tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin trong nước đọc nhanh chiều 01-02-2016

  • Cập nhật : 01/02/2016

Quản lý chặt lao động người nước ngoài ở Nhiệt điện Vĩnh Tân

Tại công trường thi công Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân có 1.200 lao động, trong đó có 300 lao động Trung Quốc. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo nghiêm về việc tuyển lao động người nước ngoài.
Sáng 31.1, dù là ngày nghỉ nhưng các đoàn giám sát ô nhiễm môi trường tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn liên tục theo dõi các diễn biến về ô nhiễm tại đây.
Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Bình Thuận , ông Hồ Lâm cho biết, ngoài đoàn giám sát của tỉnh do Sở TN-MT chủ trì thì UBND H.Tuy Phong cũng có đoàn giám sát riêng, cùng với chính quyền xã Vĩnh Tân theo dõi những bất thường về môi trường và báo cáo UBND tỉnh từng ngày.
Trước đó, ngày 30.1, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa và nhiều lãnh đạo ban ngành của tỉnh đã kiểm tra đột xuất tình hình thực hiện việc chấp hành về pháp luật bảo vệ môi trường tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Đây là đợt kiểm tra đột xuất thứ hai của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận diễn ra chỉ trong một tuần.
Đoàn kiểm tra của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã khảo sát rất kĩ bãi xỉ than của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2. Hiện nay bãi xỉ than (64 ha) đã được “xẻ” thành 16 ô để dễ bề kiểm soát ô nhiễm. Dự kiến bãi xỉ than có thể cao đến 27 m (cao hơn cả mặt đường QL1) trong vài năm tới. Theo lãnh đạo nhà máy Vĩnh Tân 2, việc chia ô khu bãi xỉ là sáng kiến của đơn vị chứ trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không có chi tiết này.
Gặp gỡ những người dân ngay tại bãi xỉ than, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã lắng nghe và ghi nhận phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm, khói bụi những ngày gần đây.
xe tuoi nuoc chuyen dung cua nha may nhiet dien vinh tan 2 dang hoat dong het cong suat - anh: que ha

Xe tưới nước chuyên dụng của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang hoạt động hết công suất - Ảnh: Quế Hà

Cũng lo ngại về tình hình này, Chi cục trưởng Chi cục môi trường Bình Thuận Lê Văn Tiến khẳng định, “hệ thống quan trắc về môi trường của nhiệt điện Vĩnh Tân 2 báo không chính xác và nhiều khi hoạt động không ổn định”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai, cho rằng trong quá trình giám sát ô nhiễm, Sở TN-MT và Cảnh sát môi trường phải bám sát báo cáo ĐTM của các dự án. “Dù ĐTM đã được phê duyệt, Nhưng nếu trong quá trình giám sát, thấy chưa phù hợp, các sở ngành có thể tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN-MT, Bộ Công thương điều chỉnh hay làm lại ĐTM cho sát với tình hình thực tế”- ông Hai nói.
Làm với việc với nhà thầu của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (do các nhà thầu Trung Quốc đang thi công), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu báo cáo tiến độ và quá trình thực hiện chấp hành về bảo đảm an toàn lao động, an toàn về môi trường. Đại diện nhà thầu Trung Quốc cho biết, công trường hiện có 1.200 lao động, trong đó có 300 lao động người Trung Quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các nhà thầu Trung Quốc phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật VN, đặc biệt về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và an toàn lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh việc tuyển lao động người nước ngoài phải chấp hành nghiêm hướng dẫn của Sở LĐ-TB-XH và các quy định của nhà nước.
“Rút kinh nghiệm từ nhà máy Vĩnh Tân 2, tôi đề nghị các nhà thầu khác phải thường xuyên hợp tác với chính quyền địa phương, đặc biệt là với đồn Công an Vĩnh Tân, Công an H.Tuy Phong để giữ gìn an ninh trật tự cho công trình cũng như an ninh trật tự địa phương” - ông Hai yêu cầu
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao cho các sở ngành, liên tục theo dõi giám sát các hoạt động của các nhà thầu.

Hải Phòng phát hiện tham nhũng 39 tỉ, thu hồi được 3,4 tỉ đồng

Trong 10 năm tiến hành công tác phòng chống tham nhũng, cơ quan chức năng Hải Phòng đã phát hiện hàng chục vụ sai phạm với số tiền nhà nước thất thoát gần 40 tỉ đồng.

Theo kết quả công tác thanh tra của TP. Hải Phòng, trong vòng 10 năm qua đơn vị tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 2.000 vụ việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Qua đó, cơ quan thanh tra của thành phố đã phát hiện hàng chục sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, quản lý kinh tế tại các cơ quan, đơn vị.

Từ kết quả thanh tra, cơ quan chức năng Hải Phòng đã xem xét, xử lý trách nhiệm 28 người đứng đầu các cơ quan, tổ chức để xảy ra sai phạm và có dấu hiệu tham nhũng.

Các cơ quan tố tụng cũng đã thụ lý giải quyết, truy tố 43/44 vụ án với 105/106 bị can.

Tổng số tiền của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát là trên 39 tỉ đồng cùng với 26.500 m2 đất, tuy nhiên sau khi đưa ra xét xử các vụ việc, bước đầu thành phố chỉ thu hồi về được hơn 3,4 tỉ đồng.

Bà Trần Thị Uyên - Chánh Thanh tra TP.Hải Phòng cho biết từ công tác thanh tra, kiểm tra trong suốt 10 năm qua đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng liên quan đến lãnh đạo của một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Theo bà Uyên, việc thu hồi số tiền hơn 39 tỉ đồng cùng các tài sản khác của Nhà nước bị thất thoát là do bên thi hành án phụ trách sau khi tòa án đã có kết luận trong các phiên xét xử vụ việc.

Việc thu hồi được hết số tiền và tài sản bị thất thoát do hành vi tham nhũng gây ra luôn là "bài toán khó" với cơ quan chức năng.

"Nhiều cá nhân sai phạm khi thi hành án tù không còn có tiền để trả lại, có không ít vụ việc rơi vào trường hợp cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng thì cuối cùng cũng không thu được của ai cả" - bà Uyên cho biết thêm.


Kiến nghị giảm dần hệ số lương tăng thêm của nhiều ngành

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay một số ngành như Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan, kho bạc Nhà nước, Ngân hàng… được áp dụng hệ số tiền lương tăng thêm quá cao.

Bộ Nội vụ đang chuẩn bị tờ trình về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. 

Theo đó, sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1-5-2016 từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng.

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay một số ngành như Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan, kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, Cục đăng kiểm… được áp dụng hệ số tiền lương tăng thêm từ 0,8 đến 1,8 lần mức lương cơ sở.

Điều này đã tạo sự chênh lệch về tiền lương và thu nhập giữa các ngành, nghề nên có nhiều ý kiến đề nghĩ bãi bỏ quy định tiền lương tăng thêm này.

Bộ Nội vụ trình Chính phủ hai phương án giải quyết. Một là, khi điều chỉnh mức lương cơ sở thì điều chỉnh giảm dần hệ số tiền lương tăng thêm của các cơ quan, đơn vị đang được hưởng tương ứng với tỷ lệ tăng của mức lương cơ sở.

Hai là, giữ nguyên hệ số tiền lương tăng thêm của các cơ quan, đơn vị như hiện hành khi điều chỉnh mức lương cơ sở cho đến khi thực hiện Đề án tổng thể về cải cách tiền lương. Dự thảo Nghị định do Bộ Nội vụ trình theo phương án một.


Tàu 635, Vùng 3 Hải quân cứu nạn tàu cá

Mặc dù sóng to, gió lớn nhưng tàu 635 của Vùng 3 Hải quân vẫn khẩn trương lên đường cứu tàu cá gặp nạn.
Lúc 14 giờ 30 ngày 31.1, tàu 635 của Vùng 3 Hải quân đang làm nhiệm vụ tuần tra, quản lý bảo vệ chủ quyền trên biển được lệnh rời vị trí, nhanh chóng cơ động đến khu vực tọa độ 14 độ 56 phút vĩ độ Bắc, 112 độ 12 phút kinh độ Đông, cách phía Nam đảo Bông Bay (quần đảo Hoàng Sa) 60 hải lý để cứu nạn tàu cá KH 99216 TS.
Tàu cá này do ông Huỳnh Ta (54 tuổi, quê ở xã Vĩnh Thái, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) làm thuyền trưởng. Tàu bị chết máy, trôi dạt trong điều kiện sóng to, gió lớn nguy hiểm đến tính mạng của 5 thuyền viên trên tàu.
Qua thông tin trên sóng Icom, thuyền trưởng tàu 635 cho biết, hiện nay trên biển sóng khoảng cấp 7, biển động rất mạnh nhưng cán bộ chiến sĩ tàu 635 vẫn khẩn trương đến khu vực tàu bị nạn để cứu nạn các ngư dân và tàu cá. Dự kiến sáng ngày 1.2, tàu 635 sẽ tiếp cận tàu cá bị nạn.
Tàu cá KH 99216 TS, rời bến Tam Quan, Bình Định ngày 29.1. Theo dự kiến, tàu hoạt động khai thác thủy sản khoảng 20 ngày trên biển mới trở về đất liền.

Bắt giữ 180 kg ngà voi tại sân bay quốc tế Nội Bài

Ngày 30.1, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ vận chuyển ngà voi trái phép số lượng lớn.
Trước đó vào tối 29.1, đơn vị này phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc thuộc Tổng cục Hải quan và Cục Cảnh sát phòng chống buôn lậu (C74 - Bộ Công an) tiến hành kiểm tra, phát hiện 6 va li ký gửi của 3 hành khách có chứa khoảng 180 kg ngà voi và các sản phẩm chế tác từ ngà voi.
Số hàng hóa này được vận chuyển trên chuyến bay ký hiệu VN 680 từ Angola, chuyển tiếp qua Malaysia về sân bay quốc tế Nội Bài. Bước đầu, các hành khách liên quan khai nhận đã được một người ở Angola thuê mang về VN.  

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục