Indonesia đánh chìm 27 tàu cá của Việt Nam và ba nước khác
Indonesia hôm nay đánh chìm 27 tàu nước ngoài, trong đó có tàu Việt Nam, bị cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp tại vùng biển nước này.
Indonesia đánh chìm tàu nước ngoài tại Tây Kalimantan. Ảnh: Reuters
Các tàu trống đến từ Philippines, Việt Nam, Malaysia và Myanmar đã bị cho phát nổ hoặc đánh đắm tại 5 địa điểm riêng biệt trên toàn quốc, AFPdẫn lời Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti, hôm nay cho biết.
Ông nói rằng các tàu này đều bị bắt vì khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển Indonesia. 4 tàu Indonesia cũng bị đánh chìm sau khi họ bị phát hiện đánh bắt cá mà không có giấy tờ hợp lệ.
"Chính phủ đang thực hiện những hành động mạnh mẽ và kiên quyết hơn để thực thi các quy định, nhằm giữ cho vùng biển của chúng tôi an toàn", ông Pudjiastuti, người giữ vai trò chủ chốt trong chiến dịch chống đánh bắt cá bất hợp pháp tại Indonesia, nói.
Indonesia đã vài lần đánh chìm tàu nước ngoài kể từ khi chính phủ tiến hành chiến dịch chống khai thác thủy sản trái phép. Tổng thống Joko Widodo tuyên bố nạn đánh bắt cá phi pháp khiến nền kinh tế Indonesia thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm.
Hồi tháng 8/2015, Indonesia đã đánh chìm 34 tàu cá của Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia bị cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp. Việt Nam đã gửi công hàm cho Jakarta để bày tỏ quan ngại sâu sắc trước vụ việc, đồng thời yêu cầu phía Indonesia, khi xử lý các ngư dân Việt Nam vi phạm lãnh hải của Indonesia, cần phải phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, và trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân.
Hướng dẫn đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp
BHXH Việt Nam vừa có Công văn 489/BHXH-BT hướng dẫn một số nội dung về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động đóng BHXH, BHYT, BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định và giải quyết một số chế độ BHXH.
Theo đó, từ 1-1-2016 trở đi, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện theo quy định tại Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2015 của Bộ LĐ-TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.
Tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; đóng BHXH, BHYT cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, đóng BHTN cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ (mức lương tối thiểu vùng từ 1-1-2016 thực hiện theo quy định tại Nghị định số 122/2015/NĐ-CP).
Tiền lương tháng đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Đối với công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, công ty nhà nước chuyển thành công ty cổ phần đến hết năm 2015 đang thực hiện tiền lương làm căn cứ đóng theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì từ 1-1-2016 phải thực hiện xây dựng, chuyển xếp lương, rà soát, bổ sung, điều chỉnh hợp đồng lao động theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Điểm a Mục 1 công văn này;
Trường hợp chưa hoàn thành xây dựng thang lương, bảng lương... thì thực hiện tạm thu trên tiền lương tháng hiện đang đóng bảo hiểm của người lao động (ghi bằng tiền đồng Việt Nam, không ghi theo hệ số lương), không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Khi công ty hoàn thành việc phê duyệt thang lương, bảng lương và thỏa thuận mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động thì điều chỉnh mức thu BHXH, BHYT, BHTN và mức hưởng chế độ BHXH của người lao động đảm bảo theo đúng quy định của Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Chém cảnh sát hình sự để giải vây cho đồng phạm
Phong (bên trái) và Thanh tại cơ quan điều tra - Ảnh: Khả Lâm
Công an H.Bình Chánh (TP.HCM) đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố Nguyễn Thanh Phong (32 tuổi, quê Cần Thơ), Đoàn Trọng Thanh (24 tuổi, quê Hà Nội) về hành vi chống người thi hành công vụ và Nguyễn Văn Hòa (30 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) về hành vi làm nhục người khác.
Theo cơ quan công an, Hòa và chị N.T.N (30 tuổi, em gái Phong) chung sống với nhau như vợ chồng từ năm 2012 đến tháng 8.2015 thì chia tay.
Trong thời gian chung sống, Hòa dùng điện thoại chụp hình, quay phim cảnh ái ân với chị N. Sau khi chia tay Hòa, chị N. gặp và nảy sinh tình cảm với Thanh. Biết được mối quan hệ này, Hòa gửi những hình ảnh ái ân đã chụp cho người thân của chị N. và Thanh.
Bực tức trước hành động của Hòa, sáng 17.2, Thanh nhờ một người tên Đông (chưa rõ lai lịch) mang bom xăng đến ném vào nhà của mẹ ruột Hòa ở xã Quy Đức (H.Bình Chánh) để dằn mặt. Sáng 18.2, Thanh tiếp tục rủ Phong và một người tên Hoàng (chưa rõ lai lịch) mang hung khí đến nhà tìm Hòa, nhưng Hòa kịp phát hiện chạy thoát.
Sau đó, Thanh gọi điện vào số máy của Hòa và hẹn tối ra vòng xoay Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) để “đánh tay đôi”. Vì lo sợ nên Hòa đi trình báo công an xã Quy Đức.
Đúng hẹn, Hòa có mặt ở vòng xoay Nguyễn Văn Linh thì ngay lập tức bị Thanh cùng Phong và một thanh niên khác mang mã tấu, ống tuýp và dao đuổi chém. Các trinh sát hình sự Công an H.Bình Chánh có mặt đã nhanh chóng nổ súng cảnh cáo. Nghe tiếng súng, người thanh niên đi cùng nhóm của Phong bỏ chạy; còn Thanh và Phong trước khi tháo chạy vẫn hung hãn tấn công Hòa.
Khi các đối tượng gây rối tháo chạy, thượng sĩ Phạm Phúc Tú (thuộc Đội Cảnh sát hình sự Công an H.Bình Chánh) đuổi theo quật ngã Phong. Trong lúc thượng sĩ Tú đang khống chế Phong thì bất ngờ bị Thanh từ phía sau lao tới vung mã tấu chém để giải vây cho Phong.
Thượng sĩ Tú nhanh chóng được đồng đội đưa đi cấp cứu ở BV H.Bình Chánh và phải khâu 20 mũi ở bàn chân.
Thanh và Phong bị các trinh sát hình sự khác bắt tại hiện trường. Công an H.Bình Chánh đang xác minh và truy tìm đồng phạm còn lại trong nhóm của Phong.
Bí thư Đinh La Thăng tìm giải pháp chống quá tải bệnh viện ở TP.HCM
Chiều nay, 22.2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đến thăm hỏi và tặng quà cho Giáo sư Trần Đông A (tại nhà riêng ở Q.2) nhân sắp đến ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.
Cuộc gặp gỡ diễn ra thân tình vì hai người biết nhau ở những kì họp Quốc hội trước đây và Giáo sư Trần Đông A từng có thời gian chữa bệnh cho con của Bí thư Đinh La Thăng.
Giáo sư Trần Đông A chia sẻ cùng Bí thư Đinh La Thăng về những trăn trở trong lĩnh vực y tế. Đó là tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở TP.HCM khiến người dân cực khổ và “Việt Nam là nước sử dụng kháng sinh bừa bãi nhất thế giới”.
Với tư cách là người đứng đầu Thành ủy TP.HCM, ông Đinh La Thăng mong muốn Giáo sư Trần Đông A góp ý về giải pháp để khắc phục tình trạng trên. Giáo sư Trần Đông A cho hay, để chống tình trạng quá tải, TP.HCM cần thành lập các khoa đào tạo đội ngũ bác sĩ gia đình.
Bí Thư Đinh La Thăng thăm hỏi Giáo sư Trần Đông A - Ảnh: Trung Hiếu
Ngoài ra, để tránh tình trạng dùng thuốc bừa bãi, Giáo sư Trần Đông A góp lý cần phải điều chỉnh Luật Dược, nếu cần thiết Bộ y tế nên ra hẳn cuốn cẩm nang hướng dẫn sử dụng thuốc. Nội dung cẩm nang sẽ hướng dẫn người dân dùng thuốc sao cho đúng cách; quy định hẳn những loại thuốc nào phải sử dụng cần toa và loại nào không. Giải pháp tiếp theo là các tiệm thuốc ở Việt Nam không được tự ý kê toa bán thuốc cho người bệnh.
Quảng Ngãi kỷ luật 50 công chức, viên chức vi phạm pháp luật
Ngày 21.2, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã gửi báo cáo cho Bộ Nội vụ về việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh có hành vi vi phạm pháp luật trong năm 2015.
Theo đó, 50 công chức, viên chức vi phạm đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 19 công chức và 31 viên chức.
Trong số 19 công chức bị xử lý kỷ luật có 10 trường hợp bị khiển trách, 5 trường hợp bị cảnh cáo, 1 trường hợp bị giáng chức, buộc thôi việc 2 trường hợp và hạ bậc lương 1 trường hợp.
Đối với 31 viên chức bị kỷ luật có 21 trường hợp bị khiển trách, 3 trường hợp bị cảnh cáo và 7 trường hợp buộc thôi việc.
Ngoài ra, trong năm 2015, các cơ quan, đơn vị, địa phương theo thẩm quyền được phân cấp đã tiến hành xử lý kỷ luật và kiểm điểm 8 cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm hoặc để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, trong đó có 2 trường hợp bị cách chức, bãi nhiệm.
(
Tinkinhte
tổng hợp)