷ đồng sau khi trừ các khoản chi phí.
Hiện tỉnh Trà Vinh có hơn 70 ha thanh long ruột đỏ, được trồng tập trung tại các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, và Cầu Ngang, sản lượng bình quân đạt gần 2.000 tấn trái/năm; trong đó 32 ha được công nhận đạt chuẩn VietGAP, sản lượng hơn 1.000 tấn trái/năm.
Ông Nguyễn Trung Gian, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ, huyện Càng Long – địa phương có diện tích trồng thanh long ruột đỏ lớn nhất Trà Vinh, cho biết: “Trong những tháng giáp Tết này, giá thanh long tăng khá cao. Với tình hình này bà con nông dân chắc chắn sẽ đầu tư mở diện tích thanh long ruột đỏ ở chỗ ấp Đại Đức và một số ấp lânn cận của xã Đức Mỹ”
Giả danh nhà sư đi xin tiền triệu mỗi ngày
Sáng 1/2, công an phường Thạch Thang (quận Hải Châu) phối hợp với Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn của Sở Lao động Đà Nẵng bắt giữ bà Trần Thị Tuyết Nhung (72 tuổi, thường trú tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) vì hành vi giả dạng nhà sư đi hành khất.
Khi bị phát hiện, bà Nhung đang hành khất cùng một chú tiểu 12 tuổi. Trong bộ dạng đầu cạo trọc, ăn mặc như người tu hành, bà Nhung cho biết mình không biết chữ. Ngày 31/1, bà bắt xe từ Đà Lạt ra Đà Nẵng để xin tiền khi "chưa được sự cho phép của Ban đại diện Hội Phật giáo tại địa phương".
Tại cơ quan công an, bà Nhung khai trong vòng hai ngày hành khất ở thành phố Đà Nẵng, xin được số tiền 2 triệu đồng. Khi được lực lượng chức năng Đà Nẵng vận động, bà Nhung thừa nhận hành vi của mình là "ăn xin trá hình" nhằm trục lợi, đồng thời cam kết không tái phạm.
Báo cáo tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa 8 (diễn ra từ ngày 8 đến 10/12/2015), ông Vũ Hùng, Trưởng ban văn hóa - xã hội cho biết năm 2015 các ngành ở địa phương đã thu gom 227 trường hợp lang thang xin ăn, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Ông Hùng lý giải, con số tăng cao là do thành phố xử lý gắt gao và phát hiện nhiều người vi phạm.
Đà Nẵng đang xử lý tình trạng người lang thang xin ăn theo hướng đưa họ vào các trung tâm xã hội hoặc buộc chuyển về nơi cư trú. Thành phố cũng treo thưởng từ 200 đến 400 nghìn cho người dân phát hiện và báo tin có người lang thang xin ăn để cơ quan chức năng đến xử lý.
"Thành phố đang phấn đấu cho mục tiêu không có người lang thang xin ăn, phải làm lâu dài chứ không dừng lại", ông Hùng nhấn mạnh.